Thân Giáo – Thư Gởi Huynh Trưởng Trẻ

G

THƯ GỞI HUYNH TRƯỞNG TRẺ

Ý hòa đồng duyệt

Kiến hòa đồng giải

THÂN GIÁO

Bạn thân mến,

Hôm nay, chúng ta nói về một phương pháp giáo dục hết sức quan trọng và hiệu quả, được Phật Giáo nâng lên hàng đầu trong các phương pháp giáo dục và đang được tổ chức Gia Đình Phật Tử (GĐPT) áp dụng triệt để trong sinh hoạt : đó là THÂN GIÁO.

Thân giáo là gì ?

Thân giáo nghĩa là lấy đạo đức của bản thân thể hiện qua lời nói, việc làm, tư cách, tác phong, lối sống… của mình để làm bài học cho người khác. Nói cho dễ hiểu là nêu gương tốt cho người khác noi theo. Thí dụ :

-Người đang hút thuốc mà vân động người khác bỏ hút thuốc thì sẽ không ai nghe theo mình

-Người hay đi trễ về sớm mà bảo người khác phải nghiêm túc về giờ giấc thì sẽ không ai nghe lời mình

-Người lười biếng mà dạy người khác phải siêng năng thì chẳng ai nghe theo lời dạy của mình.

-Vân vân…

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có trường hợp làm thầy dạy người khác mà vẫn không cần tới thân giáo. Thí dụ :

-Một giáo sư lên lớp dạy về khoa học vũ trụ. Sinh viên của ông chỉ cần chăm chỉ tiếp thu những kiến thức của thầy về khoa học vũ trụ mà không cần để ý tới tư cách, đạo đức, lối sống, đời tư… của thầy làm gì. Trong trường hợp này, nhà giáo dục không cần tới thân giáo mà vẫn hoàn thành nhiệm vụ của mình.

-Những người thầy dạy về các môn văn học nghệ thuật như : âm nhạc, thi văn, nhiếp ảnh, điêu khắc… thường có đời sống phóng túng, lãng mạn, khác đời , nhưng học trò của những người này không vì thế mà không theo học với các thầy. Trái lại, cách sống phóng túng của các ông thầy còn được xem như tính cách cần có của người nghệ sĩ, nhờ đó mà người nghệ sĩ mới cho ra những tác phẩm hay (?!) Vì vậy, đôi khi học trò chẳng những không phê phán mà còn học theo cách sống khác thường của ông thầy.

thân giáo – thư gởi Huynh Trưởng trẻ

Bởi vậy mà từ lâu nay trong ngành giáo dục các nước Phương Tây đã loan truyền câu nói : “Hãy học theo những gì tôi dạy, đừng học theo những gì tôi làm”. Câu nói này khẳng định rằng : học sinh chỉ học những gì thầy dạy khi lên lớp, còn nhân cách, đạo đức, lối sống và đời tư của thầy không liên quan gì đến kết quả giáo dục của thầy hết.

Thôi, chuyện ở ngoài đời cứ để cho đời phân xử. Còn chúng ta đã chọn nghề huynh trưởng GĐPT, chúng ta hãy trở lại chuyện “thân giáo” của chúng ta.

Vì sao người huynh trưởng GĐPT cần trau dồi thân giáo ?

Vì nền giáo dục Phật giáo nhằm mục đích cải tạo con người trên tinh thần:

Không làm các việc ác

Siêng làm các điều lành

Giữ tâm ý trong sạch

Ấy là lời Phật dạy

Việc ác là những việc không hợp đạo lý, đem đau khổ đến cho mình và cho người; Việc thiện là những việc hợp đạo lý, đem an vui đến cho mình và cho người. Nói tóm lại, đó là lối sống theo đạo đức Phật giáo. Người huynh trưởng GĐPT là cán bộ giáo dục của Giáo hội. Do vậy, muốn việc hướng dẫn đạo đức Phật giáo cho đoàn sinh có kết quả thì trước hết mình phải sống theo đạo đức Phật giáo. Đó gọi là thân giáo.

Thế nào là sống theo đạo đức Phật giáo ?

Đạo đức Phật giáo thật là vô biên. Ở đây, chúng ta chỉ đề cập đến đạo đức Phật giáo dành cho người cư sĩ Phật tử – huynh trưởng GĐPT mà thôi. Đó là ứng dụng Ngũ Giới và Năm Hạnh vào đời sống hằng ngày để trang nghiêm hình ảnh người huynh trưởng và làm thân giáo cho đoàn sinh noi theo.

thân giáo – thư gởi Huynh Trưởng trẻ

A-Ngũ Giới :

1)Không sát sanh : đừng bao giờ tự mình thực hiện hay dạy cho đoàn sinh những ý nghĩ và thủ đoạn phân chia bè phái trong GĐPT; đối phó hay triệt hạ cá nhân này hay làm khó đơn vị kia… Làm cho đoàn sinh có tư tưởng chia rẻ, thù địch, khinh ghét các đồng đội trong cùng đơn vị hoặc ở các đơn vị khác.

2)Không trộm cắp : là huynh trưởng, phải áp dụng “lợi hòa đồng quân” và tuyệt đối trong sạch trong vấn đề tiền bạc, vât chất của đơn vị. Huynh trưởng mà “lem nhem” về tiền bạc thì không còn uy tín với đòan sinh, nói gì đến chuyện giáo dục các em?

3)Không tà hạnh : huynh trưởng không được nói lời tục tỉu, không được nói chuyện “tiếu lâm” trước mặt đoàn sinh; không được ăn mặc lõa lồ hớ hênh (nhất là các huynh trưởng nữ) .Huynh trưởng nam – nữ không được trững giỡn đùa cợt lã lơi trước mắt đòan sinh cũng như trên face book

4)Không vọng ngữ : nghĩa là không nói dối, không nói lời chia rẻ, không nói lời thêu dệt, không nói lời độc ác. Các anh chị huynh trưởng phải thận trọng trong lời nói, dù nói với nhau hay nói với các em.

5)Không uồng rượu : Các huynh trưởng nam nếu lỡ thù tiếp bạn bè hay đối tác làm ăn mà phải uống rượu thì tuyệt đối không đến chùa sinh hoạt trong lúc người còn hơi rượu. Huynh trưởng không được hút thuốc trong giờ sinh hoạt, nếu không hút thuốc luôn thì càng tốt.

thân giáo – thư gởi Huynh Trưởng trẻ

B-Năm Hạnh :

1)Tinh tấn : huynh trưởng phải là tấm gương siêng năng, cần cù chịu khó trong giờ giấc và trong mọi mặt sinh hoạt của Gia đình. Huynh trưởng nào có vinh dự được mời vào Ban hướng dẫn GĐPT tỉnh thì càng phải siêng năng, chịu khó, hy sinh nhiều hơn nữa. Các anh chị nên nhớ : GĐPT là nơi để thực hành hạnh bố thí, là nơi để tập hy sinh và vô ngã. GĐPT không phải là chốn “quan trường” để đấu tranh giành giựt chức tước, địa vị hay quyền lợi. Huynh trưởng cấp bậc càng cao thì trách nhiệm và sư hy sinh phải càng cao.

2)Hỷ xả : hỷ xả là vui vẻ bỏ qua. Huynh trưởng cần tập bỏ quá lỗi của người khác, không thành kiến, định kiến với ai. Huynh trưởng cũng cần tập hạnh xả ly với những thú vui và cám dỗ của đời sống. Không bị lệ thuộc vào các thú vui là một yếu tố để huynh trưởng chu toàn trách nhiệm với đàn em. Hình ảnh một người anh, người chị luôn tươi cười chính là thần tượng của đoàn sinh.

3)Thanh tịnh : điều luật thứ 4 của hàng huynh trưởng là : “Phật tử trong sạch từ thể chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm” chính là nhắc nhở huynh trưởng chúng ta mấy điều :

-Luôn giữ vẻ ngoài sạch sẽ, mạnh khỏe, tươm tất (tức là không dơ dáy, bệnh hoạn, ăn mặc lôi thôi luộm thuộm)

-Luôn giữ cho lời nói và hành động chín chắn, hợp đạo lý.

Người như vậy sẽ được huynh trưởng và đoàn sinh khắp nơi kính phục và ngưỡng mộ.

4)Từ bi & Trí tuệ : “Hiểu và Thương” là một cặp phạm trù không thể tách rời, là đặc thù của đạo Phật. Có trí tuệ để thông cảm với nỗi khổ của người khác, từ đó phát sinh lòng thương xót và hành động cứu giúp. Từ bi phải nẩy nở trên mảnh đất trí tuệ. Từ bi mà thiếu trí tuệ tất sẽ bị lợi dụng; Trí tuệ mà thiếu Từ bi sẽ dễ trở thành kẻ ác độc.

thân giáo – thư gởi Huynh Trưởng trẻ

Một huynh trưởng hiền lành sẽ được đoàn sinh thương mến

Một huynh trưởng tài năng sẽ được mọi người kính phục

Một huynh trưởng vừa tài năng vừa hiền lành sẽ là thần tượng của mọi đoàn viên Áo Lam

Tu tập đạo đức Phật giáo để trở thành bậc Thánh giữa cuộc đời là một việc rất khó làm. Nhưng, tu tập Năm Giới và Năm Hạnh để trở thành người huynh trưởng gương mẫu, làm bài học “Thân Giáo” cho đoàn sinh là việc nằm trong khả năng của tất cả chúng ta.

Cần nên nhớ rằng đấy là việc làm mà bất cứ anh chị em huynh trưởng nào cũng phải nỗ lực vươn tới , nếu muốn hoàn thành trách nhiệm và bổn phận của người huynh trưởng Gia Đình Phật Tử Việt Nam.

Thân ái chúc bạn sớm thành tựu “Thân Giáo” cho bản thân mình.

Tinh tấn chào bạn.


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi
Không ôm hiềm hận ấy,
Hận thù được tự nguôi.

Phẩm Song Yếu

Tháng 09 năm 2024
08
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Chủ nhật
Ngày Ất Hợi
Tháng Quý Dậu
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
06
Tháng 08
Kiên Giang