Pháp Bố Thí Ba La Mật

HỎI:

Khi học về hạnh bố thí, em được các anh chị dạy có 3 cách bố thí là : tài thí, pháp thí và vô úy thí. Hôm rồi, em có nghe một giảng sư thuyết pháp trong đĩa CD, qua bài thuyết pháp ấy em có nghe thầy giảng sư nói về BỐ THÍ BA LA MẬT. Xin Ban biên tập giải đáp : bố thí ba la mật là gì ?

(tieulam…@gmail.com)

ĐÁP:

Bạn tieulam…@gmail.com thân mến,

Cụm từ Bố thí Ba la mật gồm có hai từ ghép lại :

1) Bố thí

2)Ba la mật

Từ Bố thí như bạn đã biết.

Còn từ Ba la mật là phiên âm của một từ Bắc Phạn là PARAMITA, người Tàu dịch "đáo bỉ ngạn", nghĩa là "đã qua đến bờ bên kia".

Người Ấn Độ xưa lấy hình ảnh của một người đã qua đến bờ bên kia sông để biểu trưng cho một "sự thành công rực rỡ", hay một điều nào đó thật là "hoàn hảo", "cực độ", "cao tột", "đã đạt đến cứu cánh" v.v…

Như vậy, cụm từ Bố thí Ba la mật được hiểu theo nghĩa rộng là "bố thí cao tột", "bố thí đã đến chỗ tuyệt đỉnh", "sự bố thí rộng lớn của bậc Bồ tát".

Hàng Bồ tát phải thực hành Sáu Ba la mật (Lục Độ) một cách rốt ráo mới chứng được quả vị Phật.

Lục Độ gồm :

1.Bố thí Ba la mật

2.Trì giới Ba la mật

3.Nhẫn nhục Ba la mật

4.Tinh tấn Ba la mật

5.Thiền định Ba la mật

6.Trí tuệ Ba la mật

bothi

Xin kể bạn nghe một mẩu chuyện tiền thân đức Phật Thích Ca để bạn hình dung thế nào là bố thí Ba la mật.

"Một thời nọ, đức Phật cùng các vị đệ tử đang ngự tại rừng Kỳ Hoàn nước Xá Vệ. Bỗng Ngài mỉm cười, miệng chiếu hào quang năm sắc.

Tôn giả A Nan đứng lên thưa hỏi : "Bạch Thế Tôn, con đã theo hầu Ngài hơn 20 năm, chưa thấy Ngài cười bao giờ, nay, vì sao Thế Tôn mỉm cười như vậy?"

Phật đáp: "Ta vì nhớ lại hạnh Bố thí Ba la mật của Ta hồi vô lượng kiếp trước". Rồi bậc Đạo sư kể lại câu chuyện tiền kiếp của Ngài như sau :

"Thuở a tăng kỳ kiếp trước đây, tại nước Diệp Ba, vua Thi Ti trị vì. Bồ tát (tức đức Phật Thích Ca lúc còn là Bồ tát) sinh vào làm thái tử, được vua cha đặt tên Tu Đại Noa. Thái tử là người có lòng nhân từ, hay thương người nghèo khó, Chàng muốn tất cả mọi người ai cũng được sống sung sướng như mình.

Khi đến tuổi trưởng thành, chàng kết hôn cùng công chúa Mạn Trà, sinh được hai con một trai, một gái. Một ngày nọ, chàng tâu với vua cha : "Con muốn đem tất cả kho báu trong cung ra bố thí cho những người nghèo khó trong nước". Vì thương con, không muốn con thất vọng nên nhà vua đồng ý.

Thái tử Tu Đại Noa bảo quân lính mang tất cả vàng bạc châu báu trong quốc khố ra phát hết cho những ai đến xin. Tiếng lành đồn xa, vượt biên giới đến các nước lân bang. Trong số đó có một ông vua ngày thường vốn đố kỵ với vua Thi Ti, liền hội các quan lại nói : "Ta nghe vua Thi Ti nước Diệp Ba có một con bạch tượng đánh trăm trận trăm thắng. Không biết trong các khanh, có ai thay ta đến nước ấy mà xin con voi ấy hay chăng?" Quần thần lắc đầu vì không ai tin có thể xin được con voi quý ấy. Nhà vua vô cùng thất vọng. Bỗng có tám người Bà la môn đứng lên xin lãnh nhiệm vụ. Nhà vua mừng rỡ, hứa sau khi hoàn thành nhiệm vụ sẽ ban thưởng trọng hậu.

Qua đến nước Diệp Ba, tám người Bà la môn xin gặp Thái tử và thưa : "Thưa Thái tử, chúng tôi nghe tin Thái tử có lòng từ bi phát tâm bố thí không hạn chế, ai cần gì Ngài cũng cho. Nay, chúng tôi vâng lệnh vua xứ chúng tôi đến đây hỏi xin Thái tử con bạch tượng quốc bảo của quý quốc, chẳng hay Thái tử có thể cho chúng tôi được chăng?"

Thái tử Tu Đại Noa thầm nghĩ : "Con bạch tượng ấy được vua cha quý trọng như hàng quốc bảo, nếu ta đem cho ắt vua cha sẽ giận mà đuổi ta ra khỏi hoàng cung chăng ? Song le, ta đã lập nguyện Bố thí Ba la mật, nếu ta từ chối họ thì chính ta tự bác bỏ đại nguyện của ta hay sao ?"

Nghĩ vậy xong, Thái tử liền vui vẻ bảo người quản tượng vào chuồng dẫn con bạch tượng ra, tự tay trao dây cương cho các Bà la môn và nói :"Bạch quý ngài, tôi không dám làm bận lòng quý ngài vì một sự nhỏ nhen này. Quý ngài hãy đi cho nhanh, kẻo phụ vương tôi biết được sẽ bắt voi lại đó" Tám người Bà la môn vâng dạ, dắt voi mau mau rời khỏi đất nước Diệp Ba.

Vessantara Jataka (Kruosar Thmey)

Từ vua chí quan nước Diệp Ba, khi biết được Thái tử đem bạch tượng bố thí cho kẻ địch, đều bất mãn trầm trọng. Sau khi hội ý cùng các quan văn võ, Vua Thi Ti ra lệnh đuổi Thái tử cùng vợ và hai con ra khỏi hoàng cung, lưu đày họ đến một nơi núi rừng hoang vắng.

Trên đường lưu đày, Thái tử tiếp tục bố thí cho những ai đến xin bất cứ thứ gì chàng có, đến nỗi trên người chàng và vợ con chỉ còn mỗi một bộ quần áo tầm thường như những kẻ bình dân nghèo đói khác. Thậm chí chàng còn bố thí cả con ngựa và chiếc xe là phương tiện đưa chàng đi đến nơi lưu đày.

Sau bao ngày lội suối trèo non vất vả, Thái tử cùng vợ con cũng tới được nơi lưu đày, đó là ngọn núi Bàn Đặc. Mặc dù không còn một thứ của cải gì trên người, nhưng Thái tử vẫn không lấy làm buồn tiếc. Chàng cùng vợ con bàn nhau xây dựng một ngôi nhà tranh để ở qua ngày, hằng ngày đi hái rau quả rừng về làm thức ăn, khát thì uống nước suối. Cầm thú trong rừng luôn lân la gần gũi , chớ không rình rập hãm hại gia đình chàng.

Nghe đồn trên đỉnh núi có một vị tiên tên A Châu Đà thọ hơn 500 tuổi, Thái tử liền lên đó thi lễ và trò chuyện. Những đạo lý của vị tiên đã hun đúc thêm lòng quyết tâm tu hạnh bố thí Ba la mật của Thái tử.

Tại xứ Câu Lưu, có một người Bà la môn nghèo khó, xấu xí nhưng không biết nhờ nhân duyên gì mà lại có người vợ đẹp như tiên. Một hôm, cô vợ nói với y rằng, cô muốn có người giúp việc nhà. Y nói : Tôi nghèo kiết xác, có tiền đâu mà thuê người giúp việc? Cô vợ bảo: Tôi nghe nói Thái tử Tu Đại Noa vì bố thí ba la mật nên bị vua cha đày đến núi Bàn Đặc. Sao ông không đến đó mà hỏi xin hai đứa con của Ngài về đây cho tôi sai bảo? Y nói : con người ta sao người ta nhẫn tâm đem cho mình được? Cô vợ giận dỗi nói : Nếu ông không đi thì tôi quyết tự tử cho ông vừa lòng. Người Bà la môn nghèo khó chìu vợ mà phải lên đường chớ trong bụng không có chút hy vọng nào.

Lúc gặp được Thái tử, người Ba la môn quỳ xuống thưa :"Thưa Thái tử, tôi ở nước Câu Lưu, vì nghe danh Thái tử có hạnh bố thí ba la mật nên tôi đến đây để xin Ngài bố thí cho tôi hai đứa trẻ con của Ngài đặng tôi vui với tuổi già."

Vì cương quyết thực hành hạnh bố thí ba la mật nên Thái tử vui lòng gọi hai con lại và nói : "Có một người ở xa đến đây xin hai con, nay cha đã nhận lời, vậy hai con hãy đi theo người này" Hai đứa trẻ khóc lóc không chịu đi. Người Bà la môn nói :"Tôi đã già yếu mà hai trẻ không chịu đi thì tôi làm sao bắt chúng đi được, vậy Ngài hãy trói chúng lại để chúng không thể chạy, như vậy tôi mới có thể dẫn chúng đi được" Thái tử liền trói hai con giao cho người Bà la môn, nhưng chúng vẫn không chịu đi, người này liền lấy roi đánh khiến hai trẻ chảy máu, rồi uy hiếp chúng và dẫn chúng đi.

Thai Vessantara Jataka, Chapter 3 Walters 35243 A T Front

Công chúa Mạn Trà lúc đó đi lên núi hái quả, lúc trở về không thấy hai con chạy ra đón chào bèn hỏi chồng hai con đâu ? Sau khi biết Thái tử đã bố thí hai con mình cho một người Bà la môn, nàng đau khổ đến nỗi ngã ra bất tỉnh. Thái tử cứu vợ tỉnh dậy xong, Ngài nói :" Nàng còn nhớ kiếp trước, tôi và nàng đã từng kết nghĩa vợ chồng, và nàng cũng vì tán thán hạnh bố thí của tôi mà chịu làm vợ tôi. Vậy, tại sao kiếp này tôi thực hành bố thí ba la mật mà nàng lại không đồng tình?" Nàng Mạn Trà suy nghĩ, thấy lời chồng nói có phần đúng nên nguôi ngoai đau khổ.

Lúc ấy, Trời Đế Thích trông thấy Thái tử Tu Đại Noa hành pháp Bố thí Ba la mật một cách kiên cường nên có ý thử lòng Thái tử. Đế Thích liền biến ra một người Bà la môn nghèo khổ xấu xí đi đến và nói: "Tôi nghe nói Thái tử hay làm việc phước thiện , sẵn lòng bố thí cho tất cả ai đến cầu xin. Nay, tôi vì nghèo khó và xấu xí nên chẳng ai thèm lấy làm chồng, do đó tôi đến cầu xin Thái tử hãy từ bi mà bố thí vợ Ngài cho tôi, có được không ?"

Thái tử liền trả lời không suy nghĩ :"Công chúa Mạn Trà nay là người của ngài. Ngài hãy đem cô ấy đi!" Công chúa hỏi :"Nếu chàng cho tôi đi, lấy ai săn sóc cho chàng?" Thái tử đáp : "Nếu tôi còn đắn đo, suy tính trong khi thực hành Bố thí Ba la mật thì làm sao tôi chứng được quả Vô thượng Ba la mật?" Nói xong, Thái tử đem nước ra rửa tay rửa chân cho người Bà la môn và cầm tay vợ trao cho người ấy.

Người Bà la môn dắt công chúa đi ra được bảy bước, trở lại trả công chúa cho Thái tử. và nói : "Ta không phải Bà la môn, ta là Trời Đế Thích đến để thử lòng Ngài. Trước hạnh bố thí vĩ đại của Ngài, ta sẽ giúp cho Ngài được toại nguyện và sẽ khiến cho hai con Ngài được đoàn tụ với cha mẹ" Nói xong Đế Thích hiện nguyên hình Trời với tướng mạo oai nghi, đẹp đẽ rồi từ giã trở lại cõi Trời.

Nói về người Bà la môn nọ dẫn hai đứa trẻ về tới nhà liền bị vợ mắng cho té tát :"Ông thật là to gan mới đem hai đứa trẻ này về đây. Chúng là dòng dõi vua chúa mà ông dám đánh đập ra nông nỗi này. Vậy ông hãy mau đem bán chúng đi rồi mua hai đứa khác đem về đây". Người chồng liền đem hai trẻ đến bán tại xứ Diệp Ba (tất cả những sự việc này đều do quyền năng của Trời Đế Thích xui khiến).

Người dân xứ Diệp Ba trông thấy hai đứa trẻ, biết chúng là cháu nội của vua, liền dẫn vào trình diện với đức vua. Nhà vua, sau khi đã hiểu ngọn ngành sự việc, liền trả tiền cho người Bà la môn để giữ hai cháu lại. Tiếp đó, nhà vua ra chiếu chỉ xá tội cho Thái tử và triệu chàng và vợ trở lại hoàng cung. Vua nước thù địch cảm đức bố thí của Thái tử nên từ đó đổi thù thành bạn, hai nước bang giao tốt đẹp. Từ đó vua Thi Ti giao quốc khố cho Thái tử để chàng thực hành Bố thí Ba la mật một cách trọn vẹn theo ý của chàng.

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.