Thoạt tiên, ông thầy không tin họ, nhưng sau khi nghe điều đó nhiều lần, ông nghĩ rằng đó là sự thật và thề sẽ trả thù Ahimsaka. Ông thầy nghĩ rằng, việc giết học trò sẽ gây tai tiếng ảnh hưởng xấu cho ông. Sau khi suy nghĩ nhiều phen, ông thầy thực hiện một kế hoạch thâm độc để hại cuộc đời của chàng đệ tử. Một hôm, ông gặp riêng Ahimsaka, với thái độ đầy tin cậy, ông bảo với chàng rằng ông có một bí quyết để trở thành bất tử, nay vì thấy Ahimsaka có đủ những tố chất cần thiết nên ông truyền lại cho chàng.
Ahimsaka xin thầy nói cụ thể đó là bí quyết gì và chàng phải làm những gì. Ông thầy nói nhỏ vào tai chàng : "Nếu con giết đủ một ngàn người, chặt lấy một ngàn ngón tay cái của những người bị con giết và đem về đây cho ta thì ta sẽ dùng nó mà làm phép khiến con có thể trường sinh bất tử.". Ahimsaka là một thanh niên được giáo dục tử tế nên dĩ nhiên không bao giờ chàng chịu làm một việc cực ác như thế. Ông thầy thấy âm mưu của mình không thành, liền ra lệnh đuổi chàng khỏi trường học với lý do : chàng quan hệ bất chánh với vợ của thầy.
Tin Ahimsaka bị đuổi học vì lý do xấu chẳng mấy chốc đã bay về tới tai phụ thân chàng Ahimsaka. Vì vậy, khi chàng vừa về đến nhà thì cha chàng đã nổi trận lôi đình, quát mắng đánh đuổi không cho chàng vào nhà. Ahimsaka giải thích mãi nhưng cha chàng vẫn không nghe; lại nhờ mẹ xin với cha những vẫn không có kết quả. Chàng Ahimsaka tội nghiệp bèn đi đến nhà bên vợ (*) để mong tìm chỗ nương náu, nhưng tại đây chàng cũng bi xua đuổi.
Ô nhục, giận dữ và sợ hãi đã biến Ahimsaka từ một chàng trai hiền ngoan, có giáo dục trở thành một kẻ điên khùng, hiếu sát. Từ đó, Ahimsaka ẩn mình trong một khu rừng hoang như một bóng ma nguy hiểm cho bất cứ kẻ lữ hành nào vô tình đi qua khu rừng ấy. Chàng nổi tiếng với biệt danh "Angulimala" (có nghĩa là "người đeo ngón tay"). Số ngón tay chặt từ những người vô tội bị chàng sát hại cứ tăng dẩn theo thời gian, được chàng xỏ xâu đeo quanh cổ, càng làm cho bộ dạng chàng trở nên hung bạo gớm ghiếc.
Hành động sát nhân của Angulimala thấu đến tai nhà vua. Vua liền ra lệnh mở một chiến dịch truy lùng để bắt hoặc giết Angulimala để loại trừ tai họa cho dân. Bà Mantani, mẹ của Angulimala hay được tin này. Với lòng thương con của một người mẹ, bà chẳng quản hiểm nguy, một mình đi vào rừng tìm Angulimala để khuyên bảo và báo tin cho chàng biết lệnh vua mà trốn đi.
Lúc này, trên cổ Angulimala đã đeo 999 ngón tay. Chàng chỉ cần giết một mạng người nữa là đủ số để luyện phép trường sinh. Vì vậy, việc bà Mantani đi tìm con quả là một việc vô cùng nguy hiểm cho sinh mạng của bà.
Đức Thế Tôn thiền định và biết tất cả sự việc. Ngài suy nghĩ : Nếu Ta không can thiệp ngay bây giờ, có thể bà Mantani, mẹ của Angulimala sẽ là nạn nhân thứ một ngàn của con bà. Trong trường hợp đó, y sẽ chịu quả báo đau khổ lâu dài vì nghiệp ác của mình. Do lòng bi mẫn, Đức Phật một mình đi đến khu rừng kia.
Angulimala rất nôn nóng, y rình rập tại bìa rừng cạnh con đường mòn mà mọi người thường qua lại. Đột nhiên y trông thấy một người đàn bà xâm xâm đi tới. Angulimala xông ra định giết người đàn bà, bỗng chợt nhận ra đó là mẹ mình. Một chút lương tâm con người còn sót lại trong tim khiến y chùng tay do dự. Cùng lúc ấy, y lại nhận thấy một vị sa môn đồng thời xuất hiện sau lưng mẹ y. Angulimala quyết định sẽ giết vị sa môn này. Y cầm con dao sắc bén rượt theo bóng áo vàng. Đức Phật đi một cách khoan thai, không vội vàng, trong khi Angulimala cố gắng chạy theo thật nhanh nhưng vẫn không sao đuổi kịp. Y tức giận quát to : "Này, khất sĩ kia hãy dừng lại. Dừng lại!" Đức Phật trả lời :
-Ta đã dừng lại từ lâu, chính ngươi mới là người chưa dừng lại
-Này, khất sĩ, tại sao ông nói rằng ông đã dừng, còn tôi vẫn chưa dừng ?
-Ta đã dừng lại việc giết hại chúng sanh. Ta đã từ bỏ bạo hành. Còn ngươi, ngươi chưa dừng việc giết hại và bạo hành với người khác.. Do đó, ta nói ngươi chưa dừng lại.
Angulimala chợt rúng động cả thân xác và tâm hồn trước lời nói cũng như phong thái cao quý, từ ái của bậc Đạo Sư. Y chợt nhận ra đây hẳn là bậc Chánh Đẳng Chánh Giác mà mọi người thường ca ngợi. Y sụp quỳ xuống đảnh lễ Ngài và khẩn cầu Đức Thế Tôn thâu nhận y làm đệ tử. Đức Phật im lặng chấp nhận lời thỉnh cầu. Nhà vua, sau khi được biết Đức Thế Tôn đã thâu nhận Angulimala làm đệ tử, ngài ra lệnh cho quan quân thôi không truy cứu tội giết người của y nữa.
Từ đó, tôn giả Angulimala tinh tấn tu tập thiền định. Tuy nhiên, nghiệp ác mà ông đã gieo trong thời gian qua luôn quay trở lại hành hạ, làm cho việc ngồi thiền của ông thường bị trở ngại. Lại nữa, khi cùng với Tăng đoàn đi khất thực, ông chỉ nhận được lời lăng mạ, chưỡi mắng của thân nhân những người đã bị ông giết cùng với nhiều gạch đá do những người này ném vào, không bao giờ tôn giả Angulimala nhận được thức ăn cúng dường. Biết được chuyện này, Đức Phật dặn các đệ tử hãy chia sẻ thức ăn cho Angulimala. Ngài động viên Angulimala với những lời như sau : "Này pháp tử Angulimala, con đã từ bỏ ác nghiệp, hãy kham nhẫn lên. Đây là hậu quả của việc ác con đã gây ra. Đáng lẽ ra ác nghiệp sẽ còn làm con đau khổ qua vô lượng kiếp nếu con không gặp được ta".
Một buổi sáng nọ, trên đường đi khất thực, tôn giả Angulimala nghe tiếng ai đó đang kêu khóc đau đớn. Tìm hiểu, tôn giả được biết đó là trường hợp một thai phụ đang chuyển dạ sinh con. Ông chợt động tâm, nghĩ rằng : tất cả chúng sanh trên thế gian đều phải chịu đau khổ. Rồi tôn giả đem sự việc bạch lại với Thế Tôn. Đức Phật đã dạy ông một lời thệ nguyện, bảo ông hãy đến giúp sản phụ ấy. Tôn giả Angulimala đến trước tấm màn che nói với sản phụ câu thệ nguyện mà Thế Tôn vừa dạy : "Thưa Bà chị, vì rằng tôi từ khi được Thánh sanh đến nay chưa bao giờ cố ý giết hại mạng sống của chúng sanh, mong rằng với sự thật ấy, bà được an toàn, và sanh đẻ được an toàn !" (**) Ngay lập tức, sản phụ liền sinh con một cách dễ dàng.
Trải qua nhiều năm tháng, tôn giả Angulimala chuyên tu thiền định, vui thích đời sống độc cư, xa rời phóng dật. Kết quả, ngài đắc quả A la hán. Sau khi viên tịch được về Vô dư Niết bàn.
Các Tỳ kheo đệ tử thình ý Đức Phật về nơi Tôn giả Angulimala tái sinh, và khi Đức Thế Tôn đáp : Pháp tử Angulimala đã chứng đắc Vô dư Niết bàn thì chư vị không thể tin điều đó. Vì thế, chư vị lại hỏi : liệu có thể nào một người đã giết quá nhiều người như vậy lại có thể chứng đắc Niết bàn Vô dư y chăng ?
Trước câu hỏi này, Đức Phật đáp : "Này các tỷ kheo,Angulimala đã tạo quá nhiều ác nghiệp, vì vị ấy không có bạn tốt. Nhưng về sau vị ấy đã tìm được nhiều thiện hữu tri thức và nhờ sự giúp đỡ cũng như lời khuyên tốt mà vị ấy đã trở nên kiên định và chuyên tâm thực hành giáo pháp và thiền định. Như vậy, nghiệp ác của vị ấy đã được thiện nghiệp lấn át, che phủ và tâm của vị ấy đã hoàn toàn đoạn trừ tất cả lậu hoặc"
Nói xong, bậc Đạo Sư đọc bài kệ :
"Ai dùng các hạnh lành
Xóa mờ bao nghiệp ác
Chiếu sáng cõi đời này
Như trăng thoát khỏi mây"
Diệu Trang (Cần Thơ)
(Theo Thích Nguyên Tạng)
CHÚ THÍCH :
(*) Theo phong tục tảo hôn bên Ấn Độ, hai bên gia đình hứa hôn cho con mình khi chúng mới 8 tuổi. Hai đứa trẻ xem như đã là vợ chồng. Đợi đến khi chúng đủ 18 tuổi mới làm lễ cưới.
(**) Về sau, Phật Giáo Nam tông lấy câu này làm câu thần chú giúp cho sản phụ sinh đẻ dễ dàng, gọi là thần chú Angulimala Paritta (Thần chú hộ mệnh).
Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý ô nhiễm,
Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau,
Như xe, chân vật kéo.
Phẩm Song Yếu 1