Em thường nghe một số Phật tử lớn tuổi nói với nhau rằng: “Bây giờ đang là thời mạt pháp”. Xin Ban biên tập giải thích cho em hiểu “mạt pháp” là gì? Tại sao bây giờ đang là thời mạt pháp? ngocbi….@gmail.com
Bạn ngocbi….@gmail.com thân mến,
“Mạt pháp” là một khái niệm của Phật giáo Trung Hoa. Những người theo thuyết này cho rằng: Mỗi Đức Phật ra đời lập Đạo, Đạo đó thường trải qua 3 thời kỳ: Chánh pháp, Tượng pháp và Mạt pháp.
-Thời “Chánh pháp” là từ khi đức Phật Thích Ca ra đời cho đến hết 500 năm đầu. Đây là thời kỳ người tu dễ đắc đạo vì có Phật trực tiếp chỉ dạy. Sau khi Phật nhập diệt thì ảnh hưởng của Phật vẫn còn nên người tu dễ đắc một trong 4 quả vị Thánh là: Tu đà hườn, Tư đà hàm, A na hàm, A la hán
-Sau 500 năm đầu thì kế tiếp là thời “Tượng pháp” kéo dài 1.000 năm. Vào thời này, chánh pháp bắt đầu sai lệch nên người tu khó đắc đạo.
-Sau khi thời tượng pháp kết thúc thì tới thời “Mạt pháp” kéo dài 10.000 năm. Vào thời này, nhân loại đã cách Phật quá xa, chánh pháp bị pha tạp, đời sống xã hội càng phức tạp, con người càng bớt đi sự tinh tấn chuyên tu. Vì vậy người tu thì nhiều nhưng không mấy ai chứng đắc được 4 quả vị Thánh nêu trên.
Có sách còn đi xa hơn, cho rằng: sau 10.000 năm mạt pháp, con người không còn ai biết đến Phật pháp nữa. Lúc đó sẽ có một vị Phật khác ra đời giáo hóa chúng sanh.
Đối chiếu với dương lịch, chúng ta có thể chia 3 thời pháp một cách cụ thể như sau:
1) Thời Chánh pháp (500 năm): từ khi Phật Thích Ca thành đạo cho đến năm 44 trước Tây lịch.
2) Thời Tượng pháp (1.000 năm): từ năm 45 trước Tây lịch cho đến năm 955 Tây lịch (tương ứng với thời kỳ Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán (năm 938), kết thúc 1000 năm nô lệ giặc Tàu, mở đầu kỷ nguyên độc lập tự chủ của đất nước ta. Vào những năm đầu của thế kỷ I Tây lịch, đạo Phật từ Ấn Độ được truyền sang nước ta bởi các nhà Sư Ấn Độ)
3) Thời Mạt pháp (10.000 năm): từ năm 955 Tây lịch đến nay (Hiện nay là năm 2017, tức là đang trong thời kỳ “mạt pháp” )
Cần nói thêm rằng, sự phân chia trên đây chỉ có tính tương đối, chứ không phải chính xác tuyệt đối
* * *
Suy ngẫm về thuyết “Mạt pháp” của Phật giáo Trung Hoa, chúng ta rút ra quan điểm như sau:
-Một là, thuyết này chỉ đề cập đến việc TU CHỨNG THÁNH của người xuất gia. Theo thuyết này, càng xa Phật thì sự tu chứng thánh của người xuất gia càng ít đi, và dần dần đi đến chỗ không còn người chứng thánh nữa. Chúng ta thấy nhận định này hoàn toàn hợp lý.
Vì ngày xưa, khi Phật còn tại thế thì chánh pháp do chính kim khẩu Phật nói ra, có tác dụng tạo nên niềm tin kiên cố và sự tinh tấn dũng mãnh cho người xuất gia, lại được bậc Đạo Sư đích thân quán xét căn cơ từng người mà bày cho đề mục và phương pháp tu tập khế hợp với từng người, do đó mà người tu dễ dàng đắc đạo. Vả chăng, khi một người nào đó chứng được quả thánh nào, liền được Phật ấn chứng, nói ra cho mọi người cùng biết.
Còn ngày nay, nếu có người nào chứng thánh thì chỉ người đó tự biết, chứ có ai dám ấn chứng cho đâu. Vì vậy nếu nói ngày nay không mấy ai chứng thánh thì chỉ đúng trên mặt hiện tượng, còn về thực chất thì chưa chắc đã hoàn toàn đúng.
-Hai là, Phật tử chúng ta ngày nay không được hiểu khái niệm “Mạt pháp” theo nghĩa “Phật pháp ngày nay đã mất giá trị và không còn nhiều người tu học nữa”. Vì thực tế thì Đạo Phật ngày nay phát triển rất nhiều so với thời Phật còn tại thế.
Đọc sử Phật giáo, chúng ta biết rằng đạo Phật trong 500 năm đầu chỉ có mặt tại Ấn Độ, Tích Lan và Miến Điện. Sự chậm lan tỏa này chủ yếu là do sự giao thoa giữa các quốc gia còn hạn chế và do phương tiện giao thông thời ấy chưa phát triển. Mãi tới đầu Tây lịch, PG mới lan truyền một cách chậm chạp về phía đông bắc như Việt Nam, Trung Hoa, Tây Tạng v.v…
Vào thế kỷ XXI này, đạo Phật đã có mặt gần như trên toàn thế giới và thu hút rất nhiều người học và tu theo giáo lý Phật Đà. Giá trị của đạo Phật đã được toàn nhân loại khẳng định qua sự kiện Liên Hiệp Quốc chọn đạo Phật là tôn giáo toàn cầu, mặc dù tín đồ Phật giáo không đông bằng các đạo khác. Giá trị của đạo Phật được nhìn nhận qua các mặt: nhân bản, khoa học, hòa bình, bảo vệ môi sinh …
Giáo lý Phật giáo hiện tràn ngập trên các phương tiện truyền thông của nhân loại và được nồng nhiệt tiếp thu và tu tập bởi giới khoa học, trí thức, thậm chí bởi các nhà truyền giáo của các tôn giáo bạn như Thiên Chúa, Tin Lành…
Đối với huynh trưởng Gia Đình Phật Tử, chúng ta không cần biết đến thuyết “Mạt pháp” để làm gì. Bởi vì, nếu chúng ta chỉ nghe loáng thoáng mà không hiểu ý nghĩa chân thật của nó, chúng ta sẽ sanh tâm thối thất và dễ nghe theo lời dụ dỗ của người nào đó mà sa vào các thứ tà đạo hoặc các hình thức tu mê tín mà hiện nay không ít Phật tử đang vướng phải.
Chúng ta hãy nỗ lực tu tập theo chánh pháp như: giữ gìn Năm Giới, thực hành Bát chánh đạo trong đời sống hằng ngày, hằng đêm thực hành Chánh niệm theo phương pháp Thiền Tứ Niệm Xứ v.v… và nhất tâm hướng sự tu tập của chúng ta đến mục đích Trở thành người Phật Tử chân chánh là đảm bảo chúng ta có ngay một cuộc sống an lạc thường ngày.
Còn việc tu chứng thánh là việc của các bậc xuất gia chân chính.
Kính chúc bạn tinh tấn sinh hoạt GĐPT và tu tập để trở thành người Phật tử chân chánh.