Kính thưa Ban biên tập website gdptkiengiang.vn!
Gần đây tôi có đến thành phố Bạc Liêu du lịch. Tại đây có khu du lịch thờ Đức Phật Bà Quan Âm Nam Hải thu hút nhiều du khách đến tham quan chiêm bái.
Tôi là một Phật tử nên muốn biết sự tích Quan Âm Nam Hải, ngài có thật hay không, chúng ta lễ lạy Ngài vì công hạnh gì? Đồng thời tôi cũng thắc mắc vì sao trong Kinh Pháp Hoa (phẩm Phổ Môn) có giới thiệu về Bồ tát Quán Thế Âm, nay lại có Quan Âm Nam Hải, Quan Âm Thị Kính và nhiều Bồ tát Quan Âm khác nữa. Tại sao như vậy?
Kính mong Ban biên tập hoan hỷ giải thích.
Xin chân thành cảm ơn quý anh chị (tueda…@gmail.com)
Bạn tueda…@gmail.com thân mến.
Bồ tát Quán Thế Âm nói riêng, tất cả các vị Bồ tát trong kinh điển Phật giáo Đại thừa nói chung, đều do Đức Phật Thích Ca giới thiệu trong các bộ kinh. Mỗi vị Bồ tát đều đặc trưng cho mỗi hạnh nguyện của chư Phật.
Thí dụ: Bồ tát Quán Thế Âm đại diện cho hạnh Từ bi, hạnh cảm thông … Bồ tát Văn Thù đại diện cho hạnh Trí tuệ, Bồ tát Phổ Hiền đại diện cho hạnh làm lợi ích cho chúng sanh v.v…
Các vị Bồ tát được giới thiệu trong các kinh điển Đại thừa đều là hình ảnh ẨN DỤ để nói lên những hạnh lành của chư Phật nhằm khuyến tấn con người hãy tu tập theo những hạnh lành ấy để đem an vui cho chính mình, cho gia đình mình và cho xã hội nơi mình đang sống. Kinh điển Đại thừa còn nhấn mạnh rằng “Các vị Bồ tát này thường hiện thân xuống trần gian qua nhiều hình tướng khác nhau để cứu giúp nhân loại”.
Đây cũng là một trong nhiều triết lý của đạo Phật chứ không phải nói lên một thực tế khách quan. Chính vì căn cứ trên triết lý “ứng thân”, “hóa thân” này mà người đời sau trước tác nhiều câu chuyện xoay quanh Bồ tát Quan Âm nhằm giáo dục người đời về đức tính từ bi, nhẫn nhục…Trong đó phổ biến hơn cả là truyện “Quan Âm Thị Kính” và “Quan Âm Nam Hải” sau đây:
Ngày xưa ở nước Cao Ly (Triều Tiên + Hàn Quốc ngày nay) có người con gái họ Mãng, tên là Thị Kính. Nàng có vẻ người đầy đặn, mặt mũi dễ coi, tính tình điềm đạm. Lớn lên, nàng thờ cha mẹ hết lòng, việc nhà việc cửa chăm lo khá đảm. Khi đến tuổi lấy chồng, nàng được bố mẹ gả cho một anh chàng học trò họ Sùng tên là Thiện Sĩ. Cũng giống như nhà vợ, bên nhà chồng cũng chẳng khá giả gì. Thấy chồng chăm học, không chơi bời, Thị Kính không ao ước gì hơn; nàng càng ra công tần tảo cho chồng dốc lòng nấu sử sôi kinh.
Một đêm, bên cạnh án thư, Thiện Sĩ ngồi đọc sách, Thị Kính cũng ngồi may một bên, hai người chung nhau một ngọn đèn dầu. Chồng học mãi thấy mệt mỏi, bèn ngả lưng xuống giường, kê đầu lên đầu gối vợ chuyện trò một chốc rồi thiu thiu ngủ. Thị Kính cố giữ yên lặng cho chồng yên giấc. Nàng có thì giờ ngắm nghía kỹ khuôn mặt tuấn tú của chồng. Bỗng nàng nhận ra ở cằm chồng có một cọng râu mọc ngược.
“Ồ sao lại có cọng râu xấu xí thế này. Người ta bảo râu mọc ngược là tướng bạc ác. Ta phải lén nhổ đi cho chàng mới được!” Nghĩ vậy, sẵn con dao nhíp trong thúng khảo đựng đồ may, Thị Kính liền cầm lấy mở ra định nhổ sợi râu, không ngờ lưỡi dao sáng loáng vừa đưa đến gần thì Thiện Sĩ cũng vừa chợt tỉnh; trông thấy vợ tay cầm dao chĩa vào mặt trong lúc mình chợt ngủ quên, Thiện Sĩ nghĩ ngay đến chuyện đen tối liền vùng dậy nắm lấy cổ tay và la lên:
– Nàng định cầm dao giết ta lúc đang ngủ ư?
Mặc cho Thị Kính kêu oan, chồng và cha mẹ chồng nhất định vu cho nàng tội định giết chống và đuổi nàng về nhà cha mẹ ruột.
Buồn chán cho số phận éo le, một hôm nàng cải trang thành một chàng trai, nhân đêm tối bỏ nhà, khăn gói ra đi. Nàng đi, đi mãi, cố tìm trú ngụ một nơi cho thật xa quê hương để xóa bỏ những ký ức đau xót. Sau cùng đến một tỉnh khác, ở đây có chùa Vân, nàng tìm đến xin gọt đầu quy y. Sư cụ không biết là gái bèn nhận cho làm tiểu, đặt hiệu là Kính Tâm. Sự đời đã tắt lửa lòng, từ đấy nàng yên tâm bạn cùng kinh kệ.
Nhưng tu hành ở chùa Vân chưa được bao lâu thì một việc mới lại xảy đến với nàng. Tuy ăn mặc nâu sồng nhưng vẻ mặt của chú tiểu mới đã làm cho nhiều trái tim của các cô gái làng thổn thức. Trong làng có Thị Mầu, con gái của một phú ông, những ngày đi lễ chùa thấy tiểu Kính Tâm thì đem lòng yêu trộm dấu thầm. Hai ba phen bị khước từ, Thị Mầu càng say mê, càng cố tìm cách quyến rũ. Sau đó, tuy cá chẳng cắn câu, nàng vẫn không sao quên được chú tiểu. Quen thói trăng hoa, Thị Mầu bèn tư thông với một người đầy tớ trai trong nhà. Qua nhiều phen đi lại, không ngờ bụng ngày một lớn. Bị làng phạt vạ, cô gái nghĩ rằng nếu thú thật thì chẳng hay ho gì, bèn đổ riệt cho tiểu Kính Tâm. Vì thế tiểu Kính Tâm cũng bị làng đòi đến khảo tra. Nhưng dù bị đánh tơi tả, nàng vẫn không dám nhận liều cũng như không để lộ mình là gái. Sư cụ chùa Vân thấy tiểu bị đòn đau thì thương tình, kêu xin với làng nộp vạ, bảo lãnh cho tiểu được tha về. Nhưng sợ miệng thế mai mỉa ô danh chốn thiền môn, nên sư cụ bắt tiểu phải dựng một cái lều ở phía ngoài cổng chùa rồi ra đó ở. Nàng cam tâm nhận sự hành hạ này, cắn răng không hề một lời van xin hay than thở.
Thị Mầu sau đó sinh được một trai. Đã trót đổ vấy cho tiểu Kính Tâm, nên ả đem đứa con bỏ liều ở cổng chùa. Kính Tâm lại thêm một phen bối rối. Nhận lấy đứa bé thì không khác gì một hành động thú tội, mà không nhận thì làm ngơ sao đành trước một đứa bé vô tội thế kia. Nhưng tiếng khóc oa oa của đứa trẻ sơ sinh đã khiến nàng mất hết ngại ngần. Lập tức nàng bế đứa bé vào lều chăm sóc, và từ đó ngày ngày một công việc mới choán hết thì giờ và tâm trí của nàng: nàng phải bế nó đi xin sữa ở đầu làng cuối xóm. Mặc cho dân làng kẻ cười người chê đến rát cả mặt, nàng vẫn âm thầm chịu đựng, tuyệt không có lấy một lời oán thán. Cứ như thế sau sáu năm, nàng trông nom con người như con đẻ. Trong khi đứa bé ngày một sởn sơ khôn lớn, thì sức của nàng trái lại ngày một mỏi mòn kiệt quệ. Một hôm, biết mình không thể sống được nữa, tiểu Kính Tâm bèn viết một phong thư để lại cho bố mẹ đẻ, trong đó nàng thuật lại đầu đuôi nỗi mình nhẫn nhục bấy lâu nay. Lại dặn dò đứa bé sau khi mình chết thì trao thư lại cho sư cụ trên chùa. Khi khâm liệm, mọi người mới hay tiểu Kính Tâm là đàn bà, và ai nấy đều nhận thấy rằng sự chịu đựng của nàng từ bấy đến nay quả là cùng cực. Để tỏ lòng hối hận, sư cụ chùa Vân bên cho lập một đàn chay cầu cho nàng được siêu sinh tịnh độ. Dân làng còn bắt Thị Mầu phải để tang và bắt phải trả mọi chi phí ma chay. Hôm cử hành đàn chay, thì trên trời, giữa một đám mây năm sắc, đức Phật Thiên Tôn hiện ra phán truyền cho Kính Tâm thành Phật Quan Âm.
Ngày nay, để chỉ mối oan to lớn, người ta thường bảo “oan Thị Kính”, là từ truyện này mà ra.
Ngày xưa, tại nước Hưng Lâm ở phía bắc nước ta, vua Diệu Trang trị vì. Vua có ba người con gái, người chị cả tên Diệu Thanh, cô thứ hai tên Diệu Âm, cô út tên Diệu Thiện. Khi đến tuổi cập kê, hai công chúa lớn đều đi lấy chồng, riêng công chúa Diệu Thiện không muốn lấy chồng mà chỉ muốn xuất gia tu Phật.
Nhà vua rất tức giận, bắt giam công chúa vào ngục. Hoàng hậu và hai người chị đến khuyên bảo hết lời nhưng Diệu Thiện vẫn quyết tâm xuất gia. Vua cha liền bày kế cho công chúa đến tu tại một ngôi chùa lớn nhưng mật lệnh cho sư trụ trì hằng ngày bắt công chúa làm việc nặng nhọc cốt để công chúa chán nãn mà bỏ chùa về nhà. Nhưng Diệu Thiện vẫn không nãn chí, ban ngày cô làm đủ mọi việc do nhà chùa giao như: gánh nước, nấu cơm, nhặt rau; ban đêm siêng năng tụng kinh, niệm Phật, ngồi thiền không hề xao lãng hay oán than.
Nhiều tuần lễ trôi qua, thấy Diêu Thiện không bỏ chùa về nhà, vua nghĩ rằng do các vị sư ở chùa không nỡ đày đọa công chúa, ông bèn khiến binh lính đem các thứ đồ dẫn hỏa đến đốt chùa. Diệu Thiện tự trách vì mình mà chư tăng bị liên lụy, bèn tự cắn vào ngón tay cho bật máu, rồi ngửa mặt lên trời cầu nguyện. Bỗng đâu xuất hiện một con rồng rất to phun nước xuống làm tắt lửa.
Vua chưa nguôi giận, ra lệnh quân sĩ đem công chúa ra pháp trường xử chém. Nhưng lưỡi gươm chưa chạm vào người Diệu Thiện đã bị gãy đôi. Liền theo đó trời đất tối đen và một con cọp trắng xuất hiện cõng Diệu Thiện đi mất. Cọp cõng Diệu Thiện chạy lên một quả núi và đặt cô nằm xuống rồi bỏ đi.
Diệu Thiện nằm mê thiêm thiếp, hồn cô lạc xuống âm phủ, đi qua mười cửa ngục, chứng kiến biết bao cảnh trừng phạt đau đớn nơi địa ngục của những người đã từng tạo ác lúc còn sống trên dương gian. Diệu Thiện nghĩ rằng cô đã bị chém chết nên hồn mới đi xuống đây, nhưng vị sứ giả của Diêm Vương cho biết cô vẫn còn sống, chính Thập Điện Minh Vương rước ni cô xuông thăm địa ngục cho biết mà thôi.
Ni cô Diệu Thiện vô cùng đau xót trước cảnh các tội nhân chịu nhục hình. Ni cô liền nhất tâm niệm Phật, và do công đức của Ni cô mà cảnh giới địa ngục bỗng thay đổi. Diêm Vương ban lệnh ân xá tất cả tội nhân trong mười cửa ngục.
Lúc đó, hồn Diệu Thiện trở về dương gian, nhập vào xác trở lại. Đang phân vân chưa biết đi về hướng nào thì Phật Tổ Như Lai hóa thân làm một chàng trai tuấn tú đi tới gần để thử thách Ni cô lần nữa. Khi thấy Diệu Thiện tâm nguyện vững chắc, Phật liền chỉ đường cho bà về chùa Hương Tích (tức chùa Hương ngày nay). Diệu Thiện vâng lời Phật dạy, sang nước Nam Việt, vào chùa Hương Tích mà tu. Sau nhiều năm tinh tấn tu hành, Bà đắc đạo thành Phật Quan Âm, dân gian thường gọi Quan Âm Nam Hải là vì Bà tu tại nước Việt Nam có biển Nam Hải trải dài từ Bắc vô Nam.
Phật Bà Quan Âm Nam Hải có hai đệ tử nhỏ: Thiện Tài, em bé trai mồ côi từ nhỏ xin theo bà, và Long Nữ, em bé gái con của Long Vương đội lốt Lý Ngư mắc nạn, được bà cứu trả về Thủy cung, sau trở lại xin theo bà tu hành.
Về sau, vua Diệu Trang bị bệnh nan y, hứa rằng ai chữa lành bệnh cho vua sẽ được trao ngôi báu. Lúc bấy giờ trong nước không có thầy thuốc nào chữa được bệnh cho vua. Quan Âm Diệu Thiện biến hình thành một lương y đến xin chữa bệnh cho vua. Sau khi xem mạch chẩn đoán bệnh, lương y nói rằng: muốn chữa bệnh này cần phải lên núi Hương Tích xin hai cánh tay và hai con mắt của Tiên nữ đang tu tại đấy đem về làm thuốc.
Cả triều đình không một ai tin rằng trên đời này lại có người từ bi quảng đại đến nỗi cho cả hai tay và cặp mắt của mình để làm thuốc chữa bệnh cho người khác. Nhưng vị lương y (tức Quan Âm Nam Hải) bảo cứ thành tâm cầu xin thì sẽ được. Quan quân triều đình đi ngựa mất ba ngày đêm mới đến được núi Hương Tích. Quan Âm Nam Hải dùng thần thông biến hóa trở lại hình dáng công chúa Diệu Thiện đang tu trên chùa Hương Tích. Sau khi nghe vị quan dẫn đoàn trình bày mục đích chuyến đi, Ni cô Diệu Thiện đã chấp thuận hiến tặng hai cánh tay và cặp mắt của mình.
Sau khi vua Diệu Trang được chữa lành bệnh, ông nhớ lại lời hứa trước đây nêm tìm vị lương y mà truyền lại ngôi báu, nhưng vị lương y đã biến mất không để lại dấu tích gì. Nhà vua mới nghĩ tới việc đi núi Hương Tích bên nước Nam Việt tìm Tiên nữ đã hiến tặng tay và mắt làm thuốc chữa bệnh cho mình.
Sau bao ngày lặn lội vất vả, vua và hoàng hậu cùng quần thần mới tới được núi Hương Tích. Lúc ấy Bồ tát Quan Âm Nam Hải dùng thần thông biến thành Ni cô Diệu Thiện mất cả hai tay và cặp mắt ngồi trong chùa đợi phụ hoàng và mẫu hậu đến. Trông thấy con gái trong tình trạng ấy, nhà vua thất kinh rụng rời tay chân, còn hoàng hậu thì kinh hải lẫn đau thương đến mức ngã ra bất tỉnh. Mọi người xúm lại cứu tỉnh hoàng hậu và bắc ghế mời vua cùng hoàng hậu an vị.
Ni cô Diệu Thiện kể lại cho cha mẹ nghe quãng đời của mình từ khi được bạch hỗ cứu khỏi lưỡi gươm đao phủ, được Thập Điện Minh Vương mời tham quan mười cửa ngục và quá trình tu hành của mình cũng như việc mình hiến tặng tay và mắt để làm thuốc chữa bệnh cho vua cha. Rồi Ni cô kết luận:”Tuy hiện nay con đã mất tay và mắt, nhưng nếu cha mẹ bỏ ác làm lành và một lòng tu hành theo đạo Phật, thì con sẽ được tay, mắt trở lại”. Nhà vua và hoàng hậu liền quỳ xuống, hướng lên không trung mà phát nguyện y theo lời khuyên của con gái. Ngay lúc đó, tay và mắt của Ni cô Diệu Thiện trở lại đầy đủ như xưa.
Trên đây là nội dung hai sự tích về Quan Âm Thị Kính và Quan Âm Nam Hải do chư Tổ Phật giáo Việt Nam sáng tạo hàng ngàn năm qua, được liệt vào kho tàng truyện cổ nước ta. Các bạn nên nhớ, đây là tác phẩm văn học của người đời sau nương theo lời Phật dạy trong kinh Pháp Hoa “Bồ tát Quan Âm thường thị hiện xuống trần gian qua nhiều nhân vật khác nhau nhằm cứu đời và răn dạy thiện ác cho con người” mà trước tác ra để làm phương tiện giúp cho Phật pháp dễ dàng lan tỏa trong nhân gian, nhất là giới quần chúng bình dân ít học. Sự tích này không phải do chính Đức Phật dạy trong tam tạng kinh điển.
Phật tử chúng ta cần phân biệt rõ đâu là kinh điển gốc do Đức Phật thuyết, đâu là tác phẩm văn học do người đời sau trước tác. Được như vậy sẽ giúp ích rất nhiều cho chúng ta trên con đường học Phật tu Phật. Nếu không, chúng ta rất dễ lạc vào đường mê tín, biến đạo Phật thành một thứ tôn giáo tín ngưỡng, thần quyền đi ngược lại giáo lý Nhân Quả và lý tưởng giác ngộ giải thoát của Đức Bổn Sư Thích Ca.
Thân chúc bạn thân tâm an lạc, vạn sự cát tường.
BAN BIÊN TẬP