Câu Chuyện Dòng Sông: Giữa Xã Hội (1)

G

Chương 6
Giữa Xã Hội (1)

Tất Đạt tìm đến Vạn Mỹ, người thương gia, và được chỉ vào một biệt thự giàu có. Gia nhân đưa chàng qua những tấm thảm rộng, vào một phòng, ở đấy chàng ngồi đợi chủ nhà.

Vạn Mỹ đi vào, ông ta là người hoạt bát, dẻo dai, tóc hoa râm, đôi mắt thông minh khôn khéo và cái miệng đầy nhục cảm. Chủ, khách thân mật chào nhau. Người thương gia bắt đầu:

– Tôi được nghe nói ngài là một người Bà La Môn học thức, nhưng muốn đi tìm việc với một thương gia. Vậy ngài túng thiếu lắm sao, nên đi kiếm việc làm…

Tất Đạt trả lời:

– Không, tôi không thiếu, và chẳng bao giờ thiếu gì. Tôi đến từ những vị Sa Môn mà tôi đã chung sống từ lâu.

– Nếu ngài ở trong đoàn Sa Môn, làm sao ngài lại không thiếu thốn… Các vị Sa Môn há không hoàn toàn vô sản…

– Tôi không có gì cả, – Tất Đạt nói – hiểu theo ý ông. Dĩ nhiên là tôi vô sản, nhưng do tôi tự nguyện, vì thế tôi không thiếu thốn.

– Nhưng làm sao ngài sống nếu không có tài sản…

“Nhưng làm sao ngài sống nếu không có tài sản” (ảnh minh họa)

– Tôi chưa bao giờ nghĩ đến điều ấy, thưa ông. Tôi không có gì cả đã gần ba năm nay, nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ về việc phải sống bằng cách nào.

– Nghĩa là ngài sống trên tài sản của kẻ khác…

– Bề ngoài thì như thế. Người thương gia cũng sống trên tư hữu của kẻ khác.

– Cũng đúng, nhưng người thương gia không lấy không. Họ cho lại hàng hóa của họ để trao đổi.

– Điều đó thành như định luật. Mọi người đều có cho, có nhận. Cuộc đời là như vậy.

– Ồ, nhưng nếu ngài không có gì, thì làm sao mà cho…

– Mỗi người cho cái mà mình có. Người lính cho sức mạnh, người thương gia cho hàng hoá, người thầy cho kiến thức, người làm ruộng cho lúa, người chài lưới cho cá.

– Phải lắm, nhưng ngài có thể cho gì… Ngài đã học được gì để cho…

– Tôi có thể suy tư, chờ đợi và nhịn đói.

– Chỉ có thế…

– Tôi nghĩ chỉ có thế.

– Nhưng những thứ ấy dùng để làm gì… Ví dụ như nhịn ăn, để làm gì…

– Nó có giá trị lớn lắm, thưa ông. Khi một người không có gì để ăn, nhịn đói là điều khôn ngoan nhất. Chẳng hạn nếu tôi không học cách nhịn, thì tôi phải tìm việc làm hôm nay, hoặc với ông, hoặc nơi khác, vì cơn đói hướng dẫn tôi. Nhưng bây giờ, tôi có thể chờ đợi một cách bình thản. Tôi không vội vàng, không thiếu thốn, tôi có thể nhịn rất lâu và xem thường sự đói. Vì thế mà nhịn đói là hữu ích, thưa ông.

– Thưa Sa Môn, ngài dạy rất phải. Xin ngài đợi cho một lát.

Vạn Mỹ đi ra, và trở vào với một cuộn giấy trao cho khách, đoạn hỏi:

– Ngài có thể đọc cái này không…

Tất Đạt nhìn vào cuộn giấy và bắt đầu đọc bản giao kèo về thương mãi. Vạn Mỹ bảo:

– Tốt lắm. Bây giờ xin ngài viết cho tôi một câu gì trên tờ giấy này, ông ta trao cho chàng giấy bút. Tất Đạt viết rồi trao trả tờ giấy. Vạn Mỹ đọc: “Viết lách rất tốt, nhưng suy nghĩ còn tốt hơn. Sự khôn khéo rất hay, nhưng kiên tâm còn hay hơn”. Người thương gia ngợi khen:

– Ngài viết hay lắm. Chúng ta sẽ còn bàn luận nhiều, nhưng hôm nay tôi mời ngài làm vị khách và ở trong nhà tôi.

Chúng ta sẽ còn bàn luận nhiều, nhưng hôm nay tôi mời ngài làm vị khách và ở trong nhà tôi. (ảnh minh họa)

Tất Đạt cám ơn ông ta và nhận lời. Người ta đem đến cho chàng áo quần, giày dép, và một gia nhân sửa soạn đồ tắm cho chàng mỗi ngày. Họ dọn cho chàng những mâm cơm ngon lành mỗi ngày hai dạo, nhưng chàng chỉ ăn có một buổi, và không dùng rượu thịt. Vạn Mỹ nói cho chàng nghe về việc mua bán, chỉ cho chàng xem hàng hóa, kho chứa hàng và sổ kế toán. Chàng học nhiều điều mới lạ, nghe nhiều và ít nói. Và nhớ đến lời Kiều Lan dặn, chàng không bao giờ hạ mình trước người thương gia mà buộc ông ta đối với chàng như một người ngang hàng hoặc cao hơn. Vạn Mỹ điều hành công việc cẩn thận say mê, nhưng Tất Đạt xem chúng như một trò chơi mà luật lệ thì chàng học thuộc nên chúng không làm chàng bận tâm.

Ở nhà Vạn Mỹ chưa lâu, chàng đã dự phần trong công việc kinh doanh của ông ta. Tuy thế, hàng ngày chàng vẫn đến thăm Kiều Lan vào giờ nàng mời, ăn vận tề chỉnh, mang giày bóng và mang quà đến tặng nàng. Chàng học hỏi được nhiều nơi đôi môi đỏ khôn khéo của nàng. Bàn tay mềm dịu của nàng dạy chàng rất nhiều. Vốn còn là một đứa con trai khờ dại trong tình yêu, chàng thường đắm mình trong ái ân một cách mù quáng không biết chán chê, không bao giờ thỏa mãn. Nhưng nàng dạy cho chàng rằng không ai có thể hưởng thụ khoái lạc mà không đồng thời ban bố nó, và mỗi cử chỉ, mỗi sự mơn trớn, mỗi cái nhìn, mỗi phần trong cơ thể đều có bí quyết riêng của nó để đem khoái cảm cho người biết thưởng thức. Nàng dạy cho chàng rằng những người yêu đương không nên rời nhau sau khi âu yếm mà không cảm phục nhau, không chinh phục người yêu và bị chinh phục, để cho không có cảm giác ngấy chán hay cô đơn nào phát sinh, và nhất là không có cái cảm giác khủng khiếp là mình đã lạm dụng hay bị lạm dụng. Chàng trải qua những giờ thần dịu bên người kỹ nữ khôn khéo xinh đẹp, và trở thành học trò của nàng, người yêu của nàng, bạn quí của nàng. Giá trị và ý nghĩa của cuộc đời chàng hiện tại ngưng đọng nơi cuộc gần gũi Kiều Lan chứ không phải trong công việc kinh doanh với Vạn Mỹ. Người thương gia giao cho chàng viết những bức thư và ngân phiếu quan trọng và dần dần có lệ hỏi ý chàng về những việc hệ trọng. Chẳng bao lâu ông ta đã nhận thấy rằng Tất Đạt ít hiểu biết về lúa gạo, len, về việc chuyên chở hàng hóa và mậu dịch, nhưng chàng lại có một năng khiếu tự nhiên và vượt hẳn ông ta về sự trầm tĩnh và thản nhiên, trong nghệ thuật nghe và làm cho người lạ có cảm tưởng tốt đẹp về chàng. Ông ta nói với một người bạn:

“Người Bà La Môn này không phải là một thương gia thực thụ và sẽ không bao giờ thành một thương gia cả, hắn không bao giờ say sưa với công việc ấy. Nhưng hắn có cái bí quyết của những người mà sự thành công tự đến với họ một cách dễ dàng, không biết vì hắn ra đời dưới một ngôi sao tốt, hay vì phép lạ, hay vì hắn đã học điều ấy nơi các Sa Môn. Hắn luôn luôn có vẻ thư thái trong công ăn việc làm, công việc chẳng bao giờ làm hắn bận tâm nhiều, hay chi phối hắn. Hắn chẳng bao giờ sợ thất bại và chẳng bao giờ lo mất mát”. Người bạn khuyên thương gia: “Hãy chia cho hắn một phần ba lợi tức của công việc hắn điều khiển, nhưng bắt hắn chịu cùng một tỷ lệ ấy nếu thua lỗ. Như vậy hắn sẽ hăng hái hơn”.


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

 Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi
Ai ôm hiềm hận ấy,
Hận thù không thể nguôi.

Phẩm Song Yếu

Tháng 11 năm 2024
21
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Thứ 5
Ngày Kỷ Sửu
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
21
Tháng 10
Kiên Giang