Trầm Tư Về Tình Nghĩa Lam Viên

G

Tổ chức Gia Đình Phật Tử (GĐPT) tồn tại hơn bảy mươi năm qua là nhờ vào hai chữ “TÌNH NGHĨA” được xem như sợi dây vô hình nhưng vô cùng bền chắc buộc chặt những người Áo Lam vào nhau, tạo nên một khối đoàn kết thương yêu và có trách niệm với nhau trong sinh hoạt GĐPT cũng như trong cuộc sống đời thường.

Thật vậy, tổ chức chúng ta không thu hút đoàn viên bằng những thứ mà ai cũng ham muốn như : tiền bạc, vật chất, quyền lực chính trị, địa vị xã hội v.v…

Anh chị em (ACE) chúng ta đến với GĐPT chỉ vì yêu mến tính cách vui vẻ hiền hòa, thật thà của những đoàn viên Áo Lam và yêu thích không khí tĩnh lặng, bình dị, thân thương của ngôi chùa Việt.

Thoạt đầu, ít ai nghĩ rằng mình sẽ sinh hoạt lâu dài trong GĐPT. Nhưng rồi, cùng với ngày tháng dần trôi qua, một thứ tình cảm, niềm tin và lý tưởng thiêng liêng hình thành trong tâm thức lúc nào không hay. Đến lúc này, mình không còn xem GĐPT là một thú vui nhất thời, mà là một cái gì tốt đẹp nhất trong cuộc sống, là lý tưởng, là giá trị thiêng liêng mà mình cần phải nỗ lực dốc sức phục vụ.

GĐPT chính là giá trị tốt đẹp nhất trong cuộc sống của người Lam viên bên cạnh đời sông “cơm áo gạo tiền” thường ngày mà ACE phải làm tròn bổn phận của một thành viên trong gia đình và xã hội. Chính trong môi trường sinh hoạt GĐPT mà ACE trở về với con người thực của mình, không còn mang mặt nạ giả dối như khi phải đối phó với những  hơn thua trong đời sống ngoài xã hội. Chính trong môi trường sinh hoạt GĐPT, ACE mới phát huy hết năng lực vốn có của mình mà khi ở ngoài xã hội, ACE vì rất nhiều cản trở của các lề thói xã hội, đã không có cơ hội phát huy.

Tóm lại, người Lam viên nào cũng có hai cuộc sống cùng song song tồn tại :

1- Cuộc sống Đời “cơm áo gạo tiền” ngoài xã hội vì bổn phận phải chu toàn

2- Cuộc sống Đạo vì lý tưởng Bồ tát do mình tự giác chọn lựa để phụng sự.

Đối với người huynh trưởng GĐPT, cuộc sống thứ hai này mới là cuộc sống đích thực đem lại nhiều ý nghĩa tốt đẹp cho ACE trong mấy mươi năm mang thân phận Con Người có mặt trên cuộc đời này. Có thể ví GĐPT như “Ốc đảo” thanh lương giữa “sa mạc” đời luôn nung nấu bởi ngọn lửa tham, sân, si và giả dối. Chúng ta đến với GĐPT không phải để tìm kiếm tiền tài, địa vị, danh vọng, quyền lực…  mà đến với GĐPT như một người lữ hành mệt mõi chạy trốn cái nóng thiêu đốt của “sa mạc” đời.

Tình nghĩa Lam viên trong tổ chức Áo Lam được hình thành như thế nào?

Muốn hình dung ra Tình nghĩa Lam viên tại một địa phương được hình thành như thế nào, chúng ta hãy theo dõi sự hình thành của một “vương quốc” Kiến trong thế giới tự nhiên:

“Đầu tiên, chỉ một con Kiến Chúa lang thang giữa hoang mạc tìm nơi xây dựng vương quốc. Khi đã tìm được địa điểm thích hợp, Kiến chúa chăm chỉ, nỗ lực ngày đêm, một mình đào một hang rộng và bắt đầu đẻ hơn một ngàn trứng. Một  tháng sau, số trứng ấy nở ra 1.000 kiến con gồm kiến thợ, kiến lính…Thế là đã hình thành một “vương quốc” Kiến. Dân số vương quốc không ngừng tăng trưởng vì Kiến chúa vẫn tiếp tục cho ra đời các thế hệ kiến con tiếp theo. Chẳng bao lâu sau, nơi đó đã hình thành một tổ kiến khổng lồ làm bá chủ cả một khu vực rộng lớn…”

Chúng ta biết rằng, trong một tổ kiến, tất cả kiến thợ, kiến lính… đều là con đẻ của kiến chúa. Chúng sống trong một trật tự do thiên nhiên định sẵn. Trong một vương quốc Kiến không hề tồn tại cái gọi là “tư tưởng đối kháng”, không hề có “mâu thuẩn” hay “phe đối lập”. Nếu có một cá thể kiến nào đó do bị rối loạn chất hormon (kich thích tố) trong cơ thể mà có những hành vi đi ngược lại cái trật tự của vương quốc thì lập tức bị “khai trừ” ngay ra khỏi vương quốc (hoặc bị kiến lính cắn cho đến chết, hoặc bị đuổi ra khỏi tổ sống cuộc đời lang thang “vô Tổ quốc” cuối cùng rồi cũng dẫn đến cái chết cô đơn ngoài hoang mạc.)

Tổ chức GĐPT trong một địa phương (tỉnh, thành) cũng giống như một tổ kiến vậy. Nhất là vào thời điểm từ năm 1990 trở lại đây chúng ta càng thấy rõ sự giống nhau này.

-Khởi đầu, chúng ta thấy xuất hiện một hoặc vài ba huynh trưởng làm nhiệm vụ xây dựng tổ chức từ con số không, cũng giống như Kiến Chúa bắt đầu xây dựng “vương quốc Kiến” cho mình vậy.

-Ban đầu chỉ có vài đơn vị GĐPT với năm, mười huynh trưởng mới được đào tạo cấp tốc để đáp ứng cho nhu cầu sinh hoạt. Hình ảnh này cũng giống như thế hệ kiến con đầu tiên được Kiến Chúa sinh ra.

-Vài ba năm sau, số lượng đơn vị dần tăng lên, kéo theo số huynh trưởng được đào tạo ngày càng đông, trong số đó đã có một số huynh trưởng được xếp cấp Tập. Đây là hình ảnh của “vương quốc Kiến” ngày càng lớn mạnh.

-Những năm tháng tiếp theo, tổ chức GĐPT trong tỉnh càng phát triển thêm lên. Số đơn vị đã đạt túc số được Trung ương công nhận Ban Hướng dẫn Phân ban Tỉnh (từ 12 đơn vị trở lên). Kèm theo đó, số lượng huynh trưởng cũng đã tăng quá 3 con số (> 100). Trong số huynh trưởng được đào tạo sau này đã xuất hiện nhiều huynh trưởng thuần và chuyên. Một số huynh trưởng được mời vào Ban Hướng dẫn Tỉnh và được tổ chức giao  trách vụ quan trọng để đóng góp xây dựng tổ chức Áo Lam ngày thêm vững mạnh. Đây là hình ảnh “vương quốc Kiến” đã hùng mạnh, xứng đáng sánh vai với nhiều “vương quốc Kiến” khác trong cả nước.

Qua quá trình hình thành và phát triển của tổ chức GĐPT tại một địa phương, chúng ta nhận rõ sự tương đồng giữa một Phân ban GĐPT với một tổ kiến qua những hình ảnh sau đây:

-Một vài huynh trưởng ban đầu làm nhiệm vụ khai sáng phong trào GĐPT tại địa phương được ví như Kiến Chúa đi tìm đất xây dựng vương quốc cho mình.

-Vì nhu cầu sinh hoạt, những huynh trưởng “Kiến Chúa” đã chọn một số đoàn sinh ưu tú để huấn luyện các em thành những huynh trưởng. Công tác đào tạo huynh trưởng hết lớp này đến lớp khác, từ năm này sang năm nọ trong một thời gian dài để có một đội ngũ huynh trưởng thuần và chuyên làm nhiệm vụ điều khiển sinh hoạt tại các đơn vị GĐPT. Sự việc này cho ta thấy hình ảnh Kiến Chúa sinh ra hết thế hệ này đến thế hệ khác các kiến thợ và kiến lính để có đủ lực lượng cai quản vương quốc của mình.

-Để cho tổ chức hoạt động càng thêm hiệu quả và nề nếp, các huynh trưởng “Kiến Chúa” đã phong cấp cho những huynh trưởng “Kiến con” và mời các anh chị vào Ban hướng dẫn, giao cho các anh chị những chức vụ quan trọng để các anh chị có cơ hội tiến thân và kế thừa sự nghiệp Áo Lam sau này.

Như vậy, chúng ta thấy mối quan hệ giữa các huynh trưởng đàn anh với những huynh trưởng đàn em trong một Phân ban GĐPT tỉnh, thành có những điểm cơ bản giống như mối quan hệ mật thiết giữa Kiến Chúa và các Kiến con.

Nếu trong một tổ kiến, thiên nhiên đã đặt ra đạo lý về “tôn ti, trật tự” để giữ gìn mối đoàn kết gắn bó trong xã hội kiến, nhằm mang đến sự ổn định và phồn vinh cho vương quốc Kiến…

…Thì trong tổ chức GĐPT, ACE Lam viên cũng có một thứ để phát huy tinh thần Lục Hòa, giữ gìn mối đoàn kết nhằm duy trì sự ổn định, tạo thuận duyên cho tổ chức Áo Lam phát triển đi lên, đó chính là TÌNH NGHĨA LAM VIÊN.

Trong tổ chức GĐPT, ACE Lam viên cũng có một thứ để phát huy tinh thần Lục Hòa, giữ gìn mối đoàn kết nhằm duy trì sự ổn định, tạo thuận duyên cho tổ chức Áo Lam phát triển đi lên, đó chính là TÌNH NGHĨA LAM VIÊN (ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Tình : đó là tình đồng đội của những con người cùng chung màu cờ sắc áo và chung một lý tưởng. Tình cũng là tinh thương của anh chị dành cho đàn em, hết lòng vì đàn em mà phải chịu đựng biết bao nhọc nhằn, cay đắng trên con đường xây dựng ngôi nhà Lam. Tình còn là lòng kính mến của đàn em đôi với anh chị đi trước, luôn cố gắng làm đẹp lòng anh chị bằng những nỗ lực như : tinh tấn, vâng lời, chuyên cần, hoàn thành nhiệm vụ v.v…

Nghĩa: đó là sự tri ân của huynh trưởng đàn em đối với anh chị đi trước vì anh chị đã bỏ biết bao công sức đào luyện  mình từ một đoàn sinh không biết gì trở thành một huynh trưởng vững vàng về tinh thần và giỏi dang trong tay nghề như hôm nay; Anh chị đã dìu dắt và nâng đỡ mình suốt chặng đường dài để mình từng bước có được vị trí xứng đáng, đầy đủ năng lực để kế thừa vai trò làm chủ ngôi nhà Lam tại địa phương trong tương lai không xa.

Vì Tình và Nghĩa nói trên mà những người Lam viên đối xử với nhau theo một đạo lý đã trở thành truyền thống của tổ chức GĐPT suốt hơn 70 năm qua:

-Huynh trưởng cấp trên luôn thương yêu và hết lòng hy sinh vì đàn em

-Huynh trưởng cấp dưới luôn kính mến và tuân phục các anh chị đi trước, những người đã gánh chịu muôn vàn khổ nhọc huấn luyện và đào tạo tay nghề, gắn cấp và tin tưởng trao các chức vụ cho mình… để mình được trưởng thành như ngày hôm nay.

Vì vậy, các anh chị huynh trưởng trẻ sau này đừng bao giờ có ý nghĩ cho rằng GĐPT cũng giống như một đoàn thể, tổ chức, cơ quan ngoài đời. Nếu các anh chị có suy nghĩ như vậy là đã vô tình làm một việc sai lầm là “đem Đời vào Đạo”, một việc làm có thể mang đến hậu quả là chặt đứt sợi dây Tình nghĩa Lam viên và phá tan truyền thống yêu thương-trách nhiệm của tổ chức Áo Lam chúng ta.

Vì sao ?

Vì các đoàn thể, tổ chức, cơ quan ngoài đời đều là những tổ chức chính trị. Người trong tổ chức được trả lương và được hưởng nhiều lợi dưỡng do chức vụ và quyền hạn mang lại; khác với GĐPT là tổ chức tự nguyện, không lương bổng, không lợi dưỡng, không quyền lực mà chỉ có tình thương và hy sinh.

Điều thứ hai nữa là tất cả thành viên của tổ chức ngoài đời đều tự mình ăn học từ nhỏ cho tới lớn, tự mình thi lấy các bằng cấp cần thiết cho ngành nghề mình muốn phục vụ. Khi bước chân vào tổ chức, họ đều bình đẳng ngang nhau, không ai thọ ơn của ai. Họ làm việc theo nội quy, quy chế trên tinh thần dân chủ. Ai làm tốt được thưởng, được lên chức; ai tiêu cực thì bị kỷ luật hoặc buộc thôi việc. Vì vậy, họ luôn phải đấu đá giành giựt và giữ kẽ với nhau từng chút một. Họ chia thành bè phái, nói xấu sau lưng nhau để hạ uy tín của nhau. Họ nịnh bợ cấp trên để được lợi lộc; họ bắt nạt cấp dưới để thỏa mãn “bản ngã” thấp hèn v.v… Đó là những gì diễn ra nhan nhản hằng ngày trong các tổ chức ngoài đời…

…Còn trong GĐPT thì người đi trước dìu dắt người đi sau trong tình thương và trách nhiệm; người đi sau vì biết ơn mà kính mến tuân phục người đã dìu dắt  mình. Trong GĐPT không có gì để đấu tranh giành giựt, cũng không cần phải giữ kẽ với nhau. Thành viên GĐPT đối đãi nhau bằng tình thương, trách nhiệm, lòng biết ơn, tính chân thật.  GĐPT không kết bè kết phái, chia rẽ, nói xấu nhau như ngoài đời, cũng không cần gì phải nịnh bợ cấp trên hay hoạnh họe cấp dưới. Đó chinh là truyền thống tốt đẹp đã bảo vệ cho GĐPT trước phong ba bão táp của thế sự trong suốt hơn 70 năm qua.

Nếu các anh chị trẻ cho rằng GĐPT cũng giống như các tổ chức ngoài đời thì sẽ dẫn đến tình trạng huynh trưởng GĐPT hành xử với nhau theo kiểu cách  mà người đời đối xử với nhau trong các tổ chức của họ, tức là các anh chị đã “đem đời vào đạo” làm lung lay mọi truyền thống tốt đẹp của tổ chức Áo Lam để rồi khi mọi nhân duyên đã chín muồi, tổ chức Áo Lam chúng ta sẽ tự tan rã mà không cần đến sự đánh đổ của bất cứ thế lực bên ngoài nào..

Ngày nay, GĐPT sau 20 năm tạm ngưng sinh hoạt (1975-1997), lớp huynh trưởng đàn anh đàn chị đã dần dần theo luật Vô Thường mà vắng bóng trên cõi đời, hoặc có còn thì cũng lâm vào tình trạng “lực bất tòng tâm”. Các anh chị mới trưởng thành sau năm 1997 có người may mắn được giáo dục truyền thống GĐPT kỹ càng, đã trở thành những huynh trưởng thuần và chuyên, xứng đáng làm người kế thừa sự nghiệp Áo Lam tại địa phương, nhưng cũng không ít anh chị do nhu cầu huynh trưởng quá cấp bách nên chưa đủ thời gian hấp thu truyền thống tốt đẹp của GĐPT đến nơi đến chốn. Từ đó không tránh khỏi có nhũng huynh trưởng, mặc dù cấp bậc và chức vụ không nhỏ, nhưng cách hành xử còn quá “đời”, nghĩa là cũng đấu tranh, giành giựt, kết bè kết phái, nói xấu, chia rẽ, nịnh bợ cấp trên, bắt nạt cấp dưới, rượu chè be bét,  tiêu xài phung phí dẫn đến bê bối  tiền bạc của tổ chức, v.v…

Những anh chị này, do tập trung tâm trí và năng lực vào các “thế gian pháp” kể trên, cho nên không còn đủ sức hoàn thành nhiệm vụ trong GĐPT, đồng thời cũng không thành tựu được “thân giáo” cho mình, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến việc điều hành sinh hoạt đơn vị cũng như việc hướng dẫn đạo đức Phật giáo cho các em đoàn sinh.

Nhưng tác hại lớn nhất trong việc “đem đời vào đạo” của những huynh trưởng này là khiến cho truyền thống Tình nghĩa Lam viên của tổ chức Áo Lam bị lung lay tận gốc rễ, khiến cho những người tâm huyết với GĐPT phải giật mình tự hỏi: “Có khi nào GĐPT bị những thói xấu của thế gian làm cho mất hết truyền thống tốt đẹp và đi đến chỗ tự tan rã không?”

Câu trả lời xin dành cho các anh chị lãnh đạo Ban Hướng dẫn PB.GĐPT Trung ương cũng như các tỉnh, thành vậy. 

NGUYỄN KHOA
(Thành phố Hồ Chí Minh)


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Và người khác không biết,
Chúng ta đây bị hại.
Chỗ ấy, ai hiểu được
Tranh luận được lắng êm.

Phẩm Song Yếu

Tháng 10 năm 2024
18
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Thứ 6
Ngày Ất Mão
Tháng Giáp Tuất
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
16
Tháng 09
Kiên Giang