ngocminh…1995@gmail.com
Kính thưa ban biên tập!
Tôi xem thơ Nguyễn Du có bài “văn tế thập loại chúng sinh”, trong đó có nhắc đến 10 loại cô hồn.
Tôi có thắc mắc không hiểu 10 loại cô hồn này so với kinh điển nhà Phật có khác biệt gì không? Xin được giải đáp!
Bạn ngocminh…1995@gmail.com thân mến,
Tác phẩm "Văn Tế Thập Loại Chúng Sanh" (VTTLCS) của văn hào Nguyễn Du là một áng văn Nôm tuyệt tác, được nhiều người biết đến sau Truyện Kiều. Trong VTTLCS, Nguyễn Du có đề cập mười loại cô hồn, nhưng theo nhiều học giả khi bình giảng tác phẩm này, đều cho rằng số 10 chỉ là con số ước lệ để chỉ số nhiều, chứ không phải con số cụ thể, bằng chứng là trong toàn bài văn tế, ông đã nói tới 14 loại cô hồn, trong đó có nhiều hạng người trong xã hội chết bằng nhiều lý do khác nhau.
Thí dụ : để tả nét đẹp của Thúy Kiều và Thúy Vân, Nguyễn Du cũng đã sử dụng cách viết ước lệ qua câu thơ :
Mai cốt cách, tuyết tinh thần,
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười
Theo VTTLCS, cô hồn là những người chết không bình thường (dân gian gọi là chết oan, chết khi chưa tới số) nên hồn còn lẫn quất nơi cõi âm, khó siêu thoát. Ngoài ra còn có những người chết không mồ mã, không ai thờ cúng (thí dụ những người chết vì chiến tranh ngoài trận địa). Sau cùng là những hạng người khi sống làm hiều việc ác nên khi chết bị đọa địa ngục chịu hình phạt cũng gọi là cô hồn.
Trong kinh điển Phật Giáo Bắc tông (TD: Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện) không thấy nói có bao nhiêu loại cô hồn. Riêng nói về chúng sanh thì Phật Giáo có đề cập đến 4 loại chúng sanh là :
1)Loài thai sanh (như con người, con chó, con mèo… )
2)Loài noãn sanh ( như gà, vịt…)
3)Loài thấp sanh (như cá, rắn, ếch nhái…)
4)Loài hóa sanh (như vi trùng…)
Còn trong Kinh tạng Nam truyền (Phật giáo nguyên thủy) thì tuyệt nhiên không có khái niệm nào về "cô hồn" cả.
Theo PG nguyên thủy (Nam tông) , khi con người vừa qua đời là lập tức tái sanh ngay chứ không có thời gian làm cô hồn sống ở cõi âm hay địa ngục.
Kinh Địa Tạng (PG Bắc tông) có nói về Địa Tạng Vương Bồ Tát cai quản 10 tầng địa ngục, có lời nguyện cứu độ cho những ai làm lành lánh dữ và thường niệm danh hiệu Ngài khỏi phải đọa vào địa ngục. Tuy nhiên, theo lời giảng của nhiều vị pháp sư danh tiếng (TD: HT Thích Từ Thông v.v…) thì kinh Địa Tạng phải được lý giải bằng trí tuệ chứ không nên căn cứ vào chữ nghĩa trong kinh mà tin một cách đơn giản như vậy. Hòa thượng dạy rằng : "Niết bàn hay địa ngục đều ở tại thế gian này, ngay trong đời sống hiện tại, chứ không đợi chết rồi mới đi về hai "chỗ" ấy"
Tóm lại, về vấn đề "cô hồn", "cõi âm", và "địa ngục", nếu căn cứ vào Kinh tạng viết bằng chữ Pali (Nam Phạn) của PG Nam truyền do chính kim khẩu Đức Phật thuyết giảng, thì hoàn toàn không có đề cập về vấn đề này .
Kinh điển viết bằng chữ Sanscrit ( Bắc Phạn) của PG Bắc truyền (thường được gọi là kinh điển Đại thừa) chỉ xuất hiện sau khi Đức Phật nhập diệt từ 600 đến 700 năm và do chư Tổ sau này viết ra. Khi truyền sang Trung Hoa, một số kinh bị sửa chữa cho phù hợp với tín ngưỡng dân gian của người Trung Hoa (tức Trung Quốc ngày nay) Do đó, kinh Bắc tông cao xa khó hiểu đối với người bình dân ít học nên dần dần rơi vào ta kiến, mê tín như ngày nay chúng ta vẫn thường thấy ở một bộ phận không nhỏ tăng, ni và Phật tử tại Việt Nam.
Xin có vài ý chia sẻ với bạn.
Thân chúc bạn hưởng Tết Đinh Dậu vui vẻ.