KIẾN HÒA ĐỒNG GIẢI
KHUẤT TẤT hay KHUẤT LẤP?
YẾU ĐIỂM hay ĐIỂM YẾU?
Kính thưa Ban biên tập,
Tôi thường nghe nhiều người dùng từ “Khuất tất” để nói về sự dấu diếm, che đậy một việc làm xấu nào đó hầu qua mắt thiên hạ để bản thân hưởng lợi bất chính. Xin BBT giải thích rõ về từ “khuất tất” để tôi hiểu rõ hơn. Ngoài ra, tôi cũng nghe nhiều người hay dùng từ “Yếu điểm” để nói về một điểm yếu (không mạnh) của người hay sự vật, sự việc… Đề nghị BBT giải thích cho tôi hiểu vì sao người ta không nói “điểm yếu” mà thích dùng từ “yếu điểm” vậy? Xin cảm ơn BBT. ( giacng…@gmail.com)
Kính thưa bạn đọc giacng…@gmail.com thân mến,
Trong đời sống hiện nay tại Việt Nam có rất nhiều từ ngữ bị dùng sai nghĩa. Thí dụ:
-Từ khuất tất được dùng để chỉ những việc làm khuất lấp của ai đó
-Từ yếu điểm được dùng để nói nói về nhược điểm (điểm yếu) của ai đó
-Vân vân…
Hôm nay, chúng tôi xin chia sẻ với bạn về thực nghĩa của hai từ khuất tất và yếu điểm để từ đó chúng ta dùng từ cho đúng nghĩa, vì cổ nhân có dạy: “Đừng thấy cái hại nhỏ mà cứ làm, vì một đốm lửa nhỏ cũng có thể thiêu rụi cả cánh rừng bạt ngàn”
KHUẤT TẤT và YẾU ĐIỂM là 2 từ Hán-Việt. Nghĩa của hai từ này hoàn toàn khác với ý nghĩa mà mọi người hiện nay đang dùng trong giao tiếp hằng ngày hoặc đang dùng trong các bản tin, bài báo… trên các phương tiện truyền thông.
Theo Hán Việt tự điển của Thiều Chửu, trang 156 và trang 524 định nghĩa như sau:
– Khuất : theo nghĩa đen là Cong, phàm sự gì cong không duỗi ra được đều gọi là khuất. Mở rộng theo nghĩa bóng có từ lý khuất từ cùng tức theo dân gian thường gọi là lý sự cùn. Như ai đó bị oan không giải bày được nỗi oan của mình thì gọi là oan khuất.
– Tất : nghĩa là đầu gối.
Khuất tất nghĩa là quỳ gối . Uốn gối nịnh nọt cầu cạnh người khác cũng gọi là khuất tất.
Đối với cha mẹ gọi là tất hạ xuất xứ từ câu tất hạ thừa hoan nghĩa là (con) nương vui dưới gối (cha mẹ)
Tự điển Việt Nam do Ban Tu thư Khai Trí xuất bản, trang 484 định nghĩa khuất tất là luồn lụy (cũng đồng nghĩa với “nịnh nọt cầu cạnh”)
Như vậy, do không hiểu biết và lười tìm hiểu nên tuyệt đại đa số người hôm nay, trong đó có cả những người có học vị cao, đều dùng sai từ khuất tất mà không hề biết.
Đúng ra, người ta phải dùng từ KHUẤT LẤP mới hợp với ý nghĩa câu đang nói.
Là từ thuần Việt hay còn gọi là là từ Nôm. Tự điển Việt Nam, trang 484 định nghĩa từ KHUẤT như sau:
– Khuất: một vật hay việc gì bị một vật, việc khác che chắn khiến người khác không nhìn thấy thì gọi là khuất. Mở rộng nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, người ta thường dùng nhũng từ như: khuất mắt (không thấy), khuất mặt, khuất bóng, khuất núi (chỉ người không còn sống trên đời) v.v…
– Lấp: Tự điển Việt Nam trang 503 định nghĩa:
Mở rộng nghĩa bóng, người ta thường dúng những từ như: lấp liếm (che đậy), lấp ló (lúc thấy lúc không), lấp lửng (mập mờ khó tin) v.v…
Ghép hai từ khuất và lấp lại ta có từ ghép khuất lấp để nói lên tình trạng giấu giếm, che đậy không cho người khác biết sự thật việc mình đã và đang làm.
Theo các tự điển xưa thì không thấy có danh từ ghép khuất lấp, có lẽ thời gian trước đây trong đời sống thường ngày người ta không (hoặc ít) dùng từ ghép này.
Trước năm 1975, họa hoằng lắm mới tìm thấy có trường hợp một nhạc sĩ sử dụng từ khuất lấp trong một tác phẩm ca khúc của mình, đó là ca khúc “Thương Nhau Ngày Mưa” của nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang. Xin trích dẫn ra đây câu mở đầu bài hát:
“Khi mặt trời vắng bóng – Khi lời nguyền khuất lấp – Khi lạc loài kiếp sống xa mỏi mong – Như giọt buồn nước mắt – Như ngại ngùng héo hắt – Thương người về buốt giá trên đường xa.” V.v…
Như vậy, ta thấy rõ nhạc sĩ sử dụng từ khuất lấp ở đây rất là đúng với ngữ nghĩa câu hát.
Qua sự trình bày khá chi tiết trên đây, chúng tôi cầu mong sao những độc giả hữu duyên đọc được bài viết này từ nay sẽ dùng từ khuất lấp để thay thế cho từ khuất tất mà bấy lâu nay nhiều người đã dùng sai.
Hãy bỏ hẳn từ khuất tất ra khỏi ngôn ngữ thường ngày đi. Còn như gặp trường hợp cần nói về việc “quỳ gối” thì ta cứ nói “quỳ gối”, cần gì nói “khuất tất”?
YẾU ĐIỂM: theo Hán Việt tự điển của Thiều Chửu, trang 605 định nghĩa như sau :
-Yếu : quan trọng nhất (trọng yếu), cần thiết nhất (thiết yếu).
Theo tự điển Việt Nam nhà sách Khai Trí trang 952 định nghĩa
-Yếu điểm : điểm quan trọng nhất
Mở rộng phạm vi dùng chữ, người ta thường dùng một số từ liên quan như:
– Yếu khu : khu vực trọng yếu cần phòng thủ nghiêm ngặt
– Yếu nhân : nhân vật rất quan trọng cần bảo vệ đặc biệt. Các nước phương Tây có cụm từ “Very Important Person” viết tắt VIP dịch ra tiếng Việt là “Người rất quan trọng” để nói về các nhà lãnh đạo quốc gia, những người có địa vị cao trong xã hội v.v…
Như vậy yếu điểm nghĩa là điểm quan trọng chứ không phải điểm yếu như người ta vẫn dùng sai .
Vậy, muốn nói về khuyết, nhược điểm của một người, ta phải dùng từ điểm yếu hay nhược điểm chứ không dùng từ yếu điểm như trước nay nhiều người vẫn hay dùng sai.
Thân kính chào bạn.
BAN BIÊN TẬP