Khi ngày bắt đầu lên, Tất Đạt nhờ người chủ nhà của chàng, một người lái đó đưa chàng qua sông. Người lái đò đưa chàng trên con thuyền tre. Mặt nước rộng và phẳng lì loang loáng hồng trong ánh nắng ban mai.
– Con sông thật đẹp – Chàng nói với người đồng hành.
– Vâng, người chèo đò đáp. Con sông rất đẹp, tôi yêu thích nó hơn tất cả mọi sự. Tôi đã thường lắng nghe nó, nhìn ngắm nó, và luôn học được ở nó một điều gì. Người ta có thể học được rất nhiều từ một dòng sông.
– Cám ơn ông lái đò, Sa Môn bảo khi chàng lên bờ. Tôi sợ e rằng tôi không có gì để tặng ông, cũng không có tiền trả. Tôi không nhà cửa, tôi là con của một người Bà La Môn và là một vị Sa Môn.
– Điều đó tôi cũng thấy rõ, người chèo đò nói – và tôi không chờ đợi ngài trả công hay cho chác gì tôi. Ngài sẽ cho tôi một lần khác.
– Ông nghĩ vậy sao… Tất Đạt vui mừng hỏi.
– Hẳn là thế. Tôi cũng học điều này từ con sông nữa. Mọi sự đều trở về. Ngài nữa, vị Sa Môn ơi, ngài cũng sẽ trở lại. Nào, chúng ta từ biệt! Mong ngài nghĩ đến tôi khi ngài tế lễ các vị thần.
Họ mỉm cười chia tay. Tất Đạt sung sướng trước sự thân mật của người chèo đò. Anh ta thật giống Thiện Hữu. Chàng nghĩ, vừa mỉm cười. Mọi người ta gặp đều giống Thiện Hữu, mọi người đều biết ơn, dù chính họ xứng đáng được tạ ơn. Mọi người đều ưa phục tòng, mọi người đều ước mong là bạn của ta, vâng lời và ít suy nghĩ. Người ta đều là trẻ con cả.
Đang trưa chàng đi qua một làng mạc. Trẻ con nhảy múa tung tăng trên con đường nhỏ trước mặt những chòi bằng đất sét. Chúng chơi đùa la hét và vật lộn nhau, nhưng bỏ chạy rụt rè khi người Sa Môn lạ lùng xuất hiện. Ở cuối làng, con đường chạy dài theo một dòng suối, và bên bờ suối, một người đàn bà đang quỳ gối giặt giũ. Khi Tất Đạt chào, nàng ngẩng đầu lên nhìn chàng với nụ cười và chàng thấy rõ tròng trắng của mắt nàng chiếu long lanh. Chàng nói lên một lời chúc tụng theo tục lệ những du khách, và hỏi đường còn bao xa nữa là đến thành phố. Khi ấy nàng đứng lên, tiến đến chàng, đôi mắt ướt sáng lên một cách quyến rũ trên gương mặt trẻ của nàng. Nàng trao đổi vài nhận xét với Tất Đạt, hỏi chàng ăn cơm chưa và có phải rằng những Sa Môn ngủ một mình trong rừng ban đêm không được theo người đàn bà nào cả hay không. Đoạn nàng đặt bàn chân trái lên trên chân phải của Tất Đạt và phác một cử chỉ thường làm khi một người đàn bà mời một người đàn ông hưởng thú khoái lạc ái tình mà thánh kinh gọi là “leo xuống cây”. Tất Đạt cảm thấy máu chàng nóng lên và chàng nhận ra hình ảnh giấc chiêm bao của chàng vừa qua, chàng hơi cúi mình về người đàn bà và hôn lên đầu chóp nâu của ngực nàng. Nhìn lên, chàng thấy mặt nàng tươi cười, đầy dục vọng, với đôi mắt hơi nhắm của nàng khẩn cầu khao khát.
Tất Đạt cũng cảm thấy khát khao và lòng rung động vì dục vọng, nhưng vì chàng chưa hề động đến một người đàn bà, chàng hơi do dự một lúc, mặc dù tay chàng đã ôm lấy nàng. Lúc ấy bỗng nghe tiếng nội tâm của chàng, và tiếng ấy nói “Đừng! ”. Rồi tất cả ma lực đều biến đi khỏi khuôn mặt tươi cười của người đàn bà, chàng chỉ nhìn thấy cái nhìn nồng nàn của một người đàn bà trẻ say đắm. Chàng vỗ nhẹ má nàng, và nhanh chân đi khỏi người đàn bà đang tiu nghỉu và khuất bóng trong rừng tre.
Trước khi chiều xuống, chàng đến một thành phố lớn, và chàng sung sướng, vì chàng khao khát gặp người ta. Chàng đã sống trong rừng rú khá lâu và chòi canh của người chèo đò trong đó chàng ngủ đêm trước, là mái nhà đầu tiên trên đầu chàng sau một thời gian dài.
Ngoài phố thị, cạnh một khu rừng đẹp, người lữ hành lang thang gặp một đoàn gia nhân mang đầy những giỏ. Ở giữa, trong một chiếc kiệu trang hoàng có bốn người gánh, một người đàn bà, bà chủ, ngồi trên chiếc ghế dựa đỏ, dưới chiếc tàn lọng sặc sỡ màu. Tất Đạt đứng lặng ở cửa vào khu rừng nhỏ và ngắm đoàn những người tớ trai tớ gái và giỏ. Chàng nhìn chiếc kiệu và người đàn bà ngồi trong. Dưới mớ tóc đen bới cao, chàng thấy một gương mặt rất sáng, dịu hiền và thông minh, một cái miệng đỏ chót như một trái anh đào mới cắt, đôi mày tuyệt xảo và một vòng cung cao, đôi mắt đen láy tinh khôn và ưa quan sát, chiếc cổ thon trắng muốt nổi trên chiếc áo choàng vàng lục của nàng. Đôi bàn tay mịn màng dẻo dai dài và thon, nơi cườm tay đeo những chiếc vòng vàng chói.
Tất Đạt thấy nàng tuyệt đẹp và lòng chàng vui rộn lên. Chàng cúi thấp khi chiếc kiệu đi qua gần chàng, và lại ngẩng đầu lên ngắm gương mặt xinh đẹp trong sáng, nhìn vào đôi mắt bồ câu một lúc và thở hít vào mùi hương mà chàng không nhận ra mùi gì. Người đàn bà đẹp gật đầu mỉm cười một lát, rồi biến khuất trong cụm rừng, theo sau là đàn tôi tớ.
Tất Đạt nghĩ: ta đã vào thành phố này dưới một ngôi sao may mắn. Chàng cảm thấy hăm hở muốn đi vào cụm rừng ngay, nhưng chàng nghĩ lại, vì chàng sực nhớ đến cái nhìn của bọn tôi tớ trai gái nhìn chàng trước cửa đi vào, một tia nhìn khinh mạn và nghi ngờ, một tia nhìn như muốn xua đuổi.
Ta vẫn còn là một Sa Môn, chàng nghĩ, vẫn còn là một nhà khổ hạnh, ăn xin. Ta không thể vẫn là một người như thế. Ta không thể đi vào cụm rừng ấy trong hình thức này. Và chàng cười lớn.
Chàng dò hỏi những người chàng gặp đầu tiên về khu rừng, và về người thiếu phụ; và được biết đó là khu rừng của Kiều Lan, một kỹ nữ danh tiếng, và ngoài khu rừng ra, nàng còn làm chủ một biệt thự trong thành phố. Chàng đi vào thành. Chàng chỉ có một mục đích. Theo đuổi mục đích ấy, chàng rảo bước qua thành phố, đi lang thang trong những đường hẻm, đứng lặng ở vài chỗ, và đứng nghỉ trên bực đá đưa xuống sông. Về chiều, chàng làm quen với một người thợ phụ hớt tóc, người chàng thấy đang làm việc dưới bóng một vòm cây. Chàng lại gặp ông ta đang cầu nguyện trong một ngôi đền, ở đấy ông ta kể lại cho chàng nghe những câu chuyện về thần Tình ái. Ban đêm chàng ngủ giữa những chiếc thuyền trên sông, và sáng sớm, trước khi những khách hàng đầu tiên đến tiệm, chàng đã nhờ người thợ phụ cạo hết râu cho mình. Chàng cũng bảo chải đầu và xức dầu láng. Rồi Tất Đạt đi tắm trên dòng sông.