Ý hòa đồng duyệt
Kiến hòa đồng giải
Bạn thân mến,
Trong lá thư trước, tôi đã trình bày với bạn về 5 nguyên tắc đưa đến thành công. Hôm nay, chúng ta tiếp tục phân tách thêm một số nguyên tắc khác.
Người biết tôn trọng lời hứa hẹn của mình là người biết giữ chữ Tín. Tôi đã từng là nạn nhân của người xem thường lời hứa. Thí dụ:
-Người ấy hẹn với tôi gặp nhau làm việc vào buổi sáng ngày N. Tôi xếp lại những công việc của buổi sáng hôm ấy để đợi người kia đến làm việc. Đợi mãi không thấy người kia đến, muốn đi ra khỏi nhà làm một vài việc cần thiết cũng không dám đi. Đợi hết buổi sáng, tôi điện thoại cho hắn thì hắn bảo vì còn bận việc nên chưa đến gặp tôi được (!)
Người có nguyên tắc không bao giờ hứa hẹn với ai điều gì rồi quên hoặc tự tiện xóa bỏ lời hứa hẹn của mình với người khác. Làm việc mà gặp phải hạng người xem nhẹ lời hứa hẹn như trường hợp trên đây, thật là phiền não.
Trong một chiếc đồng hồ có rất nhiều bánh răng, có bánh răng lớn và cũng cần có bánh răng nhỏ, thậm chí có những bộ phận tưởng chừng như không cần thiết, nhưng thật ra không có bộ phận nào quan trọng hơn bộ phận nào, bộ phận nào dù lớn hay nhỏ cũng đều cần thiết như nhau, nếu ta lấy ra bất cứ một bộ phận nhỏ xíu nào cũng làm cho chiếc đồng hồ ngưng chạy. Đó là nguyên lý bất di bất dịch mà người làm việc có nguyên tắc luôn ghi nhớ và tuân thủ. Vì vậy, trong công việc, người ấy không xem thường việc nhỏ, bất cứ việc lớn hay nhỏ đều được thực hiện với một tâm lý thận trọng và một thái độ nghiêm túc ngang nhau.
Thi dụ: trong một đêm biểu diễn văn nghệ sân khấu, ai ai cũng có tâm lý xem trọng diễn viên và ca sĩ, đặc biệt là tổng đạo diễn còn được ví như ông vua và được mọi người tuân phục. Nhưng ta chớ quên những người kéo màn, những người sắp xếp sân khấu, thậm chí có người chỉ làm một công việc đơn giản là bật đèn và tắt đèn, vì nếu những người này không làm tròn chức năng và vai trò của họ thì thử hỏi đêm diễn có thành công trọn vẹn hay không?
Người làm việc có nguyên tắc không bao giờ cực đoan bảo thủ vào những quy định cứng ngắc để làm khổ của người khác, hoặc tự mình làm thất bại công việc của mình hay tổ chức mình. Có rất nhiều thí dụ về việc này:
Thí dụ:
-Một người giữ giới Vọng ngữ một cách cực đoan, không bao giờ dám nói dối, ngay cả trường hợp một con thỏ bị người thợ săn đuổi bắt chạy trốn vào nhà mình, người ấy vì sợ phạm giới nói dối nên đã chỉ cho người thợ săn vào nhà bắt con thỏ đem đi. Người giữ giới một cách cực đoan trong trường hợp này bị Phật quở trách là hạng "Giới Thủ Kiến". Người như vậy không thể gọi là "người có nguyên tắc", mà trái lại, đó là người hành xử vô nguyên tắc. Nguyên tắc ở đây chính là tôn trọng sự sống muôn loài. Người ấy đã phá vỡ nguyên tắc mà Phật đã dạy cho người Phật tử.
-Một người hảo tâm dẫn một em bé 10 tuổi mồ côi cha mẹ đến cơ quan xã xin làm giấy khai sinh cho em để được đi học. Cán bộ xã từ chối làm giấy khai sinh cho em này chỉ vì lý do em không có giấy chứng sinh. Người cán bộ hộ tịch khư khư chấp hành theo quy định, khiến cho em bé kia suốt đời phải bị thất học. Người cán bộ này không phải là người làm việc có nguyên tắc, trái lại đó là một người vô nguyên tắc. Nguyên tắc trong trường hợp này chính là quyền lợi chính đáng của công dân. Người cán bộ vì cưc đoan bảo thủ nên đã phá vỡ nguyên tắc mà Nhà nước đã đặt ra cho người công chức.
KẾT LUẬN
Nhờ luôn tuân thủ những nguyên tắc nhằm đem lại thành công trong công việc và lợi ích cho tổ chức, người làm việc theo nguyên tắc luôn hiện diện trong nhãn quan mọi người như một hình ảnh đầy sức thuyết phục, một người dẫn đường đáng tin cậy, từ đó lôi cuốn được quần chúng tham gia cộng sự, tạo nêm sức mạnh cho tập thể, cho tổ chức mà người ấy đang phục vụ.
Còn rất nhiều ưu điểm dành cho người làm việc có nguyên tắc. Qua tám ưu điểm trên đây cũng đủ cho chúng ta thấy làm việc chung với một người có nguyên tắc là dễ chịu như thế nào. Tổ chức Áo Lam chúng ta rất cần những con người như thế. Muốn thành công trong việc lớn không thể không làm việc có nguyên tắc. Cứ tưởng tượng xem, nếu tổ chức GĐPT, từ cơ sở một đơn vị cho đến cơ quan lãnh đạo như Ban Hướng Dẫn Tỉnh, mà đầy rẫy những con người vô nguyên tắc, như:
-Làm việc gì cũng trễ nãi, không nghiêm chỉnh về giờ giấc
-Làm việc không chương trình, kế hoạch, hoặc có nhưng không tuân thủ nghiêm ngặt
-Tác phong lúc nào cũng xuề xòa, luộm thuộm, lôi thôi.
-Chỉ làm theo ý mình, không biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến tập thể
-Nói một đường làm một nẻo, không tôn trọng lời hứa hẹn với người khác
-Làm việc lớn việc nhỏ gì cũng "ba mứa", không quyết tâm, không nghiêm túc
-Một người khôn vặt, "ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau" v.v…
Một tập thể dù nhỏ hay lớn mà đầy rẫy những thành viên làm việc vô nguyên tắc như vậy, không sớm thì muộn, tổ chức ấy cũng sẽ bị hư hoại.