Thiên Long Bát Bộ Trên Đất Trại Thiên Ấn

G

DƯ ÂM TRẠI LỤC HÒA TOÀN QUỐC 2017

Bài 4:

Thiên Long Bát Bộ Trên Đất Trại Thiên Ấn

Bốn ngày ba đêm ở đất trại Thiên Ấn thật nhiều kỷ niệm, thật nhiều điều để nói, nhưng vì quá nhiều chuyện muốn nói nên không biết bắt đầu từ đâu, và nói thê nào để người nghe không phật ý mà hoan hỷ lắng nghe mình nói. Đó là điều không dễ.

Suy nghĩ mãi, thôi thì chọn một cái “tít” nghe có vẻ hơi “võ hiệp”, lại hơi kỳ bí một chút để thu hút sự chú ý của người đọc, tạo không khí thoải mái để dẫn người đọc đi vào những việc mình muốn nói.

Thiên Long Bát Bộ là tám bộ chúng “Phi Nhơn” thường có mặt dự thính các thời pháp đại thừa do Phật thuyết. Vì họ là giống phi nhơn nên loài người chúng ta không thể trông thấy họ. Chỉ có Đức Phật và các vị A La Hán mới trông thấy họ và giao tiếp với họ mà thôi.

Tuy chúng ta không trông thấy họ nhưng chúng ta tin chắc họ có thật vì Đức Phật đã thuyết trong kinh là Thiên Long Bát Bộ có thật. Vậy họ đã ứng hiện như thế nào trong các mặt hoạt động tại đất trại Thiên Ấn?  

Xin mời bạn theo dõi bài viết dưới đây.

khaimactrailuchoa2017 62

* * *

1-THIÊN: Chư Thiên là chúng đứng đầu trong Thiên Long Bát Bộ. Đó là những bậc khi còn ở kiếp người đã thực hành Thập Thiện một cách viên mãn, phước báu nhiều không thể kể xiết, sau khi mạng chung, do nghiệp lực thiện chiêu cảm, sinh lên các cõi Trời Dục Giới, Sắc Giới và Vô Sắc Giới.

Chư Thiên đã có mặt tại đất trại Thiên Ấn!

Ai không tin thì có quyền, riêng tôi tin chắc điều này. Vì làm sao giải thích được hiện tượng cơn bão số 2 vừa đổ bộ vào Nghệ An cách Quảng Ngãi không xa mới ngày hôm trước, mà sao suốt bốn ngày ba đêm trại trên núi Thiên Ấn trời lại không một giọt mưa nào? Chẳng phải là do chư Thiên che chở cho hay sao? Nói thiệt, chứ sau khi trại bế mạc rồi mình mới hết lo âu, bởi vì chỉ cần một trận mưa bình thường trút xuống trong khi trại đang diễn ra thì hơn 5.000 trại sinh không biết “trốn” đi đâu cho khỏi ướt. Theo sự quan sát của tôi thì tất cả lều của các đơn vị đều không có đào rãnh thoát nước chung quanh lều, như vậy khi có mưa xuống thì nước sẽ tràn cả vào bên trong lều, hậu quả như thế nào thì ai cũng biết rồi.

Nói đến sự kiện này, tôi không cho đó là sự ngẫu nhiên hoặc do “may mắn”, mà tôi nghĩ ngay đến phước báu của chư vị lãnh đạo Chánh quyền và Giáo hội tỉnh Quảng Ngãi cũng như Ban tổ chức trại Lục Hòa toàn quốc 2017 thật không phải nhỏ. Bởi vậy mà chư Long Thiên Hộ Pháp đã chiêu cảm cái công nghiệp tốt đẹp ấy mà che chở, độ trì cho toàn trại, không nở để trại sinh phải chịu cảnh ướt át loi ngoi vì bão lũ trong mấy ngày trại.

train2 80

2-LONG: đứng hàng thứ hai sau chư Thiên là chúng Rồng. Tôi muốn mượn hình ảnh này để nói đến những bậc “Long Tượng” trong hàng ngũ huynh trưởng cao niên  có mặt trên đất trại.

* Người mà tôi ấn tượng mạnh nhất chính là Lão huynh trưởng cấp Dũng ĐVV năm nay đã hơn tuổi tám mươi. Ban quản trại phân công Anh đứng đầu khối kỷ luật trại. Tôi dám chắc Anh đã không hề ngủ trong suốt bốn ngày ba đêm trên đất trại. Đêm nào cũng vậy, mỗi lần tôi chợt thức dậy nửa đêm, nhìn ra ngoài công trại khu vực Lợi Hòa, đều thấy lão huynh ngồi ở đấy canh chừng giấc ngủ cho đàn em. Cứ thấy bóng dáng em nào không ngủ, đi lang thang trong đất trại là Anh xấn tới “hỏi thăm” ngay.

Nhưng cũng có lúc, sự nhiệt tình trong nhiệm vụ của Anh hơi quá trớn khiến cho đàn em dở khóc dở cười. Như vào đêm trực đầu tiên, Anh “hỏi thăm” một anh trại sinh khoảng trên dưới 60 tuổi nửa đêm ra khỏi lều không biết định làm gì.

-Nửa đêm không ngủ ra đây làm gì?

-Dạ, em đi… tiểu

-Giờ ngủ không được đi tiểu, trở vô ngay (!?)

Anh trại sinh đó dở khóc dở cười trước “quân lệnh như sơn” của người thi hành kỷ luật trại, đành ôm “bầu tâm sự” trở về lều cố gắng ngủ tiếp.

Tôi nghĩ, có lẽ Anh nói chơi chớ đâu có thứ kỷ luật nào cấm người ta thức giấc nửa đêm để đi tiểu đâu. Tuy nhiên, anh trại sinh đó vì quá “quê” trước thái độ cứng rắn của Anh nên không thèm nói năng gì, mà im lặng trở lại lều. Đây có lẽ sẽ là kỷ niệm khó quên trong cuộc đời đi trại của anh.

* Người thứ hai mà tôi muốn đề cập tới là huynh trưởng cấp Dũng PVH. Năm nay Anh cũng đã gần tuổi tám mươi. Đây cũng là bậc “long tượng” của GĐPT Việt Nam. Anh mắc phải chứng bệnh Parkinson hơn 10 năm nay. Không ai nghĩ rằng Anh sẽ đến dự trại. Thế mà Anh đã có mặt ngay trong ngày đầu tiên, cũng ngủ nghỉ ngay trong lều bạt như tất cả trại sinh khác, không hưởng được bất cứ một sự ưu tiên nào từ Ban Quản Trại.

Nhiều ACE thấy vậy nên rất ngại trong lòng, muốn giúp cho Anh nhưng “lực bất tòng tâm” vì bản thân mình cũng phải chịu vất vả thì lấy gì giúp cho Anh. Lần này trông Anh gầy hơn trước nhiều. Anh nói như trăn trối: “Tôi đi trại lần này, không biết trại lần sau tôi còn sống để tham dự hay không” Tôi ứa nước mắt trước câu nói của Anh.

train2 55

Sẽ có rất nhiều người, nhất là những bạn đọc chưa từng mặc chiếc áo Lam GĐPT; thậm chí một số huynh trưởng trẻ ngày nay, sẽ không thể hiểu nổi cái gì đã khiến cho hai “Ông già” này phải lên Thiên Ấn chịu cực chịu khổ như thế? Vui chăng? già mà còn ham vui nỗi gì. Riêng tôi thì biết chắc cái gì đã xui khiến hai Anh vượt hàng mấy trăm cây số đến đây để chịu cảnh thiếu ăn, thiếu ngủ, thiếu tắm, trong khi nếu ở nhà thì hai Anh sẽ được con cháu chăm sóc cho không thiếu một thứ gì. Đó là cái gì vậy?

Rất ngắn gọn, xin thưa đó là Tình Lam. Nếu các huynh trưởng trẻ yêu cầu tôi giải thích Tình Lam là gì thì tôi không thể nói hết trong khuôn khổ bài viết này. Chỉ xin hẹn với các bạn vào một dịp khác.

Nói về hàng “long tượng” trong GĐPT Việt Nam có mặt trên đỉnh núi Thiên Ấn vừa qua thì còn rất nhiều, nhưng tôi chỉ xin kể về hai Anh ĐVV và PVH mà tôi có ấn tượng nhất. (Còn tiếp…)


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý ô nhiễm,
Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau,
Như xe, chân vật kéo.

Phẩm Song Yếu 1

Tháng 11 năm 2024
22
Giờ hoàng đạo: Tý (23-1), Sửu (1-3), Mão (5-7), Ngọ (11-13), Thân (15-17), Dậu (17-19)
Thứ 6
Ngày Canh Dần
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
22
Tháng 10
Kiên Giang