Thập Bát La Hán

G

HỎI:

Kính thưa Ban Biên Tập,

Chúng em đi tham quan các chùa Phật giáo Bắc tông, thấy một số chùa có tôn trí 18 pho tượng Người rất sống động. Chúng em hỏi thì có người bảo cho biết đó là tượng Thập Bát La Hán.

Vậy, đề nghị Ban Biên Tập giải thích cho chúng em rõ: Thập Bát La Hán là ai? Tại sao được thờ trong chùa?

Kính cám ơn Ban Biên Tập.

Vithao…@gmail.com

TRẢ LỜI:

Bạn Vithao…@gmail.com thân mến,

Đọc lịch sử Đức Phật Thích Ca, chúng ta biết rằng chúng đệ tử xuát gia của Phật có rất nhiều vị tu hành đắc quả vị A-la-hán, tức là quả vị giác ngộ giải thoát cao tột, chỉ dưới quả vị Phật mà thôi. Chúng ta thường nghe nhắc 10 vị A-la-hán đại đệ tử của Phật như: Ca Diếp, Xá Lợi Phật, Mục Kiền Liên, Phú Lâu Na, A Nan, Ca Chiên Diên, Tu Bồ Đề, A Na Luật, Ưu Ba Ly, La Hầu La. Còn cả ngàn vị A-la-hán khác chúng ta ít được nghe.

Thập Bát La Hán là 18 vị A-la-hán khá nổi tiếng trong dân gian thời Đức Phật còn tại thế, mỗi vị có công hạnh riêng rất đáng cho Phật tử chúng ta học hỏi noi gương. Vì thế, tượng các Ngài ngày nay được thờ khá rộng rãi , vừa đem lại vẽ mỹ quan cho chốn thiền môn, vừa nhắc nhở cho hậu thế về công hạnh của các Ngài.

1.La-hán Thác Tháp (La-hán nâng tháp):

đó là tượng một vị La-hán đang ngồi, tay phải cầm một chiếc tháp nhỏ giơ cao. Tên Ngài là Subinda. Thường ngày Ngài tu tập rất tinh nghiêm, giúp người nhiệt tình, nhưng ít thích nói chuyện. Hạnh của Ngài là không thích tán gẫu (ngồi lê đôi mách) mà chỉ dành thời gian tinh tấn tọa thiền. Vì thế Ngài đắc quả A-la-hán rất sớm. Nhân gian tạc tượng Ngài một tay nâng tháp với ý nghĩa Ngài là người luôn giữ gìn mạng mạch Phật Pháp.

2.La-hán Thám Thủ (La-hán vươn vai):

đó là tượng một người đang vươn vai sảng khoái sau khi tọa thiền xong. Ngài tên Panthaka. Hạnh của Ngài là thông minh, tinh tấn tu học không biết mệt mỏi nên sau khi xuất gia một thời gian ngắn đã đắc quả A-la-hán. Ngài có một người em song sinh tên Sudhipanthaka rất tối dạ, nhưng nhờ Đức Phật hết lòng giáo hóa nên cũng đắc A-la-hán.

Tranh Thập Bát La Hán theo phong cách tranh thủy mặc Trung Hoa (ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

3.La-hán Khai Tâm (La-hán vạch áo hiển lộ tâm Phật) :

đó là hình tượng một vị La-hán ngồi vạch áo để lộ bụng và ngực. Ngài tên Jivaca nguyên là một tín đồ đạo Bà-la-môn, sau vì khâm phục Đức Phật nên theo Phật xuất gia. Ngài tu theo đường lối khổ hạnh mà đắc quả A-la-hán . Ngài có công đào suối đem nước về làng cho dân dùng.

4.La-hán Khánh Hỷ (La-hán tươi vui):

đó là tượng một người có gương mặt tươi cười vui vẻ. Ngài tên Kanakavatsa. Ngài thường đi giáo hóa khắp nơi với thái độ tươi vui dễ mến. Nhờ vậy mà Ngài độ được rất nhiều ngoại đạo theo về với Phật giáo. Phật tử học ở Ngài hạnh hoan hỷ, dù gặp khó khăn cách mấy vẫn tươi cười vượt qua mà không bi quan chán nãn.

5.La-hán Tĩnh Tọa:

đó là tượng một người ngồi thế tĩnh tọa, trên tay cầm một chiếc bát khất thực. Ngài tên là Nakula. Ngài xuất thân từ giai cấp Sát-đế-lợi (tức giai cấp vua quan cầm quyền), sức mạnh vô song, đời sống chỉ biết có chém giết. Sau khi xuất gia theo Phật, Ngài dũng mãnh tu hành thiền định. Một hôm, trong khi tọa thiền, trí tuệ Ngài bừng sáng và đắc quả A-la-hán. Ngài có công khuất phục ngoại đạo, cảm hóa vua nước Ma Kiệt Đà từ bỏ ngoại đạo và quay sang ủng hộ Phật Pháp.

6.La-hán Ba Tiêu :

đó là tượng một người ở trần, ngồi trong tư thế thong dong tự tại. Ngài tên Vanavãsin. Vì Ngài ưa thích cảnh rừng núi và thường thiền tọa ở rừng chuối (ba tiêu) mà đắc đạo nên người đời đặt Ngài biệt hiệu La-hán Ba Tiêu. Ngài có công cảm hóa vua Kanishka từ một người hiếu sát trở nên một ông vua đạo đức hết lòng ủng hộ Phật Pháp.

7.La-hán Tiếu Sư (vị La-hán đùa với sư tử):

đó là tượng một người lực lưỡng, có râu quai nón trông rất dữ dằn, dưới chân tượng có tạc một con sư tử đang ôm chân Ngài. Tên của Ngài là Vajraputra. Khi chưa xuất gia Ngài làm nghề săn bắt thú rừng, thể lực rất dũng mãnh nên thú rừng đều sợ, cả sư tử là chúa sơn lâm cũng khuất phục trước Ngài. Có lần, Ngài giúp dân một làng nọ đào ao lấy nước xài khiến cả làng tri ân, bảo nhau theo về với Phật pháp.

8.La-hán Tọa Lộc (La-hán cưỡi nai):

đó là tượng một người đang ngồi trên lưng nai, gương mặt hoan hỷ, dáng vẻ thong dong. Ngài tên Pindolabhãradvãja, xuất thân từ dòng dỏi Bà-la-môn, làm đại thần trong triều vua Ưu Điền. Vì tin theo Phật Pháp nên xuất gia tu hành. Sau một thời gian nỗ lực tu tập, Ngài đắc quả A-la-hán. Ngài cưỡi nai về triều ca thuyết pháp cảm hóa vua quan theo Phật rất đông.

9.La-hán Trường Mi (La-hán lông mi dài):

đó là tượng một người có hai hàng lông mày dài quá cỡ. Ngài tên Ajita, thuộc dóng Bà-la-môn tại thành Xá Vệ. Sau khi xuất gia theo Phật, Ngài miên mật tu hành thiền quán mà đắc quả A-la-hán. Ngài thường đi du hóa trong dân gian, có công truyền bá Phật Pháp khắp các quốc gia xa xôi (Thời Phật tại thế, trên lục địa Ấn Độ có đến hơn 100 quốc gia)

10.La-hán Hàng Long(La-hán hàng phục rồng):

đó là tượng một người tay cầm trái châu (tượng trưng cho trí tuệ Bát Nhã) đang đánh nhau với rồng. Ngài tên Nandimitra, ra đời tại nước Sư Tử 800 năm sau khi Phật nhập Niết bàn. Ngài là một vị đại A-la-hán đạo hạnh cao siêu được mọi người trong nước tôn kính.Một lần nọ, nước Sư Tử bị bị lụt lớn, Ngài giúp vua quan đẩy lui nạn lũ lụt, cứu dân ra khỏi thiên tai khiến nhân dân cảm mến, cho rằng Ngài đã hàng phục rồng dữ dâng nước hại dân nên đặt cho Ngài danh hiệu La-hán Hàng Long.

Các vị La Hán tại chùa Tây Phương (Sùng Phúc Tự – thôn Yên, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội) (ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

11.La-hán Bố Đại (La-hán quảy túi):

tượng mô tả một người mập mạp, mặc áo phạch ngực, trên vai quảy một túi vải lớn. Ngài tên Angada. Lúc chưa xuất gia, Ngài làm nghề bắt rắn. Sau khi xuất gia và đắc quả A-la-hán, Ngài vẫn tiếp tục bắt rắn để trừ hại cho dân (chiếc túi vải là để đựng rắn- Sách không nói rõ Ngài làm gì với rắn bắt được)

12.La-hán Khoái nhĩ (La-hán ngoáy tai):

đó là hình tượng một người đang ngoáy tai, vẻ mặt khoan khoái, thong dong tự tại. Ngài tên Nãgasena (Tàu phiên âm là Na Tiên). Ngài sinh trưởng tại miền Bắc Ấn Độ, là vị La-hán nổi tiếng về biện luận. Vua Di Lan Đà nghe tiếng nên mời Ngài vào cung để hỏi đạo. Câu chuyện giữa Ngài Na Tiên và vua Di Lan Đà đã để lại cho chúng ta bô Kinh “Na Tiên Tỳ Kheo” rất nổi tiếng. Hạnh tu của Ngài thiên về nhĩ căn, nghĩa là nương nhờ âm thanh mà đắc đạo.

13.La-hán Trầm Tư :

đó là bức tượng mô tả một người ngồi, tay chống cằm, vẻ mặt suy nghĩ miên mật. Ngài chính là Rãhula (La Hầu La), con của Đức Phật. Lúc mới xuất gia theo Phật, Ngài còn vướng nhiều tập khí nên nhiều lần bị Phật quở trách. Sau đó Ngài tu hạnh khiêm cung, nhẫn nhục mà được quả vị A-la-hán. Đức Phật khen Ngài là người đệ nhứt về mật hạnh. Với đức tánh lặng lẽ khiêm cung nên người đời khen Ngài bằng tôn hiệu “La-hán Trầm Tư”.

14.La-hán Kháng Môn:

đó là tượng một người đứng cầm cây tích trượng. Ngài tên Sudhipanthaka, là em song sinh của La-hán Panthaka (La-hán Thám Thủ). Ngài bẩm sinh rất tối dạ và vụng về nhưng nhờ Đức Phật đích thân giáo hóa mà Ngài đắc quả A-la-hán. Có lần đi khất thực ở một nhà dân, Ngài gõ cửa quá mạnh khiến cho cánh cửa nhà bị rơi đổ (kháng môn) . Sau đó Đức Phật cho chế tác cây tích trượng có gắn nhiều cái chuông nhỏ để khi Ngài đến nhà nào thì chủ nhà nghe tiếng chuông mà ra cúng dường để Ngài khỏi phải xô cửa nhà người ta nữa.

15.La-hán Kỵ Tượng (cỡi voi):

đó là tượng một người ngồi trên lưng voi. Ngài tên Kalica, vốn là người Tích Lan. Lúc chưa xuất gia, Ngài làm nghề huấn luyện voi . Sau khi xuất gia và chứng quả La-hán, Ngài có đi theo Phật đến đảo Tích Lan (Srilanka) trong phái đoàn truyền giáo. Vua Tích Lan thỉnh cầu Đức Phật để lại một kỷ niệm tại đảo để làm niềm tin cho hậu thế. Đức Phật ấn dấu chân của mình trên một ngọn núi. Nơi đó trở thành Phật tích với tên gọi là Phật Túc Sơn. Đức Phật bảo Ngài ở lại gìn giữ thánh tích này. Ngài đã y giáo phụng hành ở lại gìn giữ Phật tích để truyền bá Phật Pháp tại quốc gia Tích Lan.

16.La-hán Quá Giang (La-hán qua sông):

đó là tượng một người có nhiều râu, vác chiếc gậy trên vai, đầu gậy treo một chiếc nón lá. Ngài tên Bhadra. Bình sanh Ngài rất thích tắm rửa, ngày nào cũng tắm 5-6 lần khiến việc tu tập thường bê trễ. Các đồng đạo đem việc ấy lên mách với Đức Phật. Phật gọi Ngài lên dạy: “Tắm rửa cho thân thể sạch sẽ là việc cần làm, nhưng quan trọng hơn là phải tẩy rửa cho cái tâm được trong sạch”. Ngài ngộ ra ý Phật nên từ đó hạn chế tắm rửa, tinh tấn thiền định, chẳng bao lâu đắc quả A-la-hán. Ngài thường đi du hóa tận các đảo miền Đông Ấn như : Java, Jakarta… nên người đời gọi Ngài là La-hán Quá Giang. (Chúng ta đừng lầm tượng Ngài với tượng Tổ Bồ Đề Đạt Ma vì 2 tượng có phần giống nhau)

17.La-hán Phục Hổ (La-hán hàng phục cọp):

tượng mô tả một người cưỡi trên lưng cọp, một tay nắm bờm cọp, một tay giơ cao chiếc khuyên sắt. Ngài tên Dharmatrata. Thuở nhỏ, vì tôn kính các vị A-La-hán nên xin xuât gia. Nhờ tinh tấn tu hành nên sau một thời gian Ngài đắc quả La-hán.Trong một chuyến du hóa truyền đạo trong dân, Ngài hàng phục một con hỗ dữ và đem về chùa cho hổ tu. Sau đó hỗ thường đi theo Ngài trên bước đường du hóa. Dân gian thấy vậy nên gọi Ngài với tên La-hán Phục Hổ.

18.La-hán Cử Bát (La-hán giơ cao chiếc bát):

đó là tượng một người tươi cười, hai tay cầm chiếc bát giơ cao. Tên Ngài là Kanakabharadvãja. Ngài được Đức Phật sai đi truyền đạo tại nước Trung Hoa. Vua nước này vốn không tin Phật Pháp nhưng được Ngài cảm hóa nên trở thành vị vua hết lòng hộ pháp sau này. Bình sanh, Ngài hay mang một cái bát bằng sắt mỗi khi đi khất thực nên dân gian tôn xưng Ngài với danh hiệu La-hán Cử Bát.

BAN BIÊN TẬP


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Như mái nhà vụng lợp,
Mưa liền xâm nhập vào.
Cũng vậy tâm không tu,
Tham dục liền xâm nhập.

Phẩm Song Yếu

Tháng 11 năm 2024
21
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Thứ 5
Ngày Kỷ Sửu
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
21
Tháng 10
Kiên Giang