Chiếc Áo

G
Tôi có một cái áo nhỏ xíu! Đối với mọi người thì đó chỉ là một cái áo cũ không hơn, không kém nhưng với tôi đó đã, đang và sẽ là cả cuộc đời.
Một cái áo nhỏ xíu, theo đúng nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Đó là một cái áo sơmi ngắn tay màu Lam, có hai túi, trên túi có nắp và sống túi, phía sau có sống lưng. Nếu bạn là một người bình thường bạn sẽ cười lên: “Cái áo nhà quê!” nhưng nếu bạn là một người anh em của tôi bạn sẽ biết đó là chiếc áo Lam của gia đình phật tử.
Có bao giờ bạn tự hỏi màu Lam từ đâu mà có? Có người bảo rằng màu Lam là màu hỗn hợp của 5 màu xanh, vàng, đỏ, trắng, cam – năm màu của cờ Phật giáo. Có người lại nói rằng màu Lam là do áo cà sa trải bao sương gió, phai nhạt đi mà thành. Nhưng việc gì phải tìm hiểu tại sao trời xanh nước biếc?
Suốt bao đời nay vẫn thế, màu áo Lam thân thương ấy là một phần không thể thiếu trong đời sống, là nhựa sống, niềm tin, là nơi nương tựa bình an nhất cho người đoàn sinh Gia Đình Phật Tử để tạm gác lại những khổ đau, lo toan của cuộc đời bộn bề tất bật. Tôi thường mặc áo sơmi, áo thun đi học, đi chơi. Nhưng đó là những ngày thường! Còn ngày chủ nhật? Một và chỉ một màu Lam hiền hòa dẫn dắt tâm hồn tôi đến bên các anh chị, đến bên đàn em thân yêu. Có nhiều hôm bận bịu công việc, không đi sinh hoạt được. Bỗng thấy nao nao trong dạ, dường như ta đã bỏ quên thứ gì lớn lao lắm! Có đôi lúc cảm thấy mệt mỏi, bất lực trước những lo toan, phiền muộn của cuộc đời. Có những lúc muốn trút bỏ tất cả để làm một đứa trẻ vô lo, vô nghĩ nhưng nào có được! Những lúc ấy, màu áo Lam hiền dịu lại dang vòng tay ấm áp để che chở linh hồn bé bỏng của tôi. Áo Lam là thế đó! Dù có thương, có ghét thì áo Lam muôn đời vẫn thế! Vẫn bao dung, vẫn ấm áp như người mẹ hiền luôn dang rộng vòng tay che chở cho những đứa con lạc lối trong cõi vô minh. Vậy đó! Từ bao đời nay và muôn đời sau vẫn thế! Chúng tôi vẫn luôn được bảo vệ, che chở âm thầm bởi chiếc áo Lam giản dị.
Tôi không bao giờ mặc áo Lam đi chơi. Có lẽ ai cũng vậy! Chẳng có một nhà tạo mẫu nào lại dùng màu Lam trong kiểu quần áo của mình cả. Vì một lẽ đơn giản đó là màu Lam không thể gây ấn tượng mạnh được. Nó thanh đạm, bình dị, giản đơn, hiền hòa, khiêm tốn. Màu Lam có thể đứng chung với bất cứ màu nào mà không quá nổi bật hoặc chìm đắm. Nếu một màu sặc sỡ như đen hoặc đỏ, thì màu Lam là một màu nhu hòa. Nếu một buổi trời nắng chang chang, màu Lam là một màu dịu mát. Nếu một buổi sáng mùa đông lạnh lẽo, thì màu Lam là màu mang theo hơi ấm. Nhìn những đoàn sinh gia đình phật tử mặc chiếc áo Lam đi sinh hoạt, bạn sẽ không thể biết được ai giàu, ai nghèo, ai cao sang, ai hèn mọn. Màu áo Lam dung hòa tất cả để cuối cùng chỉ toát lên một màu “Giải Thoát”.
Chắc bạn sẽ hỏi tôi: “Giải thoát điều gì?” Xin thưa: Giải thoát khỏi những khổ đau, phiền muộn, lo toan, sợ hãi để ta tự do, tự tại, sống ngày một an lạc, hạnh phúc hơn, và ta có cơ hội đem đến cho đời những niềm vui dù bé nhỏ nhưng thật cần thiết và ý nghĩa.
Tôi biết có rất nhiều anh chị em Đoàn sinh cũng mang trong mình một tình cảm thật sâu đậm với chiếc áo Lam của họ. Những Đoàn sinh đó luôn tự hào mình là một Đoàn sinh gia đình phật tử và họ sẵn sàng kể chuyện vui khi còn sinh hoạt suốt 5 giờ đồng hồ, thậm chí là hơn thế nữa mà không bao giờ thấy chán.
Có lần gặp một chị huynh trưởng đã lâu không đi sinh hoạt. Gặp người quen câu đầu tiên chị hỏi không phải là sức khỏe của tôi, không phải là việc làm ăn mà là: “Gia đình dạo này sinh hoạt sao rồi em?” Thương! Thương nhiều lắm! Tôi biết, không chỉ chị ấy mà còn rất nhiều anh chị khác vì cuộc sống mưu sinh, đa đoan, đã không có cơ hội mỗi chiều chủ nhật sung sướng đến chùa với chiếc áo Lam mộc mạc, giản dị. Một buổi tối, gặp lại anh trưởng đoàn Đồng Niên của mình ngày trước. Hai anh em ngồi uống nước, anh than nhiều hôm mở tủ thấy cái áo Lam treo trong tủ mà chạnh lòng. Muốn đi sinh hoạt lắm nhưng công việc, gia đình rồi vợ con… Một giọt lệ rơi. Màu Áo Lam luôn sống mãi trong lòng người đoàn sinh gia đình phật tử.
Nhưng các anh ơi! Các chị ơi! Các anh chị đừng buồn, bởi vì màu áo Lam hiền đó đã từng bước một trở thành con người của chính chúng ta rồi đó. Mỗi khi khoác trên mình chiếc áo Lam yêu thương, hoạt giống giải thoát lại được ươm mầm trong tâm hồn thơ dại của chúng ta. Hạt giống giải thoát đó đã nứt mầm, nảy hạt và lớn lên từng ngày, từng ngày để rồi chúng giải thoát cuộc đời chúng ta bằng một nếp sống giản dị, mộc mạc và nhiều an lạc, hạnh phúc giữa cuộc đời đầy rẫy những phong ba, bão táp. Màu Áo Lam đã trở thành cội rễ tâm hồn của chúng ta rồi đó!
Riêng tôi, Tôi vẫn vô cùng hạnh phúc vì mỗi chủ nhật lại được khoác lên mình chiếc áo Lam. Một giờ mang áo Lam đến chùa là một giờ ta trở thành người lương thiện. Ai trong xã hội mà mang áo Lam đến chùa trong một phút, người đó đã có được một phút không làm ác, không đua đòi, không sa vào những thói hư tật xấu ở đời. Chỉ có thế mà những hạt giống thiện lành trong họ có dịp được tưới tẩm, đâm chồi, nảy lộc! Nếu ta có thể luôn luôn ý thức điều mầu nhiệm này, ta sẽ luôn biết thương yêu qua từng cái nhìn, luôn biết nở nụ cười hiền hòa với mọi người anh, chị, em của mình trong Đại gia đình “Gia Đình Phật Tử”.
Vậy thì sao ta lại không nở một nụ cười thật tươi trên môi khi mình mang áo Lam? Tại sao ta lại không nhìn mọi người với cặp mắt thương yêu khi áo Lam đã khoác trên người? Tại sao ta không yêu thương, quý mến những người anh, người chị, người em của mình đã dám từ bỏ thẳng thừng những chiếc áo hoa màu sặc sỡ để chỉ mang trên mình một chiếc áo Lam dễ thương?
Tạ ơn màu áo Lam hiền
cho ta một chốn Bình Yên giữa đời!


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Với hận diệt hận thù,
Ðời này không có được.
Không hận diệt hận thù,
Là định luật ngàn thu.

Phẩm Song Yếu

Tháng 11 năm 2024
22
Giờ hoàng đạo: Tý (23-1), Sửu (1-3), Mão (5-7), Ngọ (11-13), Thân (15-17), Dậu (17-19)
Thứ 6
Ngày Canh Dần
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
22
Tháng 10
Kiên Giang