Tôi là một Phật tử đã tìm hiểu Phật giáo nhiều năm qua các bài giảng của HT Thích Từ Thông, HT Thích Thanh Từ, HT Thích Nhất Hạnh v.v…Vừa qua VTV1 có đăng phóng sự “Công bố Huyền Ký Đức Phật truyền theo dòng Thiền tông” của tác giả Nguyễn Nhân, viện chủ Thiền tông Tân Diệu. Tuy nhiên, từ trước đến nay tôi chưa hề thấy kinh điển, sách vở nào nhắc đến Thiền tông Tân Diệu…
Trong các đoạn video trên mạng, ông Nguyễn Nhân nói rằng “…Các phép tu thiền hiện nay đều không “chuẩn”. Người tu thiền xưa nay đã sai hơn 90%, cần phải được”chuẩn hóa” lại…”
Xin nhờ Ban Biên Tập làm rõ về dòng Thiền này để tôi giải tỏa được nghi vấn.
Trần Tâm (tran…@gmail.com)
Độc giả Trần Tâm thân mến,
Ông Nguyễn Nhân sinh năm 1938 tại Chợ Lớn, là con của Ni Sư Đức Thảo (1912-1972), trụ trì chùa Tân Diệu, số 273 ấp Chánh Hội, xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.
Theo lời ông Nguyễn Nhân thì mẹ ông (tức Ni Sư Đức Thảo) chính là Long Nữ (trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa), nay đã đắc đạo thành Phật. Trước khi “nhập Niết bàn”, bà có phú chúc tập Huyền Ký lại cho ông để ông thay mặt Phật mà truyền bá Thanh Tịnh Thiền trong nhân gian.
Cũng theo lời ông Nguyễn Nhân thì Đức Phật có thọ ký cho mẹ ông rằng : “Thiền tông sẽ bùng lên tại “Đất Rồng” (Việt Nam)vào thế kỷ 20 và tập Huyền Ký của Đức Thế Tôn truyền theo dòng Thiền tông do “Long Nữ” tức Con nhận được”
Tiếp theo, để “hợp pháp hóa” việc ông làm, bà đã cấp cho ông một “tấm bằng công nhận Thiền tông gia” vào ngày 15/10/1958. Ngoài ra, trước đó (1952) ông cũng đã nhận được một tập Huyền Ký do một đông y sĩ trao tặng.
Năm 2006, ông Nguyễn Nhân khởi công trùng tu lại chùa Tân Diệu, đến năm 2012 thì việc xây dựng hoàn tất. Ông bắt đầu xin xuất bản các tác phẩm về Thiền do ông biên soạn. Không biết ông làm cách nào mà nhà xuất bản Tôn Giáo chịu cấp phép cho ông xuất bản tổng cộng 10 đầu sách viết những điều không đúng về Thiền tông trong khi Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam không hề hay biết.
Tiếp theo, ông lập ra Ban quản trị chùa Tân Diệu do ông làm Trưởng ban và tự xưng mình là viện chủ. Rồi ông lập ra cương lĩnh tu tập, nội quy hoạt động, đề ra các tiêu chuẩn cấp bằng chứng nhận “Thiền tông gia” v.v… Sau đó ông thuê người làm video clip các buổi “thuyết pháp” của mình tại chùa Tân Diệu và đưa lên mạng để công bố cho mọi người biết rằng có một phái thiền mới do Ni Sư Đức Thảo khai sáng gọi là Thiền tông Tân Diệu để dạy cho chúng sinh tu theo Thanh Tịnh Thiền. Đồng thời, ông còn thiết lập trang website www.thientong.com để quảng bá tư tưởng của mình. Trong các buổi “pháp thoại”, ông khẳng định chỉ có Thanh Tịnh Thiền mới do chính Đức Phật Thích Ca chân truyền. Hồi Phật thuyết kinh Pháp Hoa có phú chúc lại cho Long Nữ , tức mẹ ông tiếp nối hoằng khai Thiền tông này tại Việt Nam vào thế kỷ 20. Trước khi mẹ ông “nhập Niết bàn”, bà đã truyền lại cho ông là người kế thừa công cuộc truyền bá pháp thiền này. Để lôi kéo nhiều người theo mình, ông đã chê tất cả Thiền sư Việt Nam hiện nay là “tu thiền không chuẩn” khiến cho không ít Phật tử hoang mang lo lắng và vơi đi niềm tin vào pháp môn và vị Thầy mình đang theo.
Những gì ông Nguyễn Nhân nói và làm trong thời gian qua chỉ phỉnh gạt được những người không hiểu gì về Phật pháp mới tin theo ông ta mà thôi. Còn tuyệt đại đa số Phật tử thực học thực tu, được minh sư thiện hữu bảo ban giúp đỡ thì không một ai tin theo ông ta.
Trong phạm vi một bài trả lời, chúng tôi không thể đi sâu phân tách sự sai trái trong cái gọi là “giáo lý” của Thiền tông Tân Diệu. Chỉ xin nêu ra đây một vài điều hoang tưởng phi lý của ông Nguyễn Nhân để quý bạn đọc thấy được phần nào tà kiến của ông viện chủ này:
1) Bất cứ ai có nghiên cứu về lịch sử Phật giáo Ấn Độ đều biết: suốt 45 năm hoằng dương chánh pháp, Đức Phật chỉ dùng lời nói chứ không dùng chữ viết, mãi hơn 300 năm sau ngày Phật tịch diệt mới có Kinh Phật được viết bằng chữ Pali trên lá bối ra đời. Trong khi đó, ông Nguyễn Nhân lại khẳng định:”Tập Huyền Ký này được Ngài A Nan ghi chép, trước khi Phật nhập diệt, ngài A Nan đưa cho Đức Phật duyệt lần cuối trước khi trao cho ngài Ca Diếp” (!) Liệu những người có hiểu biết về các thời kỳ kết tập kinh điển Phật giáo có thể tin vào lời nói của ông không?
Ông Nguyễn Nhân lại nói sách Huyền Ký này được truyền lại cho Lục Tổ Huệ Năng, nhưng ai là người truyền cho Lục Tổ thì không thấy ông nói. Trong sách Huyền Ký, ông Nguyễn Nhân còn mô tả chi tiết buổi lễ công bố sách Huyền Ký do Lục Tổ tổ chức v.v… Những điều ông nói chưa hề có một sử liệu Phật giáo nào đề cập đến hơn 2500 năm qua, chứng tỏ lời ông nói chỉ là hoang tưởng vô căn cứ, không có một chút giá trị nào hết.
2) Ông Nguyễn Nhân tự phong mẹ ông (Ni Sư Đức Thảo) chính là Long Nữ trong kinh Pháp Hoa. Những ai học Phật đàng hoàng đều hiểu rằng Long Nữ trong kinh Pháp Hoa chỉ là nhân vật hư cấu chứ không có thật. Đã không là thật thì làm gì có sanh tử luân hồi để rồi đời này “đầu thai” thành mẹ ông? Thật giống như kẻ mắc bệnh hoang tưởng tự nhiên ra đứng trước chợ tự xưng mình là hoàng đế Napoléon vậy.
3)Ông Nguyễn Nhân nói sách Huyền Ký do Phật viết, nhưng khi đọc qua sách này, người đọc đều cho rằng sách này do ông viết, bởi những ý tưởng và lời lẽ trong sách mang tính dung tục, khiên cưỡng, phi lý và đôi chỗ rất… buồn cười! Thí dụ như cuối trang 117 sách Huyền Ký do ông xuất bản có in một mẫu giấy chứng nhận “Yếu chỉ Thiền tông” như dưới đây :
Với lời chú thích như sau :
Mẫu giấy “Yếu chỉ Thiền tông” mà chùa Thiền tông Tân Diệu thiết kế lại y bản gốc mà Như Lai truyền theo dòng Thiền tông để cấp cho người giác ngộ
“Yếu chỉ Thiền tông”
Thật là buồn cười khi ông Nguyễn Nhân nói rằng :”Mẫu giấy chứng nhận trên đây do Đức Phật đề ra”.Chúng tôi không còn lời lẽ gì để phê phán ông ta nữa, cũng giống khi ta chứng kiến một người điên đang nói nhăng nói cuội giữa chợ, gặp người điên thì chỉ có cách lắc đầu chịu thua và bỏ đi, chứ biết nói gì bây giờ ?
Đây không phải lần đầu có người mượn Phật giáo để bày ra đạo này đạo nọ, hay bám vào Phật giáo mà diễn trò nọ trò kia. Đạo Phật như con cá voi hiền lành giữa biển, mặc sức cho bọn “lòng tong lục chốt” đeo bám rúc rỉa ăn theo. Đây là trò lừa đảo của bọn “chúng sanh cang cường” mà Đức Thế Tôn đã cảnh giác từ lúc Ngài mới đắc quả vị Chánh đẳng chánh giác cách đây trên 2500 năm.
Rất tiếc là giáo lý đạo Phật thì quá vi diệu mà kinh điển Đại thừa lại cố ý làm cho nó thêm phần siêu nhiên huyền bí với quá nhiều ẩn dụ, chỉ có bậc đại căn đại trí mới hiểu được ý Phật qua lời kinh, còn một số không ít Phật tử xuất gia và tuyệt đại đa số Phật tử tại gia đều “y kinh giải nghĩa”, vô tình hay hữu ý biến đạo Phật thành thứ tôn giáo tín ngưỡng đa thần, người Phật tử thường bị “mù chữ Phật pháp” (*) chỉ biết lễ lạy cầu xin hơn là phát huy trí tuệ, ra sức tu học và ứng dụng lời Phật dạy trong đời sống hằng ngày để được giải thoát khỏi đau khổ.
Chính vì vậy mà các loại tà đạo ăn bám Phật giáo mới có cơ hội phát sinh.
Hiện nay, Trung ương Giáo hội Phật Giáo Việt Nam đã trực tiếp chỉ đạo cho Ban Trị sự GHPGVN Tỉnh Long An kết hợp với Ban Tôn giáo Tỉnh Long An xử lý chùa Thiền tông Tân Diệu hoạt động sai với hiến chương GHPGVN. Đề nghị độc giả Trần Tâm tiếp tục theo dõi vụ việc qua trang Youtube “Phật Sự Miền Tây”
BAN BIÊN TẬP
(*) Xin mượn từ ngữ của Thượng tọa Thích Nhật Từ.
Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý thanh tịnh,
Nói lên hay hành động,
An lạc bước theo sau,
Như bóng, không rời hình.
Phẩm Song Yếu