Kính thưa Ban Biên tập Website www.gdptkiengiang.vn,
Em thường nghe mọi người nói “Vắng chủ nhà gà mọc đuôi tôm” mà em không hiểu hết ý nghĩa. Kính mong Ban Biên tập vui lòng giải thích ý nghĩa câu nói này giúp em.
Kính chúc các anh chị nhiều sức khỏe.
cuoigia…@yahoo.com
Bạn cuoigia…@yahoo.com thân mến,
Trong kho tàng ca dao, tục ngữ, thành ngữ… của dân tộc Việt Nam thật là phong phú về từ ngữ và hết sức thâm thúy về nội dung. Tuy nhiên, do truyền miệng lâu ngày nên có nhiều câu bị “tam sao thất bản”, cụ thể như như câu “Vắng chủ nhà gà mọc đuôi tôm” mà em và các bạn thường nghe hằng ngày.
Câu tục ngữ nêu trên, nếu nói cho đúng phải là: “Vắng chủ nhà gà vọc niêu cơm”.
Trong câu này có hai từ cần giải thích là:
–Vọc: là làm cho tung tóe, vương vãi ra khắp nơi. Thí dụ: vọc nước
-Niêu: là một loại nồi nhỏ làm bằng đất sét nung, thường dùng để nấu cơm hay kho cá (Ông bà ta thường cho rằng: cơm được nấu trong niêu đất ăn ngon hơn là nấu trong các thứ nồi kim loại)
Nghĩa đen của câu này nói lên cảnh tượng: Khi chủ nhà đi vắng, không còn ai ở nhà để trông coi nhà cửa, quản lý gia cầm, gia súc… thì lập tức bầy gà đang nuôi trong nhà xâm nhập vào bếp, nhảy lên bàn, tủ, kệ… để thức ăn, mặc sức mà bươi, mổ các thức ăn trong nhà bếp, thứ mà bọn gà thích nhất vẫn là cơm trong nồi. Ngoài số lượng cơm đã mổ ăn, bầy gà còn làm vương vãi tung tóe cơm trong nồi, khiến phải bỏ đi cả nồi cơm, đồng thời chúng còn có thể làm đổ bể nồi niêu, chén dĩa, gây hậu quả tồi tệ không lường.
Nghĩa bóng của câu này ngụ ý rằng: khi cha mẹ vắng nhà thì con cái thường làm những chuyện mang tính “tự do vô kỷ luật”, có khi là chuyện dại dột dẫn đến hậu quả không hay. Như bản thân người viết bài này hồi còn là nhi đồng đang học lớp Ba cũng đã từng làm “gà vọc niêu cơm”:
Chuyện là, hôm ấy ba má tôi có việc phải vắng nhà, chỉ có mình tôi trông nhà. Đúng lúc ấy có thằng bạn học cùng lớp tới rủ tôi đi chơi. Vì phải làm nhiệm vụ trông nhà nên tôi không thể đi chơi với bạn. Hai đứa ngồi nói chuyện tầm phào một lúc, cảm thấy buồn miệng nên tôi vào bếp kiếm cái gì để thết đãi bạn. Tôi chợt thấy trên bàn ăn có một hộp kẹo trông rất hấp dẫn mà trên hộp toàn là chữ Tây, liền đem ra hai đứa cùng ăn. Cục kẹo này có hình múi cam, vừa ngọt vừa hơi chua và có mùi cam rất ngon. Chúng tôi ăn hết hộp kẹo ấy, tính ra mỗi đứa đã ăn khoảng năm viên kẹo. Sau đó, bạn tôi vui vẻ ra về.
Sau bữa cơm chiều hôm đó, tôi bỗng bị chột dạ tiêu chảy liên miên. Ba má tôi hoảng hốt vội đưa tôi đến bác sĩ. Sau khi làm xét nghiệm và hỏi tôi đã ăn gì trong ngày, ông bác sĩ không khó khăn gì khi đi đến kết luận: tôi đã ăn những viên thuốc xổ mà tôi tưởng là kẹo. Sau lần đó, ba má tôi rút ra được bài học kinh nghiệm “không được để thuốc trong tầm tay trẻ con”.
Câu nói trên đây không chỉ áp dụng trong trường hợp giữa cha mẹ và con cái. Nó còn được hiểu như những trường hợp tương tự giữa thủ trưởng và nhân viên, giữa thầy và trò, giữa sĩ quan với lính… nói chung là giữa những người có trách nhiệm quản lý với cấp dưới của mình.
Mong rằng, sau khi đọc bài này, các bạn trẻ sẽ không còn nói sai câu tục ngữ trên đây nữa.
Thân chào và chúc bạn tinh tấn.
Giải thích theo kiểu tự suy diễn rồi sửa lời của người xưa theo ý mình. Đây không phải cách làm hay. Cách tốt nhất là cứ giữ nguyên bản như ông bà truyền miệng “Chủ vắng nhà gà mọc đuôi tôm”. Hiểu thì giải thích, không hiểu thì đừng.