Tôi có một người bạn dạo gần đây thực hành thiền tập theo một số tài liệu trên mạng. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hành tôi phát hiện anh ta có những biểu hiện lạ như: thần trí mơ màng, lúc nào cũng ủ rũ không thể tập trung vào công việc.
Xin hỏi đó có phải là biểu hiện bình thường của người thực hành thiền không? Nếu không phải nhờ Ban Biên Tập hướng dẫn phương pháp đúng và những dấu hiệu đúng khi thực hành thiền thành công.
Hồ Đình Thắng
Bạn Hồ Đình Thắng thân mến,
Phần I :Ngày xưa, Sa môn Cồ Đàm (tức Thái tử Tất Đạt Đa) nhờ tu Thiền mà trở thành bậc Chánh Đẳng Chánh Giác. Trong suốt 49 năm truyền đạo, Ngài đã đích thân hướng dẫn cho các đệ tử mình tu Thiền bằng chính phương pháp Thiền mà Ngài đã tu. Kết quả là có hàng ngàn đệ tử Phật đã chứng quả A La Hán. Đọc lịch sử Đức Phật và lịch sử Phật Giáo Ấn Độ, chúng ta chưa thấy đề cập một trường hợp nào “điên” vì tu Thiền do Đức Phật dạy.
Phương pháp Thiền do chính Đức Phật đã tu và hướng dẫn lại cho hàng đệ tử, đó là Thiền Tứ Niệm Xứ mà ngày nay vẫn còn lưu truyền trong Kinh tạng Nikaya và hàng triệu, triệu người theo Phật giáo Nguyên Thủy trên thế giới hiện đang tu tập theo phương pháp Thiền này, cũng chưa hề có ai bị điên vì Thiền cả.
Sau khi Phật nhập diệt, Phật giáo dần dần biến tướng ra nhiều chi nhánh, gọi là tông phái. Từ đó Thiền cũng dần dần biến tướng. Nhất là khi Phật giáo truyền sang Trung Hoa thì Thiền tông trở thành một pháp tu đặc thù của Phật giáo Trung Hoa mà Tổ Bồ Đề Đạt Ma được xem là sơ tổ và truyền đến Tổ thứ sáu là Ngài Huệ Năng thì không còn truyền cho ai làm tổ nữa.
Thế nhưng, Thiền của Phật giáo Trung Hoa cũng lại chia ra nhiều nhánh như : Thiền Thảo Đường, Thiền Lâm Tế, Thiền Quy Ngưỡng, Thiền Vân Môn, Thiền Pháp Nhãn,Thiền Tào Động v.v… Mỗi nhánh lại đề cao một phương pháp riêng của mình và đều tự cho là đệ nhất thiền.
Càng về sau, Phật giáo lan truyền đến Tây Tạng Nhật Bản, Triều Tiên … lại nẩy sanh nhiều quan điểm mới, nhiều phương pháp mới về tu Thiền. Tóm lại, cứ hễ có người tu thiền chứng đắc được điều gì, thì người đó lại đề ra một phương pháp tu Thiền mới. Trước tình trạng này, Thiền của Phật giáo ngày càng biến tướng ra thiên hình vạn trạng, giống như từ một gốc cây mà đẻ ra nhiều cành, mỗi cành sinh ra nhiều nhánh, mỗi nhánh lại đâm ra nhiều nhóc… Làm cho người tu thiền như lạc vào rừng hoa muôn sắc, không biết chọn hoa nào đẹp hơn hoa nào.
Sự đa màu đa sắc của Thiền, cho đến ngày nay đã thật sự đi đến chỗ rối rắm, phức tạp và nguy hiểm. Bởi vì có quá nhiều người tự ý pha trộn Thiền Phật giáo với các thứ “Thiền ngoại đạo” hoặc pha trộn với các phương pháp khí công của Ấn Độ, Trung Hoa, Tây Tạng v.v… để hình thành một thứ tà đạo mượn danh nghĩa Thiền mang đậm màu sắc mê tín, huyễn hoặc, phí lý, phản khoa học.
Tội nghiệp cho những ai nhẹ dạ cả tin, đã không gặp được bậc thiện tri thức trực tiếp hướng dẫn cho, lại nhiễm phải quan điểm tu xa rời thực tế, mong cầu giải thoát ra khỏi thế gian này, ngày đêm khao khát được gặp Phật, Bồ tát trên các cõi Trời v.v… mà tu theo các loại “thiền dỏm” này, thì nhất định sẽ lạc vào tà đạo, trở nên người nửa tỉnh nửa mê, lúc nào cũng như đang ở trên mây. Tình trạng này rất thường thấy ở những người tu thiền không đúng phương pháp, điển hình như người mà bạn vừa nêu trong thư. Tất nhiên, tu thiền mà hậu quả như thế là không phải người thực hành Chánh Định rồi. Những biểu hiện mà bạn nêu trong thư chắc chắn không phải là biểu hiện bình thường của người tu Thiền đúng phương pháp. Nếu người này không kịp tỉnh ngộ mà buông bỏ tức khắc lối tu thiền “tà đạo” này, trong tương lai không xa, người này sẽ bị bệnh hoang tưởng nặng mà dân gian thường gọi là “điên”. Người tu Thiền mà bị điên thì thật là oan cho đạo Phật quá !
Phần II : Chúng tôi không đủ tư cách hướng dẫn phương pháp tu Thiền theo đề nghị của bạn, nhưng chúng tôi có thể mách cho bạn để bạn bắt đầu tu Thiền mà không sợ sai lầm, đó chính là Thiền Tứ Niệm Xứ do Cố Hòa thượng Tiến sĩ Thích Chơn Thiện biên soạn trong tác phẩm “Tìm Vào Thực Tại” do NXB TP.HCM ấn hành năm 2000. (giá bìa 16.000 đồng – Có bán tại các nhà sách)
Tác phẩm “Tìm Vào Thực Tại” gồm các nội dung như sau :
Chương I : Nhận thức cơ bản về con đường Thiền định của PG
Chương II: Những bài thực hành Thiền Tứ Niệm Xứ
Chương III: Thiền chỉ – Thiền quán – 40 đối tượng Thiền quán
Chương IV: Lộ trình tu chứng của Thế Tôn – Các cảnh giới Thiền
định – 7 bước đi thanh tịnh
Chương V: Sự khác biệt giữa Thiền định Phật giáo và Thiền định
ngoại đạo
Chương VI: Thiền định Phật giáo Việt Nam
Chương VII: Thiền Công án.
Hiện nay, tổ chức Gia Đình Phật Tử trực thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam đã đưa tác phẩm “Tìm Vào Thực Tại” của HT Thích Chơn Thiện vào giáo trình tu học và thực tập Thiền cho đoàn viên GĐPT (Trong tác phẩm này, tác giả có biên soạn 16 bài tập Thiền Tứ Niệm Xứ cho lứa tuổi thanh, thiếu đồng niên thực tập – Phần hướng dẫn thực hành rất cụ thể, dễ hiểu dễ làm). Nói chung, cuốn sách này có đầy đủ lý thuyết và thực hành cần cho người mới tập Thiền cũng như đối với người đã tập lâu năm, muốn nâng cao trình độ tu Thiền Tứ Niệm Xứ.
Ngoài ra, để hiểu rõ thêm về yếu chỉ của Thiền, chúng tôi đề nghị bạn vào trang Web lieulieuduong của Hòa thượng Thích Từ Thông nghe các bài giảng của Ngài về Thiền rất hay. Nghe Pháp sư Từ Thông lý giải về Thiền, mọi người mới vỡ ra nhiều lẽ thật mà từ trước tới nay người ta còn chưa hiều hết về hai từ “Thiền Định”
Thiền định của Phật giáo là một pháp tu rất khoa học, là con đường duy nhất giúp hành giả làm chủ thân tâm, nhằm đạt đến chỗ giác ngộ và giải thoát. Người tu Thiền đúng cách sẽ đem lại kết quả tốt đẹp nhiều mặt như : sức khỏe được cải thiện, trí não sáng suốt thông minh, tâm tánh thuần thiện, có khả năng nhìn thấu suốt mọi vấn đề trong đời sống và giải quyết chúng một cách thấu tình đạt lý, đem lại an lạc cho mình và nọi người chung quanh ngay trong cuộc sống này.
Sau cùng, xin mách bạn một điều : khi đã thực hành Thiền Tứ Niệm Xứ một thời gian dài theo sự hướng dẫn của HT Thích Chơn Thiện qua sách “Tìm Vào Thực Tại”, có thể bạn sẽ gặp một vài thắc mắc cần giải thông. Khi đó, bạn hãy tìm một vị Sư Nam tông ( đang tu Thiền Tứ Niệm Xứ) nhờ giải thông những điều thắc mắc của bạn.
Chúc bạn tinh tấn trên đường Đạo.
BAN BIÊN TẬP
Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý ô nhiễm,
Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau,
Như xe, chân vật kéo.
Phẩm Song Yếu 1