Kính thưa Ban Biên Tập trang Web. gdptkiengiang,vn
Vừa qua chúng em đọc mục Diễn đàn trên Website www.gdptkiengiang.vn, thấy tác giả Minh Chiếu mượn câu ca dao xưa nói về sự tu để minh họa thêm cho bài viết của mình. Câu ca dao đó như sau:
“Thứ nhất là tu tại gia,
Thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa”
Chúng em xin hỏi về ý nghĩa câu ca dao trên đây muốn nói gì ?
Kính mong Ban Biên Tập giải thích để chúng em hiểu rõ và vận dụng vào việc tu học của bản thân. (Nhóm “Áo Lam xứ biển”).
Các bạn Nhóm “Áo Lam Xứ Biển” thân mến,
Tùy theo từng hoàn cảnh mà câu ca dao trên đây được hiểu theo ý nghĩa khác nhau. Như trong bài viết của tác giả Minh Chiếu mà bạn vừa nêu, câu ca dao trên mang ý nghĩa như sau:
1)Thứ nhất là tu tại gia:
1a-“Tu tại gia” ở đây không phải như trường hợp mấy ông “thầy cúng” vừa mang hình ảnh người xuất gia (cạo đầu mặc áo nhà tu) nhưng vẫn ở nhà, có vợ có con và sinh hoạt y hệt người cư sĩ.
1b-“Tu tại gia” cũng không phải để chỉ về một số người xuất gia nhưng cất am cất cốc tu riêng mà không vào chùa nhập chúng để tu
1c-“Tu tại gia” cũng không để nói về trường hợp một số người tu “biến chùa thành tư gia”, xem ngôi chùa là của riêng dòng họ mình theo kiểu “cha truyền con nối”
1d-“Tu tại gia” đúng nghĩa là nói về hàng cư sĩ Phật tử làm tròn bổn phận trong gia đình như Đức Phật đã dạy trong Kinh Thiện Sinh :
-Bổn phận con đối với cha mẹ
-Bổn phận cha mẹ đối với con cái
-Bổn phận vợ đối với chồng
-Bổn phận chồng đối với vợ
-Bổn phận đối với bà con thân quyến và ngược lại
Câu ca dao khuyên chúng ta trước tiên hãy làm tròn bổn phận làm con, làm cha mẹ, làm vợ, làm chồng và tròn bổn phận đối với bà con thân tộc. Đó là ý nghĩa của câu “Thứ nhất là tu tại gia”
2)Thứ hai tu chợ :
2a-“Tu chợ” không có nghĩa là cất chùa ngay giữa chợ mà tu
2b-“Tu chợ” cũng không phải là ngày nào cũng ra đứng giữa chợ để “khất thực”
2c-“Tu chợ” càng không phải “gieo duyên” với thật nhiều doanh nghiệp giàu có để mong họ cúng dường chùa càng nhiều càng tốt.
2d-“Tu chợ” cũng không phải chường mặt ra giữa chợ đời mong được vinh danh với thiên hạ …
2e-“Tu chợ” mang ý nghĩa đích thực là trau dồi đạo đức, làm tròn bổn phận người công dân ngoài xã hội đối với đất nước và đối với các mối quan hệ xã hội như trong Kinh Thiện Sinh Phật đã dạy:
-Giữ gìn tư cách đạo đức : không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu, không đam mê kỹ nhạc, không kết giao bạn xấu, không lười biếng, phải tinh cần
-Bổn phận của chủ đối với người làm
-Bổn phận người làm đối với chủ
-Bổn phận thầy đối với trò
-Bổn phận trò đối với thầy
-Bổn phận đối với bạn
-Xa lánh hạng “tổn hữu ác đảng”
-Thân cận, cung kính , cầu học và cúng dường bậc Sa môn…
3)Thứ ba tu chùa :
3a-“Tu chùa” nghĩa là cắt đứt mọi quan hệ quyến thuộc thế gian, gác bỏ con đường đi tìm kiêm công danh phú quý để vào chùa làm bậc Sa môn, tu tập đời sống phạm hạnh của bậc Thánh, thành tựu các hạnh lành như : Từ bi, Trì tuệ, Hỷ xả, Thanh tịnh, Tinh tấn, Nhẫn nhục, v.v…
3b- Đã là người xuất gia thì suốt đời sống vô ngã vị tha, không ham giàu sang phú quý, không màng địa vị danh vọng, tất cả mọi nỗ lực đều dồn vào hai việc :
-Nỗ lực tu tập để trở thành bậc Thánh, nêu gương tốt cho hàng Phật tử tại gia noi theo.
-Đẩy mạnh bánh xe pháp, làm cho Phật pháp lưu truyền khắp thế gian và sẵn sàng hy sinh cả mạng sống để bảo vệ Đạo Pháp
3c-Muốn làm thầy của hàng Phật tử tại gia; muốn cho người tại gia thực tâm tôn kính mình thì ngoài việc tu tập các hạnh cao quý của hàng Thánh, người xuất gia cũng cần thông thạo một số tri thức thế học cần thiết và nỗ lực hoàn thiện nhân cách của mình mỗi ngày một tốt hơn. Nếu nhân cách không tăng tiến thì nói gì đến việc làm Thánh ?
3d-“Tu chùa” nghĩa là tu chuyên nghiệp. chỉ dành riêng cho người xuất gia. Phật tử tại gia còn nặng nợ với cuộc sống, tập khí (*) chưa gột sạch, nếu cố bắt chước tu chùa như quý Tăng, Ni thì kết quả tu cũng chẳng đi đến đâu mà lại còn ảnh hưởng xấu đến hạnh phúc gia đình, công việc làm ăn cũng như uy tín xã hội có thể bị sứt mẻ.
4)Ý nghĩa về thứ tự của 3 đối tượng tu:
4a-Thứ nhất là tu tại gia : tu tại gia là nền tảng đạo đức của một con người cho nên được đặt lên hàng đầu. Làm tròn bổn phận trong gia đình là sự tu căn bản quan trọng trước khi hướng về những mục tiêu cao hơn trong lý tưởng tu hành của một đời người. Tu đạo đức gia đình là tu trong phạm vi nhỏ hẹp, tương đối dễ thành công nhưng vô cùng trọng yếu, bởi vì khi một người bước ra xã hội làm việc lớn thì dư luận thường tìm hiểu xem người ấy sống trong gia đình như thế nào. Nếu đó là người bất hiếu bất nghĩa trong gia đình thì xã hội sẽ không tin dùng, lý tưởng và sự nghiệp người ấy sẽ khó mà tăng tiến. Tu tại gia là nền tảng cho việc tu ngoài xã hội
4b- Thứ hai tu chợ : sau khi đã hoàn tất sự tu trong gia đình, tức là đã xây dựng nền tảng vững chắc cho sự nghiệp tu hành của mình, người ta đỉnh đạc bước ra ngoài xã hội làm những việc lớn hơn, giao tiếp và hành xử với nhiều hạng người, các mối quan hệ ngày càng phức tạp hơn. Rõ ràng tu chợ khó hơn tu tại gia nhiều lần. Chính trong môi trường đa phức của xã hội mà người tu phải nỗ lực hơn lên, nhưng kết quả thu được cũng sẽ có giá trị lớn lao hơn. Vì lẽ đó “tu chợ” được xếp sau “tu tại gia”.
4c- Thứ ba tu chùa :
-Người xuất gia tức chư Tăng, Ni là người “xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo”, là hạng người cao quý trong xã hội, được người đời tôn vinh qua danh hiệu “Chúng Trung Tôn”. Tăng, Ni là “con cả” của Như Lai, là bộ mặt của đạo Phật. Người ta thường đánh giá đạo Phật qua lời nói, việc làm và cung cách hành xử của Tăng, Ni. Do vậy, dù muốn hay không, Tăng Ni phải là những người đã hoàn thiện các đức tính căn bản về nhân cách. Người Phật tử không thể cung kính lễ lạy một người mà người đó cho thấy vẫn còn tham-sân-si không khác gì người ngoài thế gian.
Trên đây là ý niệm sơ đẳng và căn bản nhất về sự tu của người xuất gia, tức tu chùa. Qua đó cho thấy tu chùa là khó đến như thế nào. Bởi vậy, muốn vào chùa tu cho có kết quả, người ta cần phải qua hai trường lớp tu trước đó là : tu tại gia và tu chợ.
Nói tóm lại, câu ca dao trên ứng dụng vào đường tu của người Phật tử tại gia thực vô cùng giá trị cả về triết lý lẫn thực tế. Phật tử tại gia chúng ta khoan vội “tu chùa”, mà hãy tu cho tròn bổn phận trong gia đình (tu tại gia), sau đó hãy bước ra xã hội mà tu ĐẠO LÀM NGƯỜI cho “sạch nước cản”(**) đi. Còn tu chùa nên dành cho những bậc có đầy đủ thiện duyên vào chùa tu hành chân chính, làm rạng danh Đức Thế Tôn và nêu cao các giá trị của đạo Phật, làm cho nhân loại phải tôn kính và quy ngưỡng về Phật Pháp như là giá trị đích thực của sự sống nhân loại.
BAN BIÊN TẬP
Chú thích :
(*) Tập khí : những thói quen xấu tích tụ nhiều đời nhiều kiếp
(**) Sạch nước cản: danh từ trong môn cờ tướng, chỉ cho người chơi cờ đã thông thạo hết những nước cờ căn bản.
Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý ô nhiễm,
Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau,
Như xe, chân vật kéo.
Phẩm Song Yếu 1