Người Phật Tử chân chánh (Kỳ 5)

G

LÝ TƯỞNG GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

BÀI 2
NGƯỜI PHẬT TỬ CHÂN CHÁNH (kỳ 5)
(tiếp theo và hết)

Bài này là bài cuối cùng trong loạt bài nói về chân dung Người Phật Tử Chân Chánh. Người viết xin tổng hợp lại những nội dung đã trình bày ở 4 bài trước:

Một: Theo định nghĩa thông thường thì bất cứ ai đã thọ tam quy ngũ giới trở lên đều chính thức là đệ tử của Đức Phật, gọi là Phật tử. Như vậy, danh từ Phật tử được dùng cho cả hai giới xuất gia và tại gia. Trong loạt bài viết về “Người Phật tử chân chánh” của tác giả Tâm Pháp mà quý vị đang theo dõi trên trang nhà gdptkiengiang.vn, danh từ Phật tử được chỉ riêng cho người Phật tử tại gia, cụ thể là người huynh trưởng Gia Đình Phật Tử (GĐPT).

Vậy thì, Người Phật tử chân chánh (PTCC) trong bài viết này không phải nói về tăng, ni (Phật tử xuất gia), và cũng không nói về người Phật tử tại gia không ở trong tổ chức GĐPT.

Hai: Con đường tu của PTCCNhân Thừa. Cứu cánh của sự tu theo Nhân thừa là trở thành Con Người Tốt trong đời sống xã hội hiện tại ( “Tốt” theo tiêu chuẩn của đạo Phật)

Ba: Phương pháp tu của PTCC là học và tu, hoàn cảnh cho phép học tới đâu thì tu tới đó. Học và tu nhiều thì an vui nhiều; học và tu ít thì an vui ít. Tự lực mình tu học tự mình hưởng kết quả. Học và tu phải gắn liền với nhau. “Tu mà không học là tu mù. Học mà không tu thì chỉ là cái đãy đựng sách

HỌC là học những giáo lý khả thi, bổ ích cho đời sống tại gia. Học có chương trình do các bậc cao tăng thạc đức chọn lọc. Không học những giáo lý khó hiểu, cao siêu huyền bí, đượm mùi mê tín. Không học những giáo lý dành riêng cho người xuất gia.

TU là SỬA. Sửa từ nhận thức (hiểu biết). Trước khi học Phật, con người nhận thức nhiều điều không đúng chân lý. Nay nhờ học giáo lý Phật mà vỡ ra nhiều thứ, từ đó mình biết đâu là đúng (hợp với chân lý), đâu là sai (trái với chân lý). Khi nhận thức đúng đắn rồi sẽ dẫn đến suy nghĩ (tư duy) đúng đắn, lời nói và hành động hợp với đạo lý. Đó gọi là người có tu. Cứu cánh của sự tu Nhân thừa là như vậy.

Hiện nay ta thấy một số người Phật tử tại gia ham tu tập theo những phương pháp cao siêu, khổ hạnh dành riêng cho người xuất gia, rồi tự huyễn hoặc mình rằng:”tu như thế mới là tinh tấn”. Nên nhớ chư tôn đức tăng ni là người đã quyết tâm ly gia cát ái, trọn đời dâng hiến sinh mạng cho Đạo pháp. Đó là những con người bản lãnh, ý chí kiên cường, đầy đủ hùng tâm tráng khí. Mục đích đời tu của các vị ấy là để thành THÁNH, thành PHẬT, để thay mặt Đức Phật Thích Ca mà ban bố đạo Phật ra khắp thế gian. Những pháp tu mà các vị thực hành mỗi ngày phải được thực hành xuyên suốt, miên mật 24/24 giờ và 365/365 ngày trong 1 năm.

Còn Phật tử tại gia lâu lâu mới tu 1 ngày, còn 364 ngày kia chúng ta sống trong trách nhiệm, bổn phận, hưởng thụ, phải trái, hơn thua, được mất v.v…thì làm sao có kết quả được ? Tu như vậy là phung phí thời gian và tự hành xác mình mà kết quả chẳng đi tới đâu, bởi vì mình đang làm một công việc quá sức mình. Có nhiều trường hợp mình ham tu theo kiểu của người xuất gia quá mà mình mất bạn bè, mất người thân, mất cơ hội làm ăn, mất cơ hội thăng tiến xã hội… Tự mình làm cho mình trở thành kẻ xa lạ ngay trong cuộc sống gia đình và xã hội. Thậm chí có người còn bị bệnh hoang tưởng, lúc nào cũng tự xem mình là bậc thánh nhân, cư xử như một kẻ điên khùng.Nguoi Phat Tu Chan Chanh Ky 5 1

Thay vì tu một cách nửa vời như vậy, chúng ta hãy tập trung SỬA về nhân thức, về tư duy, về lời nói và hành động hằng ngày ngay chính trong ngôi nhà mình đang ở, nơi làng xóm mình đang sinh sống, nơi cơ quan, trường học, thương trường… Đấy là mình đang tu theo đúng lời Phật dạy trong Bát Chánh Đạo đó: Chánh kiến (nhận thức chân chánh), Chánh Tư duy (suy nghĩ chân chánh), Chánh ngữ (Lời nói chân chánh), Chánh nghiệp (hành động chân chánh), Chánh mạng (nghề nghiệp chân chánh).

Còn lại 3 chi phần là Chánh Tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định thì người Phật tử tại gia mình hiểu ra sao? Tu thế nào?

Xin thưa:

  • Chánh Tinh tấn: nghĩa là siêng năng làm các điều tốt, việc tốt, dúng theo quan điểm của đạo Phật, hợp với chân lý của vũ trụ và nhân sinh, nói theo ông bà ta thường dạy, đó là hợp với đạo lý.
  • Chánh Niệm: không phải ngồi một chỗ, bỏ hết công ăn việc làm, nhất tâm niệm Phật mà gọi là Chánh niệm. Việc đó để cho các vị xuất gia có điều kiện thực hành. Đối với Phật tử tại gia, Chánh niệm là luôn nhớ đến giá trị cao cả của ba ngôi Tam Bảo (niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng) để khẳng định đức tin của mình một cách chắc chắn. Đức tin mình có mạnh và chắc thì đường tu mình mới tinh tấn, không chao đảo khi gặp phải trở ngại.
  • Chánh Định: sự định tĩnh trong con người là rất quan trọng, vì trí óc có định tĩnh thì trí tuệ mới phát sinh. Điều này hoàn toàn phù hợp với khoa học. Kinh nghiệm cho thấy, có những vấn đề ban ngày ta không tìm ra lời giải, nhưng trong đêm tối thanh vằng sau một giấc ngủ ngắn, ta chợt thức giấc và câu trả lời cho vần đề ban ngày đã xuất hiện trong trí ta. Muốn cho tâm định cần có một trong hai điều kiện dưới đây:
    • Một là, giam mình nơi vắng vẻ, không tiếp xúc với ai, tránh điều thị phi v.v… Điều kiện này chỉ dành cho người xuất gia chuyên tu nơi các thiền viện, Người Phật tử tại gia không thể nào thực hành cho có kết quả được.
    • Hai là, dùng trí tuệ làm “quân canh giữ” trí não, không cho điều bất thiện len lỏi vào làm chao đảo, nghiêng lệch suy nghĩ của ta. Muốn vậy, ta cần thực hành thiền quán thường xuyên ngay trong đời sống, chắt lọc lấy điều thiện, loại bỏ ngay điều ác để từ đó hình thành nên đội quân thiện bảo vệ trí não, không cho điều ác xâm nhập quấy rối tâm thức ta, khiến cho tâm ta lúc nào cũng băn khoăn, bất định giữa thị phi trong cuộc sống.

Thiền quán là hoạt động của trí não thông qua sự tập trung lý giải về một đề tài nào đó cho đến khi vỡ ra chân lý. Bởi vậy chư Tổ định nghĩa Thiền tức là tư duy tu. Các nhà bác học trên thế giới phát minh ra biết bao thứ có ích cho đời sống nhân loại cũng chính là kết quả của quá trình thiền quán, mặc dù các vị ấy chưa bao giờ nghe nói về thiền.

Vậy, đề tài mà chúng ta thường xuyên suy nghĩ là đề tài gì? ở đâu ra? Suy nghĩ các đề tài ấy vào lúc nào?

Xin thưa, đề tài mà chúng ta thiền quán mỗi giờ mỗi khắc trong cuộc sống thường ngày xuất phát ngay trong đời sống quanh ta mà ta đang trực tiếp hay gián tiếp tham gia vào đó.

Nguoi Phat Tu Chan Chanh Ky 5 2

Thí dụ: khi đèn vàng ở ngã tư vừa sáng, ta có nên tranh thủ vượt qua hay không ? Gặp một bóp đầy ắp tiền của ai đánh rơi ngoài đường, ta có nên lấy làm của riêng không? Gặp một người lái xe hung dữ gây sự với mình thì mình nên xử sự thế nào? v.v… Đây chỉ là những chuyện “lặt vặt”, ai cũng biết câu trả lời, nhưng tại sao vẫn có người xử sự sai với đạo lý, gây ra rất nhiều hậu quả tai hại? Đó là sự khác biệt giữa người có tu người không tu vậy.

Ngoài ra, trong cuộc sống chúng ta còn gặp nhiều vấn đề lớn hơn những thí dụ trên đây mà vì không có tu nên dẫn đến các tội phạm như tham nhũng, lường gạt, cướp của, giết người v.v… Nhưng đối người Phật tử có tu Thiền quán thì họ sẽ có những hành xử hợp với đạo lý, góp phần vào an ninh trật tự và sự tiến bộ của xã hội.

Người Phật tử thực hành Thiền quán ngay khi vừa tiếp nhận vấn đề chứ không chờ đến tối mới ngồi thiền đem vấn đề ra tư duy. Nói cách khác, người Phật tử thực hành Thiền quán trong mọi tư thế đi, đứng, ngồi, nằm và không hạn định thời gian ngày hay đêm, bất cứ lúc nào cũng có thể thiền quán ngay vấn đề phát sinh từ muôn mặt đời sống.

Người Phật tử chân chánh tức là người Phật tử hiểu đạo, thông suốt hết cả những lời Phật dạy có liên quan đến đời sống con người. Hiểu đạo là nền tảng cho người Phật tử phân biệt đúng, sai, thiện, ác trong cuộc đời. Hiểu đạo có được là do công phu học Phật của người Phật tử.

Hiểu đạo không chưa đủ, cần phải đem sự hiểu biết ấy ra áp dụng trong đời sống. Muốn được vậy, người Phật tử thực hành thiền quán thường xuyên trong cuộc sống, đem cái vốn Phật học của mình ra dẹp tan những thứ bất thiện trong đời sống hằng ngày, loại chúng ra khỏi suy nghĩ, lời nói và hành động của chúng ta.

Trên đây chính là chân dung một Người Phật Tử Chân Chánh tu theo Nhân Thừa của Phật Giáo Việt Nam vậy.

TÂM PHÁP

Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi
Không ôm hiềm hận ấy,
Hận thù được tự nguôi.

Phẩm Song Yếu

Tháng 11 năm 2024
21
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Thứ 5
Ngày Kỷ Sửu
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
21
Tháng 10
Kiên Giang