Đức Cồ Đàm đã lắng nghe, lặng lẽ bất động. Và Ngài cất một giọng nhã nhặn trong sáng:
– Người đã khá nghe những lời giảng dạy, hỡi người thanh niên Bà La Môn, và thật quý hoá người đã nghĩ sâu xa về những lời ấy. Người đã tìm thấy một khuyết điểm. Hãy nghĩ kỹ lại về điều đó. Ta chỉ khuyên người, một người khao khát hiểu biết, hãy tránh xa rừng quan niệm và sự xung đột giữa các danh từ. Quan niệm không có nghĩa gì, chúng có thể đẹp hay xấu, khôn hay dại và bất cứ ai cũng có thể chấp nhận hay bác bỏ. Giáo lý mà người đã nghe, tuy vậy, không phải là quan niệm của ta, và mục đích của nó không phải là để giải thích vũ trụ cho những người ham hiểu biết. Mục đích của nó hoàn toàn khác biệt. Mục đích ấy là giải thoát khỏi khổ đau. Đấy là những gì Cồ Đàm dạy, không gì khác hơn.
– Xin Ngài đừng giận tôi, hỡi đấng Giác Ngộ, người trẻ tuổi nói. Tôi không nói thế để tranh biện với Ngài về danh từ. Ngài rất hợp lý khi dạy rằng quan niệm không có nghĩa lý gì, nhưng xin Ngài cho tôi được nói thêm một lời. Tôi không nghi ngờ rằng Ngài là đức Phật, rằng Ngài đã đạt đến đích cao cả nhất mà người người Bà La Môn và con trai họ đang nỗ lực để đạt đến. Ngài đã đạt được nhờ sự tìm kiếm của riêng Ngài và bằng đường đi của chính Ngài, bằng suy tư, bằng thiền quán, bằng hiểu biết và trí tuệ. Ngài bảo không học được gì từ những lời giảng dạy, và bởi thế, kính bạch đấng Giác Ngộ, tôi nghĩ rằng không ai tìm được giải thoát qua những lời chỉ giáo. Ngài không thể, hỡi đấng Toàn Giác, truyền cho ai bằng danh từ và giáo lý những gì đã đến với Ngài trong giờ Ngài giác ngộ. Lời chỉ giáo của đấng Giác Ngộ bao hàm rất nhiều, dạy rất nhiều, phải sống thế nào, phải tránh điều ác như thế nào. Nhưng có một điều mà giáo lý sáng sủa và giá trị ấy không chứa đựng, ấy là những gì huyền bí mà đấng Giác Ngộ đã chứng nghiệm – Ngài độc nhất giữa hàng trăm nghìn người khác. Chính vì lẽ thế mà tôi phải đi con đường của tôi, không phải để tìm thêm một lý thuyết tốt đẹp hơn, vì tôi biết không có, nhưng để từ bỏ tất cả lý thuyết và thầy dạy, để tự mình đạt đến đích – hay chết. Nhưng tôi sẽ luôn luôn nhớ lại hôm nay, hỡi đấng Toàn Giác, và giờ này, khi mắt tôi được chiêm ngưỡng một bậc thánh nhân.
Mắt của đức Phật hạ thấp xuống, nét mặt khôn dò của Ngài diễn tả một niềm bình an thuần tịnh.
– Ta mong người không lầm trong lối lập luận ấy – Người chậm rãi nói. Mong sao cho người đến đích! Nhưng người hãy nói ta nghe; người đã thấy nhiều bậc thánh thiện tụ họp quanh ta chưa… Những người đệ tử đã quy y theo giáo lý của ta ấy… Hỡi người Sa Môn từ xa đến, người có nghĩ rằng tốt hơn họ nên hồi lại và trở về sự sống thế nhân với dục lạc…
– Tôi không bao giờ nghĩ đến điều đó… Tất Đạt kêu lên. Ước sao cho họ đi đến đích! Mong sao cho họ đều theo lời chỉ giáo! Không phải việc của tôi để đi phê phán cuộc đời khác. Tôi phải phê phán cho chính tôi. Tôi phải lựa chọn và gạt bỏ. Chúng tôi là những Sa Môn tìm kiếm sự giải thoát khỏi bản ngã. Nếu tôi là một trong những đồ đệ của Ngài, tôi sợ rằng đấy chỉ là bề mặt, rằng tôi sẽ tự lừa dối mình là tôi đang bình an và đã giải thoát trong khi thực ra cái ngã vẫn còn tiếp tục sống và tăng trưởng, vì nó sẽ được biến vào trong những lời chỉ giáo của Ngài, trong sự quy y của tôi và lòng thương mến của tôi đối với Ngài và đoàn thể tăng chúng.
Hơi mỉm cười, sắc diện vẫn sáng ngời hào quang, đức Phật thân mật nhìn người khách lạ chăm chăm và Tất Đạt đoán rằng Ngài muốn từ giã chàng.
– Hỡi Sa Môn, ông rất là khôn ngoan, Ngài nói. Ông biết ăn nói khôn khéo lắm, ông bạn. Nhưng hãy cẩn thận trước sự khôn ngoan quá mức.
Đức Phật bỏ đi và cái nhìn của Ngài, nụ cười của Ngài khắc sâu trong ký ức của Tất Đạt mãi mãi. Ta chưa hề thấy một người nhìn, mỉm cười, đi, đứng, ngồi như thế. Tất Đạt tự nhủ: Ta cũng muốn nhìn, cười, đi, đứng như thế, tự tại làm sao, vừa dè dặt, vừa trong sáng hồn nhiên, vừa huyền bí. Một người chỉ nhìn và bước đi như thế một khi họ đã nhiếp phục được Tự ngã. Ta, ta cũng sẽ nhiếp phục được Tự ngã. Ta đã thấy một người, chỉ một người thôi, mà trước người ấy ta phải cúi đầu, – Tất Đạt thầm nghĩ. Ta sẽ không bao giờ cúi đầu trước người nào nữa. Không lời chỉ giáo nào khác sẽ quyến rũ ta được.
Đức Phật đã cướp của ta, Tất Đạt suy nghĩ. Ngài đã cướp của ta, tuy nhiên, Ngài đã cho ta một giá trị khác cao hơn. Ngài đã cướp khỏi tay ta người bạn đã tin tưởng nơi ta mà bây giờ tin theo Ngài, người bạn ấy đã là cái bóng của ta nhưng bây giờ là cái bóng của Cồ Đàm. Nhưng Ngài đã đem lại cho ta chính ta.
Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý ô nhiễm,
Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau,
Như xe, chân vật kéo.
Phẩm Song Yếu 1