Gia Đình Phật Tử Việt Nam (GĐPT) là một tổ chức giáo dục thanh thiếu đồng niên tin Phật theo tinh thần Phật giáo. Do vậy, tất cả môn học trong chương trình sinh hoạt GĐPT như : Phật pháp, Văn nghệ, Hoạt động Thanh niên v.v… đều hướng đến mục tiêu giáo dục chân-thiện-mỹ cho đoàn sinh.
Tuy nhiên, trong khi hai môn học Phật pháp và Hoạt động Thanh niên đã được BHD Phân ban GĐPT trung ương soạn thành chương trình hoàn chỉnh để các đơn vị GĐPT trong cả nước thực hiện thống nhất, thì bộ môn âm nhạc, một trong các môn thuộc phần Văn nghệ chưa được trung ương quan tâm biên soạn thành chương trình cụ thể.
Nói đến văn nghệ là bao gồm nhiều bộ môn khác nhau như : văn học, nghệ thuật, âm nhạc, báo chí, sân khấu… Trong phạm vi bài viết này chúng tôi chỉ đề cập đến bộ môn âm nhạc, mà là âm nhạc trong GĐPT chứ không phải âm nhạc chung chung.
Ai cũng công nhận vai trò cần thiết của âm nhạc trong sinh hoạt GĐPT. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy âm nhạc GĐPT đang bị mai một hoặc bị “tam sao thất bổn” rất nhiều. Nếu chúng ta không kịp thời chấn chỉnh tình trạng hiện nay của ăm nhạc GĐPT thì tổ chức áo Lam sẽ mất đi một phương tiện giáo dục vô cùng hiệu quả, đồng thời chúng ta cũng sẽ phung phí tâm huyết và công sức của biết bao nhạc sĩ qua nhiều thập kỷ đã sáng tác những ca khúc dành cho GĐPT, để ngày hôm nay chúng ta có được một gia tài đồ sộ về âm nhạc Gia đình Phật tử (AN-GĐPT).
Muốn chấn chỉnh lại tình trạng sa sút của AN-GĐPT hiện nay, rất cần có sự chung tay góp sức của tất cả anh chị huynh trưởng trong cả nước, trong đó 3 thành phần quan trọng có tính quyết định là:
Việc cần làm trước mắt là tập họp 3 thành phần trên vào một Hội thảo toàn quốc. Công việc của Hội thảo là bàn bạc những vấn đề cần làm để khôi phục nền AN-GĐPT trong sinh hoạt GĐPT hiện nay, đồng thời đề ra những kế hoạch lâu dài nhằm bảo tồn và phát triển AN-GĐPT trong tương lai.
Nội dung chia sẻ của chúng tôi trong bài viết này gồm 3 phần:
Qua hơn 20 năm từ khi ra đời (1951-1975), AN-GĐPT đã dần dần hình thành và càng ngày càng phong phú. Các bài hát được sử dụng trong sinh hoat GĐPT xuất xứ từ 3 nguồn sáng tác :
-Một là do các huynh trưởng GĐPT sáng tác, chiếm đại đa số trong nền AN-GĐPT
-Hai là do các nhạc sĩ Phật tử hoặc có cảm tình với Phật giáo sáng tác, thường là những tác phẩm trình diễn sân khấu, số lượng không nhiêu lắm.
-Ba là một số ít bài được vay mượn từ những sinh hoạt thanh thiếu niên ngoài xã hội như Hướng Đạo sinh, sinh hoạt Sinh viên Học sinh … Đây là những bài hát vui ngắn, có nội dung lành mạnh phù hợp với tuổi trẻ.
AN-GĐPT có một vai trò vô cùng quan trọng trong sinh hoạt GĐPT. Các bài hát luôn có mặt trong từng sinh hoạt của Gia đình. Thí dụ:
-Lễ Phật, lễ đoàn thì có các bài hát nghi thức
-Bài hát khi tập họp vòng tròn
-Bài hát vui trước khi vào tiết học
-Bài hát trong khi đi cắm trại, lửa trại
-Bài hát trong khi chơi trò chơi nhỏ
-Bài hát chào mừng khách
-Bài hát truyền thống khơi gợi tình yêu áo Lam
-Bài hát trình diễn sân khấu
-Vân vân…
Có thể nói AN-GĐPT đã trở thành một phần quan trọng của truyền thống tổ chức GĐPT từ ngày ra đời đến nay.
Mặc dù vào năm 1965, BHD.GĐPT Trung ương có ấn hành 1 tập ca khúc Phật giáo mang tên Nhạc Sống nhưng nhìn chung việc phổ biến AN-GĐPT trước năm 1975 là rất hạn chế. Tình hình này đưa đến kết quả là hầu hết các Gia đình thường thiếu các tập nhạc để hướng dẫn đoàn sinh hát. Một vài địa phương ấn hành các tập nhạc được quay roneo nên thường bị một số lỗi về kỹ thuật.
Trong việc hướng dẫn các bài hát GĐPT cho đoàn sinh trước đây thường lệ thuộc vào năng lực vê âm nhạc của huynh trưởng, mà như chúng ta đều biết, đâu phải Gia đình nào cũng có huynh trưởng có trình độ âm nhạc để hướng dẫn đoàn sinh hát đúng 100% , thành thử đã có tình trạng cùng một bài mà hai Gia đình hát không hoàn toàn giống nhau. Tình trạng này cũng không có gì là nặng nề to tát lắm, nhưng chúng ta không thể chấp nhận tình trạng “thiếu chuyên nghiệp” như vậy trong một tổ chức có bề dày truyền thống như GĐPT.
AN-GĐPT trước năm 1975 có thể ví như một tòa lâu đài nguy nga đồ sộ nhưng nền móng chưa được xây dựng vững chắc lắm. Vậy mà tòa lâu đài này bị bỏ hoang suốt hơn 20 năm (1975-1997) khi mà GĐPT cả nước phải tạm ngưng sinh hoạt.
Đến năm 1997, khi được phép tái sinh hoạt thì các tài liệu về AN-GĐPT đã bị thất lạc gần hết. Trong số huynh trưởng trước năm 1975 còn lại tiếp tục sinh hoạt thì số người nhớ thuộc các bài hát GĐPT chẳng còn được bao nhiêu. Các đơn vị Gia đình buộc phải vay mượn các bài hát của Đoàn đội đưa vào sử dụng, trong khi các bài hát GĐPT mang tính giáo dục cao đã làm nên truyền thống của tổ chức Áo Lam thì mai một dần và có khả năng biến mất vĩnh viễn. Hiện nay, GĐPT giống như một người giàu có mà phải đi ăn xin kiếm sống.
Tình trạng này có thể gọi là “bi kịch” trong tiến trình hoạt động của tổ chức Áo Lam. Chúng ta là những người có trách nhiệm phải nhìn ra và cấp bách giài quyết vấn đề này. Rất may mắn là BHD Trung ương đã nhận ra vấn đề, vì vậy mà chúng ta đang có mặt tại Hội thảo âm nhạc hôm nay để chung tay góp sức khôi phục lại tòa lâu đài AN-GĐPT trở lại huy hoàng tráng lệ như nó vốn đã có.
Để Hội thảo thành công viên mãn, chúng tôi xin mạo muội đề xuất một số ý kiến để hội nghị xem xét tiến hành:
* Sưu tầm : Hiện tại, các ca khúc GĐPT đang được nhiều anh chị huynh trưởng cao niên, lảo thành lưu giữ. Chúng ta cần thiết sưu tầm cho hết những ca khúc này.
* Chỉnh lý : Chắc chắn sẽ có ít nhiều lỗi kỹ thuật hoặc bị “tam sao thất bổn” trong một số bản nhạc được sưu tầm, đồng thời cũng cần phục hồi tên tác giả cho ca khúc… Công việc này cần do một Hội đồng thẩm định có uy tín tiến hành.
* Biên tập : bao gồm phân loại, tuyển chọn, loại bỏ… để quy tập lại thành một tuyển tập ca khúc GĐPT bao gồm: nhạc nghi thức, nhạc sinh hoạt, nhạc trình diễn.
Hiện nay, chúng ta đã có quy định thống nhất một số bài hát nghi thức , tuy nhiên vẫn còn chưa đầy đủ. Tôi xin đơn cử những bài hát cần được Trung ương ban hành để thống nhất sử dụng tại tất cả các Gia đình như sau :
-Bài ca chính thức đoàn Nam Phật tử
-Bài ca chính thức đoàn Nữ Phật tử
-Bài ca chính thức đoàn Thiếu nam
-Bài ca chính thức đoàn Thiếu nữ
-Bài ca chính thức đoàn Nam Oanh vũ
-Bài ca chính thức đoàn Nữ Oanh vũ
Ngoài ra, chúng tôi cũng xin mạnh dạn đề nghị Hội thảo xem xét có nên chọn bài ca chính thức cho Trại họp bạn ngành Thanh-Thiếu (thường gọi là trại Lục Hòa), trại Dũng, trại Hạnh, trại Hiếu ?
Hiện nay chúng ta cũng chưa quy định bài ca chính thức của trại huấn luyện Tu Đạt Đa &Tỳ Xá Khư (ngành Thanh), trại Anoma & Ni Liên (ngành Thiếu) và trại Tuyết Sơn (ngành Đồng)
Sau khi Hội đồng thẩm định đã hoàn tất công việc sưu tầm, chỉnh lý, biên tập tất cả các bài hát, tiếp theo là công việc chuyên môn của 3 bộ phận :
Sau cùng là phổ biến đến tận các đơn vị để huynh trưởng hướng dẫn đoàn sinh theo chương trình môn hát nhạc.
Chương trình môn hát nhạc GĐPT hiện nay chỉ ghi “Biết thêm 5 bài hát” mà không ghi rõ bài hát gì. Như vậy, chưa nói đến Gia đình tỉnh này gặp đơn vị tỉnh khác; thậm chí các Gia đình chung trong một tỉnh cũng có thể không cùng thuộc bài hát giống nhau, dẫn tới trở ngại khi cùng nhau ca hát mỗi lần gặp gỡ giao lưu.
Một điều bất cập khác là chương trình hiện nay cho đoàn sinh học cả nhạc lý. Việc này là bất khả thi vì các Gia đình tìm đâu ra người có trình độ nhạc lý để hướng dẫn các em. Chúng tôi đề nghị bỏ phần nhạc lý vì ở nhà trường các em đã được dạy rồi. Đồng thời nên tăng số lượng bài hát ở mỗi bậc học (thay vì 5 bài như hiện nay) cho các em thuộc càng nhiều bài hát càng tốt.
Để theo kịp trào lưu ca hát mỗi ngày một đa dạng phong phú, chúng tôi đề nghị Ban Văn nghệ Trung ương tổ chức cuộc thi sáng tác ca khúc mới, ít nhất 5 năm một lần. Các bài hát truyền thống trước đây tuy rất hay nhưng các em hát mãi rồi cũng sẽ chán, vì vậy chúng ta cần có ca khúc mới để “thay đổi khẩu vị” cho các em và làm cho các em thêm yêu thích bài hát GĐPT.
Dân vũ hiện là phong trào rất được học sinh viên viên ưa thích, chúng tôi thiết nghĩ nên đưa Dân vũ vào sinh hoạt GĐPT. Tuy nhiên, chúng tôi đề nghị Ban Văn nghệ Trung ương cần biên soạn các điệu múa dân vũ trên nền nhạc GĐPT và phổ biến đến các tỉnh, thành để các Gia đình đưa vào chương trình hướng dẫn môn Văn nghệ, Như vậy chúng ta vừa tiếp thu cái mới nhưng vẫn giữ được bản sắc tổ chức áo Lam.
Văn nghệ nói chung, âm nhạc nói riêng vừa có giá trị giáo dục về Mỹ học cho đoàn sinh, vừa giúp cho tinh thần các em hứng khởi trong các buổi sinh hoạt, đồng thời còn là động năng thu hút giới trẻ đến với GĐPT. Do tầm quan trọng của môn âm nhạc trong GĐPT, chúng ta cần dành cho bộ môn này sự quan tâm ưu ái cùng với công sức đầu tư để bảo tồn và phát triển nó một cách xứng đáng.
Đó chính là thực hiện đổi mới sinh hoạt GĐPT theo chủ trương của BHD Trung ương tại hội nghị huynh trưởng toàn quốc lần thứ 11 vậy.
Huynh trưởng cấp Tín
Trí Ngọc TRẦN THỊ THANH ĐÀO
Ủy viên Văn nghệ BHD.PB Gia Đình Phật Tử
Tỉnh Kiên Giang