Người mới nghe Thầy giảng pháp lần đầu có thể hơi ngỡ ngàng vì những gì Thầy nói ra quá lạ lẫm so với những gì người Phật tử bình thường vẫn được học, được nghe, được thấy bấy lâu nay. Tuy vậy, nếu chịu khó suy nghiệm thì càng thấy pháp do Thầy nói ra đích thật là Chánh Pháp, không thể bác bỏ hay chỉ trích điểm nào được.
Cách diễn đạt Phật Pháp của Thầy đậm chất bình dị dễ hiểu; gặp những chỗ tâm đắc, Thầy cười khà khà như một Ông Ngoại nhà quê đang nói chuyện với đám con cháu. Tuy lời lẽ giản dị, chân phương nhưng ý nghĩa thật thâm sâu vi diệu mà như Thầy thường nói : “Những điều tôi nói không dễ nghe đâu, nhất là đối với người có thói quen đặt niềm tin một cách mù quáng mà không chịu khó tư duy quán chiếu thì càng không thể nghe tôi nói !”
Câu chữ Thầy dùng thường dung dị đến mức một số người cho rằng Thầy là người “thiếu văn hóa, hung dữ, hỗn hào…” như chính lời Thầy vẫn thường “cảnh giác” Phật tử gần xa và tăng, ni trẻ. Thế nhưng, nếu ai có chút tư duy, sẽ nhận ra rằng : câu chữ là do con người đặt ra để làm tín hiệu giao tiếp, bản thân câu chữ không có gì gọi là “văn hóa” hay “không văn hóa” cả ! Người ta càng phê phán Thầy theo luận điểm như trên thì những người biết tư duy quán chiếu càng nhận ra tính cách giải thoát, tự tại của Thầy trước những câu chấp, đãi bôi, học đòi làm sang của thế gian tầm thường.
Mặc dù trong các bài pháp thoại, Thầy thường dùng những lời lẽ nặng nề để chỉ trích mạnh mẽ những lề thói tu hành không đúng chánh pháp, làm sai lạc đường lối tu hành do Đức Thế Tôn để lại…, nhưng nếu ai chịu quán chiếu, sẽ nhận ra đằng sau những lời lẽ quyết liệt ấy là một tâm hồn khoan dung bao la như đại dương, một trái tim từ bi vô hạn, một ý chí khao khát chân lý vô biên và một tinh thần dũng mãnh ít ai sánh kịp. Bởi vì Thầy đã không màng chùa to phật đẹp mà phải nói lời đãi bôi dễ nghe; Thầy cũng không màng tạo phái lập hệ mà phải dùng những mánh khóe “tà đạo” để thu hút quần chúng. Thầy chỉ nói sự thật, “ai nghe thì nghe, ai không chịu nghe cũng chẳng làm sao”. Người Phật tử tại gia nhận ra rằng Thầy thật sự tôn trọng hàng cư sĩ khi “lật bề trái” một số pháp môn hiện nay và trình bày sự thật của những pháp môn ấy cho người Phật tử áp dụng vào đường tu của mình và lánh xa những thứ tà thuyết, tà đạo đội lốt Phật Giáo đang đầy rẫy khắp nơi.
Chúng con đối với Hòa thượng Thích Từ Thông chỉ là kẻ “Văn kỳ thinh, bất kiến kỳ hình”, chẳng qua nhờ nghe nhiều lời nhắc nhở của Thầy mà rút ra vài nhận xét thô thiển trên đây, chưa chắc đã trúng nhưng cũng nói lên tấm lòng kính ngưỡng, suy tôn của một người cư sĩ đối với bậc cao tăng thạc đức hiếm có hiện nay của Phật Giáo Việt Nam.
Xin trân trọng giới thiệu đến toàn thể huynh trưởng GĐPT khắp nơi một số đề tài Phật Pháp nằm trong chương trình tu học huynh trưởng, do Hòa thương Thích Từ Thông – Như Huyễn Thiền Sư thuyết giảng. Nhưng trước hết, xin được giới thiệu đến các bạn bài viết của thầy Thích Thiện Tài tôn vinh Sư Phụ Thích Từ Thông.
Từ nơi phương trời xa xôi, nghe thấy qua hình ảnh quê nhà Tăng Ni tổ chức kỷ niệm 25 năm thành lập Trường Phật Học, lòng bàng hoàng cười vui ra nước mắt.
Thành lập trường 25 năm ngần ấy chỉ là một chặn đường kể từ sau năm 1975, người đầu tàu là bậc Danh Tăng Hòa thượng Thích Từ Thông hiệu Như Huyễn Thiền Sư.
Theo như tâm nguyện của Hòa thượng Thích Từ Thông, thì Trường Phật Học là Tổ đình, hoài bảo lớn trong cuộc đời Ngài, để đào tạo Tăng kế vãng khai lai, gọi là “Truyền đăng tục diệm”.
Để hòa vui với không khí trang nghiêm ôn lại đôi dòng kỷ niệm, từ nơi phương trời xa xôi, con xin gởi lời cùng gió mây đến với bậc Ân sư, Giáo thọ sư lời tri ân cảm niệm.
Ngày nào được diện kiến gần bên Hòa thượng, từ Huỳnh Mai Tịnh Thất – Bà Chiểu, rồi đến Thao Hối Am – Tân Uyên, nơi cuối cùng Liễu Liễu Đường – Lâm Hà Đà Lạt. Có những lúc con gọi với danh xưng Sư Ông hay Hòa thượng, Ngài bảo rằng: “Gọi tiếng Thầy thôi cho nói nhẹ nhàng gần gũi”.
Vậy thì hôm nay giờ phút này con gởi lời theo gió mây xin bay đến cùng Thầy.
Thầy ơi ! Con tính từng năm, vào dịp cuối năm con không thể quên được là Thầy sắp thêm một tuổi của đất trời, tuổi ra đời của ông Nguyễn Văn Sáu, sanh năm Mậu Thìn 1928, tại Cái Bè – Mỹ Tho (Tiền Giang ngày nay). Chỉ còn vài ngày nửa là Thầy tròn 88 tuổi. Thầy thường nói với Đại chúng những năm vừa qua 80: “Tuổi này đáng lẽ phải chết rồi, hơn tuổi của Phật trụ thế ngày xưa rồi, muốn nó chết mà nó không chết”.
Một điều quan trọng chúng con có niềm tự hào là đến giờ phút hiện tại này, Thầy vẫn còn dịch giải đứng trên bụt giảng thuyết pháp. Đành rằng vô thường và thời gian thân Thầy già nua, sức có hao gầy, nhưng trí vẫn hằng hữu.
Con biết là Lễ kỷ niệm thành lập trường không phải do Thầy đề đạc, do tất cả Ban giám hiệu và Tăng Ni Phật tử những đứa học trò xin thể hiện lên tinh thần tri ân khi Thầy còn sanh tiền. Đây cũng là Lễ Tạ Ân 65 năm tay viết miệng nói duy nhất một con đường của Hòa thượng Thích Từ Thông quảng tuyên Chánh pháp, truyền đăng tục diệm, 75 năm xuất gia học đạo và hành đạo của Như Huyễn Thiền Sư, 88 năm có mặt hiện hữu cõi đời của Cụ Nguyễn Văn Sáu. Mượn cớ 25 năm là một giai đoạn quá ngắn ngủi, còn hành trạng của một cuộc đời vì Đạo Pháp phải cộng thêm thời gian 50 năm.
Con là một trong những đứa học trò thuộc thế hệ sau này, những người học trò lớn của Thầy phải là Thầy của con, phải là những vị bây giờ là Hòa thượng hơn 40 năm về trước ở Trường Phật Học tại Chùa Long Phước – Vĩnh Bình (Giờ là Tổ đình Lưỡng Xuyên – Trà Vinh)
Thầy rống tiếng rống tiếp nối Sư Tử chúa, phá đi những tà kiến chấp mắc sai lầm, diệt trừ bốn tướng trầm nịch của chúng sanh. Thầy chỉ thẳng con đường Niết bàn thường lạc, nhưng mấy ai hiểu được để tiến thẳng về Bảo Sở, đại đa số họ thích rong chơi ngơi nghỉ ở Hóa Thành.
Thầy âm thầm diễn giải những Kinh Tạng trực chỉ thâm nghĩa của Đại thừa, thét lên tiếng Trí Huệ kêu mọi người lên thuyền sang bờ Giác. Nhưng hỡi ôi ! Đường trần còn bao nhiêu xanh đỏ trắng vàng, hoa thơm cỏ lạ, chúng con cứ vui đùa trong ngôi nhà cháy hư mục xưa nay, còn luyến ái bi thương, còn trầm mình trong dòng nước dục.
Lá thư này không biết có đến Thầy không, nhưng thật chất cũng không cần tới. Công đức của Thầy không thể hẹn hẹp bằng văn tự, không thể một trong hơn 10.000 Tăng Ni sinh 65 năm qua mà nói đủ hết, còn Phật tử tại gia khắp năm châu biết bao xiết kể. Nhưng có điều hay là Pháp của Như Huyễn Thiền Sư hùng hồn mà trầm lặng tựa hồ thu, tưới mát cho những ai có chất tự tại an lạc.
Riêng con khi thấy mấy Tăng sinh các khóa dựng lại những ngôi nhà mái lá đơn sơ, con hình dung lại cái Thất năm nào nơi Tổ đình Phật học Lưỡng Xuyên, nơi Tịnh thất Huỳnh Mai – Bà Chiểu. Con biết những hình ảnh này đối với Thầy chỉ là Chơi, không cần thiết; nhưng đối với hàng hậu duệ chúng con tỏ tấm lòng tha thiết tri ân.
Riêng con không thể quên được những năm 1992 đến 1995 hàng tuần đến Vĩnh Nghiêm vào 8 giờ sáng Chủ nhật nghe giảng, thỉnh thoảng hai ba ngày đi bộ qua Huỳnh Mai tịnh thất để Thầy trao truyền bí quyết Kinh tạng Đại thừa. Từ năm 1996 đến 2004 xuyên suốt ngồi trong ghế nhà Trường Phật học Vĩnh Nghiêm qua các lớp. Có lần Thầy hỏi con: “Học xong Trung cấp sao không thi vào Học viện”. Con trả lời rằng: “Chừng nào hết lớp, Thầy đuổi con thì thôi, chứ con trung thành theo Thầy học đến cùng”. Và một kỷ niệm không thể quên, năm học đó con là đứa học trò duy nhất trả lời đúng câu hỏi của Thầy về Kinh Thủ Lăng Nghiêm được điểm 10, và cũng là đứa học trò ưu ái không cần ghi danh xin mà được Thầy cho Bộ dĩa vừa mới nén vào MP3 mấy mươi năm thâu âm bằng casset; chẳng những vậy mà Thầy còn cho con đầu máy và Bộ dĩa đem đi làm món quà cho các Trường hạ những nơi con đi thực tập giảng dạy.
Đúng như vậy ! Thời gian biền biệt cách xa kể từ khi ra trường đến nay hơn 10 năm, nhưng con gần Thầy trong mỗi Bài Pháp. Nhưng Thầy ơi ! Tại sao từ lâu con không dám đường hoàng nói với mọi người rằng con là đứa học trò theo tư tưởng của Thầy, vì con còn thẹn với mình là chưa xứng đáng, Sư tử nhi chưa đủ sức thét giữa rừng xanh. Giờ đây con phải nói, con hết sợ rồi, nguyện mãi với lòng là con cố gắng nhiều hơn nửa, dầu bao khó khăn trước mắt, từ bản thân đến ngoại cảnh, phải thét gào xé tan màn vô minh, phải rống tiếng Sư tử thật to cho các loài nhếu nháo chạy dài, giử vững tinh thần theo tâm nguyện của Thầy qua Chứng Đạo Ca của Thiền sư Huyền Giác.
Bách thú nghe, như vỡ óc xé tim gan.
Lời Như Lai lời vô úy trong trời người
Hương tượng khiếp, còn nói chi nai và chó chóc.”
“Chuôi kiếm Tuệ, đại trượng phu nắm lấy,
Bát nhã gươm lòe sáng ánh kim cang.
Không những xua, sàm sở của “đạo ngoài”,
Làm vỡ mật bọn thiên ma nhếu nháo
Vang sấm pháp, gióng lên hồi trống pháp
Bủa mây từ, mưa sương ngọt nơi nơi.
Nhuận vô biên, làm “Long tượng” cho trời người
Hàng ngũ tánh, tam thừa đều nhờ mà tỉnh ngộ”.
“Trăng có nóng ! Mặt trời dù có lạnh
Lũ ma quân khôn xuyên tạc chân lý nầy.
Thớt xe voi đổ dốc tiến lừ lừ,
Bầy bọ ngựa, chống xe sao cho nổi”.
(Chứng Đạo Ca – Pháp sư Từ Thông dịch).
Đối với sự liễu thông của Thầy, thì con không dùng lời chúc tụng nguyện cầu, vì Thầy dạy chúng con rằng chúc nhau chỉ ngôn từ hoa mỹ bịp nhau chơi. Con chỉ có điều rằng Thầy còn sống ngày nào trên đời, hay mai kia mốt nọ Thầy bỏ báo thân, thì chúng con những học trò học đạo, hành đạo theo tư tưởng của Thầy truyền trao vẫn luôn hiện hữu dòng sửa Pháp của Thầy trao truyền mãi mãi….
Tỳ kheo Thích Thiện Tài
(Bất Dị Thiền Sư)
Hoà thượng thế này được mấy ai,
Đại thừa Phật Pháp nói chẳng sai!
Bởi: lòng người mê đắm, tăng mượn Phật
Nên:mạt pháp còn đâu, giấc mộng dài…