Lý Tưởng (2) – Thư Gởi Huynh Trưởng Trẻ

G

THƯ GỞI HUYNH TRƯỞNG TRẺ

Ý hòa đồng duyệt

Kiến hòa đồng giải

LÝ TƯỞNG

(Phần 2)

Bạn thân mến,

Trong lá thư kỳ trước, chúng ta đã xác định Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử (HTGĐPT) là những người có lý tưởng, và lý tưởng của chúng ta là: “Nguyện ngày ngày tu tập theo đạo đức Phật Giáo để cải tạo bản thân và hướng dẫn đoàn sinh đi theo con đường chánh pháp, góp phần xây dựng xã hội an vui”.

Thoạt nghe qua về lý tưởng HTGĐPT, mọi người dễ có suy nghĩ đó là thứ lý tưởng “tầm thường” , ai làm cũng được. Một số người còn cho rằng việc làm của anh chị em chúng ta là việc làm mà trường học nào cũng dạy cho học sinh, cha mẹ nào cũng dạy cho con em mình. Như thế thì sao có thể gọi là lý tưởng được?

Nói như vậy là lấy cái luân lý đạo đức thế gian mà so sánh với đạo đức Phật giáo, chẳng khác nào có người lấy một cái thúng mà nhốt một con voi vậy. Ông bà ta có câu “Lấy thúng úp voi” để ngụ ý phê phán một việc làm phi lý, bất khả thi của hạng người vô trí.

Thế nào là luân lý đạo đức thế gian?

Thế nào là đạo đức Phật Giáo?

Kể ra thì vô số, tôi chỉ lấy một thí dụ để chỉ ra sự khác biệt giữa luân lý thế gian và đạo đức Phật giáo để bạn thấy. Thí dụ:

-Luân lý thế gian không chê trách một người làm giàu, miễn là làm giàu “chân chánh”. Khi người ấy đã giàu có rồi, họ có quyền hưởng thụ các thú vui theo sở thích như: mua nhà lầu, xe hơi sang trọng; đi vào nhà hàng, quán rượu, phòng Karaoke, chỗ mát-xa, uống các thứ rượu ngon… mà luân lý thế gian không hề phê phán hay chỉ trich sự hưởng thụ của người ấy và pháp luật cũng không ngăn cấm họ làm những việc ấy.

Lý tưởng
Khi một người đã giàu có rồi, họ có quyền hưởng thụ các thú vui theo sở thích (ảnh minh họa)

Trong khi ấy, đạo đức Phật giáo dạy rằng, con người muốn sống thật sự có hạnh phúc thì phải sống tri túc, kiệm ước, nghĩa là không nên chạy theo đồng tiền một cách điên cuồng. Các nhà Kinh tế học đã chỉ ra rằng: Không có sự làm giàu nào thật sự chân chánh cả. Một người thương buôn lương thiện là khi người đó mua một món đồ trị giá 10 đồng đem về bán lại với giá 12 đồng (tức lời 20%). Nhưng nếu làm ăn lương thiện như vậy thì suốt đời người ấy không thể làm giàu. Muốn kiếm tiền thật nhiều thì người ấy phải làm những việc mà đạo đức Phật Giáo không chấp nhận như: mua 1 đồng bán 100 đồng; hàng xấu nói gạt người mua là hàng tốt; cùng với việc đầu cơ tích trữ, ghìm hàng để khi nhu cầu tiêu dùng tăng lên thì bán ra với giá “cắt cổ”; hoặc là dùng những mánh khóe thương buôn ép giá người sản xuất và móc túi người tiêu dùng v.v….Tất cả những việc làm vừa nêu đều là những việc làm phi đạo đức mà luật pháp không thể phát hiện, không thể có đủ chứng cứ để kết tội họ được, do đó mà tạm gọi là “làm giàu chân chánh” vậy thôi.

Về sự hưởng thụ, đạo đức Phật giáo dạy rằng, muốn đời sống được thật sự an lạc thì con người cần hạn chế hưởng thụ dục lạc, vì dục lạc chính là nguồn gốc dẫn đến những tội lỗi sau này. Vì thế mà trong nhà chùa, người tu phải ăn chay trường, ngoài ý nghĩa tôn trọng sự sống các loài động vật, đó cũng là một hình thức tiết dục của đạo đức Phật giáo vậy. Tóm lại, có những việc mà luân lý và pháp luật thế gian không cấm nhưng đạo đức Phật giáo khuyên chúng ta không được làm nếu như muốn sống hạnh phúc. Đó chính là sự khác nhau giữa luân lý đạo đức thế gian với đạo đức Phật giáo.

Luân lý thế gian có tính chất hướng ngoại, lấy tha nhân làm đối tượng để điều chỉnh hành vi cá nhân cho phù hợp như Khổng Tử dạy: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (Cái gì mình không muốn ai làm với mình thì mình cũng đừng làm cho người khác). Vì vậy, pháp luật luôn đánh giá hành vi phạm tội của một người là khi hành vi ấy gây sự thiệt hại đối với một hay nhiều người khác, hoặc khi hành vi ấy gây thiệt hại cho xã hội, quốc gia v.v…Còn nếu như hành vi do một người gây ra mà không thiệt hại gì đến ai thì không kết thành tội. Thí dụ như một người uống rượu say mà không đi phá làng phá xóm thì không bị pháp luật xử tội, trái lại còn được bà con khen “Tánh tình thằng đó thiệt tốt, uống rượu say mà không quấy phá ai” (!)

nếu như hành vi do một người gây ra mà không thiệt hại gì đến ai thì không kết thành tội (ảnh minh họa)

Đạo đức Phật giáo thì không như vậy. Đối tượng để điều chỉnh hành vi của người Phật tử không căn cứ vào cá nhân, tập thể hay xã hội bên ngoài, mà lấy nội tâm chính mình để làm đối tượng. Để điều chỉnh hành vi của mình, người Phật tử lấy giới luật làm thước đo cụ thể.

Người HTGĐPT giữ 5 giới do Phật chế dành cho hàng Phật tử tại gia, là nền tảng căn bản của đạo đức Phật giáo. Trong 5 giới của người cư sĩ có giới thứ năm là: “Không uống rượu”. Vì vậy, một người cư sĩ đã quy y Tam Bảo và thọ ngũ giới rồi thì hành vi uống rượu là vi phạm đạo đức Phật giáo, dù uống say mà không quậy phá cũng không được xem là người “có tánh tình tốt”. Đó chính là điểm khác biệt thứ hai giữa luân lý thế gian và đạo đức Phật giáo.

Thói đời thường “khen phò mã tốt áo”, ít ai đánh giá đúng giá trị con người. Lý tưởng người huynh trưởng tuy không to tát, tuy đơn giản vậy, mà không phải dễ thực hiện cho viên mãn, bởi Đức Thích Ca cũng như nhiều bậc thầy vĩ đại trong lịch sử nhân loại luôn khẳng định: “Thắng ngàn quân địch không vẻ vang bằng tự chiến thắng mình. Chiến thắng mình mới là chiến thắng vẻ vang nhất”.

Người HTGĐPT thực hiện lý tưởng của mình tức là thường xuyên phải chiến thắng chính mình, nói cụ thể hơn là chiến thắng bàn năng “Vô minh” của chính mình để tiến tới xây dựng một con người giác ngộ, giải thoát và an lạc ngay trong đời sống này. Và bởi vì thành tựu của mỗi người chúng ta luôn có ảnh hưởng tốt lên cuộc sống quanh ta mà chúng ta có quyền tự hào nói rằng mơ ước được thành người hoàn thiện đạo đức Phật giáo chính là lý tưởng của chúng ta.

Mong rằng bạn cũng như tôi luôn tinh tấn trên con đường thực hiện lý tưởng của người HTGĐPT cho đến khi hoàn mãn để góp phần xây dựng một xã hội an vui.

Thân ái chào bạn.


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Như mái nhà vụng lợp,
Mưa liền xâm nhập vào.
Cũng vậy tâm không tu,
Tham dục liền xâm nhập.

Phẩm Song Yếu

Tháng 11 năm 2024
21
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Thứ 5
Ngày Kỷ Sửu
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
21
Tháng 10
Kiên Giang