Ở Trung Đông, sư tử đi vào thần thoại bằng hình ảnh con Nhân Sư (đầu người, mình sư tử). Tại thung lũng Hoàng Gia của Ai Cập cổ xưa, cách thủ đô Thèbes không xa, người ta tạc hai hàng tượng nhân sư trấn dài hai bên cửa vào thung lũng. Theo truyền thuyết, đó là những con vật thần bí có khả năng trấn giữ những ngôi đền thiêng hoặc những lăng tẩm bí mật của vị vua Ai Cập.
Ở Á Đông, trong thần thoại Ấn Độ, thần Siva, vị thần sáng tạo vũ trụ có lần giáng thế dưới hình dạng nhân sư. Và đại nữ thần, vợ của đại thần Siva, thường hạ trần, ngồi chễm chệ trên lưng con sư tử, đi chu du khắp nơi để trừ những thế lực hung ác, cứu độ nhân dân thoát khỏi cảnh áp bức, lầm than.
Ở thành Angkor Watt và đền Angkor Thom tại Camphuchia, các nhà kiến trúc cũng tượng hình sư tử để trấn thủ đền thiêng vì theo họ, sư tử tượng trưng cho sức mạnh thần kỳ ở thế gian.
Tượng sư tử trong đền Angkor
Theo Phật Giáo, trong hằng hà sa số Phật ở mười phương ba đời, có một vị cổ Phật hiệu là Sư Tử Hống Như Lai và một vị cổ Phật khác hiệu là Sư Tử Hẩu Tự Tại Lực Vương Phật.
Trong Thiền tông cũng có một vị tổ hiệu là Sư Tử Tôn Giả.
Phật Giáo có nhiều hình ảnh biểu tượng về sư tử : nơi Phật ngự gọi là Tòa Sư Tử; Đức Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát cưỡi con sư tử xanh (tượng trưng sức mạnh trí tuệ). Nhiều huyền sử Phật Giáo đề cao uy lực thần kỳ của sư tử như truyện sau đây :
Phật Thích Ca Mâu Ni có một người em chú bác tên là Đề Bà Đạt Đa, thường hay ganh tị tài năng của Ngài. Đề Bà Đạt Đa tính kế hại Phật nên tâu với vua A Xà Thế :" Muốn hại Phật, bệ hạ nên thỉnh Ngài vào cung mà cúng dường, rồi khiến bọn quản tượng cho bầy voi dữ uống rượu thật say, thả voi cho chúng chạy đạp chết cả Phật và đệ tử của Ngài"
Hôm sau, đúng ngọ, Phật và các đệ tử đi vào thành. Một bầy voi dữ chạy ra tông tường đạp vách, gặp ai chúng chà đạp nấy, nhân dân kinh hoảng vô cùng. Các vị A la hán theo Phật dùng thần thông bay lên hư không, chỉ còn ông A Nan đứng hầu bên Phật, Bầy voi dữ chạy đến muốn hại Phật. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni bèn lấy năm ngón tay chỉ ngay chúng nó. Từ năm ngón tay hiện ra năm con sư tử gầm thét rền trời. Bầy voi dữ nghe thất kinh, bèn quỳ mọp xuống, như muốn cầu Phật dung thứ.
Phật cùng môn đệ vào thẳng hoàng cung. Vua A Xà Thế quỳ xuống đảnh lễ xin thú tội. Phật nói với vua rằng : "Đại vương nên biết, người trong thế gian thường bị tám thứ gió làm xao động nguồn tâm gây nhiều tội ác. Tám thứ gió ấy là :
1.Gió Lợi (là sự vừa lòng)
2.Gió Suy (là sự mất lòng)
3.Gió Hủy (là sự bài bác sau lưng)
4.Gió Dự (là sự khen ngợi sau lưng)
5.Gió Xưng (là sự khen ngợi trước mặt)
6.Gió Cơ (là sự bài bác trước mặt)
7.Gió Khổ (là sự ép ngặt thân tâm)
8.Gió Lạc (là sự vui đẹp tâm ý)
Từ xưa đến nay, loài người bị tám thứ gió ấy lôi cuốn đi vào sanh tử luân hồi, kiếp kiếp đời đời không ra khỏi được."
Vua A Xà Thế nghe lời Phật giảng thì tâm trí mở mang, bắt đầu giác ngộ.
Một huyền thoại khác kể về một con sư tử biết trọng pháp :
Ngày xưa, tại xứ Ba La Nại, có một hòn núi tên là Tiên Thánh Sơn. Trong núi có một vị Bích Chi Phật (*) thường hay thuyết pháp. Có một con sư tử tên là Kiên Thệ, lông ánh sắc vàng, sức mạnh vô địch thường đến nghe pháp.
Một người thợ săn thấy sư tử có bộ lông rất đẹp, muốn giết nó, lấy bộ lông đem dâng vua để lãnh thưởng. Người thợ săn quỷ quyệt giả làm sa môn, vào núi, ngồi dưới gốc cây. Sư tử Kiên Thệ thấy vị sa môn, vui mừng đến gần để nghe pháp. Người thợ săn dùng tên độc bắn. Sư tử bị thương, rống lên, toan nhảy vồ tên thợ săn, nhưng suy nghĩ : "Người này mặc áo cà sa là biểu tường của đức Phật. Ta giết hắn không khó nhưng như thế là ta sát hại biểu tướng của đức Phật". Sư tử đành nhẫn nhục chịa đau. Thuốc độc ngấm dần, sư tử muốn nhảy lên vồ tên thợ săn nhưng lại nghĩ :"Người thợ săn độc ác, nếu ta không nhẫn thì ta đâu khác gì hắn. Nếu ta khởi ác tâm thì bị phiền não tăng trưởng, mê mờ nghi loạn, xa rời chánh pháp. Vậy ta quyết không khởi ác tâm"
Thế rồi sư tử ngã xuống chết. Tên thợ săn lột da sư tử đem dâng vua. Khi được biết đầu đuôi câu chuyện, nhà vua cảm động trước tấm lòng trọng pháp của sư tử, truyền xử trảm thợ săn và đem xác sư tử Kiên Thệ làm lễ trà tỳ như một vị sa môn chân chính.
Sư tử Kiên Thệ chính là một tiền thân của đức Phật Thích Ca.
Chúa sơn lâm dù có sức mạnh đến đâu cũng không làm sao sánh được với trí tuệ của con người. Nhờ trí thông minh, con người đã chinh phục thiên nhiên, bắt vạn vật phục vụ cho đời sống nhân loại. Chúa sơn lâm dù hùng mạnh cũng phải khuất phục trước huấn luyện viên thông minh tài trí.
T.T.HÀ
(TP.Hồ Chí Minh)
(*)Bích Chi Phật :còn gọi là Phật Độc Giác, tức người tu đắc được quả Duyên Giác, tương dương với quả vị A La Hán của tiểu thừa.