Ma Vương

G

HỎI:

Trong kinh sách Phật giáo có rất nhiều chỗ nói về Ma Vương như một thế lực đen tối chuyên xuất hiên quấy phá đạo Phật, điển hình nhất là câu chuyện Ma Vương dùng trăm phương nghìn kế, biến hóa ra đủ hình dạng, từ hình dạng quỷ ma dữ dằn bậm trợn cho đến hình dạng thiếu nữ yểu điệu thướt tha nhằm cản trở không cho Đức Bổn Sư Thích Ca thành đạo v.v…

Kính đề nghị Ban Biên tập giải thích về Ma Vương theo quan điểm học Phật của Gia Đình Phật Tử để chúng tôi hiểu rõ thực chất về vấn đề này.

(tuyenminh…@gmail.com)

TRẢ LỜI:

Bạn tuyenminh…@gmail.com thân mến,

Chúng tôi sẽ trả lời vấn đề bạn nêu theo hai hướng:

-Hướng một: theo cách giải thích của sách Tự điển Phật học

-Hướng hai : theo quan điểm học Phật của Gia Đình Phật Tử căn cứ vào thực tế đã và đang diễn ra trong lịch sử cũng như trong đời sống hiện nay.

GIẢI THÍCH MA VƯƠNG THEO TỰ ĐIỂN PHẬT HỌC:

Ma vương (Mâra), còn gọi là Ma vương Ba Tuần, hay Tha hóa tự tại thiên vương là vua của loài Thiên Ma, làm chủ cảnh Trời Tha hóa tự tại Thiên (Paranirmitavasavartin), là cảnh trời thứ sáu trong cõi Dục Giới. Ngài và các thiên ma ở cảnh trời ấy có phép thần thông tự tại, thường dùng các ảo thuật mà ngăn cản chẳng để cho những nhà tu học thành Thánh, thành Phật.

Ma vương từng khuấy rối Đức Thích Ca hồi Ngài sắp thành Phật, và trong đời của Phật, thỉnh thoảng Ma vương có đến ám phá Phật.

Thiên ma cũng thuộc hàng Chư Thiên, vì khi còn ở kiếp người họ đã vô tình làm rất nhiều công đức cho xã hội nên sau khi chết họ được sanh vào cõi Trời, được có thần thông và hưởng nhiều phước báu. Tuy nhiên, vì khi còn ở kiếp người mặc dù họ vô tình làm được nhiều công đức cho đời nhưng bản thân họ sống buông thả theo bản năng, thường chê bai đố kỵ người sống đạo đức, vì thế loài Thiên ma thường hay tìm mọi cách phá hoại đời sống đạo đức của nhân loại để thỏa mãn tâm đố kỵ của chúng.

Loài Thiên ma sau khi hưởng hết phước báu cõi Trời do công đức đã cạn, họ  thác sanh trở lại làm người ngu si, bạo ngược, nghèo hèn trong xã hội, thường xuyên vào tù ra khám vì họ luôn làm các điều tội lỗi trái pháp luật.

GIẢI THÍCH THEO QUAN ĐIỂM HỌC PHẬT CỦA GĐPT:

Quan điểm học Phật của Gia Đình Phật Tử là không tin vào những gì siêu hình không có thật trong đời sống này. Nói như vậy không có nghĩa là đoàn viên GĐPT không tin vào những gì trong kinh đã viết, nhưng tin là phải dùng trí tuệ soi xét, quán chiếu kỹ càng và rút ra ý nghĩa của lời Phật dạy  ẩn chứa đằng sau những câu chữ trong kinh, chứ không “y kinh giải nghĩa” một cách mù quáng mang tính huyền bí siêu nhiên vô lý, phản khoa học.

Trên quan điểm đó, đoàn viên GĐPT hiểu rằng Ma vương trong kinh Phật là để chỉ cho những khó khăn trở ngại mà bất cứ người tu Phật nào cũng đều gặp phải.

Ma chia ra làm hai thứ: nội ma và ngoại ma.

1- Nội ma:

Nội ma chính là cái bản năng (hay còn gọi là thú tính) nằm sẵn trong mỗi người chúng ta. Từ khi lọt lòng mẹ, mỗi người đều có sẵn nội ma trong người. Nội ma chính là cái bản năng mà thiên nhiên cài đặt cho mỗi sinh thể (động vật hữu tình) nhằm mục đích duy trì và phát triển sự sống chủng loài trên hành tinh này.

Đức Phật đã chỉ rõ đích danh đám nội ma này gồm : tham lam, sân hận, si mê, giải đải, kiêu mạn, ích kỷ, nghi nan (không tin vào điều thiện), ác kiến (gồm: thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ kiến, giới cấm thủ kiến) v.v… Đám nội ma này luôn gây khó khăn trở ngại cho bất cứ ai muốn sống đời đạo đức thánh thiện. Người tu Phật muốn thành công thì phải chiến đấu chống lại đám nội ma này. Đức Phật và các vị A la hán là những người đã chiến thắng được ma vương, tức là đã vượt qua được tất cả bản năng thú tính trong nội tâm mình, từ đó các Ngài sống đạo đức, ung dung tự tại, từ bi và trí tuệ. Tâm các Ngài hoàn toàn thanh tịnh, sáng suốt, bất cấu bất nhiễm bất hoại như kim cương.

Chiến thắng nội ma là việc rất khó làm, bởi vậy hơn 25 thế kỷ trôi qua mà cũng chỉ có một Người chiến thắng hoàn toàn nội ma để thành Phật chính là Đức Bổn Sư Thích Ca. Ngày nay, hằng triệu triệu Phật tử trên thế giới noi theo gương Đức Thích Ca, đang từng giờ từng phút chiến đấu với bọn nội ma và chính nhờ có cuộc chiến đấu trường kỳ và gian khổ này mà giá trị con người được tôn vinh, vị trí loài người mới vượt lên trên tất cả các loài động vật khác trên hành tinh. Con người mới thật xứng đáng là chủ nhân của trái đất.

2-Ngoại ma

Ngoại ma để chỉ cho những chướng ngại đến từ ngoại cảnh. Ngoại ma cũng có thiên hình vạn trạng. Sau đây tôi xin kể một vài câu chuyện ngoại ma chống phá đạo Phật để chứng minh cho định nghĩa này:

Câu chuyện thứ nhất:

Thời Đức Phật Thích Ca còn tại thế, có ông Đề Bà Đạt Đa chuyên theo hại Phật bằng cách xô đá trên núi rơi xuống chỗ Phật đi qua, hoặc cho voi uống rượu say rồi thả voi giẫm chết Phật v.v… Nhưng tất cả âm mưu hại Phật và tàn phá Tăng đoàn của ông đều thất bại bởi phước đức của Phật lớn quá. Đề Bà Đạt Đa cùng với những âm mưu ám hại Đức Phật nhằm thu tóm Tăng đoàn của ông chính là một ví dụ về loại ngoại ma.

Câu chuyện thứ hai:

Đạo Bà la môn (nay là đạo Hindu) là một tôn giáo có mặt tại Ấn Độ trước khi Phật ra đời . Vì thế, các giáo sĩ Bà la môn luôn tìm mọi cách phá hoại đạo Phật. Có lần, họ thuê một người phụ nữ mang thai giả đến tố cáo Đức Phật đã “ăn nằm” với bà ta hòng phá hoại uy tín của Ngài. Nhưng cuối cùng âm mưu này bị bại lộ (theo truyền thuyết ghi lại là do chư Thiên biến thành con chuột chui vào áo người phụ nữ cắn đứt sợi dây buộc cái thai giả làm cho nó rơi xuống trước mắt mọi người).

Câu chuyện thứ ba:

Hồi giáo (đạo Islam) là một tôn giáo sanh sau đẻ muộn, tuy nhiên Hồi giáo phát triển rất nhanh nhờ vào các cuộc chiến tranh xâm lược mà người của tôn giáo này tiến hành trên các nước lân bang. Vào thế kỷ XIII, quân Hồi giáo đã tràn qua xâm lăng đất nước Ấn Độ. Chúng đã giết tất cả tăng, ni và Phật tử, đốt hết các chùa chiền và học viện Phật giáo khiến đạo Phật không còn bóng dáng trên quê hương của mình suốt mấy trăm năm, mãi đến đầu thế kỷ XX các nhà khoa học Anh quốc mới tình cờ phát hiện các trụ đá của vua A Dục, từ đó Phật giáo tại Ấn Độ mới được khôi phục dần.

Gần đây nhất, tại đất nước Afganistan, quân Taliban (Hồi giáo) đã dùng súng đại bác bắn vào các pho tượng Phật do cha ông họ tạc trên vách núi để nhằm xóa tất cả dấu vết Phật giáo trên đất nước Afganistan theo Hồi giáo.

Câu chuyện thứ tư:

Phật giáo từ Ấn Độ được truyền sang Việt Nam vào thế kỷ thứ nhất Tây lịch. Đạo Phật đã cùng chia ngọt sẻ bùi vơi dân tộc Việt từ những ngày dân ta còn nô lệ giặc Tàu cho đến buổi bình minh độc lập tự chủ dưới triều đại Đinh Tiên Hoàng và sau đó trải dài qua các triều đại Lê, Lý, Trần. Các thiền sư Phật giáo như:Vạn Hạnh, Khuông Việt, Đa Bảo, Sùng Phạm, Đỗ Thuận v.v…đã đóng góp cho các triều đình nhiều kế sách quan trọng trong công cuộc giữ nước và dựng nước. Đến đời nhà Trần, Phật giáo cực thịnh, được xem như quốc giáo. Vua Trần Nhân Tông nhường ngôi lại cho con, lên núi Yên Tử xuất gia năm 41 tuổi, sáng lập thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, một thiền phái đậm đà bản sắc Việt Nam.

Tuy nhiên đến đầu thế kỷ XIX, khi thực dân Pháp đem súng đạn và tàu chiến xâm lăng nước ta, họ mang theo đạo của họ đến Việt Nam, từ đó xã hội Việt Nam xuất hiện một tầng lớp người theo đạo của thực dân, chịu sự sai khiến của thực dân và gắn liền mọi lợi ích với thực dân. Một trong những con người đó là ông Ngô Đình Diệm, được Hoa Kỳ đưa về làm tổng thống Việt Nam Cộng Hòa. Từ ngày nắm quyền hành trong tay, ông Diệm lên kế hoạch loại trừ Phật giáo ra khỏi đời sống dân Việt bằng cách chèn ép, phân biệt đối xử, không công nhận đạo Phật là một tôn giáo theo định nghĩa của phương Tây (vì đạo Phật không tín ngưỡng vào thần thánh). Dưới chế độ do ông cai trị đã có không biết bao nhiêu tăng, ni và Phật tử bị tù đày hay bị thảm sát bởi bàn tay bọn thiên ma đội lốt người dưới quyền ông.

Nhưng ông Diệm đã thất bại và phải trả giá cho việc làm sai trái bằng chính mạng sống của mình.

Trên đây là một vài thí dụ để minh họa cho định nghĩa về ngoại ma. Tuy nhiên, đạo Phật không cho rằng ngoại ma là trọng yếu. Sự phá hoại từ bên ngoài, dù sao cũng dễ hóa giải hơn nội ma bên trong. Do vậy, người tu Phật luôn ứng dụng hạnh từ bi và dùng các phương tiện bất bạo động để hóa giải chúng chứ không dùng bạo lực đánh trả. Điều này đã được minh chứng qua các giai đoạn lịch sử của Phật giáo, chẳng những tại Việt Nam, mà còn trên khắp thế giới.

♦♦♦

Người Phật tử rất sợ đám nội ma, vì chúng dấu mặt ngay trong tâm hồn mỗi người. Chúng không bao giờ dùng bạo lực bắt mình nghe theo chúng, nhưng chúng nhỏ nhẹ rủ rê, thì thầm rót mật vào tai mình những điều chúng muốn mình làm. Có người đã thi vị hóa điều này bằng cụm từ “mệnh lệnh của trái tim” bởi vì họ không thấy được sự nguy hiểm của nội ma.

Chỉ có Đức Phật mới nhìn thấy sự nguy hiểm của nội ma và Ngài đã chỉ ra con đường tu tập để chiến thắng Ma vương trong chính bản thân mỗi người. Con đường ấy đã và đang được hàng triệu, triệu Phật tử trên thế giới ngày đêm nương theo tu tập. Cộng đồng Phật giáo trên hành tinh này đang xây dựng những giá trị đạo đức để chống lại sức mạnh của Ma vương đang ngày đêm hoành hành cuộc sống nhân loại.

Nhân loại đang sống trong một cuộc chiến khốc liệt giữa Thiện và Ác, giữa Đạo đức và Bản năng, giữa những giá trị tinh thần và sự quyến rủ của tiền tài vật chất… Đó chính là cuộc chiến giữa Phật và Ma trong mỗi con người.

Trái đất này rồi sẽ hoại diệt theo luật Vô thường. Nhưng thời gian đi tới hoại diệt của trái đất nhanh hay chậm là còn tùy thuộc vào cuộc chiến giữa Phật và Ma. Nếu Phật thắng thế thì trái đất chậm hoại diệt; còn như Ma thắng thế thì hành tinh xanh của chúng ta càng nhanh chóng đi tới chỗ hủy diệt.

Quyết định là do chính mỗi con người, không phân biệt quốc gia, chủng tộc, tôn giáo, giai cấp… trên thế gian này.

Thân mến chào bạn.

BAN BIÊN TẬP


    Leave a comment
    Your email address will not be published. Required fields are marked *

    Như mái nhà vụng lợp,
    Mưa liền xâm nhập vào.
    Cũng vậy tâm không tu,
    Tham dục liền xâm nhập.

    Phẩm Song Yếu

    Tháng 12 năm 2024
    03
    Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
    Thứ 3
    Ngày Tân Sửu
    Tháng Bính Tý
    Năm Giáp Thìn
    Lịch âm
    03
    Tháng 11
    Kiên Giang