Tứ diệu đế, tứ chơn đế, tứ thánh đế hay tứ đế nói gọn, là một hệ giáo lý căn bản của toàn bộ giáo lý đạo Phật. Từ cơ sở này, hệ thống giáo lý Đại thừa phát triển thành bốn thứ tứ đế: SANH DIỆT TỨ ĐẾ, VÔ SANH TỨ ĐẾ, VÔ LƯỢNG TỨ ĐẾ và VÔ TÁC TỨ ĐẾ, thành một hệ tư tưởng tuyệt đỉnh cao: “ly ngôn tuyệt tướng”, chỉ có “chứng” mới biết!
Giáo lý “nhân quả” diễn dịch mặt thời gian, giáo lý “nhân duyên” diễn dịch mặt không gian, giáo lý “duyên khởi” diễn dịch mặt “vô ngã”, “vô thường” của hiện tượng vạn pháp, đều phát xuất từ nền giáo lý căn bản: TỨ DIỆU ĐẾ mà ra.
Xưa nay, có một số nhà Phật học, có lẽ vì không thật chứng, họ nhận định rằng: Giáo lý TỨ DIỆU ĐẾ chỉ là giáo lý Phật dạy cho hàng TIỂU THỪA. Sự nhận định phê phán ấy, do thiển cận mà ra. Phải học bốn tầng TỨ ĐẾ mới nhận biết sự cao sâu vòi vọi và thăm thẳm của nền giáo lý Phật. Tứ đế mà tôi diễn đạt ra đây là: SANH DIỆT TỨ ĐẾ, là thời pháp “mở màn” trong sự nghiệp độ sanh của Phật!