Kính thưa Ban Biên tập,
Có lần tham dự trại huấn luyện, em được nghe Huynh trưởng giảng huấn nói rằng : Gia Đình Phật Tử còn có một trại huấn luyện Đội, Chúng trưởng ngành Thanh là Trại Tỳ Xá Khư. Kính đề nghị BBT cho chúng em biết Tỳ Xá Khư là nhân vật nào, vì sao tên nhân vật ấy được đặt cho trại huấn luyện đội chúng trưởng ngành Thanh Gia Đình Phật Tử Việt Nam? (vanth…@gmail.com)
Bạn vanth…@gmail.com thân mến,
Tỳ Xá Khư là do người Trung Hoa phiên âm từ chữ VISÃKHÀ (Phạn ngữ), đó là tên của một người Nữ Phật tử tại gia giàu có quảng đại và tâm đạo nhiệt thành vào thời Đức Phật còn tại thế.
VISÃKHÀ (đọc là Vi xa kha) là con gái của nhà triệu phú Dhananjaya. Mẹ cô là bà Sumanà Devi và ông ngoại cô là nhà triệu phú Mendaka mà cô hết sức thương mến.
Ngày nọ, khi cô mới lên bảy, Đức Phật có dịp đến viếng Baddiya, quê cô, trong vương quốc Anga. Được nghe tin lành ấy, ông ngoại cô bảo cô: “Này cháu thân mến, hôm nay là một ngày vui của cháu và của ông ngoại. Vậy cháu hãy tập trung năm trăm tớ gái, kết năm trăm cỗ xe để đi đón Đức Phật, cháu nhé!”
Cô vui vẻ vâng lời. Khi đến nơi, cô đảnh lễ Đức Phật rồi cung kính ngồi qua một bên. Đức Thế Tôn lấy làm đẹp ý thấy tư cách phong nhã lễ độ của cô. Tuy tuổi còn nhỏ nhưng tinh thần cô Visãkhà đã đến mức tiến bộ khá cao. Sau khi nghe Đức Phật thuyết pháp, cô đắc quả Tu-đà-hườn (dịch nghĩa là Dự lưu, quả vị sơ khởi trong bốn quả Thánh).
Kinh sách viết rằng cô Visãkhà rất mỹ miều duyên dáng nhưng lại có sức mạnh không thua kém nam giới. Tóc nàng dài và đẹp như đuôi chim công, môi cô đỏ tự nhiên, răng trắng như ngà, sáng ngời như ngọc. Da cô mịn màng như cánh hoa sen màu vàng. Cho đến lúc tuổi cao và dù đã sinh nhiều con nhưng sắc đẹp của bà vẫn như thời son trẻ.
Được phú cho 5 vẻ đẹp của người phụ nữ (tóc, da, xương, vóc và tuổi trẻ), Visãkhà còn có trí tuệ hơn người, sáng suốt trong công việc thế gian cũng như trong phạm vi tinh thần đạo đức.
Lúc còn 15-16 tuổi, nhơn một ngày lễ nọ, cô cùng đi với nhiều tỳ nữ ra mé sông để tắm. Tình cờ một đám mưa to từ xa kéo đến. Tất cả mọi người, trừ cô Visãkhà, đều lật đật bỏ chạy vào tạm trú trong một căn nhà bỏ trống. Cùng lúc ấy cũng có vài vị bà-la-môn đang đi tìm một người phụ nữ có đủ năm vẻ đẹp cho p6ng thầy trẻ tuổi của mình. Cô không vội vã hấp tấp, mà chậm rãi khoan thai lần bước đi vào đụt mưa trong nhà. Các vị bà-la-môn trông thấy lấy làm ngạc nhiên, hỏi cô tại sao không chạy mau vào cho khỏi ướt mình.
Cô Visãkhà nhơn cơ hội, ứng khẩu nói lên quan điểm của mình. Cô nói rằng cô có thể chạy còn mau hơn mọi người khác, nhưng cố ý không làm vậy. Và cô giải thích rằng nếu có vị vua kia đang mặc sắc phục triều đình, bỗng nhiên xăn áo quần lên, hối hả chạy vào cung điện thì ắt không thích đáng. Một thớt ngự tượng đường bệ oai nghiêm mình mang đầy trang sức mà không dõng dạc lần bước lại đâm đầu bỏ chạy ngoài đường thì cũng là một cảnh tượng trái mắt. Những nhà sư thanh nhã khả kính cũng bị chỉ trích nếu các Ngài chạy xốc xếch y bát. Cũng thế ấy, người phụ nữ chạy ngoài đường như đàn ông sẽ mất hết nề nếp đoan trang phong nhã.
Các vị bà-la-môn lấy làm hoan hỷ được nghe những lời cao đẹp ấy và nghĩ rằng cô Visãkhà sẽ là người vợ lý tưởng cho thầy mình. Sau đó mọi việc thích nghi được sắp xếp để vị thầy bà-la-môn Punnavaddhana, con của nhà triệu phú Migara, đi cưới cô Visãkhà.
Lễ cưới cử hành rất trọng thể. Ngoài của hồi môn rất quan trọng và những món trang sức quý giá, người cha sáng suốt còn dạy con gái những điều sau đây:
Các điều ấy có nghĩa là:
Ngày cô Visãkhà về nhà chồng, tại Savatthi rát đông người trong thành phố tới tấp gởi đến nàng đủ loại tặng phẩm. Nhưng vốn giàu lòng quảng đại, cô gở quà tặng lại mỗi người với vài lời ân cần và đối xử với mọi người như chính thân bằng quyến thuộc của mình. Do thái độ cao quý ấy, ngay trong những ngày đầu tiên tất cả mọi người bên nhà chồng đều quý chuộng cô.
Một việc tình cờ cho thấy tình thương của cô bao trùm cả loài thú. Hôm nọ, được biết con ngựa cái trong nhà sắp đẻ, cô tức khắc cùng các nô tỳ đốt đuốc ra tận chuồng và hết lòng chăm sóc ngựa cho đến khi đẻ xong xuôi mới đi ngủ.
Cha chồng của cô là đệ tử trung kiên của Nigantha Nataputta. Ngày nọ ông thỉnh về nhà rất đông các tu sĩ lõa thể. Khi các vị ấy đến, Visãkhà được mời ra để đảnh lễ những vị mà người ta gọi là A-la-hán. Thoạt nghe đến danh từ A-la-hán, cô lấy làm hoan hỷ và vội vã bước ra. Nàng chỉ thấy những tu sĩ lõa lồ ngã mạn. Đối với người phụ nữ phong lưu thanh nhã như cô Visãkhà, thật không thể chịu được. Cô phiền trách cha chồng và quày quả trở vào. Những đạo sĩ lấy làm tức giận, bắt lỗi nhà triệu phú tại sao đem vào nhà mình một tín nữ của Đức Phật.Họ yêu cầu ông đuổi cô ra khỏi nhà tức khắc. Ông triệu phú khuyên giải hết lời họ mới nguôi giận.
Ngày nọ ông cha chồng ngồi trên một cái ghế và bắt đầu ăn một món cháo rất ngon trong cái chén bằng vàng. Ngay lúc ấy một vị tỳ-khưu bước vào nhà khất thực. Cô Visãkhà liền đứng qua một bên để cha chồng trông thấy nhà sư. Tuy đã thấy nhưng ông cha chồng vẫn làm lơ, tiếp tục ăn như thường. Cô thấy vậy cung kính bạch sư: “Bạch sư, xin thỉnh sư hoan hỷ bước qua nhà khác, cha chồng tôi đang dùng những món ăn thiêu”
Nhà triệu phú kém thông minh, hiểu lầm ý nghĩa lời nói nên lấy làm tức giận truyền gia đinh đuổi cô Visãkhà ra khỏi nhà.
Nhưng tất cả tôi tớ trong nhà đều hết lòng quý chuộng cô nên không ai dám động đến.
Cô Visãkhà luôn luôn biết tôn trọng kỷ luật gia đình nhưng không thể chấp nhận cách đối xử như thế mà không phản đối, dù là cha chồng. Cô lễ phép trình bày: “Thưa cha, thật không có đủ lý do để buộc con phải rời khỏi nhà. Không phải cha đem con về đây như người mua nô lệ. Trong lúc cha mẹ còn sanh tiền, con gái không thể bỏ nhà ra đi như vậy. Vì lẽ ấy, khi con rời nhà để qua đây, cha con có mời tám người trong thân tộc và gởi gấm con cho các vị ấy. Cha con nói : “Nếu con gái tôi có phạm điều gì lỗi lầm, xin các vị hãy dò xét cặn kẽ”. Vậy xin cha hãy mời các vị ấy đến để xét xử xem con có lỗi hay không”
Nhà triệu phú đồng ý với lời đề nghị hữu lý ấy, mời tám vị thân nhân kia lại phân trần:
“Nhơn một ngày lễ, tôi đang ngồi ăn cháo nấu với sữa trong một cái chén bằng vàng thì con dâu tôi nói rằng tôi ăn đồ không sạch. Xin các vị hãy vạch ra cho nó thấy lỗi và đuổi nó ra khỏi nhà này”
Cô Visãkhà giải thích:
“Thật ra tôi không nói đúng hẳn như vậy. Lúc cha chồng tôi đang dùng cháo thì có một vị tỳ-khưu vào nhà khất thực. Cha chồng tôi thấy mà làm ngơ. Nghĩ bụng rằng cha chồng tôi không làm được điều thiện nào trong hiện tại mà chỉ thọ hưởng phước báu đã tạo trong quá khứ nên tôi bạch với vị tỳ-khưu :” Bạch sư, xin thỉnh sư hoan hỷ bước qua nhà khác, cha chồng tôi đang dùng những món ăn thiêu”.
Mọi người nhìn nhận rằng cô Visãkhà không có lỗi. Ông cha chồng cũng đồng ý, nhưng chưa hết giận, ông bắt tội cô dâu tại sao giữa đêm khuya thấp đuốc cùng với nô tỳ ra sau vườn.
Một lần nữa cô giải thích tại sao cô làm vậy. Tám vị thân nhân ghi nhận rằng vì tình thương một con thú đang chịu đau đớn, cô dâu cao quý đã làm một việc cực nhọc mà cho đến các nô tỳ chưa chắc đã làm. Như vậy là rất được tán dương, hẳn là không có lỗi.
Nhưng ông cha chồng triệu phú đầy lòng thù hận chưa chịu ngừng. Tìm không ra lỗi gì nữa của cô, ông bắt sang chuyện khác và nói rằng trước khi về nhà chồng nàng có học mười điều, thí dụ như : “Lửa trong nhà không nên đem ra ngoài ngõ”. Vậy thật sự có thể sống đặng chăng nếu đôi khi không đem lửa cho hàng xóm láng giềng mồi?
Cô Visãkhà nhơn cơ hội, giải thích rành rẽ mười điểm. Ông cha chồng không còn gì để buộc tội nữa, ngồi lặng thinh.
Cô là người biết tự trọng. Sau khi chứng minh rằng mình không có lỗi cô liền tỏ ý muốn ra đi theo lời cha chồng đuổi.
Nhà triệu phú đổi hẳn thái độ, ông xin lỗi cô vì hiểu lầm.
Đúng theo tinh thần quảng đại khoa dung của người Phật tử, cô Visãkhà không phiền trách cha chồng nữa nhưng xin một điều là về sau cô được tự do sinh hoạt trong truyền thống tôn giáo của cô. Ông cha chồng đồng ý.
Cô Visãkhà không để mất thời giờ. Nhơn cơ hội, cô thỉnh Đức Phật về nhà thọ trai. Đức Phật đến, và sau khi thọ thực, Ngài thuyết một thời pháp. Ông cha chồng triệu phú tọc mạch, ngồi sau bức rèm nghe trộm. Khi Đức Phật giảng xong thì ông đắc quả Tu-đà-hườn và biểu lộ lòng tri ân vô hạn đối với cô dâu quý đã dẫn ông vào con đường Giải thoát thật sự. Ông cũng ghi nhận một cách vô cùng cảm động là kể từ ngày ấy ông sẽ xem cô dâu như một bà mẹ.
Về sau bà Visãkhà sanh được một con trai tên Migãra. Đức Phật đến viếng và nhơn cơ hội này bà mẹ chồng được nghe Pháp và đắc quả Tu-đà-hườn.
Nhờ khôn khéo, trí tuệ và nhẫn nại, cô dần dần cảm hóa mọi người và đổi nhà bên chồng trở thành một gia đình Phật tử đầy an vui hạnh phúc.
Bà Visãkhà để bát chư Tăng hằng ngày tại nhà. Trưa chiều bà thường đến chùa nghe Pháp và xem các sư có cần dùng vật chi không. Suppiyã, một bà tín nữ khác cũng có tâm đạo nhiệt thành thường cùng đi với bà.
Bà Visãkhà thật giàu lòng bố thí và tận tình hộ trì chư Tăng. Một lần nọ bà đến hầu Phật và thỉnh nguyện tám điều:
Đức Phật chấp thuận.
Ngày nọ, sửa soạn đến chùa lễ Phật và nghe Pháp, bà mặc bộ đồ đẹp nhất của cha bà cho lúc đưa bà về nhà chống. Nhưng nghĩ lại rằng ăn mặc rực rỡ như thế trước mặt Đức Thế Tôn ắt không thích nghi. Bà liền thay vào một bộ y phục khác do cha chồng cho và gói đồ kia lại giao cho người nữ tỳ cầm giữ. Sau khi nghe pháp, bà ra về với người tỳ nữ. Người này lại bỏ quên gói đồ. Đại đức Ananda nhìn thấy mà không biết của ai. Theo lời dạy của Đức Phật, Ngài tạm giữ để chờ trao lại chủ. Khi bà Visãkhà hay rằng người tỳ nữ mình bỏ quên gói đồ trong chùa thì sai trở lại đem về nếu chưa có ai động đến. Nếu có ai chạm đến gói đồ thì thôi. Người tỳ nữ trở về thuật lại tự sự. Bà liền đến hầu Đức Phật và tỏ ý muốn làm một việc thiện với số tiền bán bộ y phục ấy. Đức Phật khuyên nên cấy một tịnh xá nằm tại ở phía Đông cổng vào. Vì không có ai đủ tiền để mua bộ y phục quý giá như vậy nên chính bà mua lại và dùng số tiền ấy kiến tạo một ngôi tịnh xá đẹp đẽ tên là Pubbàràma. Theo lời thỉnh của bà, mùa mưa ấy Đức Phật nhập hạ tại tịnh xá rộng rãi này. Bà rất hân hoan được Đức Phật chấp thuận nhập hạ sáu lần tại nơi ấy.
Kinh sách ghi rằng bà Visãkhà hết sức rộng lượng. Thay vì la rầy người tỳ nữ vô ý bỏ quên gói đồ, bà còn chia phần công đức kiến tạo tịnh xá đến cô nữ tỳ đã tạo cho bà cơ hội quý báu ấy.
Đề cập đến những đức tính khả dĩ đưa người phụ nữ lên các cảnh Trời, Đức Phật dạy:
“Tích cực hoạt động, luôn dịu dàng chiều chuộng chồng. Dầu chồng không đem lại tất cả hạnh phúc , không khi nào dùng lời bất cẩn, nghịch ý, thiếu lễ độ làm chồng nổi sân. Tôn trọng tất cả những người được chồng kính nể…”
Bà Visãkhà đóng góp một phần quan trọng trong nhiều lĩnh vực khác nhau có liên quan đến Phật sự. Đôi khi, Đức Phật dạy bà đi giải hòa những mối bất đồng giữa các tỳ-khưu ni. Cũng có lúc bà thỉnh cầu Đức Phật ban hành một vài giới cho chư vị tỳ-khưu.
Do đức độ đại lượng, bà được xem là người tín nữ có công đức nhiều nhất trong các Phật sự và cũng là vị thí chủ quan trọng nhất của phái nữ thời Đức Phật.
Bà được Đức Phật và Giáo hội Tăng Già phong chức Thông Nhơn, tức là người có phận sự truyền đạt những tin tức giữa Giáo hội Tỳ-khưu và Giáo hội Tỳ-khưu ni, cũng như đem những nguyện vọng của hàng Phật tử tại gia mà chuyển đạt lên Giáo hội .
Kinh sách ghi lại rằng bà làm mẹ của mười con trai và mười con gái. Tất cả các con bà đều hiếu thảo. Bà thọ đến 120 tuổi mới qua đời.
BAN BIÊN TẬP
Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý thanh tịnh,
Nói lên hay hành động,
An lạc bước theo sau,
Như bóng, không rời hình.
Phẩm Song Yếu
Thật là ý nghĩa! Con phải đọc đến 2 lần để thấm từng câu từng chữ trong đoạn Kinh. Cảm ơn Gia Đình Phật Tử Kiên Giang. Namo Amitabha!