Kính thưa Ban biên tập,
Học lịch sử Đức Phật Thích Ca, em được nghe các anh chị huynh trưởng kể rằng: Đức Phật có sáu phép thần thông là : Thiên nhĩ thông, Thiên nhãn thông, Thần túc thông, Tha tâm thông, Túc mạng thông và Lậu tận thông.
Em chưa hiểu hết ý nghĩa của sáu phép thần thông kể trên. Kính đề nghị Ban biên tập giải thích thêm cho em được rõ.
Em cám ơn và kính chúc Ban biên tập thân tâm an lạc.
Em dieulacng…@gmail.com thân mến,
Theo kinh điển Phật giáo ghi lại, khi một người tu hành đạt từ quả vị A la hán cho tới quả vị Chánh đẳng chánh giác (Phật), thì người ấy có đủ sáu phép thần thông : Thiên nhãn thông, Thiên nhĩ thông, Túc mạng thông, Tha tâm thông, Thần túc thông và Lậu tận thông. (Có sách gọi là Minh thay cho Thông. TD: Thiên nhãn minh, Lậu tận minh….)
Kinh tạng Phật giáo Nguyên thủy có mô tả lại giờ phút thành đạo của Đức Thích Ca như sau:
“…Sau khi độ một vài vật thực thô sơ, đạo sĩ Cồ Đàm dễ dàng nhập Sơ thiền. Rồi từ đó dần dần Ngài nhập Nhị thiền, Tam thiền và Tứ thiền. Khi nhập thiền, tâm Ngài an trụ một điểm, lắng dịu, trong sáng như mặt gương được lau chùi bóng loáng và mọi vật đều có thể phản chiếu một cách vô cùng trung thực.
… Ngài hướng tâm về tuệ giác có liên quan đến sự “Nhớ lại những kiếp quá khứ” tức TÚC MẠNG MINH. Ngài nhớ lại nhiều kiếp quá khứ như thế này: Đầu tiên là một kiếp, hai kiếp rồi ba kiếp… cho đến trăm ngàn kiếp. Ở mỗi kiếp Ngài tên gì, sanh trưởng trong gia đình nào, vui thích những gì, khổ đau thế nào và chết cách nào.Từ cảnh ấy ra đi, Ngài tái sanh vào cảnh nào… cho đến cảnh hiện tại.
Đây hẳn là tuệ giác đầu tiên mà Ngài chứng ngộ vào canh một đêm thành đạo.
Tiếp theo, Ngài hướng tâm thanh tịnh về “Tri giác hiện tượng diệt và sinh của chúng sanh” tức THIÊN NHÃN MINH Với tuệ giác siêu phàm, Ngài nhận thấy chúng sanh chết từ kiếp này tái sinh vào một kiếp khác. Ngài chứng kiến có kẻ sang người hèn, kẻ hạnh phúc người khốn khổ… tùy vào hành vi tạo tác của mỗi người. Ngài biết rằng những người này, do hành động, lời nói và tư tưởng xấu xa…, sau khi chết đã tái sinh vào cảnh khổ não; Ngài biết rằng những người kia, do hành động, lời nói và tư tưởng tốt đẹp…, sau khi chết đã tái sinh vào cảnh trời an vui hạnh phúc.
Đây hẳn là tuệ giác thứ nhì mà Ngài chứng ngộ trong canh giữa đêm thành đạo.
Sau đó, Ngài hướng tâm thanh tịnh về “Tuệ hiểu biết sự chấm dứt các pháp trầm luân” tức LẬU TẬN MINH.
Tùy trường hợp, Ngài nhận thức : Đây là phiền não. Đây là sự chấm dứt phiền não. Đây là con đường đưa đến chấm dứt phiền não… Nhận thức như thế, tâm Ngài giải thoát ra khỏi ô nhiễm của dục vọng, ô nhiễm do luyến ái và ô nhiễm do vô minh…
Đây là tuệ giác thứ ba mà Ngài đã chứng ngộ vào canh ba đêm thành đạo.
Màn vô minh đã được giải tỏa và trí tuệ phát sanh. Đêm tối tan dần và ánh sáng đã đến.”
Qua đoạn kinh văn mô tả trên đây, chúng ta biết rằng trong đêm thành đạo, Đức Phật đã chứng được TAM MINH :
1)Túc mạng minh : nhớ lại tất cả tiền kiếp của mình
2)Thiên nhãn minh : biết tất cả nguyên nhân sinh diệt của mọi chúng sanh
3)Lậu tận minh: giải thoát khỏi tất cả ô nhiễm vì dục vọng, vì luyến ái và vì vô minh.
Còn lại ba phép thần thông mà đoạn kinh văn trên chưa nói đến là :
4)Tha tâm thông : nghĩa là thấy rõ tâm địa, suy nghĩ lành, dữ của bất cứ người nào mà mình cần để tâm quán xét.
5)Thần túc thông: còn gọi Thần cảnh thông hoặc Như ý túc. Người đắc phép này muốn đi tới bất cứ nơi đâu đều được như ý mà không cần đến các phương tiện giao thông như : bằng hai chân, bằng xe, tàu, máy bay v.v…
6)Thiên nhĩ thông: người đắc phép này có thể nghe được mọi âm thanh xa gần trong sáu cõi.
Lục Thông là kết quả của người tu Thiền đắc định. Người đắc lục thông là người đã hoàn toán giác ngộ và giải thoát như Phật và các vị A la hán.
Tuy nhiên, trong đạo Phật cũng có những người tu Thiền dắc định và cũng có phép thần thông nhưng chỉ được tối đa 5 phép là: Thiên nhãn thông, Thiên nhĩ thông, Túc mạng thông, Thần túc thông, Tha tâm thông. Còn phép thứ 6 là Lậu tận thông thì chưa được. Những người này tuy có phép thần thông nhưng chưa phải là bậc Thánh, có thể họ vẫn còn tham, sân, si. Những hạng người này thật là nguy hiểm cho đạo pháp và xã hội. Thí dụ như Đề Bà Đạt Đa ( em họ và là đệ tử Phật) có đủ 5 phép thần thông, nhưng tâm tánh xấu xa vẫn còn như : xúi A Xà Thế giết vua cha đoạt ngôi; âm mưu sát hại Đức Phật; xúi giục nhiều người chống đối Phật v.v… Quả báo xui khiến ông phải chết sớm và đọa vào địa ngục A Tỳ không biết bao nhiêu kiếp.
Thần thông không phải là mục tiêu cứu cánh của người tu Phật. Nó chỉ là kết quả tất nhiên khi người tu đã đắc Định qua tinh tấn tu thiền nhiều đời, nhiều kiếp. Thần thông không do thượng đế hay thần linh nào ban tặng. Người có thần thông mà tâm tánh chưa giải thoát khỏi tham sân si, luyến ái, vô minh… thì đó là người vô cùng nguy hiểm cho xã hội.
Cứu cánh của đạo Phật chính là tu tâm sửa tánh, làm chủ được thân và tâm, giải thoát khỏi các nhiễm ô, thấu suốt đạo lý nhân sinh quan, vũ trụ quan để biến cuộc đời đau khổ này thành Tịnh độ, Niết bàn, giúp cho nhân loại bớt khổ thêm vui. Đó mới chính là sứ mệnh của Phật giáo vậy.
Chúc em luôn tinh tấn .
Thân mến chào em.
BAN BIÊN TẬP