Kính thưa Ban biên tập,
Theo hiểu biết riêng tôi thì tôn giáo nào cũng có giáo quyền, nhưng Phật giáo lại không có giáo quyền. Xin BBT giải thích cho tôi hiểu vì sao Phật giáo không có giáo quyền? Có phải vì không có giáo quyền nên người ta mới dám giả danh lợi dụng Phật giáo như trường hợp “Tịnh thất Bồng Lai” mới đây không?
(Thiện Đạo – An Giang)
Bạn Thiện Đạo thân mến,
Trước khi tìm hiểu vì sao Phật giáo có hay không có giáo quyền, chúng ta cần có hiểu biết đúng đắn về hai từ “giáo quyền”.
Thế nào là giáo quyền? Theo định nghĩa thông thường ai cũng hiểu: Giáo quyền là quyền lực của giáo hội một tôn giáo.Quyền lực ấy, ban sơ là để áp dụng trong nội bộ nhằm để duy trì trật tự kỷ cương trong tổ chức. Nếu chỉ như thế thì không có gì để nói, nhưng có những tôn giáo như đạo Ki-tô Vatican (còn gọi là Công giáo) hay Hồi giáo, những người lãnh đạo hai tôn giáo ấy đã lợi dụng sức mạnh đông đảo của tín đồ để phát triển giáo quyền vươn ra ngoài phạm vi giáo hội, lấn át cả thế quyền (chánh quyền) gây ra biết bao uất hận, đau thương cho nhân loại.
Thí dụ như vào thời trung cổ tại các nước châu Âu, Giáo hội Vatican đã lập ra các tòa án dị giáo để xét xử những ai có tư tưởng đi ngược lại kinh thánh. Tòa án này đã nhân danh Chúa mà kết tội oan ức không biết bao nhiêu người, trong đó nổi tiếng nhất là nhà thiên văn học Galilé vì ông dám nói lên sự thật “Trái đất xoay quanh mặt trời” trong khi kinh thánh dạy rằng “Mặt trời xoay chung quanh trái đất” vân vân…
Chẳng những gây tội ác tại châu Âu, Vatican còn có tham vọng bành trướng ra các nước châu Á, châu Phi và châu Mỹ La tinh v.v… Từ đó, các giáo hoàng đã liên minh với các đế quốc thực dân như: Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Anh, Pháp, Mỹ v.v… mang tàu chiến, súng ống, bom đạn, chất độc da cam dioxin… đi thôn tính các nước nhược tiểu để bắt dân tộc ấy làm con chiên, biến đất nước ấy thành “nước chúa”. Ôi, cái giáo hội Vatican sao mà tham lam vô độ, bất nhân và tàn ác quá!
Trước tình trạng thần quyền lấn át thế quyền, giáo quyền cấu kết với thực dân đế quốc làm bao điều xấu xa tác tệ cho nhân loại như thế thì phản ứng của những người có lương tri như thế nào?
Ngay từ nhũng năm đầu thế kỷ XVIII tại một số nước châu Âu như Nga, Anh, Pháp v.v…đã nổi lên phong trào đòi tách thần quyền (giáo quyền) ra khỏi thế quyền để hạn chế tình trạng Giáo hội Vatican khuynh đảo chính phủ các nước ấy. Dĩ nhiên Vatican không bao giờ chấp thuận đòi hỏi ấy. Do vậy giáo hội Thiên Chúa giáo một số nước đã tách ra thành lập giáo hội mới, không còn nằm trong giáo hội Vatican nữa. Thí dụ:
Lịch sử tội ác của các giáo hội tôn giáo nhất thần lấy giáo quyền cấu kết thế quyền gây ra cho nhân loại cao như núi. Quý độc giả muốn hiếu thêm về vấn đề này xin vào trang Web Mảng Lịch Sử Chưa Viết của ông bà Nguyễn Mạnh Quang & Lâm Phú Châu tìm đọc.
Hiện nay, trên thế giới có 03 tôn giáo áp dụng giáo quyền trong việc điều hành hoạt động giáo hội một cách chặc chẽ, hiệu quả là : đạo Công giáo, đạo Hồi và đạo Tin Lành, nhưng chặc chẽ và hiệu quả nhất vẫn là Công giáo vì đạo này có một giáo hội mẹ là Vatican có quyền quyết định về mọi vấn đề của tất cả giáo hội con trên thế giới, dù đó là ở một nước rộng lớn như Hoa Kỳ hay ở một nước nhỏ bé như Singapore. Tất cả hồng y, giám mục và linh mục trên thế giới đều là “quan chức” của triều đình Vatican, không một quốc gia nào có quyền bắt tội họ khi chưa được Vatican đồng ý.
Chỉ sơ lược một vài điều về giáo quyền được tiêu biểu qua giáo hội Công giáo (Vatican), bạn đã thấy khủng khiếp chưa?
Bây giờ chúng ta nói sang giáo quyền trong Phật giáo.
Đúng như bạn nghĩ, Phật giáo không có giáo quyền vì những nguyên do sau đây:
Từ khi đức Phật Thích Ca lập ra giáo đoàn đầu tiên, Ngài chủ trương mọi thành viên đều bình đẳng như nhau. Trong giáo đoàn, ngoại trừ đức Phật là bậc Đạo Sư tối cao, thì tất cả Tỳ khưu còn lại đều bình đẳng như nhau. Trong lịch sử Phật giáo có nói đến mười vị đệ tử lớn của đức Phật như: Ca Diếp, A Nan, Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên v.v… là vì họ có những thành công riêng trong công phu tu tập, đức hạnh có điểm nổi trội hơn những người khác nên được Phật tuyên dương. Thí dụ như : Ngài Ca Diếp tu khổ hạnh không ai theo kịp, ngài An Nan có trí nhớ siêu việt, ngài Xá Lợi Phất có trí huệ bao la, ngài Mục Kiền Liên có thần thông quảng đại v.v… Nói tóm lại, mười vị đệ tử lớn được đức Phật tuyên dương là do công đức tu tập của các vị ấy, chứ không phải vì các vi ấy là chức sắc cao cấp do đức Phật tấn phong trong giáo hội thời bấy giờ. Chúng ta thấy rằng suốt 45 năm truyến bá chánh pháp khắp một vùng đông-bắc Ấn Độ, đức Phật chưa bao giờ thành lập một giáo hội Phật giáo nào cả. Thậm chí, trong giờ phút sắp nhập Vô-Dư-Y Niết bàn, đức Phật còn từ chối chỉ định một đệ tử kế thừa ngôi vị lãnh đạo Tăng đoàn của Ngài. Trả lời nỗi băn khoăn của các đệ tử : “Thế Tôn nhập Niết bàn rồi, chúng con biết nương tựa vào ai?” , bậc Đạo sư dạy : “Các con hãy lấy giới luật làm thầy và hãy nương tựa vào chính mình. Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”.
Sau khi đức Phật nhập diệt cho đến tận thế kỷ XII, Phật giáo tại Ấn Độ cũng không có tổ chức giáo hội, mà vẫn giữ nề nếp tu hành giống như thời Phật còn tại thế. Sau đó quân Hồi giáo Á Rập từ Trung Đông tràn sang đánh chiếm đất nước Ấn Độ. Chúng đã tiêu diệt hoàn toàn Phật giáo tại Ấn Độ khiến cho đạo Phật mất tích ngay trên quê hương của mình cho đến cuối thế kỷ XIX nhờ một số nhà khoa học Anh Quốc khai quật các di chỉ khảo cổ đã lần lượt phát hiện ra các thánh tích của Phật giáo, nhờ đó đạo Phật mới được dần dần hồi phục tại Ấn Độ.
Các tu sĩ từ Ấn Độ đi truyền bá Phật pháp ra nước ngoài đều dựa trên chính lý tưởng và sự nỗ lực của riêng mình, chứ không có sự giúp đỡ nào từ các giáo đoàn Phật giáo trong nước. Phật giáo tại một quốc gia hình thành và phát triển cũng là do lý tưởng và nỗ lực của các cá nhân, từ đó hình thành dần các ngôi chùa. Một số ngôi chùa có cùng tông môn họp lại thành hệ phái. Đến một lúc nào đó, sự phát triển của đạo Phật tại một quốc gia đã trở nên phong phú, đa dạng tới chỗ gần như phức tạp. Đến lúc ấy, một số tu sĩ đạo cao đức trọng trong nước thấy rằng cần phải tập họp tất cả các tông môn, hệ phái Phật giáo trong nước lại để hình thành giáo hội với mục đích thống nhất tổ chức, thống nhất giáo lý, thống nhất lề lối tu hành v.v…Thế là các vị ấy đi đây đó vận động các chùa vào giáo hội. Rồi còn phải vận động chánh quyền cho phép v.v… Sau rất nhiều nỗ lực, cuộc vận động dần đi đến kết quả sau cùng là một giáo hội Phật giáo được thành lập.
Để điều hành mọi hoạt động của giáo hội, người ta thành lập một văn bản pháp quy gọi là Hiến chương, trong đó quy định (với sự đồng thuận của tất cả thành viên trong giáo hội) những điều cần thiết làm cơ sở cho hoạt động giáo hội. Chùa nào là thành viên của giáo hội thì căn cứ vào những điều quy định trong Hiến chương mà hoạt động. Chùa nào vi phạm Hiến chương thì được nhắc nhở. Tuyệt đối trong Phật giáo không có việc áp đặt một quyền lực tối cao nào lên các chùa. Mọi việc được giải quyết trên tinh thần tôn trọng giới luật, thuyết phục và đồng thuận. Đó là đối với những ngôi chùa đã gia nhập giáo hội. Còn những ngôi chùa không gia nhập giáo hội thì không có gì để ràng buộc họ sinh hoạt trong khuôn khổ bản hiến chương cả.
(Thí dụ như hiện nay có một số ít ngôi chùa trong nước còn trung thành với Giáo hội PGVN Thống nhất không chịu gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, những ngôi chùa đó hoạt động độc lập, không tuân theo hiến chương của GHPGVN vì vậy giáo hội không có quyền gì đối với những ngôi chùa đó cả.
Hoặc có những nơi giả tu để trục lợi như Tịnh thất Bồng Lai ở Long An. Vì họ không gia nhập GHPGVN nên giáo hội cũng không có quyền gì đối với họ)
Vậy, những ngôi chùa (thật) và những ngôi chùa (giả) không gia nhập Giáo hội PGVN hiện nay, ai quản lý họ?
Xin thưa, chánh quyền địa phương quản lý họ, xem họ là một hộ gia đình giống như bao hộ gia đình khác nơi địa phương đó. Luật pháp Việt Nam quy định những ngôi chùa (thật và giả) đó không được hoạt động tín ngưỡng tôn giáo như những ngôi chùa đã gia nhập Giáo hội PGVN.
Thực tế lịch sử Phật giáo trên thế giới trên hai ngàn năm qua cho thấy Phật giáo chưa hề có một giáo hội tối cao giống như Vatican bên Công giáo. Do đó, cũng không hề xảy ra tình trạng giáo quyền Phật giáo chi phối hay lấn át thế quyền tại các quốc gia, dù đạo Phật tại quốc gia đó được xem như quốc giáo (Thí dụ như tại Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia v.v…).
Phật giáo chưa bao giờ cấu kết với bất cứ chánh quyền thực dân nào đem súng đạn đi xâm lược một quốc gia để bắt dân tộc người ta vào đạo Phật cả!
Qua những điều chúng tôi vừa trình bày trên đây, hy vọng bạn đã có hiểu biết nhất định về Giáo quyền trong đạo Phật.
Thân mến chào bạn.
Kính chúc bạn một mùa Xuân Di Lạc tràn đầy hoan hỷ.
Ban Biên Tập