Không có mối quan hệ nào khắng khít hơn mối quan hệ giữa GĐPT với thầy trụ trì, vì thầy trụ trì là cha, là mẹ đã khai sinh ra đứa con GĐPT ngay tại ngôi chùa của mình. Có thể ví von mối quan hệ giữa thầy trụ trì với GĐPT là mối quan hệ giữa cha mẹ và đàn con. Vì vậy, để cho mối quan hệ ấy bền vững và tốt đẹp , cần đòi hỏi hai bên phải có tình cảm, bổn phận và nghĩa vụ đối với nhau.
Tất nhiên không ai sanh con ra để rồi ghét nó. Vì vậy đặt vấn đề thầy trụ trì phải có tình thương với đàn con Áo Lam là thừa. Tuy nhiên, bên cạnh thầy lại còn tăng (ni) chúng và Phật tử trong chùa. Những người này có thể không vừa ý một hai điều gì đó nơi các em , thí dụ như : gặp chư tăng không biết xá chào, hay chạy giỡn làm ồn ào, đôi khi có một vài em bước lên chánh điện mà quên bỏ mũ ra, hay xả rác trong giờ sinh hoạt v.v… nói chung, chỉ là những lỗi vặt vãnh của trẻ con. Nhưng nếu những sự không vừa ý của tăng chúng và Phật tử trong chùa cứ tác động thường xuyên bên tai thầy trụ trì thì đến một lúc nào đó sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến cảm tình của thầy đối với đàn con Áo Lam. Trường hợp này sẽ không xảy ra nếu thầy trụ trì thường xuyên để mắt tới sinh hoạt của các em và ban lời dạy dỗ đúng lúc.
Đoàn viên GĐPT đại đa số là thanh thiếu nhi, tức là đang độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”. Thậm chí khi đã được làm huynh trưởng tập sự ( 18 – 22 tuổi) thì cũng chưa thể coi là đã thành nhân. Nói chung, nếu các em không được quan tâm uốn nắn thường xuyên thì những lỗi lầm trong hành vi đều có thể diễn ra mọi lúc mọi nơi. Nhưng xét cho cùng, bởi thế nên các bậc tiền bối mới lập ra tổ chức GĐPT, chứ nếu lớp trẻ đều tốt đều giỏi cả thì GĐPT dành để giáo dục ai ?
Vì vậy, trách nhiệm giáo dưỡng các em không chỉ là của hàng huynh trưởng GĐPT, mà là của chung đạo tràng, trong đó vai trò thầy trụ trì là chính yếu, vai trò của tăng (ni) chúng trong chùa là quan trọng và vai trò của các Phật tử lớn tuổi là cần thiết.
Trách nhiệm giáo dưỡng của thầy trụ trì được thực hiện thông qua đội ngũ huynh trưởng mà không trực tiếp đối với đoàn sinh. Những lời nhắc nhở, động viên của thầy trụ trì là kim chỉ nam cho con thuyền Lam đi đúng hướng và có tác dụng giáo dục rất hiệu quả đối với huynh trưởng và đoàn sinh. Chính danh từ “Cố vấn giáo hạnh” của thầy trụ trì đã nói lên trách nhiệm của thầy trong việc giáo dục đoàn sinh GĐPT.
Thông thường, do thầy trụ trì bận nhiều Phật sự nên ban huynh trưởng GĐPT rất khó gặp thầy mỗi khi cần. Để cho sự chỉ đạo của thầy luôn được thường xuyên và sâu sát, thầy trụ trì cần quy định mỗi tuần dành ra từ 30 phút đến 1 tiếng vào chiều chủ nhật, sau giờ sinh hoạt của Gia đình, để ban huynh trưởng trình bày những vấn đề trong sinh hoạt của đơn vị và xin ý kiến chỉ đạo của thầy.
Tăng (ni) chúng trong chùa có thể ví như cô, chú trong một gia đình, vì vậy trách nhiệm giáo dục của chư vị là rất quan trọng. Thay vì than phiền, trách cứ các lỗi lầm của đoàn sinh thì quý vị cần ban lời dạy dỗ các em ngay lúc các em phạm lỗi để góp phần vào công cuộc giáo hóa của nhà chùa đối với hàng thanh thiếu nhi tại địa phương.
Quý Phật tử đạo tràng cũng cần học hỏi nơi thầy trụ trì về lợi ích của việc thành lập GĐPT để hiểu biết và chia sẻ trách nhiệm với chùa, thay vì làm kẻ bàng quan đứng bên ngoài buông lời chê trách. Tóm lại, đối với nhà chùa, GĐPT là một trong những phương tiện hoằng dương chánh pháp, hóa độ quần sanh theo bản nguyện của người Phật tử, trong đó vai trò thầy trụ trì là chủ yếu, chư tăng (ni) và Phật tử trong chùa giữ vai trò hỗ trợ đắc lực và hàng huynh trưởng giữ vị trí thường xuyên và gần gũi nhất với các em đoàn sinh.
Vai trò ban huynh trưởng có tính quyết định trong việc đưa sinh hoạt GĐPT tại một ngôi chùa từ lúc hình thành tinh tiến mãi cho đến lúc thấy được những kết quả giáo dục của đơn vị. Muốn vậy, ban huynh trưởng cần phải có mối quan hệ tốt với thầy trụ trì, tăng (ni) chúng và Phật tử trong chùa. Đó là tình cảm, bổn phận và trách nhiệm của người con đối với cha mẹ, chú bác, cô dì trong một gia đình.
Đó là tình cảm hiếu thuận của con đối với cha mẹ. Ban huynh trưởng phải thường xuyên hướng dẫn đoàn sinh và tự mình nêu gương tốt trong việc thể hiện tình cảm hiếu thuận đối với thầy trụ trì, tăng (ni) chúng và Phật tử trong chùa. Tình cảm này được thể hiện bằng những việc làm cụ thể như : đảnh lễ, xá chào, thưa trình, vâng lời, ăn nói lễ độ và không bao giờ có cử chỉ hay lời nói vô lễ đối với tăng, ni và Phật tử trong chùa.
Người huynh trưởng không được có suy nghĩ, lời nói hay việc làm nào đi ngược lại tôn chỉ, truyền thống và nề nếp của chùa. Không bao giờ nói lỗi hay phê bình tăng, ni và Phật tử trong chùa.
Bổn phận và trách nhiệm mà ban huynh trưởng phải thường xuyên hướng dẫn đoàn sinh và tự mình nêu gương tốt cho đoàn sinh noi theo, đó là bổn phận và trách nhiệm của người con hiếu thuận đối với cha mẹ và chú bác cô dì trong nhà. Cụ thể như :
Tóm lại, mối quan hệ tương duyên giữa GĐPT với thầy trụ trì cùng tăng (ni) chúng và Phật tử trong chùa, tuy thấy vậy chớ là vấn đề “cốt tử” của mọi ban huynh trưởng. Gia trưởng cần khôn khéo xử sự trong mọi tình huống để mối quan hệ ấy luôn bền vững nhằm bảo toàn vị trí GĐPT trong ngôi chùa, tạo điều kiện cho thanh thiếu đồng niên trong vùng có nơi để mỗi chiều chủ nhật tập họp sinh hoạt và tu học, nói theo ông bà ta : “không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc” cho các em.
MINH KIM
(Trích tác phẩm “Tìm Hiểu Về GĐPT”)