THUẦN + CHUYÊN

G

Khi đề cập đến hình ảnh người Huynh trưởng lý tưởng của tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam, người ta thường nói đến hai đức tính  quan trọng cần có của người Huynh trưởng, đó là THUẦN CHUYÊN.

Thế nào là Thuần và thế nào là Chuyên?

Tại sao người Huynh trưởng cần phải có hai đức tính Thuần và Chuyên?

Trong bài viết hôm nay, chúng ta cùng nhau phân tích tìm hiểu sâu về hai đức tính này của người huynh trưởng. Việc tìm hiểu này sẽ giúp huynh trưởng chúng ta sống có ý nghĩa hơn trong màu áo Lam, đồng thời giúp chúng ta làm tốt hơn trong vai trò và trách nhiệm của người huynh trưởng GĐPTVN.

I. Thế nào là Thuần, thế nào là Chuyên ?

1-Thuần là nói tắt của từ thuần thành.

Người Phật tử có thực học và thực tu là người Phật tử thuần thành. Học để hiểu lời Phật dạy, tu là áp dụng lời dạy của Phật vào cuộc sống hằng ngày để thoát khỏi đau khổ và sống một cuộc sống an vui, có ý nghĩa.

2-Chuyên là giỏi chuyên môn

Ở đây, chuyên môn của người huynh trưởng gồm có :

-Thông hiểu Phật pháp và các môn học trong chương trình tu học GĐPT và có khả năng hướng dẫn đoàn sinh tu học đạt kết quả tốt

-Thông thạo các kỹ năng tổ chức điều khiển mọi mặt sinh hoạt của một đơn vị GĐPT

Nói theo quan niệm dân gian, một huynh trưởng có đủ hai mặt ấy tức là người vừa có tài vừa có đức. Đức ở đây chính là đạo đức Phật giáo.

II.Vì sao huynh trưởng cần có đủ thuần và chuyên?

1) Giỏi chuyên môn:

Đương nhiên bất cứ một tổ chức nào cũng đều cần có người tài. Một đơn vị GĐPT có nhiều huynh trưởng giỏi chuyên môn thì sinh hoạt linh động hấp dẫn, thu hút đông đảo đoàn sinh. Cụ thể như:

-Huynh trưởng dạy giỏi thì giờ học có sức thu hút đoàn sinh, làm cho các em hứng thú trong học tập, từ đó yêu thích sinh hoạt GĐPT hơn.

-Huynh trưởng khéo tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa như : cắm trại, văn nghệ, hoạt động xã hội v.v… sẽ tạo nên không khí sinh hoạt hấp dẫn, vui tươi và bổ ích, như vậy sinh hoạt GĐPT mới thực sự thu hút giới trẻ.

Tuy nhiên, sinh hoạt GĐPT lại không có sẵn những thứ để thu hút và giữ chân nhân tài như : lương bổng cao, quyền cao chức trọng, địa vị xã hội v.v… Vì thế GĐPT rất cần tới đức tính thuần thành của người huynh trưởng, vì chỉ có người Phật tử thuần thành mới cống hiến, phục vụ Đạo pháp một cách vô tư bất vị lợi theo tinh thần Bố thí của đạo Phật. Nói cho cùng, phục vụ tổ chức GĐPT cũng chính là phụng sự Đạo pháp

2) GĐPT rất cần những huynh trưởng thuần thành :

Các anh chị huynh trưởng là những người tự nguyện gánh vác trách vụ hướng dẫn đạo đức cho đoàn sinh. Do vậy, trước tiên các anh chị phải là những người có đạo đức. GĐPT là phương tiện đem Đạo vào Đời . Các anh chị huynh trưởng là những sứ giả để làm việc ấy. Nhưng muốn làm được việc đem đạo vào đời thì các anh chị phải vững vàng về đạo đức Phật giáo, nghĩa là các anh chị phải CÓ TU. (Chữ TU ở đây, người viết muốn nói đến sự ứng dụng Phật pháp để chuyển hóa tâm tánh)

Nhưng thực tế đôi khi cho thấy điều trái ngược lại với câu châm ngôn “đem Đạo vào Đời” của người huynh trưởng GĐPT. Rải rác đây đó, đôi lúc chúng ta đã chứng kiến những vụ việc không đẹp diễn ra trong nội bộ các đơn vị GĐPT mà nguyên nhân chủ yếu là do huynh trưởng thiếu tu gây ra. Một số anh chị huynh trưởng đã không “đem Đạo vào Đời” mà lại “đem Đời vào Đạo” gây nhiểu vụ việc rối ren mất đoàn kết trong nội bộ và làm tổn hại đến tổ chức Áo Lam. (Việc làm gây chia rẽ nội bộ và tổn hại cho tổ chức, theo giới luật nhà Phật gọi là tội Tăng Tàn, một tội nặng nhất trong mọi tội lỗi mà Đức Phật đã nhiều lần răn dạy chúng đệ tử)

Vụ việc gây ra do huynh trưởng thiếu tu thì rất nhiều và đa dạng không thể kể ra hết. Tôi chỉ xin tóm gọn thành một số trường hợp điển hình sau đây:

a-Huynh trưởng cống cao ngã mạn:

Có những huynh trưởng mới thể hiện được một chút năng lực mà tưởng như ta đây là số 1, từ đó sinh tật cống cao ngã mạn, xem thường người trên khinh khi kẻ dưới, không tôn trọng tập thể, hễ ai nói hay làm trái ý mình thì liền nổi sân, quên hết trách nhiệm, quăng bỏ công việc, khiến cho hoạt động của đơn vị gặp nhiều chướng ngại.

b-Huynh trưởng lười biếng, háo danh :

Có những huynh trưởng “ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau”, trong sinh hoạt chỉ tham gia “hụ hợ” theo phong trào; ai nấu cơm dọn sẵn thì lên ăn rất hăng nhưng bảo họ đi nấu cơm cho người khác ăn thì không bao giờ. Những người này lúc nào cũng chú tâm quan trọng đến cấp bậc và chức vụ. Dù không hoàn thành nhiệm vụ nhưng họ không bao giờ từ chức để người khác lên thay, người này cũng rất xem trọng cấp bậc, nếu vì lý do gì không được xét cấp thì họ liền bất mãn chửi bới lung tung không nể nang một ai, có khi rời bỏ tổ chức cũng chỉ vì không được xét cấp.

c-Huynh trưởng có đầu óc bè phái:

Những huynh trưởng này có một sở thích tồi tệ là thích tụ tập những người cúng cánh để nói xấu những người không cùng phe cánh với mình. Trong sinh hoạt, họ thường gây khó dễ với những người ngoài phe cánh bằng mọi cách, kể cả bằng thủ đoạn hạ tiện nhất. Làm bất cứ việc gì, họ cũng đều đưa ý niệm phe cánh lên hàng đầu. Họ không có ý niệm về bình đẳng, chí công vô tư. Tổ chức nào có hạng huynh trưởng này là không bao giờ yên ổn.

d-Huynh trưởng thích “ném đá dấu tay” :

Có những huynh trưởng trong đầu đầy ắp những ý tưởng xấu nhưng không bao giờ chính miệng họ nói ra. Họ thường mua chuộc hoặc thuyết phục người khác thay họ nói lên, đa phần là nói xấu đồng đội và đề cao bản thân họ. Hoặc muốn đề xuất một việc gì mà họ thấy khó thực hiện, họ liền gợi ý cho người khác đề xuất, nếu đề xuất bị từ chối thì đồng đội họ bị “quê” chứ không phải họ. Cái tật “ném đá dấu tay” này thường gây rối nội bộ thường xuyên, nhờ đó mà họ có cơ hội lôi kéo thêm người vào phe cánh mình.

e-Huynh trưởng “cùi không sợ lở”:

Có những huynh trưởng không chấp hành bất cứ kỷ luật nào của tổ chức. Tập thể làm gì mặc kệ, họ cứ lùi lũi như con heo rừng độc chiếc hành động một mình, không đồng hành với ai, không nương tựa vào ai. Tổ chức có phân công thì họ viện cớ này cớ nọ để không chấp hành. Tập thể hội họp đông vui thì họ mặc cảm không tới. Cứ thế dần dần đồng đội quên mất họ luôn. Với tâm tánh và cách hành xử như vậy, nếu người này đứng đầu một đơn vị, thì đơn vị đó không sớm thì muộn ắt sẽ tự xóa tên mình trong đại gia đình Áo Lam.

g-Huynh trưởng lấy việc uống rượu làm thú vui :

Mặc dù đã quy y Tam Bảo và thọ trì Năm Giới, nhưng một số huynh trưởng vẫn lấy việc uống rượu làm điều vui thích, tức là vi phạm giới  thứ V của người cư sĩ. Huynh trưởng thường xuyên uống rượu sẽ bỏ bê sinh hoạt là điều chắc chắn. Nhưng nếu đã uống rượu mà vẫn mặc đoàn phục đi sinh hoạt thì hệ quả xấu thật không thể lường trước. Huynh trưởng thường xuyên uống rượu thì không thể có “thân giáo” cho đoàn sinh noi theo. Hạng huynh trưởng này rất dễ bị lôi kéo bởi 5 hạng huynh trưởng kể trên .

* * *

Trên đây là 6 trường hợp  điển hình gây ra bởi người huynh trưởng thiếu tu. Địa phương nào có đội quân thiếu tu đông đảo thì hoạt động GĐPT nơi đó không thể nào phát triển lên nổi.

Người huynh trưởng thiếu tu thì không thể sống lâu dài với màu Áo Lam. Họ có thể nổi bật và được đồng đội đánh giá cao trong một giai đoạn nào đó. Nhưng vì họ không có ý thức tu dưỡng đạo đức nên tật xấu trong người dần dần hiển lộ ra ngoài. Đến khi tập thể đã hiểu được bản chất “thiếu tu” của họ thời họ cảm thấy “quê độ”, không còn tự tin như trước và con đường rời bỏ tổ chức đã mở ra trước mặt họ.

Chúng ta đã thấy rõ ràng việc người huynh trưởng thiếu tu mang lại tác hại lớn cho tổ chức GĐPT như thế nào. Vì vậy, tổ chức Áo Lam luôn đòi hỏi huynh trưởng GĐPT phải biết tu. Lúc còn chưa mặc chiếc áo Lam và chưa nhận trách vụ người huynh trưởng GĐPT thì anh chị sống như thế nào đó là quyền riêng tư của mỗi người, nhưng khi đã là huynh trưởng GĐPT mà không chịu tu thì anh chị ví như cây cột nhà bị mối mọt gặm nhấm, làm sao chu toàn chức năng chống đỡ cho ngôi nhà Lam đây?

Chẳng thà không có huynh trưởng còn hơn có nhiều huynh trưởng mà chỉ toàn là 6 hạng huynh trưởng “đem Đời vào Đạo” như vừa kể trên thì chẳng những không mong gì phát triển tổ chức, mà không khéo còn làm cho GĐPT sớm suy tàn.

Nhìn lại lịch sử GĐPT trong hơn 70 năm qua, chúng ta thật đáng mừng vì tổ chức ta không thiếu những huynh trưởng đầy đủ thuần và chuyên. Có vậy mới bảo tồn được GĐPT qua bao biến thiên lịch sử của đất nước và giáo hội. Ngày nay, trên khắp nước ta, đâu đâu cũng có mặt Người Huynh trưởng GĐPT thuần và chuyên đang nêu cao tấm gương “Thân giáo” cho hàng vạn đoàn viên Áo Lam cả nước noi theo. Những Anh Chị này chính là rường cột vững chắc của ngôi nhà Lam hôm nay.

Nguyễn Khoa (TP.Hồ Chí Minh)


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý ô nhiễm,
Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau,
Như xe, chân vật kéo.

Phẩm Song Yếu 1

Tháng 10 năm 2024
18
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Thứ 6
Ngày Ất Mão
Tháng Giáp Tuất
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
16
Tháng 09
Kiên Giang