Em ơi! Em nên tâm niệm rằng trưởng của một Đội, nằm vào địa vị kẻ chỉ huy, không phải em muốn làm gì thì làm, muốn ‘ra lệnh’ gì cũng được bất chấp đến việc phải trái, không cần nghĩ gì đến Đội sinh. Nhất là khi đứng trước một đám đông, em lại muốn tỏ ra là Trưởng, tỏ ra mình có oai quyền, sai em này bảo em kia, cặp mắt trợn dọc lên, môi thì mím lại, hai tay chống nạnh hay chỉ chỉ, chỏ chỏ. Ô, oai vệ quá em nhỉ! Ra vẻ con nhà tướng lắm. Nhưng em ơi! Với tác phong điều khiển ấy, còn lâu Đội sinh mới nghe theo em.
Đoàn thể chúng ta là đoàn thể giáo dục, có lý thuyết và phương pháp giáo dục riêng biệt. Cái lý thuyết và phương pháp ấy nó không dựa trên uy quyền hay kỷ luật sắt mà là thúc đẩy cho các em phát triển những tính tốt vì thấy đó là tốt; hủy diệt những tính xấu vì tự thấy nó là những tính xấu; gạn lọc tâm ý thanh tịnh, vì thấy cần thiết để tiến bộ. Mà tuổi thiếu niên là tuổi bắt đầu chịu ảnh hưởng của hoàn cảnh xã hội. Một trong những trách nhiệm của ĐộI TRƯỞng là lôi cuốn các Đội sinh thực hiện các điều trên Bằng Chính Những hành Động Của MÌNH. Một trách nhiệm khác là gây cho các Đội sinh ý thức trách nhiệm như em bằng cách giao phó những nhiệm vụ, những công việc để cho các em Đội sinh hoàn thành. Em cần phải tế nhị, phải khôn khéo khơi nguồn cảm hứng, dấy lên lòng danh dự để các Đội sinh vui vẻ làm việc, hăng say làm việc, thích trong công việc chứ không phải vì ‘lệnh’ của em mà Đội sinh phải làm.
Muốn được thế, các em phải chia quyền hành. Một Đội sinh nào cũng có quyền trong công việc của Đội và liên đới chịu trách nhiệm với nhau về sự thịnh suy của Đội. Trách nhiệm ấy là trách nhiệm chung chứ không phải của riêng em Đội Trưởng mà thôi. Vì là ‘CHUNG’ nên lo chung, buồn chung. Vì là chung nên mới kết hợp nhau thành một khối. Vì là chung nên các Đội sinh cảm thấy người hướng dẫn cho cái chung ấy là cần thiết, là không thể thiếu và sẵn sàng nghe theo người trách nhiệm về cái chung ấy là Đội Trưởng. Em thấy chưa? Việc em chia quyền hành có mất mát gì đâu mà tựu trung lại đem về cho em một mối lợi tinh thần lớn lao không xiết kể. Đó là quyết tâm của bảy khối óc, của bảy trái tim quanh em để bảo vệ danh dự cho Đội.
Em ạ, anh nghĩ rằng khi em ‘nhả’ bớt quyền hành thì quyền hành vô hình chung lại trở về với em. Lúc ấy, em có đủ cả ‘oai’ và ‘uy’ trong cái quyền ấy.
Các Đội sinh phục tùng em không những vì cái uy của em mà còn là một sự phục tùng tự nguyện vì biết em không phải là độc tài, độc đoán, vì biết em không phải tham quyền cố vị và sau hết vì thấy em chỉ có một mối lo lắng duy nhất: sự tiến bộ của Đội.
Chia quyền hành em phải tìm hiểu Đội sinh. Phải đi sâu vào trí, vào lòng từng Đội sinh. Phải gần gũi Đội sinh, phải tìm hiểu những ước vọng, những thói quen, những bạn bè mà Đội sinh thường lui tới. Em còn phải biết gia cảnh, về học lực, về công việc hằng ngày, về giải trí. Em sẽ vò đầu, vò tai mà than van: ‘Mất thì giờ quá, em có một vạn việc phải làm anh ơi!’ Phải, phải. Những cái đó đòi hỏi thì giờ, đòi hỏi sự cố gắng, đòi hỏi sự khéo léo nữa. Em hãy kề tai lại đây, anh hỏi nhỏ câu này: ‘Em có muốn thành công không, hở em?’
Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý thanh tịnh,
Nói lên hay hành động,
An lạc bước theo sau,
Như bóng, không rời hình.
Phẩm Song Yếu