Kính thưa Ban biên tập, trong khi học về lịch sử Đức Phật Thích Ca, em được nghe các anh chị trưởng kể rằng :"Thái tử (Tất Đạt Đa) vừa lọt lòng mẹ liền bước đi bảy bước, mỗi bước chân đều có hoa sen từ lòng đất trổ ra đỡ lấy bàn chân của Ngài, sau đó Ngài đứng lại, tay phải chỉ lên, tay trái chỉ xuống và nói câu "Thiên thượng, thiên hạ – Duy ngã độc tôn"
Xin Ban biên tập cắt nghĩa cho em hiểu về câu nói trên đây.
hangnga…@gmail.com
Bạn hangnga…@gmail.com thân mến,
Câu Phật ngôn trên đây đã được rất nhiều người lý giải tùy theo sự hiểu biết của người nói và tùy theo hoàn cảnh và đối tượng nghe. Ở đây, chúng tôi giải đáp cho bạn theo sự kiến giải trong tài liệu tu học do chư vị giáo thọ sư của Gia Đình Phật Tử biên soạn.
Nhưng nếu chỉ giải thích hai câu: "Thiên thượng, tiên hạ – Duy ngã độc tôn" thì rất khó giải thích. Đã từng có người giải nghĩa rằng: "Trên trời, dưới đất – Chỉ có Ta là tôn quý hơn cả" Giải nghĩa như vậy có người không đồng ý, vì câu nói ấy không phù hợp với tinh thần "Vô Ngã" của đạo Phật (chẳng lẽ một bậc vĩ nhân như đức Phật mà tuyên bố một câu có vẻ "ngạo mạn" như thế sao ?)
Rốt cuộc, có rất nhiều cách giải thích câu nói trên nhưng đều không thỏa đáng và người nghe vẫn cảm thấy chưa ổn.
Thật ra, nguyên văn câu nói trên là một bài kệ. Bài kệ đó như sau :
Thiên thượng, thiên hạ
Duy ngã độc tôn
Vô lượng sanh tử
Ư kim tận hỷ
Theo chư vị giáo thọ sư giải nghĩa như sau :
Nhiều khi sanh lên cõi Trời (thiên thượng)
Lắm lúc đọa vào địa ngục (thiên hạ)
Tất cả đều do tham, sân, chấp ngã (Duy ngã độc tôn)
Trải qua vô lượng kiếp như thế (Vô lượng sanh tử)
Kiếp này ta không còn tái sanh nữa (Ư kim tận hỷ)
Qua cách lý giải trên đây, chúng ta thấy đây là một bản tuyên ngôn của một bậc vĩ nhân về sự ra đời và về cuộc đời của mình, đồng thời cũng nêu lên một sự thật về đời sống con người như là bài học đầu tiên mà Ngài muốn gởi đến nhân loại.