Giữa những ngày tiết đông se lạnh, khiến con người trổi dậy cảm giác lân lân bồi hồi, gợi nhớ về thời thơ ấu vào giai đoạn tuổi đời không còn trẻ nữa. Tách trà – ly cà phê nhỏ, những hương vị giản đơn của cuộc sống giúp ta tua chậm lại những thước phim đã cũ.
Năm 6 tuổi, nhà gần chùa, đó có thể được xem là một thiện duyên, được nhìn thấy nếp sinh hoạt của GĐPT, được đến chùa tụng kinh hằng đêm, được quý Thầy nâng niu vỗ đầu khi dần thuộc những bài sám ngắn, những viên kẹo những cái bánh khuyên tấn đứa trẻ 6 tuổi khi ấy siêng năng hơn. Rồi không biết tự khi nào những bài sám đã được “sắp xếp” ngay ngắn trong tìm thức. Không biết do sự quan tâm gần gũi của quý Thầy hay do thời đó chưa có những thú vui điện tử như thời nay mà các em nhỏ ngày ấy chiều chiều đều háo hức cùng các bà, các mẹ đến chùa tụng kinh mỗi tối. Nói là “đi tụng kinh” chứ có biết chữ hay hiểu được ý nghĩa trong Kinh gì đâu, chỉ là đọc theo nhưng do không hiểu nên khó thuộc, không đọc theo kịp đâm ra chán. Chỉ đến khi tụng sám thì vỡ òa, thuộc bao nhiêu đem ra đọc thiệt lớn để được khen,… (như vậy rất thích).
Rồi có hôm quý Thầy rãnh kêu lại dạy cho bài “Trầm Hương Đốt”, quý Thầy hát trước, đám trẻ hát theo. Vậy mà vui lắm, cứ lân la đến chùa để được tham gia các hoạt động ngoại khóa cùng quý Thầy tại chùa, để chờ được quý Thầy dạy hát cho thôi! Lâu dần, được Thầy hướng dẫn: “Diệu Phương có khiếu, qua sinh hoạt GĐPT nghe con”. Ngày ấy, cũng chẳng biết sinh hoạt GĐPT là gì? Chỉ đến khi Thầy gọi anh Minh Kim – Lâm Văn Núi đến và bàn giao bọn trẻ qua cho các anh, chị hướng dẫn theo sự sắp xếp của các anh chị thì các bạn sẽ gặp nhau hằng tuần vào chiều chủ nhật. Lúc ấy với các bạn nhỏ như vậy đã là niềm vui. Sau thời kinh ngắn, đọc theo anh chị, đoạn nào thuộc thì đọc thiệt to, đoạn nào chưa thuộc thì lảm nhảm theo, vậy mà lâu dần thành nếp.
Thích nhất là sau thời Kinh, anh chị sẽ dạy hát và các trò chơi vui nhộn. Điều thích nhất trong khoảng thời gian buổi chiều chủ nhật ấy vẫn là rổ trái cây của quý Thầy mang đến chia đều cho mỗi bạn. Lâu dần thành thói quen, đến chùa gặp các anh chị, được các anh chị hướng dẫn các hoạt động năng khiếu như các gút dây thông dụng, các dấu đi đường đơn giản, thắt chim cò bằng lá dừa,… Vào các mùa Đại lễ thì đi theo các anh chị xem cách xây dựng chương trình văn nghệ, rồi dựng sân khấu bằng những tàu dừa hay những nhành đủng đỉnh để phục vụ cho quý Phật tử tại địa phương. Thật ra những đứa trẻ chúng tôi có làm được gì đâu, đi theo phá là chính, đôi khi giỡn rồi khóc quấy khiến các anh chị lớn phải dành thời gian can ngăn, dỗ dành từng đứa. Khi có cơ hội cùng các anh chị tham gia giao lưu các hoạt động ngoại khóa, cùng chơi trò chơi lớn, lúc nào những đứa nhỏ tụi em cũng được các anh lớn cõng trên lưng.
Dẫu giờ đây, những đứa trẻ đã bước vào độ tuổi “60 năm cuộc đời”, còn các anh chị có người đã rời xa “chốn tạm bợ”. Vậy mà chính những hình ảnh đẹp, những kí ức đẹp, những đức tính hy sinh đó đã đúc kết, rèn giũa nên Diệu Phương – người huynh trưởng của GĐPT Việt Nam ngày nay.
Do biến thiên lịch sử của đất nước, sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng năm 1975. Đến 1992, GĐPT được phục hoạt với đầy đủ chức năng, vậy là GĐPT Tam Bảo Hà Tiên là đơn vị “thức dậy” sớm nhất sau thời gian “ngủ đông”.
Dưới sự lãnh đạo của Ni trưởng Thích Nữ Như Hải – nguyên trưởng ban hướng dẫn Phật tử tỉnh Kiên Giang. Người xuất thân từ GĐPT, thế nên đường lối hướng dẫn của Ni trưởng đối với lứa tuổi thanh thiếu đồng niên của Ni trưởng rất thuần thục. Dưới sự hướng dẫn, huấn luyện của Ni trưởng đơn vị đã trở lại sinh hoạt khởi sắc. Diệu Phương được chỉ định làm Liên Đoàn trưởng và căn cứ theo những tài liệu cũ còn xót lại trước năm 1975 mà gầy dựng lại chương trình tu học và sinh hoạt.
Giai đoạn ấy, Diệu Phương chưa từng học qua một khóa huấn luyện huynh trưởng chính thức nào. Chỉ là đi theo đường lối của anh chị đi trước để lại, dùng tình thương được nhận từ các anh chị mà thương đàn em của mình, học cách hy sinh của các anh chị mà hy sinh vì đàn em sau này. Tạo niềm an lạc cho các em sau các thời Kinh trên Chánh Điện, bằng các hoạt động đơn giản như: các trò chơi dân gian, những món ăn đơn giản, những bài hát sinh hoạt, những gút dây thông dụng trong cuộc sống, những buổi trò chuyện hướng dẫn các em cách tháo gỡ khó khăn trong cuộc sống, … Sự gần gũi của anh chị huynh trưởng giúp các em thêm yêu đời và yêu đạo, gieo vào lòng các em sự chánh tín và hiểu biết về luật nhân quả, để các em dần hoàn thiện ở tương lai.
Nhìn lại trên đầu đã hai thứ tóc, cuộc sống đã trên 60 năm, từng thế hệ các em đến rồi đi, đa phần các em khi tiếp thu được giáo lý nhà Phật đều có chỗ đứng trong xã hội, thành công trên lĩnh vực các em lựa chọn. Vậy thì sự hy sinh và đào luyện của người huynh trưởng đã hiệu quả. Ngẫm lại, sự CHO của mình đã nhân bản thành công, nhân lên sự yêu thương, nhân lên trí tuệ, nhân lên sự từ bi. Hy vọng về sau, mỗi khi có dịp về thăm tôi, các em vẫn xem tôi như người Chị để thoải mái chia sẻ về cuộc sống và hát cho tôi nghe “áo em đẹp quá một màu Lam, giản dị thanh cao giữa dòng đời”. Và tôi sẽ tiếp lời “Tôi yêu màu Lam, là màu thêm sức sống. Tôi yêu màu Lam, màu kết bao yêu thương”.
Hà Tiên, ngày 01 tháng 12 năm 2023
(tức ngày 19 tháng 10 năm Quý Mão)
Diệu Phương – Huỳnh Tú Dung
Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý thanh tịnh,
Nói lên hay hành động,
An lạc bước theo sau,
Như bóng, không rời hình.
Phẩm Song Yếu