Ông Giám

G

HỎI:

Kính thưa Ban Biên tập,

Em thường thấy nơi nhà bếp các chùa Phật giáo Bắc tông có thờ một pho tượng mình trần chân đất, tay chống lên một cây búa . Xin BBT giải thích cho em đó là tượng gì ?  thienb…@gmail.com 

Ông giám
Ông giám được thờ trong nhà trù các chùa Bắc Tông (ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

TRẢ LỜI:

Bạn  thienb…@gmail.com  thân mến,

Trong hầu hết các chùa Bắc tông, tại nhà bếp có thờ một vị thần chân không mình trần cầm búa như bạn đã thấy, đó là tượng Ông Giám hay còn gọi là Giám trai.

Thân thế Ông Giám mang ý nghĩa đạo và đời có khác nhau:

Nhà Phật gọi Ông là Đại thánh Giám trai, còn ở ngoài đời dân gian gọi là ông Táo, vua Táo hay thần Táo. Ngài còn có tên Đông Trù Tư Mệnh hay Đông Trù Sứ giả.

Giám trai là sứ giả của nhà Phật, Táo quân là sứ giả của trời. Theo sách “Hà Nam Phủ Chí” thì vào đầu niên hiệu Chí Chánh nhà Đường, tại chùa Thiếu Lâm có một vị Tăng đầu bù tóc rối, lưng trần, chân đất, chỉ mặc một chiếc quần cộc, làm việc tại nhà bếp bao năm cần mẫn mà vẫn không ai biết pháp danh ngài. Đến năm thứ 11, đất Tân Châu có giặc Khăn Đỏ nổi loạn, dẫn quân đến chùa Thiếu Lâm định cướp bóc. Vị Tăng nấu bếp kia liền cầm một cây côn lửa nhảy ra biến hình to hàng mấy mươi trượng, đứng một mình trên đỉnh núi cao. Bọn giặc trông thấy kinh hoảng vỡ chạy. Vị Tăng nạt to: “Ta là Khẩn Na La Vương đây”. Nói xong liền biến mất. Chừng đó mọi người mới biết ngài là Bồ tát hóa thân, bèn đắp tượng thành thần Già Lam của chùa Thiếu Lâm mà thờ. Sau đó các chùa đều cho đó là hình ảnh của Đại thánh Giám trai nên bắt chước đắp tượng mà thờ trong nhà bếp.

ông giám
tôn tượng Khẩn Na La Vương được thờ tại chùa Thiếu Lâm (nguồn: shaolin.org.cn)

Theo tín ngưỡng Phật giáo, Giám trai là vị thần Già Lam, là sứ giả của Phật, có nhiệm vụ bửa củi nấu cơm cúng Phật, phục vụ chư tăng no lòng hai bữa mà an tâm tu tập. Vì vậy, tuy chỉ là đầu bếp nhà chùa nhưng công đức của ngài Giám trai rất lớn. Qua bài chúc văn ở khoa nghi cúng Giám trai sau đây hẳn các bạn sẽ thấy ngài được tăng-tín đồ Phật giáo khế trọng dường nào:

KHOA NGHI KHẤN VÁI NGÀI GIÁM TRAI

Công chủ đỉnh vạc
Chức giữ xôi chè
Nối tiếp phong vị cơm thơm
Mãi thừa phụ trách bếp lớn
Ngưỡng cổ vái cùng bậc thần thông
Cúi đầu xin với ngài chứng giám!
Nam mô thần Giám Trai sứ giả Khẩn Na La Vương

Lại cầu xin:
Hai thời sớm chiều không thiếu
Sáu món cơm canh thường đầy
Nắm nước lửa cho bình an
Cung Phật Tăng được đầy đủ
Cầu đảo như thế
Tất được ám trợ

Còn với tín ngưỡng đời thường thì người ta gọi ngài Giám là Táo quân, tức ông Táo coi việc bếp núc chốn nhân gian.

Về sự tích Táo quân thì người Trung Hoa có nhiều truyền thuyết bất đồng. Riêng sự tích Táo quân theo câu chuyện “Một bà hai ông” mà ta vẫn thường nghe, đó là truyền thuyết do người Việt Nam ta lưu truyền để ca ngợi lòng chung thủy vợ chồng.

Dù sự tích có nhiều khác biệt, nhưng các truyền thuyết đều cho rằng Táo quân là thần bếp trong gia đình. Chuyện gì xảy ra trong nhà đều được thần bếp ghi vào sổ. Cuối năm vào ngày 23 tháng chạp, gia chủ cúng cá chép để Táo quân cưỡi về trời báo cáo với Ngọc Hoàng những việc xảy ra trong năm của gia chủ.

Trở lại hình tượng ông Giám trong chùa, ngoài sự tích có phần thần thoại do các nhà văn viết ra thì sự thờ cúng ông Giám nói lên ý nghĩa Tăng Ni và Phật tử tri ân những người công quả bếp núc trong chùa để mọi người no bụng mà an tâm tu hành. Hình tượng ông Giám muốn nhắc nhở mọi người không được khinh thường mà phải biết ơn những người công quả bửa củi nấu ăn trong chùa. Nếu không có những người nấu bếp trong chùa thì tăng ni làm sao có điều kiện an tâm lo tu học để trở thành những bậc cao tăng thạc đức mà hoằng dương Phật pháp cứu đời?

BAN BIÊN TẬP


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Với hận diệt hận thù,
Ðời này không có được.
Không hận diệt hận thù,
Là định luật ngàn thu.

Phẩm Song Yếu

Tháng 12 năm 2024
03
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Thứ 3
Ngày Tân Sửu
Tháng Bính Tý
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
03
Tháng 11
Kiên Giang