Từ Tâm Thư Của Một Huynh Trưởng Trẻ

G

Sau đây là trích đoạn bức tâm thư của bạn ấy:

…"Có nhiều khi con suy nghĩ, mình đã đến với phật pháp, được học lời pháp và thực hành lời phật dạy trong mọi việc nhưng sao khi mình áp dụng thì thấy mọi việc mình thiệt thòi hơn mọi người…. Nhưng Bác yên tâm con chỉ hơi buồn xíu thôi nên mới suy nghĩ như vậy, Chứ thật ra con không hề hối hận những gì mình được học, được biết và không hề hối hận về những việc mà mình đã quyết định làm theo…. Con chỉ thấy bản thân khác với mọi người và mình như đơn độc… " (lamminh…102@gmail.com)

Bạn lamminh… thân mến,

Tôi rất sẵn lòng chia sẻ những điều bạn viết cho tôi. Tôi không hề cho rằng bạn "nói quá" những gì đã xảy đến với bạn, vì chính tôi, vào thời điểm cách đây 50 năm, tôi cũng từng gặp phải những vấn đề như bạn bây giờ, và tâm trạng tôi lúc ấy cũng giống y tâm trạng bạn hôm nay.

Bạn đã sống trong màu áo Lam gần 20 năm qua, từ lúc còn là một đoàn sinh Oanh Vũ cho đến khi được Ban hướng dẫn xếp cấp Tập. Trong khoảng thời gian đó, hằng tuần bạn được nghe anh chị trưởng hướng dẫn lời Phật dạy, được đắm mình trong bầu không khí đầm ấm vui tươi, hòa thuận, tin yêu… Được nhìn thấy những tấm gương sống Lục Hòa, được học và hành Tứ Nhiếp Pháp và được đối xử một cách từ ái, độ lượng, khoan dung bởi chư Tăng Ni v.v… Nói chung, bạn thật hạnh phúc được sống trong một môi trường gần như lý tưởng mà Đức Phật đã nhắm đến khi truyền bá đạo Phật trên thế gian này.

Mà cũng không riêng gì bạn đâu, tất cả mọi người Phật tử tại gia cũng đều có cảm giác an bình, hạnh lạc khi đến chùa và một cảm giác ngược lại khi trở về với đời sống gia đình, trường học, cơ quan… nói chung là mọi mặt đời sống xã hội với những bon chen, giành giật, tham lam, ích kỷ… nghĩa là 1001 thứ "phiền não" của thế gian mà Đức Phật đã dạy ta làm cách nào để vượt qua chúng để có một cuộc sống giải thoát, an vui, tự tại…

Tâm tư của một người Huynh Trưởng trẻ

Trong đoạn thư trên, bạn có nhắc đến hai từ "thiệt thòi" và "đơn độc" . Tôi thông cảm với bạn vì dù sao bạn vẫn còn là một huynh trưởng trẻ, công phu và trình độ tu tập còn như một thanh sắt chưa được trui rèn đủ lửa nên mặc dù đã rèn thành con dao nhưng chỉ đủ độ cứng và sắc để gọt vỏ xoài, vỏ đu đủ… chớ không thể gọt những thứ cứng hơn. Nói rõ hơn là trình độ tu tập của bạn chỉ mới vừa đủ để làm một Phật tử thuần thành, chứ chưa đủ công phu để đương đầu với thực tế cuộc sống đầy thử thách. Từ đó mà bạn có cảm giác "thiệt thòi" và "đơn độc" khi ứng dụng giáo lý Phật Đà vào đời sống.

Để đỡ bớt cảm giác thiệt thòi và đơn độc, tôi khuyên bạn hãy thực hành Chánh niệm thường xuyên và trong khi ngồi  thiền, bạn hãy ôn lại cuộc đời Đức Phật Thích Ca để đối chiếu với những gì đang xảy đến với bạn khiến bạn cảm thấy "thiệt thòi" và "đơn độc".

Ngày xưa, đức Thích Ca từ bỏ đời sống vương giả để chọn lấy đời sống của một khất sĩ , Ngài có cảm thấy bị thiệt thòi không ? Ngài từ bỏ đời sống đầy đủ tiện nghi để một mình đi vào rừng sâu tìm đạo, vậy Ngài có cảm thấy đơn độc hay không? Chắc chắn là không rồi, phải không bạn?

Nói đúng hơn, đức Thích Ca đi tìm sự thiệt thòi và cô độc , vì chỉ khi nào chúng ta sống tri túc mà không thấy bị thiệt thòi, chúng ta sống một mình mà không thấy cô đơn thì khi đó chúng ta mới có thể sống thánh thiện và minh triết. Còn như, lúc nào chúng ta cũng tranh hơn thua với mọi người để cho rằng mình không bị thiệt thòi, hoặc lúc nào chúng ta cũng sống ồn ào, xô bồ, hòa tan với đủ hạng người tốt có, xấu có trong xã hội, thì chúng ta không thể vượt lên cái tầm thường để tìm gặp cái cao thượng được đâu.

(còn tiếp…)


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý ô nhiễm,
Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau,
Như xe, chân vật kéo.

Phẩm Song Yếu 1

Tháng 11 năm 2024
21
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Thứ 5
Ngày Kỷ Sửu
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
21
Tháng 10
Kiên Giang