Những Góc Khuất Xấu Xí (tt)

G

THƯ GỞI HUYNH TRƯỞNG TRẺ

Ý hòa đồng duyệt

Kiến hòa đồng giải

NHỮNG GÓC KHUẤT XẤU XÍ

(tiếp theo)

Bạn thân mến,

Trong lá thư vừa rồi, chúng ta đã tìm hiểu một vài góc khuất xấu xí của anh chị em mình trong tư cách, trách nhiệm và bổn phận một huynh trưởng GĐPT. Những góc khuất đề cập trong lá thư vừa rồi thuộc về phần BẤT CẬP, gồm có :

1)Lười biếng

2)Không biết hỗ thẹn

3)Thiếu kiến thức vả thông tin

4)Không làm tròn trách nhiệm theo cấp bậc trên vai.

 

Hôm nay, chúng ta sẽ tiếp tục đi tìm những góc khuất xấu xí khác thuộc phần THÁI QUÁ.

Thái quá là những điều cực đoan vượt khỏi mức độ cần thiết. Thí dụ : một huynh trưởng đang cầm còi trực có nhiệm vụ điều hành sinh hoạt toàn Gia đình theo thời khóa biểu đã được lập sẵn, nhưng anh (chị) này lạm dụng quyền cầm còi trực của mình bằng cách dùng tiếng còi tập họp đoàn sinh vô tội vạ, vượt quá sự cần thiết trong một buổi sinh hoạt. Hành vi như vậy được coi là "thái quá".

 

Những hành vi "thái quá" của huynh trưởng, truy cho cùng là xuất phát từ bệnh NGÃ MẠN, tức là muốn làm nổi bật cái TA hoặc cái CỦA TA. Nhân đây, tôi cũng xin cảnh giác bạn cũng như tự cảnh giác bản thân tôi, rằng : tu để không còn ngã mạn là khó nhất. Muốn biết ai đã là Thánh hay chưa, chỉ cần ta chọc thẳng vào cái ngã của người ấy. Nếu người ấy không nổi sân khi bị người khác xúc phạm vào bản ngã của mình, thì đích thị đó là một bậc Thánh. Trong giới Phật tử, dù là hàng xuất gia chớ chưa nói đến hàng tại gia, NGÃ là cái gì khó vượt qua nhất. Vậy, mong rằng những góc khuất tôi sắp chỉ ra trong lá thư này sẽ có tác dụng làm chúng ta giật mình cảnh giác để hạn chế bớt những hành vi ngã mạn, nhằm làm giảm bớt sự tai hại cho sinh hoạt GĐPT.

 

1)Bệnh đố kỵ: người nào thấy đồng đội của mình làm tốt việc này việc nọ mà sanh tâm bức rức khó chịu, không công nhận người ta giỏi, tìm đủ mọi lý lẽ để bác đi sự thành công của người ta, thì người đó đã mắc bệnh "đố ky". Bệnh này không tha một ai, từ trẻ đầu xanh cho đến anh chị đầu bạc (thiếu tu). Trong tập thể mà có những con người như vậy thì tập thể ấy không bao giờ đoàn kết để chung lưng đấu cật làm được việc gì thành công cả. Người có tánh đố kỵ ở trong một tập thể thường sanh tâm phản trắc lại các đồng đội; còn nếu người ấy (không biết có phước gì) được lên hàng lãnh đạo, thì tập thể do người ấy lãnh đạo sẽ không có nhân tài xuất hiện. Người thực tài sẽ dần dần  bỏ người ấy để đi nơi khác, chỉ còn lại những kẻ bất tài, xu nịnh mới cam tâm chịu sự điều khiển của con người có tật đố kỵ ấy mà thôi.

 

2)Hay chỉ lỗi người khác :  người mà hay chỉ lỗi người khác, nhất là nói lỗi người khác trước mặt nhiều người cốt để ai cũng biết lỗi của người kia nhằm  thầm kín tự tôn vinh bản thân mình là một người rất nguy hiểm. Nếu người này ở cương vị lãnh đạo thì thật là mối hiểm họa cho tập thể ấy. Anh (chị) ta chính là "trung tâm mất đoàn kết" , anh (chị) ta thường lợi dụng những mâu thuẩn nho nhỏ của những đồng sự chung quanh, dùng những mánh khóe mua chuộc tình cảm người này, người kia khiến cho những người này luôn nghi ngờ nhau, mâu thuẩn nhau để anh (chị) ta thụ hưởng sự khoan khoái bệnh hoạn từ những xung đột của những đồng đội chung quanh, đồng thời để cho mọi người đề cao vai trò lãnh đạo của anh ta. Còn đối với tập thể cấp dưới, anh ta cũng áp dụng mánh khóe mua chuộc một hai cá nhân để phản lại lãnh đạo cấp dưới, làm cho tình hình hoạt động của cấp dưới luôn rối ren để anh ta dễ dàng thao túng, dễ dàng lấy ảnh hưởng của cá nhân mình áp đặt lên tập thể cấp dưới. Nói khác đi, anh ta muốn thâu tóm tập thể cấp dưới vào quyền cai trị của mình.

Đây gọi là cách "chia để trị" hoặc còn gọi là phương pháp "Tạo rối loạn để dễ thao túng". Người này còn một góc khuất xấu xí khác là rất đam mê quyền lực. Bất cứ chỗ nào, bất cứ lúc nào , nếu có cơ hội là họ thể hiện ngay quyền lực của mình, đôi khi cái mà họ muốn thể hiện còn cao hơn quyền lực mà họ vốn có. Đúng là một hành vi thái quá đúng nghĩa.

 

3)Thiếu kềm chế, hay cãi vã nhau :  không phải nói quá, chứ huynh trưởng GĐPT mình là hay cãi nhau nhất. Chuyện lớn cũng cãi, chuyện nhỏ cũng cãi, chuyện đã đồng ý hết rồi cũng vẫn còn cãi. Giận cũng cãi, thương cũng cãi, buồn cũng cãi mà vui cũng cãi. Một vị Hòa thượng trong hàng lãnh đạo Giáo Hội Trung Ương có lần nói với tôi : "Huynh trưởng GĐPT hay cãi quá !"

 

Bạn ạ,

Ông bà mình có câu thành ngữ "Chín người mười ý" để nói lên sự khác biệt trong ý kiến của mỗi người. Trong sinh hoạt GĐPT, khi muốn thống nhất ý kiến về một việc gì cũng cần phải "Ý hòa đồng duyệt – Kiến hòa đồng giải". Người ta sợ nhất là tình trạng " câm như thóc" hoặc "thủ khẩu như bình" nghĩa là không ai nói gì cả: có khi do sợ mà không nói; có khi do chán chường mà không thèm nói; hoặc biết rằng có nói cũng không đi đến đâu nên không thèm nói. Một tập thể mà ai cũng thủ khẩu như bình là vô cùng nguy hiểm, không còn dân chủ, không còn tiến bộ gì nữa. Sinh hoạt GĐPT càng không thể độc tài, độc đoán, vì vậy rất cần sự trao đổi ý kiến để đi đến thống nhất trong mọi công việc. Đấy là một việc cần làm và được khuyến khích nên làm cho tốt để duy trì dân chủ trong nội bộ và để tạo tiền đề cho sự tiến bộ của tổ chức.

-Vì vậy phải cãi nhau ?

-Không, chỉ có những người thiếu trí mới hay cãi nhau. Còn như Đức Phật đã dạy pháp môn Lục Hòa, trong đó có "Ý hòa đồng duyệt" "Kiến hòa đồng giải" là để duy trì sự thống nhất, đoàn kết, dân chủ và tiến bộ trong một tập thể. Đó là trí tuệ siêu việt của Phật để cho chúng ta thực hành thay vì "cãi chày cãi cối" với nhau như một số không ít anh em mình vẫn thường hay làm.

Tôi biết có vài trường hợp huynh trưởng trong Ban Quản Trại một liên trại huấn luyện cãi nhau ngay trước hàng quân cả trăm trại sinh. Việc làm này rất phản giáo dục mà mấy anh vì cái TA quá lớn cũng như không kềm chế được tâm SÂN nên đã để xảy ra không phải một lần mà nhiều lần như thế. Trại sinh sẽ suy nghĩ gì về các anh ? trại sinh sẽ học được gì nơi các anh ?

Cãi nhau là hình ảnh xấu xí nhất của người huynh trưởng GĐPT !

 

Bạn thân mến,

Những góc khuất xấu xí của huynh trưởng chúng ta còn nhiều lắm, nhưng tôi không thể kể ra hết vì nó biến hóa thiên hình vạn trạng từ hai cái xấu cốt lỏi của con người:

-Một là lười biếng, vô trách nhiệm và không biết hỗ thẹn

-Hai là chấp ngã và chấp ngã sở hữu

Từ hai "anh cả" này phát sinh vô số góc khuất xấu xí nếu huynh trưởng chúng ta không biết giật mình cảnh giác để hạn chế chúng bằng cách tu dưỡng đạo đức thường xuyên như người lính biên cương cầm chắc vũ khí canh chừng giặc ngoại xâm.

Còn nếu như ai kia quá kiêu căng, tự mãn, cho rằng mình đã là người hoàn chỉnh rồi, không cần chi tu dưỡng nữa mà cứ để cho hai "anh lớn" kia mặc sức tung hoành thì người viết cũng đành bó tay chịu thua vậy.

 

Thân ái chào bạn.

Chúc bạn ngày càng hoàn thiện đạo đức bản thân để xứng đáng với danh xưng "Người Phật tử chân chính"


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Như mái nhà vụng lợp,
Mưa liền xâm nhập vào.
Cũng vậy tâm không tu,
Tham dục liền xâm nhập.

Phẩm Song Yếu

Tháng 11 năm 2024
21
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Thứ 5
Ngày Kỷ Sửu
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
21
Tháng 10
Kiên Giang