Lý Tưởng – Thư Gởi Huynh Trưởng Trẻ

G

THƯ GỞI HUYNH TRƯỞNG TRẺ

Ý hòa đồng duyệt

Kiến hòa đồng giải

LÝ TƯỞNG

Bạn thân mến,

Lá thư kỳ này, chúng ta cùng tìm hiểu ý nghĩa của danh từ “Lý Tưởng”, để từ đó chúng ta khẳng định lý tưởng của huynh trưởng Gia Đình Phật Tử là gì, bạn nhé!

Lý tưởng là ?

Lý tưởng là ước mơ cháy bỏng và cao đẹp của một người, mà người ấy sẵn sàng hy sinh tất cả những gì quý giá nhất trong suốt cuộc đời mình để biến ước mơ ấy thành hiện thực.

Ước mơ phải cao đẹp thì mới gọi là lý tưởng.

Thế nào là cao đẹp?

 Đó là khi ước mơ ấy mang mục đích lợi ích chân chánh cho nhân quần xã hội. Thí dụ :

-Thái tử Tất Đạt Đa ước mơ thành Phật để cứu độ tất cả chúng sanh thoát khỏi đau khổ.

-Nhà cách mạng ước mơ đánh đuổi ngoại xâm, giành độc lập cho Tổ Quốc.

-Có người ước mơ làm một bác sĩ chữa bệnh cho mọi người.

-Có người ước mơ trở thành người tài trí làm giàu cho đất nước.

-Có người ước mơ trở thành kỹ sư nông nghiệp để giúp ích cho bà con nông dân đỡ vất vả.

-Chư tăng, ni ước mơ đem Phật pháp truyền bá khắp xã hội để con người có cuộc sống đạo đức, giác ngộ, giải thoát, bớt khổ thêm vui.

-Vân vân…

Lý tưởng
Ước mơ mang đến lợi ích cho xã hội chính là lý tưởng (ảnh minh họa)

Ước mơ nào không được gọi là lý tưởng?

-Đó là những ước muốn thấp hèn, ích kỷ như : ước muốn làm giàu cho riêng mình, ước muốn được thăng quan tiến chức, ước muốn đi du lịch khắp thế giới, ước muốn làm hoa hậu thế giới v.v…

Thậm chí, nếu có người say mê một ngành nghề hay một lãnh vực nào đó, người ấy suốt đời theo đuổi niềm say mê đó và trở thành nhân tài trên lĩnh vực đó, thì vẫn không thể xem đó là người có lý tưởng, vì tất cả những nỗ lực dù có là phi thường đi nữa thì cũng chỉ phục vụ cho niềm đam mê của người đó mà thôi chứ không vì lợi ích của số đông.

-Hoặc đó là những ý tưởng “điên khùng” tàn ác của những kẻ muốn làm bá chủ thế giới, hay của những thế lực chính trị “bá đạo”, thí dụ như : Hit-Le của Đức Quốc Xã hay Pôn-Pốt của Khmer Đỏ … đều không thể gọi họ là người có lý tưởng được.

Lý tưởng làm nên nhân cách cao quý của con người.

Người sống có lý tưởng là người cao quý đáng được mọi người kính trọng. Ngưới đó có thể thành công hay thất bại, nhưng vẫn được người đời ca tụng, tôn thờ. Thí dụ :

-Trong thời thực dân Pháp đô hộ nước ta, có biết bao người đứng lên chống Pháp để dành độc lập nhưng đều thất bại, nổi bật trong số nhà cách mạng ấy có : Vua Hàm Nghi, vua Thành Thái, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Thái Học, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh v.v… Đó là những thần tượng cách mạng, tuy họ không thành công nhưng nhân dân vẫn ca ngợi, kính trọng vì đó là những con người đã hy sinh cho lý tưởng vì dân vì nước của mình.

Người sống có lý tưởng luôn là thiểu số trong xã hội. Họ thường không giàu tiền bạc và địa vị xã hội, thậm chí họ còn là người “vô sản” đúng nghĩa. Tại sao vậy? Tại vì tất cả nỗ lực của họ không hướng về việc kiếm tiền, tài sản hay địa vị, mà để dành tất cả sinh lực cho việc biến lý tưởng của mình trở thành hiện thực. Chúng ta hãy tìm hiểu về cuộc đời của Nguyễn Ái Quốc và các học trò của Người trong suốt sự nghiệp chống Pháp và Mỹ giành độc lập cho dân tộc Việt Nam thì thấy rõ điều này.

Lý Tưởng
Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước (ảnh minh họa)

Người có lý tưởng có khi nào trở thành người tầm thường?

Người thật sự có lý tưởng thường sống với lý tưởng mình cho đến khi nhắm mắt lìa đời, để lại tấm gương sáng muôn thuở cho dân tộc và nhân loại noi theo. Tuy nhiên cũng có trường hợp khi lý tưởng đã thành tựu rồi thì con người lại thay đổi, tâm hồn và hành động không còn xứng đáng với ý nghĩa cao quý của hai từ lý tưởng nữa.

Đó là trường hợp của những người tuy bản chất là tầm thường, nhưng do hoàn cảnh hay một lý do nào đó đã xô đẩy họ bước vào con đường mang danh “lý tưởng”, chứ thực chất họ không phải là một con người cao quý từ bản chất. Những người như vậy, khi đã đạt mục tiêu “lý tưởng” thường thì họ trở lại nguyên hình bản chất tầm thường của họ với đầy đủ: tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, biên kiến, cấm thủ kiến… Thí dụ :

Vào cuối đời nhà Minh bên Trung Hoa, vua Sùng Trinh trị vì. Triều chính nát bét, dân tình khốn khổ, lọan lạc khắp nơi…Ngoài biên cương, quân Mãn Thanh lăm le cướp nước. Lý Tự Thành tự xưng Sấm Vương lấy danh nghĩa vì dân mà khởi nghĩa. Ai cũng cho Sấm Vương là con người vì nước vì dân nên theo rất đông. Chỉ trong thời gian ngắn, quân khởi nghĩa của Lý Tự Thành đã làm chủ nhiều vùng đất rộng lớn và tiến thẳng vào Bắc Kinh.

Sùng Trinh treo cổ tự ải. Sấm Vương lên ngôi tự xưng hoàng đế. Quân lính của Sấm Vương vào thành Bắc Kinh như “chuột sa hũ nếp” mặc sức tung hoành vơ vét, cướp bóc, cưỡng hiếp phụ nữ… Nhân dân oán hận ngất trời. Có người can gián, Sấm Vương bảo : “Trước đây ta là bá tánh, giờ đây ta đã là vua, bá tánh là món đồ trong tay ta”.

Người như Sấm Vương, bản chất không phải là người có lý tưởng vì dân vì nước, mà chỉ do động cơ quá cùng khổ nên cùng những người đồng cảnh ngộ nổi lên làm loạn. Vì vậy khi đã đạt mục đích lên làm vua rồi liền hiện nguyên bản chất là con người tầm thường vì danh lợi, địa vị, quyền bính, chứ không phải vì lý tưởng mà khởi nghĩa.

Do đó, nhiều nghĩa quân đã lần lượt bỏ Sấm Vương mà đi. Sau đó lại bị Ngô Tam Quế dẫn quân Mãn Thanh vào đánh cho tan tác, phải bỏ Bắc Kinh mà chạy về phía nam rồi bị tên mà chết trong một lần đánh nhau với quân Mãn Thanh.

Lý tưởng
Sấm Vương Lý Tự Thành dẫn quân tiến vào Bắc Kinh (ảnh minh họa)

Lý tưởng của Thái tử Tất Đạt Đa là gì?

Thái tử Tất Đạt Đa ra đời tại một tiểu quốc tên Ca Tỳ La Vệ thuộc miền Bắc Ấn Độ cách nay 2.641 năm. Vào lúc ấy, xã hội Ấn Độ chia làm bốn giai cấp gồm :

-Giai cấp Bà la môn : tức giai cấp giáo sĩ đạo Bà la môn, được xã hội trọng vọng và ưu đãi nhất

-Giai cấp Sát đế lợi : tức giai cấp vua chúa, quan quyền, quân đội giữ việc cai trị đất nước, được kính trọng và có nhiều đặc quyền kế sau giai cấp Bà la môn

-Giai cấp Phệ xá : bao gồm những người thương gia, chủ hảng xưởng giàu có, địa chủ… được xã hội dành sự trọng vọng sau hai giai cấp trên

-Giai cấp Thủ đà la : đây là giai cấp hạ tiện ở tận cùng dưới đáy xã hội, gồm những hạng đầy tớ, làm thuê, hốt rác, gánh phân, phu phen, tạp dịch, lao động chân tay v.v… bị xã hội khinh miệt ruồng bỏ. Trong khi 3 giai cấp trên cộng lại chỉ chiếm tỷ lệ 50% dân số, thì giai cấp Thủ đà la chiếm 50% dân số còn lại. Họ làm lụng cực khổ suốt đời nhưng vẫn không đủ cơm ăn áo mặc; sống trong những túp lều tạm bợ; không được đi học; bệnh tật không có thuốc uống; chết không có hòm chôn… Từ đời tổ tiên cho đến đời cháu, chắt, chút, chít… mãi mãi không bao giờ vươn lên thoát khỏi cảnh đời khốn khổ của giai cấp Thủ đà la.

Trong bối cảnh xã hội phân chia giai cấp cùng cực ấy đã làm nổi bật lên sự bất hạnh của con người trong xã hội Ấn Độ thời bấy giờ. Đó là nguyên nhân khơi dậy lòng bi mẫn của Thái tử Tất Đạt Đa, khiến Ngài quyết định hy sinh tất cả cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con thơ và những thú vui trần thế để sống đời khất sĩ đi tìm chân lý kiếp nhân sinh qua 5 năm học đạo, 6 năm khổ hạnh và 49 ngày đêm thiền định.

Ngài đã đi đến tận cùng con đường lý tưởng của mình và đã thành công vang dội khi đạt đến chỗ giác ngộ toàn diện mọi chân lý vũ trụ và nhân sinh. Ngài đã hiến tặng trọn cuộc đời 49 năm để đi khắp nơi thuyết giảng những chân lý do Ngài khám phá giúp cho nhân loại thực hành nhằm đi tới chỗ giác ngộ, giải thoát, an vui, không còn đau khổ nữa.

Lý Tưởng
Chưa có bậc vĩ nhân nào sánh được với Đức Phật về tầm vóc vĩ đại của lý tưởng Ngài chọn

Trong lịch sử nhân loại chưa có bậc vĩ nhân nào sánh được với Đức Phật về tầm vóc vĩ đại của lý tưởng Ngài chọn và về sự thành công trong việc theo đuổi và thực hiện đến cùng lý tưởng cao đẹp của mình.

Người Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử có lý tưởng không? Lý tưởng của người huynh trưởng là gì?

Ngày nay, Huynh trưởng GĐPT chúng ta đi theo dấu chân của Đấng Từ Phụ Thích Ca, tiếp nối công việc mà Ngài đã làm suốt 49 năm là : truyền bá giáo lý Phật Đà với tâm nguyện mọi người hãy sống theo đạo đức Phật Giáo để bản thân được an vui, gia đình, xã hội, đất nước và cả thế giời đều được giác ngộ, giải thoát, an vui bằng việc thực hành những chân lý do Đức Thích Ca đã khám phá.

Vì là Phật tử trẻ còn sống đời cư sĩ nên lý tưởng của chúng ta khiêm tốn hơn nhiều so với chư vị Tăng, Ni là người đã cát ái ly gia, dâng hiến cuộc đời cho Đạo Pháp, được người đời tặng cho danh hiệu Trưởng tử Như Lai”. Tuy vậy, chúng ta vẫn có lý tưởng để theo và nỗ lực hết mình để đi trọn con đường lý tưởng mà chúng ta đã chọn.

Lý tưởng của Huynh trưởng GĐPT là : “Nguyện ngày ngày tu tập theo đạo đức Phật Giáo để cải tạo bản thân và hướng dẫn đoàn sinh đi theo con đường chánh pháp, góp phần xây dựng xã hội an vui”

Trên thực tế, chúng ta đã thấy rất nhiều anh chị huynh trưởng cao niên âm thầm và nỗ lực thực hiện lý tưởng nêu trên trọn vẹn cuộc đời mình. Đó là những tấm gương sáng để chúng ta noi theo trên con đường phục vụ lý tưởng người Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử.

Thân chúc bạn suốt đời đi trọn con đường lý tưởng của người Áo Lam

Thân ái chào bạn.


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý thanh tịnh,
Nói lên hay hành động,
An lạc bước theo sau,
Như bóng, không rời hình.

Phẩm Song Yếu

Tháng 11 năm 2024
21
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Thứ 5
Ngày Kỷ Sửu
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
21
Tháng 10
Kiên Giang