Đạo đức Phật giáo chính là một phương thuốc mà ta phải uống mỗi ngày trong suốt cuộc đời ta nhằm trị dứt căn bệnh mãn tính mà ai cũng mắc phải từ khi lọt lòng mẹ cho đến giây phút trút hơi thở cuối cùng. Đó căn bệnh Tham – Sân – Si. Tiếc thay, không phải ai cũng biết và chịu uống phương thuốc này. Nói cách khác, không phải ai cũng tin và chịu thực hành đạo đức Phật giáo trong đời sống. Chỉ có chúng ta, những người có phước lớn mới gặp được Phật pháp, tin và thực hành giáo lý đạo Phật, xem đó là lý tưởng sống của chúng ta.
Học và hành đạo đức Phật Giáo không phải là điều dễ làm. Người áp dụng đạo đức Phật giáo vào đời sống cũng giống như người bơi ngược dòng nước, mười người bơi chưa chắc được một người tới đích, tuy nhiên khó không phải là không làm được, bằng chứng là chung quanh ta có biết bao bậc thiện tri thức đã và đang góp phần xây dựng xã hội bằng đạo đức Phật giáo. Họ chính là những tấm gương cho ta tin tưởng để tiếp tục dấn thân trên con đường đầy gian nan thử thách này.
Thực hành đạo đức Phật giáo có đạt được kết quả hay không và đạt tới mức độ nào thì còn tùy vào nghị lực, lòng quyết tâm và trình độ học Phật của mỗi người. Nếu bước chân ra đời ta thiếu gần gũi thân cận với bậc thiện tri thức lại thường ngày phải sống giữa những người không có niềm tin nơi Phật pháp thì ta rất dễ bị lôi kéo xa rời chánh pháp, rất dễ bị rơi trở lại với căn bệnh Tham-Sân-Si.
Tôi xin đơn cử một vài trường hợp cụ thể mà bạn có thể gặp trong đời sống thường ngày:
1-Bạn đang đi bộ trên đường. Bỗng bạn trông thấy một cái bóp căng phồng (có lẽ đầy tiền trong đó) của ai đó đánh rơi. Bạn phớt lờ bỏ đi, trong khi đó có một người đi phía sau bạn vượt lên nhặt lấy chiếc bóp cho vào túi rồi đi thẳng. Trong trường hợp này, bạn có hối hận vì đã không nhặt lấy chiếc bóp không? bạn có cảm thấy "thiệt thòi" không?
2-Trong cơ quan bạn đang khuyết một chân trưởng phòng. Bạn có làm mọi cách như: lấy lòng giám đốc, nói xấu người khác, tự khoe khoang mình lên v.v… để được cấp trên cất nhắc bạn vào chức trưởng phòng không? Nếu bạn không làm những điều ấy mà có một người khác làm những việc mà tôi vừa kể trên và được đưa vào chức vụ ấy, bạn có thấy "hối hận" không?
3-Bạn là người giữ giới "không uống rượu", nhưng có người lại khuyên bạn rằng: "Nếu không uống rượu thì làm sao thăng quan tiến chức được?" Vậy bạn còn giữ giới hay bắt đầu tập uống rượu?
4-Có người mưu hại bạn nhưng bạn không tìm cách trả thù. Người khác thấy vậy chê cười bạn "Thằng đó nhát gan, nhu nhược quá!" Bạn thấy sao trước lời chê bai đó? và bạn có trả thù người đã làm hại bạn để không bị chê cười không?
5-Trong cơ quan bạn, đa số đồng nghiệp của bạn rất thường đi "bia ôm" và sau khi nhậu xỉn thường đi hát karaoke hoặc vào các phòng mát-xa. Bạn có dứt khoát từ chối đi vào các nơi đó mà không ngại các đồng nghiệp chê cười hay mất lòng vì cho rằng bạn "sống không hài hòa" với anh em không? Nếu các bạn đồng nghiệp đi đến các nơi ấy mà không rủ rê bạn thì bạn có thấy mình "đơn độc" không?
6-Bạn có quyết liệt tranh giành với các đồng nghiệp mỗi khi cơ quan bình bầu thi đua không? Nếu người khác được mà bạn thì không, bạn có thấy mình "thiệt thòi" không?
7-Trong cơ quan, bạn có thường giúp đỡ các đồng nghiệp mà không cần họ trả ơn không? Bạn có tự nhũ rằng: "Ngu gì đi giúp người khác? Mình lo cho mình còn chưa xong nữa là"
8-Bạn có thường tỏ ra cho mọi người biết mình là một Phật tử không? Bạn có muốn chứng tỏ với mọi người chung quanh rằng bạn là một con người đạo đức không?
Bạn thân mến,
Những điều chúng ta học và hành theo lời Phật dạy không phải để thỏa mãn lòng tham của con người; không phải để thỏa mãn tự ái và bản ngã con người; không biến chúng ta thành những con cừu ngoan đạo.
Nhưng, những lời dạy của Phật mà chúng ta nỗ lực, kiên trì và quyết tâm thực hành trong đời sống nhất định đem đến cho chúng ta sự an lạc trong tâm hồn, đem đến cho chúng ta sự vững chãi trong cuộc sống và đem đến cho chúng ta niềm hạnh phúc chân thật không dưa trên tiền tài, danh vọng, bản ngã và những thói quen vô mình của chúng ta.
Tôi rất muốn biết trong trường hợp nào mà bạn đã cảm thấy "thiệt thòi" và "cô độc" như trong thư bạn đã gởi cho tôi.
Thân ái chúc bạn tự tin thực hành đạo đức Phật giáo trong cuộc sống.