Phật giáo Kiên Giang qua một góc nhìn

G

Phật Giáo Kiên Giang Qua Một Góc Nhìn

HT Thích Thiện Nhơn

Chủ tịch HĐTS TW GHPGVN

Vùng đất Hà Tiên, Rạch Giá (Đạo Kiên Giang). Vào năm 1679, Mạc Cửu người Lôi Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, một di thần nhà Minh, không thần phục nhà Thanh, nên đã dong thuyền sang Chân Lạp, rồi đến Phương Thành (Trúc Phiên Thành) hay gọi là Mang Khảm đã được Vua Lê, Chúa Nguyễn cho định cư tại vùng đất mới. Ngài đã chiêu mộ cư dân lưu dân các dân tộc Việt, Khmer, Hoa khai khẩn đất hoang, lập ra các thôn xã: Rạch Giá, Cà Mau, Cần Bột = Cần Vọt, Phú Quốc, Trũng Kè, Vũng Thơm. Tương truyền, thường có Nàng Tiên đi lại trên sông, nên gọi là Hà Tiên, người Khmer gọi là Tà Ten.

Dưới thời Vua Lê Hiển Tông (1705), Chúa Nguyễn Phúc Chu, Mạc Cửu đã dâng phần đất Hà Tiên cho Triều đình và Chúa Nguyễn, được Vua Lê, Chúa Nguyễn chấp nhận và phong làm Tổng trấn Hà Tiên, Tước Cửu Ngọc Hầu. Kể từ đó, Hà Tiên là phần đất cuối cùng của Phương Nam thuộc về Đại Việt.

Mạc Cửu là một Phật tử thân tín của Hòa thượng Hoàng Long (Hoằng Long) từ Qui Nhơn vào Hà Tiên hành đạo khoảng năm 1710 – 1715, Trụ trì chùa Núi Bạch Tháp, viên tịch năm 1737, nhập tháp tại chùa núi Bạch Tháp (núi Vân Sơn).

Năm 1730, Mạc Cửu đã xây dựng chùa Tam Bảo để phụng thờ Tam bảo Phật Pháp Tăng và để làm nơi tu dưỡng cho mẹ già là Bà Thái Thị.

Năm 1736, sau khi Mạc Cửu mất (1735), con là Mạc Thiên Tích (Tứ) kế nghiệp, được Vua Lê Túc Tông phong chức Đô Đốc Trấn thủ trấn Hà Tiên. Năm 1750, Ngài cho xây dựng chùa Phù Cừ (Phù Dung) cho Bà Thứ Cơ Phù Cừ sau khi xuất gia, có nơi tu hành tụng kinh niệm Phật. Và có thể nói, ba ngôi chùa Bạch Tháp, Tam Bảo, Phù Dung là cơ sở Tự viện được xây dựng đầu tiên và Hòa thượng Hoằng Long là vị Thiền sư mang Đạo Phật đến Hà Tiên, Kiên Giang trong những ngày đầu bình minh của Phật giáo xứ Phương Nam.

Năm 1780, Mạc Thiên Tích (Tứ) từ trần, sau khi Chúa Nguyễn Phúc Chu, Nguyễn Phúc Khoát hoàn thành công tác định hình đất nước Đại Việt hình chữ S vào năm 1757 – 1759.

Phật Giáo Kiên Giang Qua Một Góc Nhìn
Đền thờ họ Mạc tại Hà Tiên (Kiên Giang)

Đến thời Vua Gia long thứ 7 (1808) đã đặt ra Đạo Kiên Giang, và dưới Triều Nguyễn, đất Hà Tiên, Rạch Giá dưới quyền điều hành quản lý của Tổng đốc An Hà (An Giang, Hà Tiên) Doãn Uẩn (1843 – 1867).

Trước khi Pháp xâm chiếm Việt Nam, Rạch Giá là một huyện lỵ của Trấn Hà Tiên. Năm 1867, khi Pháp chiếm hoàn toàn miền Nam, gọi là Nam Kỳ Lục Tỉnh, gồm Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Trấn Hà Tiên. Chính quyền Pháp đã nâng huyện lỵ Rạch Giá lên thành tỉnh Rạch Giá, Trấn Hà Tiên trở thành một huyện của tỉnh Rạch Giá.

Năm 1920, phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam do Hòa thượng Khánh Hòa khởi xướng, trước tiên thành lập Hội Lục Hòa tại chùa Giác Hải – Chợ Lớn. Phong trào lần lượt ảnh hưởng đến cả vùng đất Nam Kỳ Lục Tỉnh (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên). Trong đó có tỉnh Rạch Giá (Kiên Giang).

Năm 1931, qua sự vận động của Hòa thượng Khánh Hòa, Hòa thượng Huệ Quang, Hòa thượng Từ Phong, Hòa thượng Thiện Chiếu v.v…Chính quyền Pháp cho phép thành lập Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật học (gọi đúng là Hội Nghiên cứu và Bảo tồn Phật giáo tại Nam Kỳ). Hội được thành lập ngày 26/8/1931. Trụ sở đặt tại chùa Linh Sơn – Sài Gòn, do Hòa thượng Khánh Hòa làm Hội trưởng. Hòa thượng Trí Thiền húy Hồng Nguyện trụ trì chùa Tam Bảo – Rạch Giá từ năm 1913, là thành viên sáng lập và làm cố vấn cho Hội. Văn phòng liên lạc đặt tại chùa Sắc Tứ Tam Bảo – Rạch Giá.

Đến năm 1936, khi Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học hoạt động không hiệu quả, Hòa thượng Trí Thiền, Hòa thượng Thiện Chiếu lui về chùa Tam Bảo – Rạch Giá thành lập Hội Phật học Kiêm Tế ngày 23/3/1937, do Hòa thượng Trí Thiền làm Chánh Tổng lý, Hòa thượng chùa Thập Phương (Hòa thượng Bửu Nguyên), chùa Phước Thạnh (Hòa thượng Bửu Tịnh) làm Phó Tổng lý. Hội cho xuất bản Tạp chí Tiến Hóa tháng 01/1938, do cụ Phan Thanh Hà (Hòa thượng Pháp Linh) làm Chủ bút, ông Đỗ Kiết Triệu làm Chủ nhiệm.

Sau khi Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập ngày 03/2/1930 và hoạt động sâu rộng, Hòa thượng Trí Thiền, Hòa thượng Thiện Chiếu, Hòa thượng Pháp Linh, Thượng tọa Thiện Ân… đều là cảm tình viên của Đảng, hoạt động bí mật trong lòng địch.

Năm 1939, cơ sở tại chùa Tam Bảo bị lộ, Hòa thượng Trí Thiền, Thượng tọa Thiện Ân bị bắt, Thượng tọa Thiện Chiếu may mắn thoát thân. Thượng tọa Thiện Ân bị tử hình, Hòa thượng Trí Thiền bị đày ra Côn Đảo và hy sinh tại Côn Đảo ngày 26/6/1943.

Phật Giáo Kiên Giang Qua Một Góc Nhin
HT.Thích Thiện Nhơn thay mặt HĐTS trao bằng tuyên dương công đức cho UBMTTQVN tỉnh Kiên Giang và Ban Tôn giáo tỉnh Kiên Giang đã hết lòng hỗ trợ GHPGVN tỉnh trong các công tác Phật sự

Sau khi Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học, Hội Phật học Kiêm Tế ngưng hoạt động, đến ngày 19/9/1950, Hội Phật học Nam Việt được thành lập tại Sài Gòn, do Bác sĩ Nguyễn Văn Khỏe làm Hội trưởng, cụ Mai Thọ Truyền làm Tổng Thư ký. Trụ sở đặt tại chùa Khánh Hưng, Chí Hòa Sài Gòn, rồi sau dời về chùa Phước Hòa, Bàn Cờ, cuối cùng là chùa Xá Lợi. Hội tiến hành thành lập các Tỉnh hội Phật học miền Nam. Hòa thượng Thích Bổn Châu xuất gia tu học tại chùa Vạn Thọ – Sài Gòn, sau khi tham dự khóa Như Lai Sứ giả 1957 – 1958 tại chùa Pháp Hội do Giáo hội Tăng già Nam Việt tổ chức. Hòa thượng được Giáo hội bổ nhiệm về Trụ trì chùa Tam Bảo, đồng thời cũng là đại diện cho Giáo hội Tăng già Nam Việt tỉnh Kiên Giang. Do đó, từ năm 1950 – 1980, chùa Tam Bảo là Trụ sở Tỉnh hội Phật học Rạch Giá do Hòa thượng Bổn Châu trụ trì, cư sĩ Đặng Văn Mẫn làm Hội trưởng Hội Phật học tỉnh Kiên Giang (Rạch Giá).

Sau Cách mạng 01/11/1963 do quân đội khởi xướng thành công, Phật giáo thoát cơn Pháp nạn, Đại hội thống nhất Phật giáo miền Nam được diễn ra tại chùa Xá Lợi – Sài Gòn ngày 04/01/1964, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ra đời. Lần lượt các Tỉnh hội được thành lập. Viện hóa đạo đã bổ nhiệm Hòa thượng Bổn Châu làm Chánh Đại diện GHPGVNTN tỉnh Rạch Giá (Kiên Giang), Văn phòng đặt tại chùa Tam Bảo. Khi Thượng tọa Minh Giác làm Chánh Đại diện cho đến ngày 30/4/1975, Văn phòng đặt tại chùa Phổ Minh, thị xã Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.

Năm 1981, thống nhất Phật giáo cả nước, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập. Hòa thượng Danh Nhưỡng trụ trì chùa Láng Cát (Ratanarami) xây dựng năm 1414 đại diện Phật giáo Nam tông, Hòa thượng Bổn Châu trụ trì chùa Tam Bảo thành lập năm 1900 đại diện Phật giáo Bắc tông, tham dự Đại hội. Tại Đại hội, Hòa thượng Danh Nhưỡng được suy cử làm Thành viên Hội đồng Chứng minh, Hòa thượng Bổn Châu làm Ủy viên Hội đồng Trị sự. Được sự phân công của Đại hội, hai Hòa thượng trở về Kiên Giang tiến hành hiệp thương với các Hệ phái Phật giáo: Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng – Thượng tọa Bửu Nguyên đại diện; Phái Phật giáo Thiền do Thượng tọa Huyền Thông đại diện; Hệ phái Khất sĩ Tăng – Thượng tọa Giác Phước đại diện; Hệ phái Khất sĩ Ni – Ni trưởng Liễu Liên đại diện; Hội Phật học Cư sĩ – Lâm Minh Khải đại diện; Minh Nguyệt Cư sĩ Lâm (Hoa tông) – Cư sĩ Quách Văn Thành đại diện, đã đoàn kết, hòa hợp cùng tổ chức Đại hội thành lập Tỉnh hội Phật giáo Kiên Giang năm 1982. Văn phòng đặt tại chùa Sắc Tứ Tam Bảo, đường Sư Thiện Ân, thị xã Rạch Giá, nay là Tp. Rạch Giá. Đại hội suy cử Hòa thượng Danh Nhưỡng làm Trưởng ban Trị sự, Hòa thượng Bổn Châu, Ủy viên HĐTS làm Phó Trưởng ban Thường trực. Sau khi Hòa thượng Bổn Châu viên tịch năm 1993, Đại hội suy cử Hòa thượng Giác Phước trụ trì chùa Phật Quang (Tịnh xá Ngọc Bửu) làm Phó Trưởng ban Thường trực. Sau một thời gian hoạt động, Hòa thượng Giác Phước đã quy tây năm 2007. Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Kiên Giang suy cử Hòa thượng Huyền Thông, Ủy viên HĐTS, trụ trì chùa Giác Lâm, huyện Tân Hiệp làm Phó Trưởng ban Thường trực. Đến Đại hội kỳ IX (2017 – 2022), Đại hội cung thỉnh Hòa thượng Danh Nhưỡng, Phó Pháp chủ GHPGVN, Trưởng ban Trị sự; Hòa thượng Huyền Thông, Phó Trưởng ban Thường trực lên hàng Chứng minh Ban Trị sự. Đại hội suy cử Hòa thượng Danh Đổng, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự làm Trưởng ban Trị sự; Thượng tọa Minh Nhẫn, Ủy viên Hội đồng Trị sự làm Phó Trưởng ban Thường trực Phật giáo tỉnh Kiên Giang, chính thức chuyển sang cho thế hệ trẻ sau hơn 35 năm dưới sự lãnh đạo của Hòa thượng Danh Nhưỡng, Phó Pháp chủ GHPGVN, Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Kiên Giang liên tục 08 nhiệm kỳ đã hoạt động không biết mệt mõi.

Ngoài chức vụ trên, Hòa thượng Danh Nhưỡng còn là Viện trưởng Học viện Phật giáo Nam tông Khmer do GHPGVN thành lập năm 2007. Trụ sở tại chùa Pothisomrom, quận Ô Môn, Tp. Cần Thơ. Là một trong 04 Học viện Phật giáo Việt Nam của GHPGVN, Học viện Phật giáo Nam tông Khmer đang hoạt động được 03 khóa, đạt kết quả nhất định trong điều kiện cho phép.

Phật Giáo Kiên Giang Qua Một Góc Nhìn
Tân Ban Trị Sự GHPGVN Tỉnh Kiên Giang nhiệm kỳ IX (2017 – 2022)

Trong 35 năm qua, công tác giáo dục Phật giáo Bắc tông tại Trường Trung cấp Phật học tỉnh Kiên Giang, cơ sở đặt tại chùa Phổ Minh, chùa Phật Quang và Phật giáo Nam tông, Lớp Kinh Luận Giới tại chùa Rạch Sỏi, huyện Châu Thành thuộc Trường Trung cấp Phật học tỉnh Kiên Giang hoạt động có hiệu quả.

Với Nội san Ánh Đạo của Tỉnh hội Phật giáo Kiên Giang do Thượng tọa Minh Nhẫn làm Chủ biên, và kênh truyền hình trực tuyến chùa Phật Quang, là những phương tiện truyền thông về văn hóa xã hội, các hoạt động Phật sự của Tỉnh hội đến cơ sở Tự viện, Tịnh xá, Tịnh thất, Niệm Phật đường trong toàn tỉnh và ngoài tỉnh, thậm chí cả nước ngoài, mang tính hội tụ và lan tỏa trong thời kỳ hội nhập và phát triển của đất nước và xã hội, do Thượng tọa Thích Minh Nhẫn chịu trách nhiệm điều hành. 

Trung tâm Từ thiện Xã hội Phật Quang, Trường Từ thiện Nhân Ái là những  điểm từ thiện xã hội nổi bật của Phật giáo Kiên Giang trong thời gian qua do Thượng tọa Minh Nhẫn làm Giám đốc.

Phật giáo Kiên Giang có vinh hạnh là nơi tôn trí Xá lợi của 04 Liệt sĩ Phật giáo Nam tông Khmer (HT. Lâm Hùng, HT. Danh Hom, HT. Danh Hoi, HT. Danh Tấp) hy sinh ngày 10/6/1974 tại huyện Châu Thành. Sau khi làm lễ trà tỳ, xá lợi được tôn thờ tại Tháp. Chùa Cù Là. Chùa Cù Là được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1993. Đặc biệt, chùa Láng Cát (Ratanarami) xây dựng năm 1414 cũng là Di tích lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia, tiêu biểu của Phật giáo Nam tông Khmer.

Với 15 đơn vị hành chánh, Tp. Rạch Giá, thị xã Hà Tiên, các huyện Kiên Lương, Hòn Đất, Tân Hiệp, Châu Thành, Giồng Riềng, Gò Quao, An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận, Phú Quốc, Kiên Hải, U Minh Thượng, Giang Thành gồm các Hệ phái Bắc tông, Nam tông Khmer, Khất sĩ, người Hoa đã đoàn kết, hòa hợp chung sống bên nhau cùng tồn tại và phát triển hơn 300 năm, qua các thời kỳ Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học, Hội Phật học Kiêm Tế, Hội Phật học Nam Việt, Giáo hội Tăng già Nam Việt, GHPGVNTN, GHPGVN trên mãnh đất Kiên Giang trung dũng, kiên cường, phần đất cuối cùng cực Nam Tổ quốc thân yêu, cũng như của GHPGVN từ ngày thành lập đến nay, luôn ổn định, phát triển đồng hành cùng dân tộc trong thế kỷ 21 và những thế kỷ tiếp theo của dân tộc Việt Nam và Phật giáo Việt Nam.


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

 Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi
Ai ôm hiềm hận ấy,
Hận thù không thể nguôi.

Phẩm Song Yếu

Tháng 11 năm 2024
22
Giờ hoàng đạo: Tý (23-1), Sửu (1-3), Mão (5-7), Ngọ (11-13), Thân (15-17), Dậu (17-19)
Thứ 6
Ngày Canh Dần
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
22
Tháng 10
Kiên Giang