Mạng xã hội ngày nay đã không còn quá xa lạ với chúng ta và dường như chúng là một phần cần thiết cho cuộc sống của chúng ta. Với rất nhiều ích lợi mà chúng đem lại thì bên cạnh đó cũng có rất nhiều việc chúng ta cần cân nhắc cho việc sử dụng chúng đặc biệt khi chúng ta là đoàn sinh GĐPT, những con người năng động sáng tạo.
Trong sinh hoạt GĐPT mạng xã hội đã giúp ích rất nhiều, như: giúp các đơn vị liên lạc thư từ với nhau, gọi điện cho nhau mà không phải tốn chi phí như khi dùng di động, nhanh và tiện ích. Như ngày nay, BHD Phân Ban tỉnh muốn liên hệ với các đơn vị để gửi thông báo họp hay họp đột xuất không còn chờ thư bưu điện như trước nữa mà chỉ bằng một cú nhấp chuột là thư đến tay người cần đến. Giúp anh chị em áo Lam mọi miền dễ dàng gắn kết với nhau qua facebook, zalo, chúng còn là nơi ta chia sẻ hình ảnh, tâm trạng… với người thân và bạn bè, Cụ thể là sau kỳ trại huấn luyện Lộc Uyển – A Dục – Huyền Trang anh em áo Lam chia tay nhau nhưng vẫn có thể theo dõi nhau, gọi video call thấy mặt nhau cho thỏa nỗi nhớ tình Lam. Giúp chúng ta tìm tài liệu một cách nhanh chóng và cả kho tàng kiến thức chờ ta khai thác, ví dụ như khi ta dạy một bài Phật Pháp chúng ta có thể tải tranh ảnh thậm chí là video để phục vụ làm bài giảng cho ta, chúng còn là nơi để ta lưu trữ thông tin khắc phục được hạn chế từ việc bảo quản thư từ, hình ảnh…hoặc đơn cử là trang web của BHD Phân Ban tỉnh hay là fanpage của một số GĐPT đã góp phần quảng bá hình ảnh đẹp, những hoạt động sôi nổi của đơn vị mình cho mọi người biết đến… chính vì lẽ đó mà mạng xã hội được khẳng định là một phần thiết yếu cho cuộc sống hiện đại ngày nay.
Bên cạnh vô vàn lợi ích đó thì vẫn tồn tại những tác hại mà đôi khi chúng ta quên mất đi. Có những trường hợp thực tế mà chúng tôi đã thấy, đã suy xét rằng nó đúng hay sai? Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa dám kết luận là đúng hay sai, mà chỉ là nhận định đẹp hay chưa đẹp về mặt hình ảnh của một số ít đoàn sinh GĐPT .
Có những hình ảnh như các bạn Đoàn sinh đôi khi là cả một vài anh chị huynh trưởng tập sự mặc đoàn phục mà lại mang dép quai kẹp (còn gọi là dép Lào), hoặc là Thiếu Nam tai xỏ đeo bông, tóc nhuộm màu hay cắt tóc kiểu abc (những kiểu tóc chưa phù hợp), đôi khi bỏ áo vào quần mà chẳng có một sợi thắt lưng, có thể việc đeo thắt lưng chưa có quy định bắt buộc hay không nhưng rõ ràng một việc nó góp phần làm cho bộ đồng phục mất đi vẻ trang nghiêm khi thiếu vắng nó. Có câu “Nhìn đồng phục biết tư cách” thật vậy, những việc vừa kể trên nó chẳng giúp chúng ta mạnh mẽ hơn hay đẹp hơn hoặc giả là được kính trọng hơn. Còn chưa kể đến khi Thiếu Nữ mặc áo dài Lam mà đăng lên mạng xã hội những hình ảnh, video chưa thật thanh lịch, nếu không muốn nói là “kém duyên”, có thể nhiều người đọc sẽ cảm thấy chúng tôi khắc khe trong cách nhìn nhận tuy nhiên chúng tôi vẫn nêu lên đây để chúng ta cùng suy ngẫm về nó, áo dài đã có bề dày lịch sử là biểu tượng duyên dáng của người phụ nữ Việt Nam. Ngoài ra, áo dài Lam còn mang ý nghĩa rất lớn của người đoàn sinh nữ GĐPT, vì thế việc đăng lên mạng xã hội những hình ảnh đó thì thật sự là chưa đẹp.
Còn những hình ảnh khác cũng chưa được đẹp, một vài đoàn sinh mang dép, mang giày dơ mà leo trèo lên các hoa sen trong vườn Lâm Tì Ni (quan cảnh nhân tạo ở các chùa) đứng lên đó mà chụp ảnh, cũng có người mặc đoàn phục rồi đi ăn quán thức ăn mặn rồi chụp ảnh đăng lên facebook, zalo, instagram…
Chúng tôi nhận định những hình ảnh vửa kể trên đều là những hình ảnh chưa đẹp, chứ chúng tôi không dám nhận định nó là sai vì facebook hay zalo là của từng cá nhân họ có quyền quyết định đăng hay không đăng những hình ảnh đó. Tuy nhiên, nếu chúng ta áp nó vào nội quy GĐPT hay chúng ta nhìn xem thử con em chúng ta đi học phổ thông có phải có những quy định về đồng phục rất rõ ràng không? Vì lẽ đó những việc làm như thế la sai? Một tác hại mà ta có thể nhìn thấy rõ ràng nhất là các anh chị sẽ mất dần uy tín với các em nếu những hình ảnh “lè phè” này còn tồn tại, hoặc là cả một thế hệ đoàn sinh sẽ “lè phè” như anh chị lớn vì chúng ta là gương.
Mạng xã hội giúp chúng ta khai thác, tìm kiếm… nhưng chúng ta phải biết chọn lọc vì chúng ta đều biết mạng xã hội là “một bãi rác lớn” nên chúng ta phải biết phân biệt đâu là cái kiến thức “vàng” chúng ta cần còn cái nào là “rác”. Ví dụ như ta tìm tài liệu về Lược Sử Đức Phật Thích Ca thì có vô vàn kết quả hiện ra tuy nhiên có quá nhiều thông tin nhiễu nếu chúng ta không tìm tòi, so sánh giữa các nguồn và không có nguồn căn cứ chính thống, ý chúng tôi là khi tìm thấy cái gì thì chúng ta phải căn cứ vào kinh sách của Phật để lại, chứ chúng ta không thể nhắm mắt lấy đại một nguồn nó không phù hợp về tính khoa học mà đôi khi nó còn sai lệch về thông tin.
Mạng xã hội là “con dao hai lưỡi” nó rất sắc bén nếu khéo sử dụng nó sẽ trở thành con dao cắt rau củ cực kỳ đẹp và tốt tạo ra những nét cắt tuyệt vời, còn nếu chúng ta sử dụng chúng một cách không kiểm soát thì chắc chắn một điều nó sẽ làm cho ta đứt tay và chảy máu. Hãy cân nhắc thật kỹ, nếu bạn đang sử dụng tốt nó thì hãy phát huy, nếu bạn đã lỡ bị đứt tay thì hãy rút kinh nghiệm và xử lý tốt nó đừng để bị “nhiễm trùng”. Trước khi đăng ảnh, video hãy xem kỹ chúng ta đang đăng cái gì? Nó “đẹp” hay chưa? HÃY THẬT THẬN TRỌNG.
D.O
Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý thanh tịnh,
Nói lên hay hành động,
An lạc bước theo sau,
Như bóng, không rời hình.
Phẩm Song Yếu