Ở chùa gần nhà em, có một cô Phật tử thường bị các Phật tử nữ khác gọi sau lưng với thái độ không thiện cảm bằng cái tên “MA TĂNG DÀ”. Em không hiểu Ma Tăng Dà là ai và vì sao cô Phật tử ấy bị mọi người đặt cho cái tên ấy? Kính mong Quý Ban biên tập giải thích cho em hiểu (huea…@yahoo.com)
Bạn huea…@yahoo.com thân mến,
Nhân vật bạn hỏi có tên Bát-Cát-Đế (Pakati) thuộc dòng họ Ma-Đăng-Già (Matanga) Cô thuộc giai cấp hạ tiện ở thành Vương Xá nước Câu Tát La. Ngày nay, người ta thường nhắc đến cô qua họ của cô là Ma-Đăng-Già, còn tên của cô là Bát-Cát-Đế thì không mấy ai biết.
Trong kinh chép về câu chuyện Ma-Đăng-Già dùng bùa chú mê hoặc ông A Nan có ghi như sau:
“A Nan Đà, thường gọi là A Nan, thuộc hoàng tộc Thích Ca, là em chú bác với Đức Phật. Hai năm sau khi Phật thành đạo, A Nan cùng một số hoàng thân xuất gia theo Phật. Đến năm Đức Phật 55 tuổi, A Nan chính thức làm thị giả theo hầu cận bên Phật. Ông có biệt tài thông minh nhớ lâu nên tất cả những lời Phật thuyết ông đều ghi nhớ. Nhờ đó mà sau khi Đức Phật diệt độ, ông đã đọc tụng lại toàn bộ lời thuyết giảng của Đức Phật để ghi chép lại thành tạng Kinh lưu truyền cho đến ngày nay. Ông được Phật khen là người “đa văn”. Tuy nhiên, vì thiếu tinh tấn tu hành nên mãi sau khi Phật nhập Niết bàn ông mới đắc quả A la hán. Chính vì sự thiếu tinh tấn tu hành này nên ông mới bị dâm nữ Ma-Đăng-Già quyến rủ, thiếu chút nữa thì tiêu tan cả sự nghiệp tu hành
Với thân hình trẻ đẹp, A Nan rất được các cô gái trẻ mê say. Một hôm, sau mùa an cư, A Nan mang bát, một mình đi vào thôn xóm khất thực. Nhân trời nóng nực, khát nước, A Nan trông thấy một cô gái đang kéo nước bên cái giếng bèn đến xin nước uống. Vì ham cúi xuống giếng kéo nước, không thấy A Nan. Khi đứng thẳng người, cô gái trực nhận thấy A Nan, một Tỳ Kheo thuộc dòng Sát Ðế Lợi. Không kịp chạy trốn, cô gái tự xưng tên họ, dòng dõi và cuống quít xin lỗi A Nan. Cô gái tự khai thuộc dòng nô lệ tên là Bát Cát Ðế (Praksti hay Pakati), dòng họ Ma Ðăng Già (Matanga).
Do đó, cô không thể tiếp xúc và dâng nước cho A Nan được. A Nan bảo là tôi xin nước chứ đâu có xin giai cấp và hơn nữa giáo pháp của Phật giảng dạy cho con người nên có tâm bình đẳng với mọi giai tầng trong xã hội.
Sau khi gánh nước về nhà, cô gái tương tư A Nan, bỏ ăn, bỏ ngủ, cơ thể xác xơ. Cha mẹ cô vặn hỏi mãi mới biết được sự tình. Vì thương con, muốn con khỏi bấn loạn tâm thần, bà mẹ cô gái xin bùa chú để bắt A Nan làm chồng con gái mình.
Một hôm, vua Ba Tư Nặc mở tiệc chay, thỉnh Đức Phật và Tăng chúng vào hậu cung dộ trai. Lúc ấy, ông A Nan có việc đi xa không về kịp nên không theo Phật độ trai. Trên đường trở về tinh xá, ông ôm bình bát vào thành khất thực. Trong khi khất thực, Ông A Nan đi qua cửa nhà dâm nữ Ma-Đăng-Già. Cô này mừng rỡ, mang một bát nước ra cửa mời ông A Nan giải khát. Vì trong bát nước đã được tẩm bùa chú nên ông A Nan, sau khi uống xong bát nước, tâm trí mê mờ, khát khao tình ái, đi theo Ma-Đăng-Già vào phòng ngủ của cô ta.
Nhờ có căn tu nên trong giây phút cực kỳ nguy hiểm ấy, A Nan vẫn còn một chút tỉnh táo khởi lên lời kêu cứu đến Đức Phật. Lúc bấy giờ Đức Phật, sau khi độ trai xong, đã về đến tinh xá. Ngài truyền cho Bồ tát Văn Thù đem thần chú Lăng Nghiên đến nhà dâm nữ mà cứu cả hai và đem họ về tinh xá.
Bồ tát Văn Thù đem thần chú Lăng Nghiêm đến nơi mà xướng đọc to lên khiến cho cả hai bừng tỉnh cơn mê tình ái, rồi ngài dùng thần thông đưa hai người xề tinh xá ra mắt Phật.
Ông A Nan đảnh lễ Phật và sám hối rằng: “Con tự trách mình học rộng nghe nhiều mà vì thiếu tu nên không đủ định lực chống lại tà thuật của ngoại đạo, suýt chút nữa phải tiêu tan cả sự nghiệp đời tu. Nay con thiết tha cầu xin Phật day cho con phương pháp tu hành để mau thành đạo Bồ Đề”
Nhân đó, Đức Phật thuyết Kinh Thủ Lăng Nghiêm độ cho ông A Nan. Nhờ lãnh hội được ý nghĩa sâu sắc của Kinh Thủ Lăng Nghiêm, đồng thời với tâm sám hối lỗi lầm đã qua, ông A Nan tinh tấn tu hành, đạo hạnh ngày càng tăng trưởng. Khi Phật nhập diệt vừa được 100 ngày, ông miên mật tiến tu và đắc quả A La Hán. Sau này ông trở thành Tổ thứ Hai của Phật Giáo Ấn Độ.
Riêng nàng Ma Đăng Già, sau khi xuất gia làm Tỳ Kheo Ni một thời gian cũng được quả Tu Đà Hườn, dự vào hàng thánh chúng đệ tử Phật.”
Do câu chuyện này mà ngày nay, hễ có nữ Phật tử nào đi chùa mà không chịu tu học chân chính, cứ tìm cách quanh quẩn thân cận một cách quá lố với chư tăng trong chùa liền bị mọi người dị nghị, so sánh hành động của họ với việc làm xưa kia của nàng Ma Đăng Già. Từ đó mới có danh từ “Ma Đăng Già’ truyền từ miệng người này đến miệng người khác với hảo ý cho người nữ Phật tử kia nghe được mà thức tỉnh và từ bỏ việc làm thiếu trong sáng của mình đi để giữ nét thanh tịnh cho sinh hoạt chốn thiền môn và bảo vệ cho sự nghiệp tu hành của chư tăng.
Kinh sách ghi lại câu chuyện nàng Ma Đăng Già quyến rủ ngài A Nan nhằm mục đích làm bài học đạo đức cho người hậu thế. Vậy mà không hiểu sao đời bây giờ tình hình “Ma Đăng Già” trong các chùa không thấy suy giảm, trái lại còn rầm rộ, công khai, lố bịch hơn xưa.
Thật là đáng buồn!