Trong mục Kiến Hòa vừa rồi, Quý Ban biên tập có trả lời về "Pháp Luân Công có phải là một pháp môn của đạo Phật?", trong đó Quý BBT có nói : "Tất cả những thứ được gọi là "kinh Phật" nhưng nội dung đề cao tin ngưỡng vào một hay nhiều vị thần có quyền ban phước giáng họa, dù vị thần ấy được gọi là Phật hay Bồ Tát gì gì đi nữa… thì chắc chắn đó không phải là kinh Phật, đó không phải là đạo Phật do Đức Phật Thích Ca truyền bá."
Vậy, xin hỏi: Kinh Di Đà, kinh Địa Tạng, Kinh Pháp Hoa và một số Kinh Đại Thừa khác có khuyên Phật tử thường xuyên cầu nguyện Phật A Di Đà, Bồ tát Quán Thế Âm, Bồ tát Địa Tạng Vương v.v… cứu độ, cụ thể như :
– Cầu nguyện đức Phật A Di Đà để sau khi chết được Phật rước về Tây Phương Tịnh Độ chớ không trở lại trần gian nữa.
– Cầu nguyện Bồ tát Quán Thế Âm để được tai qua nạn khỏi…
– Cầu nguyện Địa Tạng Vương Bồ tát để khỏi bị đọa vào địa ngục…
– Cầu nguyện Phật Dược Sư để quanh năm được mạnh khỏe không bệnh tật.
Tóm lại các Kinh này đều dạy Phật tử cầu khấn giống như tín đồ các tôn giáo khác cầu khấn vào vị thượng đế của họ. Vậy những cuốn kinh nêu trên có phải là Kinh Phật không?
Rất mong Quý BBT giải thích để tôi được thông suốt và an tâm tu học.
cuulong…@gmail.com
Bạn Cuulong…@gmail.com thân mến,
Để trả lời câu hỏi của bạn, chúng ta cần tìm hiểu khái quát về :
-Kinh tạng Nguyên thủy
-Kinh tạng Đại thừa
1)Kinh tạng Nguyên thủy :
Sau khi Đức Phật thị tịch, các vị đệ tử đã kết tập những lời dạy của Ngài thành Kinh tạng và Luật tạng. Vào thời đại hoàng đế A Dục thống nhất Ấn Độ (khoảng 200 năm sau khi Phật nhập diệt), đạo Phật đã được truyền sang nước Tích Lan (một hòn đảo nằm ở phía đông-nam Ấn Độ). Vào thời gian này, Luận tạng cũng được các Tăng sĩ đạo cao đức trọng trước tác. Kể từ đó hình thành Tam tạng thánh điển (Kinh-Luật-Luận) của Phật Giáo. Vào lần kết tập kinh điển thứ IV tại Tích Lan, Tam tạng thánh điển được ghi chép bằng chữ Nam Phạn (Pàli) trên lá bối, sau đó được lưu hành rộng rãi tại các nước theo Phật giáo Nguyên thủy như : Miến Điện, Thái Lan, Cao Miên, Lào v.v… Kinh tạng này được gọi là Kinh tạng Nguyên thủy hay Kinh tạng Nikàya Pàli. Ðó là những bộ kinh chứa đựng những gì Ðức Phật đã dạy suốt trong 45 năm truyền giáo, gồm những giáo lý căn bản như Tứ diệu đế, Duyên khởi, Vô ngã… Các nhà nghiên cứu Phật học, các sử gia đều coi Kinh tạng Nguyên thủy là tài liệu đáng tin cậy nhất và gần gũi nhất để xác định những gì mà Ðức Phật tuyên thuyết.
2) Kinh tạng Đại thừa :
100 năm sau khi Phật nhập diệt, Tăng đoàn phân chia thành hai bộ phái :
-Thượng tọa bộ gồm các vị tăng bảo thủ, quyết giữ nguyên Kinh-Luật không dám sửa dù một chữ nhỏ; không dám tán rộng dù một ý nhỏ.
-Đại chúng bộ gồm các vị tăng có đầu óc cấp tiến, muốn đổi mới cách diễn đạt về Kinh và sửa đổi một vài giới luật cho phù hợp với đời sống xã hội mỗi ngày mỗi thay đổi.
Đại chúng bộ ngày càng phát triển mạnh mẽ cho đến 600 năm sau ngày Phật nhập diệt (khoảng giữa thế kỷ I Tây lịch) thì đã hình thành nền Phật giáo Đại thừa với những luận sư kiệt xuất như Thế Thân, Long Thọ v.v… và các bộ kinh Đại thừa cũng lần lượt xuất hiện như : Hoa Nghiêm, Kim Cang, Bát Nhã, Lăng Nghiêm, Tịnh Độ, Pháp Hoa, Duy Ma Cật v.v…
3)Sự khác nhau giữa Kinh tạng Nguyên thủy và Kinh tạng Đại thừa:
-Kinh tạng Nguyên thủy được viết bằng chữ Pàli (Nam Phạn);
Kinh tạng Đại thừa được viết bằng ngôn ngữ Sancrit (Bắc Phạn)
-Kinh tạng Nguyên thủy ghi chép lại nguyên văn lời thuyết giảng của Đức Phật khi còn tại thế. Kinh được viết bằng loại "văn nói" giản dị, chân phương, ai đọc cũng hiểu liền, một ý được lập đi lập lại nhiều lần (để cho người nghe không quên) khiến cho người đọc kinh dễ nhàm chán;
Kinh tạng Đại thừa do các vị luận sư tài giỏi của Đại Chúng Bộ (Phật Giáo Đại Thừa) trước tác dựa trên lời dạy của Phật. Mỗi bộ kinh là một tác phẩm văn học, có nhân vật, có cốt truyện, văn chương huyên áo được viết theo lối ngụ ngôn "ý tại ngôn ngoại", vì thế người học Phật muốn nắm bắt ý nghĩa thật của Kinh thì đòi hỏi phải là người nhiều năm nghiên cứu kinh điển Đại thừa, có trí tuệ bẩm sinh, chịu khó tư duy thiền định, hoăc được thầy hay bạn giỏi hướng dẫn.
4)Kinh Đại thừa có thể bị lợi dụng :
Kinh điển Đại thừa vì có quá nhiều ẩn dụ nên hàng Tiểu thừa cũng như đại đa số quần chúng bình dân khó mà nắm bắt được ý nghĩa vi diệu thậm thâm ẩn đàng sau những câu chữ tưởng như đầy mê tín mà người học Phật thường đọc tụng mỗi ngày. Do vậy mới có hiện tượng tín ngưỡng thần quyền nơi một số không ít Phật tử khi đọc tụng các kinh mà bạn vừa nêu. Đấy là lỗi do người đời sau không hiểu kinh mà tin như vậy, chứ ý nghĩa thật sự của kinh không phải vậy. Trên thực tế, từng lúc từng nơi, kinh điển Đại thừa đã bị lợi dụng bởi những kẻ “buôn thần bán thánh” chứ không phải không có.
Bởi vậy mà từ xa xưa, các luận sư Đại thừa đã từng khuyên người giảng kinh bằng câu: "Y kinh giải nghĩa, tam thế Phật oan" nghĩa là : giải kinh mà không nắm được thâm nghĩa bên trong, cứ thấy kinh viết sao thì giải y như vậy, đó là nói oan cho ba đời chư Phật chớ Phật đâu có dạy như vậy?
Thí dụ: trong phẩm Phổ Môn kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Đức Phật có giới thiệu về Bồ tát Quán Thế Âm với hạnh "lắng nghe" và tấm lòng từ bi rộng lớn sẵn sàng cứu giúp chúng sanh mỗi khi ta niệm danh hiệu Ngài.
Kinh viết như vậy nhưng nếu ta tin rằng có một bồ tát Quán Thế Âm mang hình tướng nữ, lúc nào cũng ngự ở một nơi vô hình nào đó, chờ cho ta niệm danh hiệu ngài thì ngài sẽ bay xuống bên cạnh ta mà cứu giúp cho ta theo y như trong kinh đã viết. Niềm tin như như vậy là đi ngược lại luật Nhân Quả mà đạo Phật đã dạy, đó không phải là chánh tín của đạo Phật, mà đã lạc vào tà giáo ngoại đạo. Cũng vì niềm tin sai lạc như vậy nên các sư bên Phật giáo Nguyên thủy cho rằng kinh điển Đại thừa là của "Bà la môn giáo" chứ không phải của Phật Giáo. Cho đến bây giờ, quan niệm này vẫn còn ở một bộ phận không nhỏ các sư Nam tông.
Thâm nghĩa của phẩm Phổ Môn chính là Phật dạy ta tu tập pháp môn "lắng nghe – thông cảm" và tu hạnh từ bi, hay nói gọn là “Hiểu và Thương” qua hình tượng mẫu mực là Bồ tát Quán Thế Âm. Trong đời sống rất cần sự lắng nghe và thông cảm giữa người với người, rất cần tình thương giữa người với người. Phật dạy mọi người hãy tập lắng nghe và thông cảm với người khác, hãy mở rộng trái tim yêu thương với muôn loài. Nếu người nào làm được như thế thì người ấy chính là Bồ tát Quán Thế Âm. Nếu tất cả mọi người trong xã hội này đều làm được như Bồ tát Quán Thế Âm thì xã hội này biến thành Tịnh độ, Cực lạc, Niết bàn, Phật quốc vậy.
Các bộ kinh khác như: Tịnh Độ, Địa Tạng, Dược Sư v.v… cũng đều nằm trong cách giải thích như trên tùy theo ý nghĩa từng bộ kinh.
Như vậy, rõ ràng kinh điển Đại thừa không phải do Bà la môn viết ra và chắc chắn không hề cổ xúy cho thứ tín ngưỡng thần quyền. Sự xuất hiện tín ngưỡng thần quyền trong Phật giáo Đại thừa là do Phật tử thiếu trí và bị lợi dụng mà ra.
Lấy thí dụ: với hạnh “Lắng nghe & Thầu hiểu” và“Từ Bi” thì trong kinh điển Nguyên thủy cũng dạy như thế, có điều hình thức diễn đạt ý nghĩa này trong kinh điển Nguyên thủy là hình thức trực tiếp bằng lời dạy từ chính kim khẩu Đức Phật;
Cũng với hai hạnh trên, nhưng hình thức diễn đạt trong kinh điển Đại thừa là thông qua hình ảnh đức Bồ tát Quán Thế Âm với tinh thần “Thương chúng sanh như mẹ thương con” hoặc “Mẹ hiền Quán Thế Âm lắng nghe nỗi khổ niềm đau của thế gian mà ra tay cứu độ tất cả ai thường niệm danh hiệu Ngài”. Ở đây, người tu Phật phải hiểu ý nghĩa của từ “Niệm” là thường xuyên tưởng nhớ và thực hành theo các hạnh của Ngài, chứ không chỉ là đọc tên Ngài mà thôi. Nếu ai cũng thực hành hạnh Lắng nghe – Thông cảm – Từ bi với mọi người thì thế gian này làm gì còn đau khổ để cần tới bàn tay của Quán Thế Âm cứu độ?
Kính mong bạn tiếp tục tư duy quán chiếu về vấn đề này để có được chánh tín của người Phật tử.