Quan Âm Nghìn Mắt Nghìn Tay

G

HỎI:

Kính thưa Ban biên tập, tại một số chùa Bắc tông thường thấy thờ pho tượng 1 vị thần có rất nhiều cánh tay, trong mỗi bàn tay lại vẽ một con mắt, đồng thời mỗi tay lại cầm một món binh khí. Xin hỏi đây là tượng vị thần nào ? Một người có nhiều tay và nhiều mắt như vậy là nhân vật có thật trong Phật giáo hay chỉ là hình tượng mang tình ẩn dụ ? Kính mong Ban Biên tập giải thích cho tôi rõ.

Xin cám ơn Quý ban.

tranai…@gmail.com

 

TRẢ LỜI:

Bạntranai…@gmail.com  thân mến,

Pho tượng bạn mô tả được gọi là "Tượng Quan Âm Nghìn Mắt Nghìn Tay" .Theo Chú Đại Bi ca tụng công hạnh cứu khổ cứu nạn chúng sanh của Bồ tát Quán Thế Âm bằng câu "Thiên Thủ Thiên Nhãn vô ngại đại bi". Như vậy, sự ra đời của pho tượng "Quan Âm Nghìn Mắt Nghìn Tay" có thể suy đoán là từ câu chú Đại Bi nêu trên.

Nói là "nghìn mất nghìn tay" nhưng thật ra người tạc tượng giỏi lắm cũng chỉ tạc được một trăm cánh tay mà thôi, chứ không thể nào tạc cho đủ một ngàn cánh tay. Đây là một cách ẩn dụ để nói lên đại hạnh của Bồ tát Quán Thế Âm (theo kinh điển Phật giáo Đại thừa) là lắng nghe và quan sát (ngàn mắt) cùng khắp thế gian để ra tay cứu dộ (ngàn tay) cho những ai cần Bồ tát cứu độ. Do đại hạnh "từ bi, cứu khổ, cứu nạn" mà danh hiệu của vị Bồ tát này đọc cho đủ là "Đại từ Đại bi Cứu khổ Cứu nạn Quan Thế Âm Bồ Tát".

Theo phẩm Phổ Môn trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa có nói rằng Bồ tát Quan Thế Âm có lòng từ bi lớn, Ngài nguyện sẽ hóa thân vào mọi chỗ để cứu độ cho những ai niệm danh hiệu Ngài. Do lời nguyện như vậy nên người đời sau thường tạc tượng Ngài với nhiều hình dáng khác nhau như : hình dáng một phụ nữ đứng trên mặt biển, gọi là Quan Âm Nam Hải; hình dáng một phụ nữ cầm cái bình gọi là Quan Âm Sái Thủy v.v… Nói chung, có đến 33 hình tướng khác nhau cũng đều do Bồ tát Quan Âm ứng hiện ra tùy theo hoàn cảnh và đối tượng mà Ngài muốn cứu độ. Tuyệt đại đa số hình tượng Bồ tát Quán Thế Âm đều được thể hiện qua hình dáng một người nữ có gương mặt từ bi, thanh tú khiến ai thoạt nhìn cũng đều tôn kính. Duy chỉ có một hình tướng mô tả Bồ tát thị hiện vào cõi ngạ quỷ làm Tiêu Diện Đại Sĩ là có hình dáng xấu xí khó nhìn, tượng này được dân gian quen gọi là Ông Tiêu, cũng thường được thờ trong các chùa Bắc tông.

Nhân đây, chúng tôi cung cấp cho bạn hiểu biết thêm về nhân vật Bồ tát Quán Thế Âm :

Bồ tát Quán Thế Âm là biểu tượng cho hạnh đại bi cứu khổ của người đệ tử Phật. Đây là nhân vật hư cấu có tính ẩn dụ của Phật giáo Đại thừa. Tuy nhiên, đối với Phật giáo Đại thừa ở Ấn Độ và Tây Tạng, người ta thường tạc tượng Quan Âm là một người NAM. Trong những bài kinh Đại thừa nói về Bồ tát Quán Thế Âm cũng không hề nói Ngài là người nữ. Vậy, từ đâu mà Phật giáo Việt Nam và Trung Hoa tạc tượng Quán Thế Âm dưới hình dáng người nữ ? Các nhà nghiên cứu Phật học cho rằng đó là ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Hoa, xem người nữ là tượng trưng cho đức tính từ bi, vì thế mà họ tạc tượng Ngài dưới hình dạng người nữ. Phật giáo Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi PG Trung Hoa nên có rất nhiều thứ ta đều nhập khẩu nguyên xi của PG Trung Hoa.

Kinh điển Phật giáo Nguyên Thủy (Nam tông) vốn được thế giới công nhận là do chính kim khẩu Đức Phật Thích Ca thuyết giảng, hiện đang lưu hành tại các nước như: Srilanka, Myanma, Thái Lan, Lào, Campuchia v.v… đều không có nói đến Bồ tát Quán Thế Âm, vì vậy, khi đến thăm các chùa Nam tông, bạn sẽ không thấy thờ tượng Bồ tát Quán Thế Âm, Phật A Di Đà hay các vị Phật và Bồ tát mà các chùa Bắc tông hay thờ.

Rất nhiều bậc tu hành chân chánh ngày nay đều cho rằng: việc tôn thờ Bồ tát Quán Thế Âm như một vị thần linh có thể cứu khổ cứu nạn những ai tin tưởng niệm danh hiệu Ngài là một việc làm MÊ TÍN , không phù hợp với luật Nhân Quả mà Phật đã dạy. Sự tin tưởng vào một vị thần linh ban phước giáng họa như vậy là vô tình hay cố ý biến đạo Phật thành một thứ tôn giáo đa thần, chứ không phải là đạo Phật do chính Đức Phật Thích Ca sáng lập ra.

Tóm lại, đối với pho tượng "Thiên Thủ Thiên Nhãn" mà bạn trông thấy, hãy xem đó như một sản phẩm văn hóa có tính thẩm mỹ, dùng để trang trí trong chùa cho đẹp mà thôi. Đừng bao giờ tin rằng pho tượng ấy có thể "ban phước, giáng họa" gì cho ai cả.

Nếu ai chịu khó nghiên cứu, quán chiếu và tư duy sâu sắc về nội dung kinh điển Đại thừa (Bắc tông), sẽ thấy mỗi người chúng ta đều là mỗi vị Phật và Bồ tát, nếu ta nỗ lực làm theo hạnh nguyện của những vị ấy. Còn như chúng ta không nỗ lực chuyển hóa thân và tâm ta, mà chỉ cầu khấn, xin xỏ thì không bao giờ có Phật hay Bồ tát nào giúp cho ta cả.

Kính chúc bạn có thêm niềm tin vào Chánh pháp.


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Như mái nhà vụng lợp,
Mưa liền xâm nhập vào.
Cũng vậy tâm không tu,
Tham dục liền xâm nhập.

Phẩm Song Yếu

Tháng 12 năm 2024
03
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Thứ 3
Ngày Tân Sửu
Tháng Bính Tý
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
03
Tháng 11
Kiên Giang