Chiếc Áo Lam Truyền Thừa

G
Tôi vào GĐPT năm 1961 lúc ấy tôi học lớp nhất ( nay là lớp năm ).
Trong suốt cuộc đời Áo Lam, sinh hoạt GĐPT tôi được quen biết với 2 người anh cùng tên là Đổ.
Một anh tên Lý văn Đổ pháp danh là Minh  Trọng sinh hoạt chung Gia Đình Chánh Thiện  tại Sóc Trăng ( trước đây là tỉnh Ba Xuyên ) năm 1971-1973, và cùng học chung trại A Dục 1971 tại Chùa Phước Hâu -Trà Ôn do anh Như Tâm Nguyễn Khắc Từ làm Trại Trưởng. Chị Phạm Thị Xuân Phương là Trại trưởng liên trại A Dục –Lộc Uyển I của Miền Khánh Anh ( Ban Quản trại gồm: Chị Xuân Viên, Xuân Hòa, Anh Tâm Kiểm, Tâm Bản). Nay Anh Minh Trọng còn sinh hoạt GĐPT tại Kiên Giang.
Một anh tên là: Trần văn  Đổ pháp danh: Minh Hải ở Tây Ninh ( nhờ anh Chế Hoàng Giác mà tôi biết đầy đủ tên họ và pháp danh) .Tôi biết anh Đổ trong dịp  tình cờ khi dự trại Huyền trang III (1973) tại Long Khánh- Biên Hòa. Năm ấy Trung Ương GĐPT tổ chức Liên trại: Lộc Uyển – A Dục – Huyền Trang do anh Mã Thành Cưng làm Trại Trưởng .Tổng số trại sinh trên 160 ( không nhớ rõ ), riêng trại Huyền Trang là 28 người. Trong trại nầy các trại sinh Lộc Uyển và A Dục ngủ tại trong lều, Huyền Trang thì được ở trong hậu tổ nhà tôn vách tôn. Tôi còn nhớ lúc ấy trại tổ chức gần Noel nên khí trời hơi lạnh, tuy được ở trong nhà, nhưng nằm dưới nền gạch tàu, nên cái lạnh vẫn làm cho khó chịu, tuy vậy chúng tôi vẫn ngủ ngon lành do quá mệt mỏi của trại huấn luyện.
Trại được tổ chức tại chùa gần sân bay, nên tiếng máy bay lên xuống và thỉnh thoảng tiếng bom nổ từ xa  vọng về đất trại, đấy là âm thanh của đất nước khi còn chiến tranh.
Tôi nhớ đêm trại thứ 2  lúc vừa học xong tiết học đêm, trở về phòng để nghỉ ngơi ,vừa mới chợp mắt, bổng nghe tiếng còi hụ của xe cấp cứu làm giựt mình mọi người chòang  thức dậy, ( nhất là đang sống trong thời chiến tranh ) anh em xúm nhau kè một anh lên băng ca và đưa ra chiếc xe hồng thập tự đã chạy vào trong đất trại, lúc ấy khoảng 1 hoặc 2 giờ sáng. Anh Đổ tên anh trại sinh vừa đưa đi cấp cứu nằm cách tôi 2 người, khi anh được đưa đi thì không thấy trở về trại nữa.
 
Rồi trại huấn luyện cũng kết thúc trãi qua  những ngày trại huấn luyện vất vã. Các trại sinh đã được các anh chị đàn anh đầu đàn như anh Cường, anh Chuẩn, anh Thục, anh Cưng, chị Cúc…đem hết tâm huyết trao truyền những kiến thức, kinh nghiệm và những  tình cảm khó quên, để làm hành trang trong cuộc đời phục vụ Lý tưởng Áo Lam, phục vụ cho các em đoàn sinh thân yêu là những thế hệ tương lai của GĐPT, của Giáo hội, của đất nước, dân tộc.
Đêm lửa trại kết khóa chấm dứt, phần câu chuyện tàn lửa, trời càng khuya thì càng lạnh, cơn gió giật làm các traị sinh rùng mình vì lạnh, anh Quýnh đề nghị các trại sinh Huyền Trang, A dục ngồi vòng trong, các trại sinh Lộc Uyển ngồi vòng ngoài đâu lưng  dựa vào đàn anh Huyền Trang , A Dục. Cái lạnh của mùa Noel mà mà truyền hơi ấm áp của tình Lam, đến nay tôi vẫn không quên…
Đêm truyền đăng, các trại sinh được đánh thức bởi tiếng tù và lúc 12 giờ đêm, Trong không gian yên tỉnh, thỉnh thoảng là những tràng bom B52 vọng về lại từ xa…Trước chánh điện trang nghiêm, với sự chứng minh của thầy trụ trì và các anh chị Huynh trưởng của Ban Quản trại, dưới ngọn nến lung linh dường như  Hồn thiêng sông núi, chư Thánh tử đạo, chư anh linh  các Anh Chị Áo Lam tiền bối đang về đây chứng kiến lời phát nguyện của các trại sinh Huynh trưởng. Trong không gian thiêng liêng tỉnh lặng ấy, đôi mi mắt như muốn sụp mí vì buồn ngủ cộng với cái  mỏi mệt của những ngày trại, đôi lúc  muốn gục té  khi đứng truyền đăng.Tôi cố gắng gượng đừng gục ngã, thỉnh thoảng có tiếng ngã bịch của tiếng do trại sinh đỗ gục do buồn ngủ , suốt đêm truyền đăng tiếng gục té của chừng năm sáu trại sinh .( hơn năm mươi mấy năm sinh hoạt GĐPT có lẽ đêm truyền đăng năm ấy là ấn tượng nhất và còn giữ mãi kỹ niệm đến nay )
Rồi các trại sinh cũng lần lượt chia tay nhau để trở về nhà sinh hoạt, nơi mà các em đoàn sinh thân yêu đang ngóng trông các anh chị Huynh trưởng đi tu học, rèn luyện, để về xây dựng gia đình mình vững mạnh.
 
Thời gian cũng qua đi. Cuộc chiến tranh rồi cũng chấm dứt. Nhưng các anh chị em Áo Lam không được xum vầy như mơ ước mà  mỗi người một nẻo, như chim rã bầy sau trận  mưa sa bão táp. Các đoàn viên Áo Lam có nơi còn sinh hoạt cầm chừng, riêng ở miền Tây Nam Bộ dường như đều ngưng sinh hoạt, chỉ trừ ở tỉnh Kiên giang vẫn duy trì ít ỏi với hình thức là Phật tử đơn thuần tại khuôn viên chùa.
 
Sau cơn mưa trời lại sáng. Khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập năm 1981, đến năm 1997 trong đại hội lần thứ IV công nhận sự hiện diện của Phân Ban Gia Đình Phật Tử nằm trong Ban Hướng Dẫn Phật Tử thuộc Giáo Hội, thì tổ chức Áo Lam dần dần hồi sinh.
Năm 2008 trại huấn luyện Huynh trưởng cấp II Huyền Trang của Phân Ban Hướng GĐPT TW tổ chức đầu tiên sau 1975, giai đoạn I: tại chùa Long Thiền – Bình Dương tôi lại được gặp anh Trần Văn Đổ.
 
Thật bất ngờ!
Thật xúc động!
Sau cuộc chiến tranh khốc liệt!
Sau 35 năm  trại Huyền Trang năm 1973, nay mới gặp lại!
Ôi Tình Lam tuyệt vời!…
 
Trại Huyền Trang I của Phân Ban TW tổ chức kết khóa sau khi qua giai đoạn II tại chùa Vĩnh Nghiêm tại TP HCM. Tất cả các trại sinh được tập họp lại ở trại họp bạn Lục Hòa 6 tại chùa (không nhớ tên) ở Thủ Đức, để nhận chứng chỉ trúng cách Huyền Trang.
Đây cũng là một kỳ trại đáng nhớ vì là trại họp bạn  các GĐPT TP HCM. Vì có  sự góp mặt trên 1200 trại sinh, trại được tổ chức lúc thời điểm cơn bão quyét qua TP, nhưng rất may là cơn bão đã biến thành cơn áp thấp ( có lẽ nhờ Phật độ cho những đứa con GĐPT).Tuy vậy những cơn mưa như trút nước và gió mạnh suốt thời gian  ngày đầu tiên của trại. Đêm lửa trại dự kiến trong chương trình bị hủy bỏ. Các trại sinh ngành Thiếu cả nam, lẫn nữ dường như không can tâm, nên dầm mưa sinh hoạt suốt mấy tiếng đồng hồ với sự “ bó tay” của BQT. Đêm đó đúng là một đêm mưa gió bão bùng, ban đầu các trại sinh còn ở trong lều, càng về khuya thì mưa gió càng lớn, các em Oanh vũ, Thiếu nữ tràn vào  trú mưa ở các am của quý sư, ( kích thước am chừng 4m x 4m  mà chứa cả chục em ) sau khi đã tràn ngập chánh điện, buộc quý sư phải di dời nhường chổ cho các em ướt nhẹp quần áo do mưa bão. Đêm ấy chúng tôi ngủ trong lều, trong điều kiện trên mái lều nước dột, dưới nước chảy, không còn chổ trú mưa, đành mặc áo ấm, áo mưa, hai chân, hai tay trùm  túi ni lon mà ngủ qua đêm.
 
Gần sáng mưa tạnh dần.
Sáng ấy trước giờ tập họp chung, anh Đổ gặp tôi và nói anh có áo Lam mới may thấy tướng tôi, anh nói có lẽ vừa size nên anh tặng chiếc áo kỷ niệm.
 
Khi có Khóa  bậc Lực IV, gặp anh Giác hỏi thăm anh Đổ có đi học Bậc Lực IV nầy không? Anh Giác nói là anh Đổ bệnh nhiều, không thể đi học được.
Trong kỳ tổng kết công tác Phật sự GĐPT năm 2012 hỏi thăm mới biết là anh đã mất do bạo bệnh.
 
Tôi đâu nghĩ là lần gặp ở trại Lục hòa- Thủ Đức là lần gặp sau cùng!
Tôi như lặng người vì cái vô thường của vạn pháp. Tuy là Phật tử cũng biết được cái sinh, trụ, hoại, diệt mà Phật đã chỉ dạy nhưng  cũng không khỏi thấy, bùi ngùi, trống vắng giữa cái mất còn của kiếp người mà trong có tình Áo Lam nồng nàng, ấm êm ,thân ái.
 
Anh Đổ ơi! Chiếc áo Lam anh gửi tặng em là quà kỷ niệm thật vô giá!
Những dịp Lễ hay trại họp bạn, trại huấn luyện em sẽ mặc chiếc áo nầy để như luôn có anh đang hiện diện tham dự những sinh hoạt Áo Lam GĐPT.
Em quyết tâm luôn Tinh tấn tiếp tục bước trên con đường mà các bậc tiền bối Áo Lam đã dầy công khai phá, vun đấp cho các thế hệ đàn em.
Trong đó có anh – Anh Trần văn Đỗ pháp danh: Minh Hải.
 
                                                Mùa Vu Lan Pl 2558
                                                Nhớ về anh Minh Hải –Trần Văn Đổ.
 
                                                Những ngày cuối hè 2014,
                                                Sắp kết thúc năm thứ 3 bậc lực 4.

 


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Với hận diệt hận thù,
Ðời này không có được.
Không hận diệt hận thù,
Là định luật ngàn thu.

Phẩm Song Yếu

Tháng 11 năm 2024
21
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Thứ 5
Ngày Kỷ Sửu
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
21
Tháng 10
Kiên Giang