Chùa Sùng Đức, Quê Hương Thứ Hai Của Tôi

G

Vâng, xin thưa trước đây thị trấn An Thới, Phú Quốc được gọi là xứ Cây Dừa. Có lẽ xưa kia nơi đây dừa mọc nhiều lắm nên mới có tên gọi này. Theo tư liệu còn lại thì năm 1850, vua Tự Đức năm thứ 5 có chiếu chỉ sắc phong thành hoàng xứ An Thái (sắc phong Tự Đức đệ ngũ niên hiện nay vẫn còn).

Ngày trước vào thập niên 50 – 60, muốn đến Cây Dừa chỉ có một tuyến đường duy nhất là đường biển. Thời đó chưa có phương tiện vận chuyển hành khách nên người đi phải quá giang ghe lưới hoặc ghe chở hàng, hành trình là trọn một đêm, chiều tối rời cảng Rạch Giá thì đến hừng đông mới tới Phú Quốc. Trong sương mù, khách trông thấy thấp thoáng một mỏm núi vươn xa, đó là núi Ông Đội (Theo truyện Gia Long tẩu quốc thì gọi là Mũi Ông Đội). Đối diện Mũi Ông Đội về phía nam có một hòn nhỏ gọi là Hòn Dăm. Khoảng cách giữa Hòn Dăm và Mũi Ông Đội là một cửa biển, người ta gọi đó là “dòng kinh tàu chạy”, vì tàu muốn vào cảng phải qua dòng kinh này rộng chừng 100 mét.

Phía tây nam Mũi Ông Đội là một bãi cát chạy dài chừng 3 km. Cách Mũi Ông Đội 2 km là khu vực đồn trú của lực lượng hải quân, cạnh đó là bến cảng Cây Dừa với chiếc cầu tàu bằng gỗ nhum.

Triền núi Ông Đội phía tây bắc là một dải đất liền nối dài đến Bắc Đảo dài 70 km. Dưới chân núi Ông Đội có rừng sim và cây mua lưa thưa, thế đất bằng phẳng, bãi cát lài,trũng nước cạn lại có Hòn Dăm chắn ngữ về phia nam nên bốn mùa êm ả không có sóng lớn, ngư dân gọi đây là “trũng già”.

Sở dĩ tôi nhắc đến khu vực này là nguyên nhân của sự duyên khởi ngôi đạo tràng đầu tiên của Phật Giáo An Thới-Phú Quốc, chính là ngôi Phật tự Sùng Đức được khai sanh từ đây.

Vào năm 1959, có một số bà con gốc Quảng Ngãi thuộc huyện Bình Sơn và Đức Phổ di dân theo dạng khai hoang lập ấp thời chánh phủ Ngô Đình Diệm. Họ bị đưa đến vùng Bình Tuy, Sông Bé. Nơi đây còn là rừng rậm hoang vu, cuộc sống di dân vô cùng khó khăn bởi sơn lam chướng khí, vì vậy họ bỏ trốn ra Cây Dừa – Phú Quốc, định cư thành một xóm gọi là xóm Nghĩa Thành.

Thời ấy, khu vực Cây Dừa có ba nhóm dân:

-Nhóm người miền Tây Nam bộ và người Bình Định đến trước, họ ở dọc theo bến cảng giáp núi Hòn Đèn phía tây nam mũi Ông Đội. Nhóm dân này sinh sống bằng nghề đánh cá và chế biến nước mắm nên gọi là “xóm nhà thùng”

-Phía tây bắc bến cảng giáp với chân Núi Tượng có một số dân miền Bắc di cư năm 1954 đến đây khai phá lập nghiệp. Nhóm này là tín đồ đạo Thiên Chúa, họ thành lập giáo xứ Hưng Văn, năm 1958 họ xây dựng một ngôi nhà nguyện tại đây.

-Xóm Nghĩa Thành có nhiều người gốc đạo Phật. Khi đến đây định cư, họ thường bị nhóm người đạo Thiên Chúa chèn ép và quyến dụ họ vào đạo. Từ đó, để khẳng định đức tin Phật Giáo của mình, đồng thời cũng để tạo dựng lại hình ảnh quê hương miền Trung nơi vùng đất mới, làm dịu đi phần nào nỗi vất vả khổ cực của kiếp sống tha phương cầu thực, họ chung tay xây dựng nên một thảo am thờ Phật bằng cây rừng và tranh nứa.

Buổi sơ khai, trong nhóm Nghĩa Thành có một cư sĩ trước đây có quy y thọ giáo theo tông phái Cổ Sơn Môn, tục danh Dương Đình Châu, có biết một số kinh kệ và nghi lễ thờ cúng. Ông đứng ra hướng dẫn bà con tu học và hình thành nên một đạo tràng khiêm nhượng dẫn dắt bà con trong những ngày lễ vía và sóc-vọng.

Ít lâu sau đó lại có thêm  một số người gốc Quảng Trị, Thừa Thiên đến sinh sống và làm ăn, trong số này có nhiều huynh trưởng và đoàn sinh Gia Đình Phật Tử. Họ đến tham gia đạo tràng, trùng tu ngôi Phật điện và tổ chức sinh hoạt tu học cho thanh thiếu đồng niên, tạo nên một sinh khí nhộn nhịp phấn khởi trong cộng đồng Phật Giáo xứ Cây Dừa.

Cư sĩ Dương Đình Châu lúc bấy giờ quyết định xuất gia hộ đạo. Ông bái sư cầu đạo với Hòa thượng Thích Thiện Đạo chùa Sùng Hưng, thị trấn Dương Đông-Phú Quốc, được bổn sư làm lễ xuất gia và ban pháp hiệu Như Ngọc thuộc dòng Lâm Tế. Từ đó thầy Thích Như Ngọc làm giáo thọ xứ Nghĩa Thành.

Năm 1966, chính quyền Sài Gòn chủ trương mở rộng trại giam Cây Dừa và xây dựng sân bay tuyến hàng không Sài Gòn – An Thới nên dân xóm Nghĩa Thành phải khăn gói dọn đến nơi ở mới, đó là khu vực phía bắc núi Hòn Đèn (nay là tổ 1 khu phố 2, thị trấn An Thới)

Sau khi an cư nơi ở mới, bà con nghĩ ngay đến việc cất chùa, và một ban xây dựng được thành lập, gồm:

-Đại Đức Thích Như Ngọc, trưởng ban

-Bác Nguyễn Quyền, phó ban

-Bác Trần Lượng, thủ quỹ

-Bác Lê Khế, thư ký

-Bác Lê Hoa,  Trần Lợi, đốc công

-Bác Phạm Suông, Phạm Toàn, Huỳnh Lầu, ủy viên

Năm 1966, ngôi Phật đường được xây dựng kiên cố bằng xi măng cốt thép, mái lợp fibrô ; diện tích chánh điện 100 mét vuông, diện tích nhà hậu tổ 80 mét vuông. Thiết kế chùa theo lối chùa miền Nam bốn mái có cổ lầu trên hình tứ trụ, hai tầng mái. Chánh điện tôn trí tượng Phật A Di Đà ngồi trên tòa sen cao 2 mét bằng xi măng sơn màu trắng. Tượng Phật này do một sĩ quan Hoa Kỳ, đại úy Hawk mang từ Sài Gòn ra cúng dường.

Một đại hồng chung nặng 60 kg do hãng nước mắm Phước Ký (Dương Đông) cúng; một trống cổ đường kính 80 cm do hãng nước mắm Hồng Danh cúng; lư đèn, chuông mõ do hãng nước mắm Thanh Bình cúng.

Nhờ sự chung sức chung lòng của Phật tử nên ngôi chùa hoàn thành trong năm 1966 và được đặt tên Sùng Đức tự với ý nghĩa thừa thọ ân đức của Sùng Hưng tự.

chua sung duc phu quoc

Ngày 01 tháng 4 năm 1970, Trung ương Giáo hội PGVN Thống Nhất ra Quyết định công nhận Ban Đại diện Phật Giáo huyện Phú Quốc do HT Thích Thiện Đạo làm chánh đại diện và ĐĐ Thích Như Ngọc làm phó đại diện. Kể từ đó, đạo tràng Sùng Đức càng thêm nhộn nhịp đông vui và Gia Đình Phật Tử Chánh Đức chính thức ra đời năm 1971.

Tháng 4/1975, hòa bình lập lại. Một số di dân trước kia và đoàn viên GĐPT trở về quê miền Trung. Tiếp theo là những năm tháng cuộc sống khó khăn khiến đạo tràng Sùng Đức lâm vào cảnh vắng vẻ u buồn. Ngôi chùa Sùng Đức cũng vì thế mà ngày càng đìu hiu quạnh quẽ, cơ sở vật chất ngày thêm xuống cấp.

Vào ngày rằm tháng giêng năm Giáp Tuất (1994), ĐĐ Thích Như Ngọc, trụ trì Sùng Đức tự triệu tập các bác Phật tử kỳ cựu lập ra Ban Hộ tự nhằm mục đích cùng với thầy quản lý ngôi chùa và tổ chức các hoạt động tu học cho Phật tử. Từ đó hình thành Ban Đại diện Phật Giáo Xã An Thới, được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Xã An Thới chủ trì cuộc bầu cử và UBND Xã An Thới ký Quyết định công nhận thành phần nhân sự Ban Đại diện gồm 4 người:

1.Ông Huỳnh Anh, trưởng ban

2.Ông Dương Đình Hưng, phó ban

3.Ông Nguyễn Thánh, thư ký

4.Bà Lê Thị Bạch Yến, thủ quỹ

Sau khi thành lập Ban Đại diện, thầy Như Ngọc do tuổi già sức yếu, thôi trực tiếp trụ trì chùa Sùng Đức và về nhà sống với con là anh Dương Đình Hưng cho đến ngày mãn phần.

Thời gian này, anh Dương Đình Hưng có mời một sa di là Thích Bửu Minh xuất thân từ chùa Kỳ Viên (Châu Đốc) về chùa Sùng Đức lo Phật sự. Trong 10 năm về ở chùa Sùng Đức, thầy Bửu Minh có trùng tu một số công trình phụ và xây dựng tượng đài Quán Âm cưỡi rồng.

Đến năm 2004, thầy Bửu Minh trở về quê. Ủy ban Mặt trận TQ Xã An Thới giao cho Ban Đại diện PG Xã An Thới tiếp tục quản lý chùa Sùng Đức.

Năm 2005, Ban Trị sự Tỉnh hội Phật Giáo Kiên Giang cử Đại Đức Thích Phước Thiền về chùa Sùng Đức quản lý các mặt Phật sự. Đến năm 2008 BTS ký quyết định công nhận thầy Phước Thiền chính thức trụ trì chùa Sùng Đức.

Đại Đức Thích Phước Thiền xuất gia cầu đạo với Hòa Thượng Thích Giác Phước, viện chủ chùa Phật Quang, thành phố Rạch Giá, Kiên Giang. Thầy về chùa Sùng Đức trong hoàn cảnh rất nhiều khó khăn, nhưng nhờ nhiều thiện duyên và với chí nguyện hoằng dương chánh pháp, thầy đã vượt qua bao trở ngại mà xây dựng ngôi già lam Sùng Đức ngày thêm khang trang hoàn mỹ. Công trình nổi bật nhất từ khi thầy về trụ trì chùa Sùng Đức là 48 tượng Phật A Di Đà tôn trí nơi sân chùa phía trước chánh điện được hoàn thành vào năm 2014, đã thu hút khách hành hương về đây chiêm bái, tạo nên một thắng cảnh du lịch làm đẹp cho thị trấn An Thới nói riêng, đảo ngọc Phú Quốc nói chung.

Mười năm qua, chùa Sùng Đức đón nhận Phật tử đến chùa văn kinh thính pháp ngày càng đông; hoạt động từ thiện xã hội được đẩy mạnh; nhất là sinh hoạt Gia Đình Phật Tử được khôi phục, quy tụ gần 100 thanh thiếu đồng niền hằng tuần đến tu học vào buổi chiều chủ nhật.

Chùa Sùng Đức tính đến nay đã trải qua 50 mùa mưa nắng với biết bao thăng trầm biến đổi theo luật vô thường. Duy chỉ có niềm kính tin Tam Bảo của bao thế hệ Phật tử xứ Cây Dừa là không hề thay đổi. Đó chính là nguồn nội lực tiềm tàng của Phật Giáo An Thới giúp cho đạo Phật đứng vững vàng nơi đảo ngọc Phú Quốc.

Ghi chú: Kế bên Nhà Lao Cây Dừa (An Thới – Phú Quốc) có một bãi tắm rất đẹp. Cát nơi đây trắng tinh, nước biển trong xanh. Trước năm 1975, các cố vấn Mỹ thường xuống đây căm trại dã ngoại, tắm biển vui chơi cả ngày. Họ gọi bãi tắm này với cái tên Mỹ: Camp beach (bãi cắm trại). Ngày nay dân chúng thường gọi Bãi Kem. Gần đây, trong một chương trình quảng bá du lịch, người ta giải thích: “Tại sao gọi là Bãi Kem ? Có lẽ vì cát nơi đây trắng như kem nên mới có tên Bãi Kem…” Giải thích như thế là sai với nguồn gốc xuất xứ tên gọi. Hiện nay, một vài người có ăn học trước năm 1975 còn sót lại ở An Thới đều biết: “Kem” chính là phát âm của người Mỹ khi đọc từ Camp, từ này có nghĩa là “trại”, Camping nghĩa là “cắm trại”.


Response (1)
  1. T
    Toan Pham Tan 04/09/2019

    Bài viết rất hay!
    Bài viết rất chi tiết với nhiều thông tin rất bổ ích ạ, xin cho hỏi tác giả là ại ạ? Và có thể cho biết thêm chút thông tin về Thầy Thiện Đạo được không ạ?
    Cảm ơn!

Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Với hận diệt hận thù,
Ðời này không có được.
Không hận diệt hận thù,
Là định luật ngàn thu.

Phẩm Song Yếu

Tháng 11 năm 2024
03
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Chủ nhật
Ngày Tân Mùi
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
03
Tháng 10
Kiên Giang