Kinh Điển Nam Tông Và Kinh Điển Bắc Tông, Kinh Nào Mới Do Chính Đức Phật Thuyết? (tiếp theo)

Lời xin lỗi:

Trong bài viết trước, đoạn nói về cuộc kết tập kinh điển lần thứ 2 tác giả có viết : ”Đó là vào năm 444 trước Tây lịch, các Tỳ kheo đang hành đạo tại thành Vesaly nước Tỳ Xá Ly…” Chúng tôi xin đính chính như sau:

Vesàli là thủ đô của bộ tộc Licchavi (cũng giống như thành Ca Tỳ La Vệ là thủ đô của bộ tộc Thích Ca (Sakya)). Như vậy chúng ta có thể nói “thành Vesàli” hay nói “nước Vesàli” cũng đều được cả.

Tỳ Xá Ly là từ phiên âm của từ Vesàli. Do đó, viết “thành Vesàli nước Tỳ Xá Ly” là không phù hợp. Cách viết phù hợp là :”… các Tỳ kheo đang hành đạo tại thành Vesàli (Tỳ Xá Ly)…”

Vậy, Ban biên tập xin đính chính và chân thành xin lỗi quý độc giả.

Xem lại kỳ trước: Kinh Điển Nam Tông Và Kinh Điển Bắc Tông, Kinh Nào Mới Do Chính Đức Phật Thuyết?

Kết tập lần thứ III:

Sau lần kết tập thứ II khoảng 100 năm, Vua A Dục thống nhất toàn cõi Ấn Độ và lên ngôi hoàng đế. Ông là người rất hâm mộ Phật pháp. Nhận thấy có nhiều kẻ ngoại đạo trà trộn vào hàng ngũ Tăng Già để trục lợi, nhà vua cho mở đại hội kết tập kinh điển, đồng thời khảo hạch trình độ tu học chư tăng nhằm loại trừ những kẻ “giả Sư”.

Nhà vua giao cho ngài Mục Kiền Liên Tử Đế Tu (Moggaliputta Tissa) chủ trì hội nghị kết tập lần thứ III này. Hội nghị quy tụ 1000 vị trưởng lão thông hiểu Kinh, Luật tại Hoa Thị thành. Đại hội lần này là vào năm 308 trước Tây lịch, tức 236 năm sau ngày Phật Niết bàn. Đại hội kéo dài 9 tháng.

Sự kiện nổi bật trong đại hội là sự xuất hiện của tác phẩm “Luận Sự” do trưởng lão Mục Kiền Liên Tử Đế Tu viết. Vậy là tạng Luận đã có mặt, hình thành nên tam tạng kinh điển Phật giáo : Kinh – Luật – Luận kể từ nay. Tuy vậy, đến thời điểm này, Tam tạng kinh điển vẫn chưa được viết thành sách.

Trong lần kết tập thứ III có một sự kiện càng làm sâu sắc thêm sự chia rẽ giữa Thượng tọa bộ và Đại chúng bộ. Sự kiện đó như sau:

Ở nước Mathura thuộc miền Trung Ấn Độ có một vị A la hán tên Đại Thiên (Mahadeva) làu thông kinh điển, được đại chúng kính nể. Gặp ngày Bố tát tại chùa Kê Viên (Kukkutarama), Đại Thiên đối trước đại chúng đọc lên bài kệ gồm 5 điểm, và nói rằng: “Khi Phật còn tại thế, chư Thiên và Tứ chúng nói ra đều phải được Phật ấn chứng, mới gọi là kinh. Nay Phật đã diệt độ, nếu trong đại chúng có người thông minh, có tài thuyết pháp, cũng có thể trước tác được kinh điển”.

Bài kệ 5 điểm mà ngài Đại Thiên đọc trước đại chúng có nội dung cho rằng dù là bậc A la hán cũng vẫn còn 5 khuyết điểm. Bài kệ chỉ trích tư tưởng A la hán, manh nha tư tưởng Đại thừa. Đại chúng ngạc nhiên, đem 5 điểm trên ra tranh luận, có phe tán thành, có phe phản đối. Sự việc đến tai vua A Dục. Vua liền đích thân đến nơi hòa giải nhưng không thành. Chung cuộc, số người tán thành theo  tân thuyết của Đại Thiên chiếm số đông. Phe này tách ra thành lập Đại chúng bộ, lấy Trung Ấn làm địa bàn truyền đạo. Thiểu số bảo thủ thành lập Thượng tọa bộ, lấy nước Kasmira ở Bắc Ấn làm trung tâm truyền đạo….

Kinh Dien Nam Tong Va Kinh Dien Bac Tong Kinh Nao Moi Do Chinh Duc Phat Thuyet Tiep Theo 1

Bình luận:

Sau khi Phật nhập diệt khoảng 100 năm, chúng ta đã thấy xuất hiện trong Tăng đoàn những suy nghĩ khác nhau về thực hành giới luật mà cụ thể là 10 điều luật cải cách do nhóm tỳ kheo thành Vesàli chủ trương. Do dó mà có hội nghị kết tập kinh – luật lần II và rồi dẫn đến chỗ Giáo hội phân chia thành hai bộ là Thượng tọa bộ (phe bảo thủ) và Đại chúng bộ (phe cải cách). Tư tưởng bảo thủ và tư tưởng cải cách là tiền đề cho sự phân chia thành hai tông phái: Phật giáo Nguyên thủy và Phật giáo Đại thừa sau này.

Tiếp theo khoảng 100 năm sau nữa, phe cải cách xuất hiện thêm nhiều nhà tư tưởng mới, tiêu biểu như ngài Đại Thiên với chủ thuyết “A la hán vẫn còn mắc 5 khuyết điểm” chính là một cách phủ nhận giá trị của A la hán mà phe bảo thủ vẫn đề cao bấy lâu nay. Ngài Đại Thiên còn phát biểu:”Nếu có người thông minh, giỏi thuyết pháp cũng có thể trước tác kinh điển. Qua câu nói này, chúng ta suy đoán rằng thực tế Đại chúng bộ đã trước tác kinh Đại thừa (dạng phôi thai) trong thời gian này.

Đến đây chúng ta thấy sự đối lập khởi nguyên phân phái của Phật giáo  ở vào hai thời điểm quan trọng. Sự đối lập về Giáo hội khoảng 100 năm sau khi Phật nhập Niết bàn ở kỳ kết tập thứ II và đối lập về giáo lý khoảng hơn 200 năm sau khi Phật nhập Niết bàn, do 5 tân thuyết của Đại Thiên.

Kinh tạng Nguyên thủy truyền qua nước Tích Lan:

Cũng trong triều đại vua A Dục, vào năm 236 sau Phật nhập Niết bàn, con vua A Dục là vương tử Minhada xuất gia. Minhada theo lệnh của phụ vương  sang Tích Lan (Srilanka) truyền bá Phật giáo. Ông mang theo toàn bộ kinh Nguyên thủy (truyền khẩu) sang Tích Lan. Mãi đến năm 35 – 32 trước Tây lịch (tức khoảng 451 – 454 năm sau Phật nhập Niết bàn) dưới triều đại Vô Úy Vương, nhà vua triệu tập tất cả những vị Tăng làu thông kinh điển (sử không cho biết số lượng chư Tăng là bao nhiêu) họp tại chùa Alu gần thị trấn Matale (Tích Lan) để kết tập toàn bộ tam tạng kinh điển. Đến lúc này, kinh tạng Nguyên thủy mới được viết bằng chữ Pali trên các thanh lá cọ (lá bối). Những lá kinh này còn được lưu giữ đến ngày nay và được xem như quốc bảo của Tích Lan. Đó chính là Kinh Nikaya của Phật giáo Nguyên thủy mà ngày nay chúng ta được biết.

Vào thế kỷ XIII Tây lịch, nước Ấn Độ bị quân Hồi giáo tràn qua xâm chiếm. Thời gian đó, Tăng sĩ, học viện, tu viện, kinh điển, thánh tích… Phật giáo đều bị quân Hồi giáo tiêu diệt không còn một thứ gì.

Ai cũng tưởng từ ấy Phật giáo không còn trên thế gian này, nhưng thật ra Tam tạng Thánh điển Nikâya (Kinh tạng PG Nguyên Thủy) vẫn còn được trân trọng gìn giữ bên xứ Tích Lan.

Kinh Nikaya về sau được truyền từ Tích Lan sang các nước Nam Á và Đông Nam Á  như : Miến Điện, Thái Lan, Mã lai, Campuchia, Lào… được gọi chung là Nam phương Phật giáo hay Nam tông, còn có tên là Phật giáo Nguyên thủy, hay Phật giáo Theravada .

Các nhà học giả chuyên nghiên cứu về Phật giáo đều đồng ý rằng : Kinh Nikâya hiện nay không còn thuần nhất ghi chép lời dạy từ kim khẩu Đức Phật, mà đã có những bài kinh do các đệ tử đời sau trước tác thêm vào. Vì vậy cũng không nên quả quyết rằng chỉ có kinh Nikâya mới chính thống do Phật thuyết.

Còn về cách thức hành đạo ngày nay, các nhà Sư Nguyên Thủy cũng không còn bảo lưu đúng như xưa nữa vì hoàn cảnh đời sống xã hội đã thay đổi hoàn toàn. Thí dụ như về giới luật nhà sư không được giữ tiền thì ngày nay còn mấy Sư giữ được như trước?

Kinh Dien Nam Tong Va Kinh Dien Bac Tong Kinh Nao Moi Do Chinh Duc Phat Thuyet Tiep Theo 2

Sự ra đời của Kinh tạng Đại thừa:

Như chúng ta đã biết, tư tưởng cải cách trong Phật giáo sau khi Đức Phật nhập diệt đã xuất hiện rõ ràng trong kỳ kết tập kinh điển lần 2 (khoảng 100 năm sau Phật Niêt bàn). Mới đầu là đổi mới trong việc thực hành giới luật, dần dần đi đến đổi mới trong cách nhìn nhận giáo nghĩa. Sự xuất hiện tư tưởng mới trong Tăng đoàn ngày càng nhiều, dẫn đến sự phân chia ra thành nhiều bộ phái. Bên Thượng tọa bộ cũng như bên Đại chúng bộ. Có đến trên 20 bộ phái Phật giáo xuất hiện trong thời gian 400 năm sau khi Phật nhập diệt. Vậy thì, chúng ta sẽ không ngạc nhiên về sự ra đời của kinh điển Đại thừa.

Khoảng năm 50 trước Công nguyên (tức khoảng 600 năm sau khi Phật diệt độ), kinh điển Đại thừa bắt đầu xuất hiện, tạo môi trường và phương tiện để truyền bá tư tưởng Đại thừa. Trong khi kinh tạng Nikâya được ghi chép bằng chữ Pali thì kinh tạng Đại thừa được viết bằng chữ Sanskrit, một ngôn ngữ bác học mang tính học thuật cao, trong khi ngôn ngữ Pali được cho là ngôn ngữ bình dân.

Trong lịch sử văn học Đại thừa, kinh Bát Nhã (tiếng Phạn là Prajnaparamita-sutra) xuất hiện trước hết, rồi đến các kinh Bảo Tích (Ratnakuta-sutra), Hoa Nghiêm (Avatamsaka-stra). Sau đó mới đến những kinh như kinh Duy Ma Cật (Vimalakīrtinirdesa-sutra).

Vào thế kỷ thứ hai, có một học giả người Tỳ-Đạt-Bà (Vidharbha) rất thông minh, rất nổi tiếng, tên là Long Thọ (Nagarjuna) xuất hiện. Thầy đã biên tập rất nhiều kinh sách, trong đó có một tác phẩm rất xuất sắc là cuốn Đại trí Độ luận (Mahaprajnaparamitasutra). Đại trí Độ luận là một tác phẩm lớn, nhằm giảng giải kinh Bát Nhã. Trong sách này, thầy Long Thọ trích dẫn rất nhiều kinh Đại thừa đã xuất hiện trước khi thầy ra đời.Vào khoảng thế kỷ thứ năm  có hai thầy cũng rất nổi tiếng xuất hiện đó là thầy Vô Trước (Asanga), và thầy Thế Thân (Vasubandhu).

Kinh Đại thừa về sau được truyền bá vào các quốc gia phương Bắc như : Trung Quốc, Việt Nam, Tây Tạng, Triều Tiên, Nhật Bản… hình thành ra hệ phái Phật giáo Bắc tông hay Phật giáo Đại thừa.

KẾT LUẬN

Tóm lại, sự xuất hiện kinh điển Đại thừa bên cạnh kinh tạng Nikâya là một xu thế tất yếu của lịch sử phát triển đạo Phật trong thê giới loài người. Kinh Đại thừa ra đời nhằm xiểng dương đạo Phật đến các nước phương Bắc vốn có nền văn hóa tư tưởng khác biệt với văn hóa tư tưởng Ấn Độ. Bằng chứng là Phật giáo Nguyên thủy rất khó phát triển tại các quốc gia phương Bắc. Việt Nam ta được ưu thế là tiếp thu cả hai nền Phật giáo Nam truyền và Băc truyền. Hiện nay Phật giáo Việt Nam rất tự hào vì sở hữu cả hai đại tạng kinh Nguyên Thủy và Đại thừa đã được dịch ra tiếng Việt.

Phật tử chúng ta nên trân trọng cả hai vốn quý ấy và ra sức tu học để biến giáo nghĩa thành những giá trị thực tiễn trong đời sống xã hội. Được như thế là chúng ta đền đáp trong muôn một đại ân của Phật và các vị Thánh chúng bao đời nay đã ra sức xiểng dương Phật pháp bằng mọi phương tiện, đem đạo Phật đến với thế gian nhằm xoa dịu các nỗi khổ của nhân thế và đem lại hạnh phúc cho những ai biết quay đầu về bến giác.

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.