Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử Và Việc Thờ Cúng Thổ Địa, Thần Tài

G

Không biết tại miền Trung, cái nôi của Gia Đình Phật Tử, thì như thế nào; còn như ở Nam bộ, nhất là tại các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam bộ, việc thờ thần tài, thổ địa, bà chúa xứ, Quan Công v.v… trong nhà huynh trưởng Gia Đình Phật Tử (GĐPT) là rất phổ biến.

Nếu trường hợp huynh trưởng còn ở chung với cha mẹ thì có thể viện dẫn lý do cha mẹ thờ chứ không phải mình thờ. Nhưng rất nhiều trường hợp huynh trưởng đã lập gia đình ra ở riêng, có khi cả vợ và chồng đều là huynh trưởng GĐPT, thì việc thờ cúng thần tài, thổ địa trong nhà vẫn diễn ra.

Việc huynh trưởng GĐPT thờ cúng thần tài, thổ địa trong nhà cũng không riêng cho độ tuổi nào, lão niên có, trung niên có và tráng niên cũng vẫn có. Thế mới biết cái sự mê tín này đã ăn vào xương tủy tới mức “thâm căn cố đế” từ bao đời nay, mặc dù có huynh trưởng đã ở tuổi “cổ lai hy”,  vậy mà vẫn  mê tín thờ cúng thần tài, thổ địa trong nhà.

Ai cũng biết tín ngưỡng thờ cúng thần tài, thổ địa cũng như rất nhiều vị thần khác xuất phát từ tín ngưỡng dân gian Trung Hoa, đến nay được coi là tàn dư của “một ngàn năm nô lệ giặc Tàu” của dân tộc ta.

Hãy xem người Trung Hoa đã bịa ra thần tài và thổ địa như thế nào. Sách sử Trung Hoa viết rằng:

Theo truyền thuyết xưa, có một người lái buôn Trung Hoa tên là Âu Minh khi đi qua hồ Thanh Thảo tình cờ gặp Thủy Thần, được Thủy Thần cho một người gia nhân tên là Như Nguyện. Âu Minh đem Như Nguyện về nuôi ở trong nhà, từ đó công việc làm ăn của Âu Minh mỗi ngày một phát đạt. Trong một ngày Tết, vì một lý do nào đó, Âu Minh đánh Như Nguyện. Như Nguyện quá sợ hãi bèn chui vào đống rác và biến mất. Từ đó Âu Minh làm ăn thua lỗ, chẳng mấy chốc nghèo xác nghèo xơ.

Người ta bảo Như Nguyện là Thần Tài và lập bàn thờ Như Nguyện, cũng chính vì thế mà bàn thờ Thần Tài thường nằm ở một góc khuất trong nhà. Theo điển tích này, trong 3 ngày Tết có tục kiêng quét nhà, hốt rác vì sợ làm mất thần Tài ẩn trong đống rác.

Lại có truyền thuyết khác cho rằng:

Vùng núi Võ Đang có một ông già tên là Triệu Công Minh nhà rất nghèo. Ngày ngày, ông xách giỏ đi khắp nơi xin quần áo cũ để mặc và xin cơm cặn canh thừa để ăn. Nghèo đến thế nhưng ông lão có nuôi một con chó đen già và một con vịt lông vằn không đẻ trứng. Gần đấy có một ông phú hộ, gọi là Tiền Viên Ngoại, xa xỉ và bất nhân, cơm ăn không hết thì đem đổ xuống cống, áo mặc cũ rồi thì bỏ vào đống rác. Ông lão họ Triệu thấy vậy mới lượm gom hết các quần áo cũ đem phân phát cho những người nghèo, hốt các canh thừa cơm cặn ấy về nuôi chó và vịt.

Bỗng một hôm, con vịt đẻ ra 10 quả trứng vàng, còn con chó già thì khạc ra 10 thỏi bạc. Từ đó thành lệ, mỗi ngày vịt và chó đều đẻ và khạc ra vàng bạc cho ông Triệu. Ông Triệu trở nên rất giàu có, trong lúc Tiền Viên Ngoại thì càng lúc càng nghèo. Một thời gian sau, Tiền Viên Ngoại phải đi ăn xin, khi gặp lại Triệu Công Minh, lão Viên cảm thấy rất xấu hổ. Họ Triệu thông cảm, giúp cho lão Viên một số tiền kha khá, đủ làm vốn liếng làm ăn, nhưng lão Viên quen phá gia, chẳng làm ăn đươc gì, hết sạch cả vốn liếng. Lão Viên lại sinh ác tâm, thấy họ Triệu giàu lớn như vậy bèn tính giết Triệu Công Minh để chiếm đoạt tài sản. Lão Viên thừa lúc vắng vẻ, lén đốt nhà của Triệu cháy thành tro, nhưng họ Triệu không chết, con vịt biến thành chim phụng bay vút lên trời, con chó già biến thành con cọp đen xông ra cắn chết lão Viên, tất cả vàng bạc của Triệu đều hóa thành đá, và Triệu Công Minh biến thành thần tài. Dân chúng lập miếu thờ Triệu Công Minh gọi là miếu thần tài.

Nhưng có thuyết khác lại nói ông chính là người giúp Văn Trọng nhà Thương đánh Khương Tử Nha. Sau khi tử trận lên bảng Phong Thần, ông được sắc phong làm Chính Nhất Long Hổ Huyền chân quân thống lĩnh bốn vị thần: Chiêu Bảo, Nạp Trân, Chiêu Tài, Lợi Thị. Thuyết này được nhiều người tin theo.

Về sự tích Thổ Địa thì không thấy tài liệu nào ghi rõ họ tên gì, quê quán ở đâu, lý do nào được quần chúng tôn thờ với chức năng cai quản đất đai. Có thuyết lại nói rằng Thần Tài và Thổ Địa chỉ là một người v.v…

Qua những truyền thuyết rất mơ hồ và khác nhau về thần tài và thổ địa như trên, chúng ta thấy rõ hai nhân vật này là sản phẩm của tín ngưỡng dân gian sơ khai do con người tự đặt ra chứ không có thật. Khi con người còn lạc hậu về khoa học kỹ thuật, còn sợ hãi và bất lực trước các hiện tượng thiên nhiên diễn ra hằng ngày, họ thường tin rằng thế giới mà họ đang sống được cai quản bởi các vị thần như : thần đất, thần sông, thần mây, thần mưa, thần sấm, thần chớp v.v…Vì vậy mà con người cho ra đời các tôn giáo dựa trên niềm tin thượng đế và thần linh.

Nhưng đến khi Đức Phật Thích Ca thành đạo, với trí tuệ siêu việt thấu suốt tất cả chân lý của vũ trụ và nhân sinh , Ngài cực lực bác bỏ thuyết có một thần linh sáng tạo ra thế giới và con người (tín ngưỡng nhất thần), đồng thời Ngài cũng bác bỏ thuyết có nhiều vị thần có quyền ban phước giáng họa cho con người (tín ngưỡng đa thần). Ngài xác nhận Con người mới chính là chủ nhân thế giới này, con người mới quyết định hạnh phúc hay khổ đau cho mình, chứ không phải thần linh làm việc đó.

Huynh trưởng GĐPT là những người học trò nguyện suốt đời học và tu  theo lời Phật dạy. Ngay từ ngày đầu tiên vào chùa quy y Tam Bảo để chính thức trở thành Phật tử, anh chị em huynh trưởng đã thành tâm khấn nguyện : “Con nguyện quy y Phật, không quy y thiên thần quỷ vật” . Thần tài, Thổ địa cũng như nhiều vị thần linh khác đều thuộc vào hàng “thiên thần quỷ vật” mà anh chị em huynh trưởng đã thề không quy y . Vậy mà sao người huynh trưởng GĐPT còn thờ cúng họ?  Phải chăng các anh chị này cho rằng lời Phật dạy là không đúng chân lý ? Hoặc các anh chị cho rằng lời nguyện thề của mình lúc làm lễ quy y Tam Bảo chỉ là lời nói đùa?

 

Việc huynh trưởng GĐPTthờ cúng thần tài thổ địa trong nhà là việc làm mang tính “lợi bất cập hại” . Xin đơn cử một số điều bất cập như sau:

Điều bất cập thứ nhất:

việc thờ cúng thần tài thổ địa chắc chắn không mang lại lợi ích gì về tiền tài vật chất cho gia chủ. Nếu sự thờ cúng này thực sự có kết quả theo mong muốn thì cả nước Việt Nam này đâu cần làm gì, chỉ thờ cúng thần tài thổ địa thôi cũng đủ làm cho “nước giàu dân mạnh” rồi, đâu có còn nghèo như hôm nay. Nhưng thực tế thì Việt Nam vẩn còn là nước nghèo, nhất là những người có thờ cúng thần tài thì vẫn phải làm lụng cực khổ mới có ăn, thử đừng làm gì hết, cả ngày chỉ ngồi ôm tượng thần tài mà cầu khấn xem có chết đói hay không!

Một đạo lý rõ ràng như thế không một ai có thể cãi lại được. Vậy mà huynh trưởng GĐPT, những người tự xưng mình là “hiếu tử của Đức Phật” sao lại không quán triệt, để rồi ngày nào cũng sì sụp lễ lạy khấn cầu , mong mỏi có được thứ hư ảo không có thật?

Điều bất cập thứ hai :

đã nói, huynh trưởng GĐPT là người được nhà chùa và phụ huynh tín nhiệm giao việc hướng dẫn Phật pháp cho con em Phật tử nhằm mục đích đào luyện các cháu sau này trở nên Phật tử chân chánh có ích cho đời, cho đạo. Vì vậy, khi đã phát nguyện làm huynh trưởng GĐPT, chúng ta phải xứng đáng với sự tin tưởng ấy, nghĩa là chúng ta phải trung thành với lời Phật dạy, trong suy nghĩ, lời nói và việc làm đều thể hiện Chánh tín. Huynh trưởng phải nêu gương thân giáo cho đoàn sinh noi theo. Thí dụ: một hôm, các em đoàn sinh đến nhà anh (chị), trông thấy anh (chị) thờ cúng thần tài, thổ địa, các em thắc mắc “tại sao anh (chị) dạy chúng em không nên mê tín vào thần linh , thế mà anh (chị) lại tin vào thần tài, thổ địa?” thì huynh trưởng chúng ta trả lời các em ra sao? Chỉ vì một việc làm thiếu suy nghĩ mà huynh trưởng chúng ta đánh mất niềm tin nơi đoàn sinh, bao nhiêu công lao hướng dẫn các em thời gian qua xem như “đổ sông, đổ biển”!

Điều bất cập thứ ba:

Rất nhiều huynh trưởng khi đươc hỏi “anh (chị) thật sự tin vào thần tài à?” thì các anh (chị) đều lúng túng tìm cách tránh né không trả lời thẳng thắn vào vấn đề. Điều này chứng tỏ rằng các anh, chị không có lý lẽ chính đáng trong việc thờ cúng thần tài, thổ địa. Đa số huynh trưởng được hỏi đã trả lời “Tại vì thấy ông bà cha mẹ mình trước đây đã thờ thì nay mình bắt chước thờ theo”. Qua đó, chúng ta thấy việc thờ cúng thần tài, thổ địa của huynh trưởng GĐPT là quán tính trong tín ngưỡng thờ cúng, tức là một việc làm vô ý thức, chứ không phải xuất phát từ trí tuệ của người Phật tử.

Việc thờ cúng theo “quán tính” như trên sẽ đem lại hậu quả không tốt sau đây:

1-Huynh trưởng bị mất uy tín với chính đoàn sinh của mình vì tình trạng “nói không đi đôi với làm” của huynh trưởng.

2-Làm giảm giá trị đạo Phật trước dư luận xã hội và cung cấp bằng chứng cho các tôn giáo bạn chỉ trích, phê phán (trong khi lý tưởng của huynh trưởng GĐPT là tìm mọi cách tôn vinh giá trị của Phật giáo trong đời sống xã hội)

3-Làm suy giảm giá trị giáo dục của tổ chức GĐPT trong công cuộc đào luyện thanh, thiếu, đồng niên tin Phật trở thành Phật tử chân chánh. Và làm lu mờ hình ảnh của người huynh trưởng Gia Đình Phật Tử Việt Nam.

Tóm lại, việc huynh trưởng GĐPT thờ cúng thần tài, thổ địa cùng nhiều thần linh khác trong nhà là một việc làm vô ý thức, mang tính lợi bất cập hại, và hoàn toàn đi ngược lại với giáo lý đạo Phật .

Về mặt lợi:

việc thờ cúng để cầu xin các vị thần ban cho ta cái ta mong muốn là điều không tưởng, bằng chứng là không có người nào, dân tộc nào hay quốc gia nào trên hành tinh này nhờ vào thần linh mà được dân giàu nước mạnh cả. Thực tế cho thấy, muốn dân giàu nước mạnh thì phải siêng năng làm ăn, sáng tạo trong nghề nghiệp, đầu tư thích đáng và làm chủ công nghệ trong sản xuất. Còn chỉ đặt niềm tin vào thần linh mà không tự lực cánh sinh thì hậu quả sẽ không có lợi gì đến với mình cả.

Về mặt hại:

Có ba điều hại lớn là :

  1. Mất tư cách người huynh trưởng GĐPT
  2. Suy giảm giá trị giải thoát của đạo Phật
  3. Ảnh hưởng bất lợi cho đường lối giáo dục của tổ chức GĐPT

Thiết tưởng anh chị huynh trưởng nào đang thờ cúng thần tài, thổ địa và các vị thần linh khác trong nhà, nên suy nghiệm lại việc mình làm và hủy bỏ việc thờ cúng mê tín này. Được như vậy, các anh chị mới xứng đáng với thiên chức của người huynh trưởng Gia Đình Phật Tử Việt Nam.

ĐỨC HIỀN (TP.Hồ Chí Minh)


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Như mái nhà vụng lợp,
Mưa liền xâm nhập vào.
Cũng vậy tâm không tu,
Tham dục liền xâm nhập.

Phẩm Song Yếu

Tháng 07 năm 2024
27
Giờ hoàng đạo: Tý (23-1), Sửu (1-3), Mão (5-7), Ngọ (11-13), Thân (15-17), Dậu (17-19)
Thứ 7
Ngày Nhâm Thìn
Tháng Tân Mùi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
22
Tháng 06
Kiên Giang