Người Mẹ Hiền Của Đoàn Viên Gia Đình Phật Tử Kiên Giang

G
            Với cương vị người đứng dầu ngành Hướng dẫn Phật tử của Giáo hội Kiên Giang,  đối tượng thu hút sự quan tâm của Ni trưởng chính là giới Cư sĩ và đoàn ngũ áo lam Gia Đình Phật Tử (GĐPT). Từng ngày, Ni trưởng luôn hướng lòng quan hoài đến sự tu học của hai giới nêu trên, lấy kết quả tu học của họ làm thước đo cho thành quả phụng sự Đạo Pháp và Con người của mình.
            Mấy năm sau này, nhờ sự chỉ đạo hữu hiệu của Ban trị sự Tỉnh cùng với sự năng nỗ nhiệt tình và tài tổ chức của các vị trụ trì nên  nhiều hoạt động tu học của giới cư sĩ được các chùa tổ chức rầm rộ, phong phú, đa dạng, đem lại cho giới Phật tử lớn tuổi nhiều kết quả tu tập rất đáng tán dương. Từ đó, trách nhiệm và công việc hướng dẫn Phật tử của Ni trưởng đã phần nào giảm nhẹ. Vì thế, Ni trưởng có điều kiện chăm lo nhiều hơn cho đàn con GĐPT đang còn nhiều khó khăn trong sinh hoạt.
 
            Để hiểu hơn về tấm lòng của một người mẹ đối với đoàn thể Sen Trắng, chúng ta hãy quay về quá khứ, khi Ni trưởng còn là một nữ sinh hằng ngày cắp sách đến trường.
            Năm 1955, quý Thầy giảng sư Thích Thanh Từ, Thích Huyền Vi và Thích Thiền Định đến quận Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh giảng pháp cho Phật tử lớn tuổi nghe, đồng thời kêu gọi thành lập GĐPT tại các chùa của Hội Phật Học, lấy giáo lý Phật Đà làm căn bản, đào tạo thanh thiếu nhi theo tinh thần Bi-Trí-Dũng. Cô nữ sinh Huỳnh Thị Phước cùng các bạn đến nghe không sót đêm nào. Sau đó, cô là một trong những đoàn sinh Thiếu nữ đầu tiên của GĐPT Chánh Hòa thuộc chùa Vạn Hòa tại quê hương Cầu Kè.
            Trong đoàn Thiếu nữ GĐPT Chánh Hòa có chúng Sen Trắng gồm bảy đoàn sinh, trong đó có cô Huỳnh Thị Phước. Năm 1959, khi quý Thầy Thanh Từ và Huyền Vi trở lại đây mở khóa giáo lý hướng dẫn Phật tử tu học, bảy cô đoàn sinh chúng Sen Trắng đồng loạt xin phép cha mẹ và được quý Thầy chấp nhận cho xuất gia . Kể từ ngày ấy, cô nữ sinh Huỳnh Thị Phước bước vào đời sống xuất gia cao quý, mang hạnh nguyện Bồ tát phụng sự chúng sanh.
 
            Năm 1974, sau khi tốt nghiệp nhiều khóa tu học ở các Phật học đường, trí tuệ và đạo hạnh đã vững vàng, Sư cô Thích Nữ Như Hải được nhị vị sư phụ là HT Thích Thanh Từ và Thích Huyền Vi đích thân dẫn về Hà Tiên, tận tay giao chùa Sắc Tứ Tam Bảo cho Sư cô trụ trì. Phật sự quan trọng đầu tiên của Sư Cô tại chùa Tam Bảo là thành lập ngay một đơn vị GĐPT lấy tên Chánh Pháp.
            Thời gian trôi qua như một giấc mộng. Thoáng chốc đã hơn 60 năm. Mới ngày nào còn là một đoàn sinh thiếu nữ GĐPT với tà áo lam tung bay phất phới dưới mái chùa Vạn Hòa cổ kính, nay Người đã là một Ni trưởng khả kính trong hàng lãnh đạo Giáo Hội Kiên Giang. Dấu ấn tuổi thanh xuân và hình ảnh sinh hoạt GĐPT thuở nào vẫn chưa phai nhòa trong tâm trí.
 
            Năm 1990, khi sinh hoạt Phật Giáo tại Kiên Giang nói chung, sinh hoạt hướng dẫn Phật Tử nói riêng còn gặp nhiều khó khăn, Ni Trưởng đã dũng cảm nhận lấy trách vụ Trưởng ban Hướng Dẫn Nam Nữ Cư sĩ Phật tử do Tỉnh Hội giao cho. Hạnh Dũng của Ni Trưởng đã thổi bùng lên ngọn lửa sinh hoạt GĐPT vẫn âm ỉ bấy lâu nay trong từng trái tim anh chị em Áo Lam tại Kiên Giang. Trong trách vụ này, Ni Trưởng đã làm hồi sinh các hoạt động của đoàn thể Sen Trắng tại Kiên Giang, trong khi nhiều địa phương khác trong cả nước vẫn còn e dè với sinh hoạt GĐPT.
 
           Cũng trong năm 1990, Ni Trưởng đã cho tổ chức trại huấn luyện Lộc Uyển I tại chùa Tam Bảo-Hà Tiên dưới danh nghĩa Lớp Giáo lý dành cho thanh thiếu niên trong chương trình hoạt động của Ban HD Nam Nữ Cư Sĩ Phật Tử, được Ban Trị Sự Tỉnh Hội chấp thuận và được Chánh quyền cho phép. Đặc biệt trong thời gian này Anh Cả Tống Hồ Cầm từ TP.Hồ Chí Minh thường xuyên theo dõi hoạt động HDNNCSPT tại Kiên Giang, đã hết sức tán dương việc làm mang tính tùy duyên bất biến và đầy trí tuệ của Ni Trưởng trong tình hình GĐPT chưa được phép hoạt động.
 
            Đồng thời với việc tìm mọi cách khôi phục sinh hoạt GĐPT  mà không chấp vào tên gọi, Ni Trưởng đã mạnh dạn thành lập Tiểu Ban Thanh Thiếu Niên Phật Tử nằm trong cơ chế tổ chức của Ban Hướng Dẫn Nam Nữ Cư Sĩ Phật Tử , đây chính là tiền thân của Phân ban Gia Đình Phật Tử thuộc Giáo Hội Kiên Giang bây giờ. Vì vậy, có thể nói Phân ban GĐPT Kiên Giang (1990) ra đời sớm hơn cả Phân ban GĐPT Trung ương (1997). Đó chính là nhờ  tinh thần Bi – Trí – Dũng của Ni Trưởng Thích Nữ Như Hải vậy.
           
            Tổ chức Áo Lam Kiên Giang được như ngày hôm nay là nhờ tình cảm thương yêu và sự nâng đỡ, chở che, dìu dắt của Ni Trưởng Như Hải. Tình cảm của Ni Trưởng dành cho đoàn viên GĐPT là tình cảm của Người Mẹ dành cho đàn con. Đó là thứ tình cảm tự nhiên không tính toán. Các anh chị huynh trưởng mỗi khi gặp khó khăn trong sinh hoạt đều tìm đến Ni Trưởng để được động viên an ủi và giúp đỡ những việc cần thiết. Ni Trưởng hoan hỷ dành khuôn viên chùa Tam Bảo cho GĐPT làm trại trường. Mỗi khi Ban Hướng Dẫn Phân Ban GĐPT  Kiên Giang tổ chức trại huấn luyện huynh trưởng tại chùa Tam Bảo thì Ni Trưởng không quản tốn kém lãnh phần nuôi ăn cả trăm trại sinh trong suốt 7 ngày trại.            
 
            Vào tháng 7/2005, khi trại Vạn Hạnh II kết khóa tại trại trường chùa Trúc Lâm-Huế, Ni Trưởng từ Hà Tiên đã vượt đường xa trên ngàn cây số đến Huế để sách tấn 3 anh chị trại sinh Vạn Hạnh đầu tiên của GĐPT Kiên Giang và dự lễ mãn khóa. Sau đó, Ni Trưởng còn tưởng thưởng cho 3 anh chị một chuyến du lịch lên đỉnh Bà Nà (Đàng Nẳng) . Rồi Ni Trưởng còn đích thân đưa 3 anh chị về đến Kiên Giang. Thử hỏi, có vị Trưởng ban HDPT nào đối đãi với anh chị em GĐPT một cách chu đáo, thâm tình  và nồng hậu như thế chăng?
 
           Tháng 8/2007, để tạo điều kiện cho huynh trưởng tham dự trại họp bạn ngành Thiếu GĐPT toàn quốc tổ chức tại chùa Linh Ứng, Bãi Bụt, tp Đà Nẳng, Ni Trưởng đã chi một số tiền lớn thuê xe đưa đoàn đi và về. Chỉ có tình cảm của Người Mẹ đối với đàn con thì mới được như vậy mà thôi.
 
           Đối với toàn thể đoàn viên GĐPT Kiên Giang, Ni Trưởng luôn mở rộng vòng tay với tất cả anh chị em. Dù anh chị em nào do quá khó khăn mà phải tạm rời xa chiếc áo lam, Ni Trưởng vẩn căn dặn các anh chị trên Ban Hướng Dẫn Phân Ban không được xóa tên anh chị em đó, mà hãy thường xuyên an ủi, động viên và giúp đỡ, tạo điều kiện cho họ sớm quay lại với tổ chức. Nhờ tài lãnh đạo khéo léo, nhờ tấm lòng từ ái bao dung của Ni Trưởng mà anh chị em Áo Lam Kiên Giang từ ngày tái sinh hoạt (1988) đến nay vẫn giữ được sự đoàn kết theo tinh thần Lục Hòa, chung tay xây dựng tổ chức GĐPT tại Kiên Giang không ngừng nề nếp và phát triển.
 
            Gia Đình Phật Tử Kiên Giang hiện nay, về số lượng ,tuy so với nhiều tỉnh miền Trung vẫn còn khá khiêm tốn, nhưng nếu nhìn bao quát tình hình sinh hoạt GĐPT miền Tây Nam bộ từ năm 1955 đến nay thì có thể nói rằng GĐPT Kiên Giang đã tiến bộ khá dài . Còn về chất lượng, với con số 84 huynh trưởng được đào tạo qua đầy đủ các trại huấn luyện từ Lộc Uyển cho đến Vạn Hạnh và hơn 600 đoàn sinh đang sinh hoạt tu học thường xuyên  tại 09 đơn vị , có thể nói GĐPT Kiên Giang đã và đang đi đúng mục đích của tổ chức GĐPT. Những thành quả này có được đều nương nhờ vào chánh báo và y báo của Ni Trưởng Thích Nữ Như Hải, Người Mẹ Hiền của toàn thể đoàn viên Áo Lam Kiên Giang.
 
                                                                                                                        Minh Kim cẩn bút


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Như mái nhà vụng lợp,
Mưa liền xâm nhập vào.
Cũng vậy tâm không tu,
Tham dục liền xâm nhập.

Phẩm Song Yếu

Tháng 11 năm 2024
21
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Thứ 5
Ngày Kỷ Sửu
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
21
Tháng 10
Kiên Giang