Giống như một bác sĩ, ta phải có hồ sơ của từng em, biết rõ gia cảnh, tình trạng hạnh phúc, khó khăn của từng em. Một Huynh Trưởng giỏi có thể tạo rất nhiều hạnh phúc cho rất nhiều gia đình. Ta có hai mươi đoàn sinh là ta có bổn phận phải xây dựng hai mươi gia đình. Công việc của một người Huynh Trưởng rất lớn, và sự tu tập của người Huynh Trưởng rất khó. Khi ta đi xuất gia thì dễ hơn. Đi xuất gia thành một thầy hay một sư cô, tu dễ hơn một Huynh Trưởng vì họ luôn luôn được bao bọc bởi những vị xuất gia khác, có thầy, có bạn, được thực tập 24 giờ một ngày. Còn khi là một người Huynh Trưởng, ta phải lo đủ thứ hết. Ta phải đi làm, đi học, chăm sóc gia đình của mình, đồng thời phải chăm sóc một gia đình rất lớn. Nếu ta không có tình thương và sự kiên nhẫn lớn thì không thể nào làm trọn được phận sự của một người Huynh Trưởng. Chuyện thực tập liên đới với các gia đình để giúp các em, cải thiện tình trạng trong gia đình, chúng ta phải học hỏi nhiều lắm mới có thể làm được. Chúng ta phải giỏi về tâm lý học. Nhiều khi ta phải đóng vai trò của một người cố vấn cho gia đình em. Có thương em thì ta phải thương cho trọn. Ta thương em thì ta phải thương luôn gia đình của em, giúp cho gia đình của em vượt khỏi những khó khăn. Thương một em đoàn sinh là một công trình rất lớn.
Trong khóa tu, chúng ta có thể ngồi lại để quán chiếu và nhìn sâu. Ta thấy được tình trạng của chúng ta và tìm ra những biện pháp, những pháp môn có thể làm dậy lên sức sống đó, tức là bất cứ cái gì chúng ta làm trong sinh hoạt của khóa tu đều phải có tác dụng nuôi dưỡng và trị liệu. Ăn cơm cũng vậy, ăn cơm như thế nào mà trong khi ăn ta được nuôi dưỡng và trị liệu. Giờ sinh hoạt tập thể ta hát "quay một vòng hát mà chơi" cũng vậy, sinh hoạt như thế nào mà trong thời gian đó có tính cách nuôi dưỡng và trị liệu. Nghe Phật pháp cũng vậy, nghe giảng Phật pháp như thế nào mà trong thời gian nghe những hạt giống nuôi dưỡng và trị liệu được tưới tẩm. Càng nghe ta càng thấy sáng trong tâm tư, càng nghe ta càng thấy rõ con người của ta. Khi ta dạy giáo lý cho các em thì thời gian dạy giáo lý đó không phải để cho các em thâu thập một mớ ý niệm, một mớ lý thuyết, mà giáo lý đó phải là cái mà các em có thể đem ra áp dụng trong sinh hoạt của đoàn, trong khi ăn, trong khi ngồi, trong khi chơi, trong khi rửa bát để có nhiều lợi lạc. Chúng ta ai mà không phải rửa bát? Nhưng rửa bát như thế nào để có hạnh phúc? Chúng ta ai mà không đi rửa tay? Nhưng rửa tay như thế nào mà trong giây phút đó có sự sống, có sự thức tỉnh. Đó là bổn phận của chúng ta. Chúng ta phải học, phải áp dụng điều học được vào đời sống của chúng ta. Và khi ta đã có được yếu tố của sự nuôi dưỡng và trị liệu rồi thì chắc chắn ta sẽ thành công với tư cách của một người Huynh Trưởng. Ta biết rằng nếu ta có thể điều phục được những giận hờn, bực bội, lo âu, thất vọng của ta thì ta mới có kinh nghiệm và khả năng để giúp cho các em trong đoàn làm được chuyện đó. Nếu ta học được phương pháp để có thể tái lập được sự truyền thông giữa ta và cha mẹ ta, nếu ta có thể tái lập được sự truyền thông giữa ta và các con ta, thì chắc chắn ta có thể giúp được cho đoàn sinh của ta và cho gia đình của em đó.
Vì vậy ta không nên để mất thì giờ vào chuyện hình thức nữa. Ta phải thông minh, biết sử dụng thời giờ của mình một cách khôn khéo để cho tất cả mọi giây phút, mọi giờ sinh hoạt của Gia Đình Phật Tử đều đem lại cho ta yếu tố của sự nuôi dưỡng và trị liệu.